01/02/2021 10:54 GMT+7

Vượt chướng ngại vật, 'kỳ lân' ngành hàng tiêu dùng tăng tốