Phóng to |
Giáo sư Ngô Bảo Châu giao lưu với học sinh Trường THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) trong ngày khai giảng. Đây là ngôi trường ông đã học thời niên thiếu - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH |
Lễ khai giảng năm học mới tại Hà Nội diễn ra trang trọng. Ở các quận nội thành, lễ khai giảng là dịp để các nhà trường tôn vinh những học sinh giỏi, học sinh có thành tích xuất sắc, còn ở một số huyện khó khăn của Hà Nội, lễ khai trường là dịp để tổ chức quyên góp, giúp đỡ, động viên chia sẻ đối với những học sinh nghèo.
Trường không chạm đất
Học sinh Trường Sa vào năm học mới Sáng 5-9, các giáo viên, học sinh ở huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) đã tổ chức khai giảng năm học mới 2012-2013. Lãnh đạo UBND thị trấn Trường Sa đã đến dự, tặng giấy khen các học sinh đạt thành tích cao trong năm học trước, đồng thời động viên thầy cô giáo và các em dạy tốt, học tốt trong năm học mới. Cũng trong sáng 5-9, Trường tiểu học xã đảo Song Tử Tây đã khai giảng năm học mới. Ông Lê Tuấn Tứ, giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa, cho biết sở tiếp tục chỉ đạo và tăng cường hỗ trợ để việc dạy và học tại huyện Trường Sa đạt kết quả cao trong năm học 2012-2013. “Năm nay Sở GD-ĐT Khánh Hòa chuẩn bị về mọi mặt, nhất là công tác tuyển dụng giáo viên, để năm học 2013-2014 sẽ tổ chức dạy chương trình bậc THCS tại Trường Sa. Các học sinh tốt nghiệp tiểu học sẽ học ngay tại đảo, không phải về đất liền như trước nay” - ông Tứ cho biết. |
Trường nghèo, phụ huynh học sinh cũng nghèo. Nhiều học sinh khối 2, 3, 4, 5 không được mặc áo mới trong ngày khai giảng. Trường không sân, không có chỗ nô đùa, chạy nhảy, thành ra khai trường ở nơi này thiếu hẳn những nụ cười rạng rỡ thường thấy. Bao nhiêu năm tháng qua, thầy trò Trường tiểu học Lý Thái Tổ đã dạy và học trong tình cảnh “chân không chạm đất, đầu không đội nắng trời” ở tầng hai và tầng ba. Tầng trệt vẫn là nhà sách, siêu thị. Lại thêm một năm thầy và trò trường này dạy và học “giữa lưng chừng trời”.
Trong khi đó, lễ khai giảng của Trường tiểu học Trí Tri (Q.10, TP.HCM) cũng diễn ra trong sự giản đơn hết mức. Không có sân rộng ngoài trời để thả bóng bay, cũng không có cột cờ để tiến hành nghi thức kéo cờ nên tất cả những gì có trong lễ chào cờ là các thầy cô và học sinh cùng hát quốc ca.
Cử đại diện dự khai giảng
Lễ khai giảng ở Trường tiểu học An Hội, Q.Gò Vấp, TP.HCM lại mang một nỗi niềm khác. 3.000 học sinh tham dự lễ khai giảng nhưng vẫn còn 1/3 số học sinh không được dự lễ trọng đại này. Với 94 lớp, 4.400 học sinh, năm học này trường vẫn được xem là trường tiểu học đông học sinh nhất VN. Đông đến mức chưa năm nào trường có thể tổ chức cho toàn bộ học sinh được dự lễ khai giảng. Sân cờ rộng hơn 2.500m2 cũng chỉ đủ sức chứa tối đa 2/3 số học sinh. Những lớp học buổi chiều chỉ cử đại diện dự lễ (mỗi lớp 15 học sinh).
Chuyện đại diện học sinh dự khai giảng không phải là chuyện mới ở ngôi trường kỷ lục này. Một giáo viên trường tâm tư: mất cơ hội trải nghiệm niềm vui ngày khai trường là một thiệt thòi với trẻ thơ. Có những học sinh hai, ba năm liền không được dự khai giảng. Có em buồn, có em thậm chí không biết buồn vì chưa bao giờ dự khai giảng. Có em khi cô giáo hỏi: “Con có muốn dự khai giảng không?”, em đã hồn nhiên trả lời: “Dạ không, con ở nhà giữ em”.
Khai giảng lớp học bệnh nhi ung thư
Chiều 5-9, tại khoa nhi Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, chương trình “Ước mơ của Thúy” (báo Tuổi Trẻ) và bệnh viện đã tổ chức khai giảng năm học mới 2012-2013 và lễ bế giảng năm học cũ của lớp học chữ dành cho bệnh nhi ung thư.
Lớp học chữ đặc biệt này ra đời vào năm học 2009, đến nay đã có hơn 300 học sinh bệnh nhi ung thư tham gia học từ lớp 1-9. Năm học mới có 53 bệnh nhi đăng ký tham gia lớp học. Dịp này, hai học sinh K Sor H’Nho (phòng 5) và Bùi Thị Hòa (phòng 1) có hoàn cảnh khó khăn được mạnh thường quân Thanh Hoa (Q.Bình Thạnh) hỗ trợ 10 triệu đồng kinh phí điều trị bệnh, tập thể giáo viên hưu trí Trường tiểu học Đuốc Sống (Q.1) tặng đồ dùng học tập và Đoàn thanh niên TTXVN tặng đồng phục năm học mới cho bệnh nhi.
Trẻ không có quốc tịch được đến trường
Trong ngày khai giảng năm học mới 5-9, tại xã biên giới Hưng Hà, huyện Tân Hưng (Long An) có khoảng 40 trẻ là con em của những hộ Việt kiều từ Campuchia về VN sinh sống nhưng chưa có quốc tịch được đến trường học như 700 học sinh người VN khác trong xã.
Ông Vũ Kim Thành, phó chủ tịch UBND xã Hưng Hà, cho biết toàn xã có khoảng 60 hộ dân Việt kiều từ Campuchia về sinh sống nhưng chưa có hộ khẩu, không có quốc tịch. Có khoảng 40 trẻ có giấy chứng sinh được tạo điều kiện làm giấy khai sinh và được đến trường, từ cấp học mẫu giáo đến trung học cơ sở.
44 trường học khai giảng sau động đất
Sáng 5-9, hơn 322.000 học sinh các cấp của tỉnh Quảng Nam đã chính thức bước vào năm học mới. Đặc biệt tại huyện miền núi Bắc Trà My (nơi có công trình thủy điện Sông Tranh 2) vừa xảy ra trận động đất mạnh nhất từ trước đến nay, tất cả 44 trường học trên địa bàn cũng đã đồng loạt tổ chức lễ khai giảng bằng lễ hội cồng chiêng đón chào con em đồng bào các dân tộc thiểu số bước vào năm học mới.
Ước vọng cho năm học mới...: Mong có nhiều tiết thực hành Năm học này em rất mong nhà trường sẽ sắm cho mỗi lớp một cái máy chiếu (để giảng dạy bằng giáo án điện tử - PV), khi cần là các thầy cô có thể dạy ngay trong lớp chúng em đang học, không phải di chuyển sang phòng khác. Em rất thích học môn vật lý vì được thực hành, được làm thí nghiệm rất vui. Em mong có nhiều tiết học thực hành như thế. Đừng quên vùng xa! Dù điều kiện học hành hiện nay đã khá hơn, nhưng học sinh ở Tây nguyên vẫn còn nhiều thiệt thòi. Các nhà khoa học nổi tiếng khi về Việt Nam đều chỉ ghé đến các thành phố lớn, học sinh ở tỉnh như chúng em rất khó để được tham gia. Em mong muốn có nhiều chương trình hỗ trợ, giao lưu hơn để học sinh ở tỉnh Đắk Lắk và một số tỉnh khác có thêm điều kiện được tiếp xúc, phục vụ tốt hơn cho việc học.
Mong không còn phòng học tạm, học nhờ Em mong ước trong năm học mới này điều kiện cơ sở vật chất tại nhiều điểm trường vùng sâu sẽ được cải thiện, để học sinh không còn phải học trong những phòng học xuống cấp, phòng tranh tre vách lá xập xệ khiến học sinh vừa học vừa lo sập hoặc phải chịu cảnh học nhờ, học tạm vì thiếu trường thiếu lớp như trước. Bên cạnh đó sẽ có nhiều hơn những con đường đất được đổ bêtông hoặc ít ra được rải đá để việc đi lại của học sinh trong mùa mưa lũ bớt nhọc nhằn, nhiều cây cầu mới sẽ được xây dựng và học sinh không còn khổ cực qua sông lụy đò như trước. Tăng cường câu hỏi vận dụng Em ước các đề kiểm tra, đề thi tốt nghiệp, đề thi tuyển sinh cao đẳng, đại học... sẽ tăng số lượng các câu hỏi vận dụng và giảm số lượng các câu hỏi tái hiện kiến thức đơn thuần. Ví dụ như môn sử, chúng em ngán nhất việc học thuộc lòng các cột mốc thời gian gắn liền với sự kiện lịch sử. Thế nhưng, nếu đề thi hỏi về những bài học rút ra từ các sự kiện lịch sử hoặc phải liên hệ với thực tế thì sẽ cảm thấy rất thú vị. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận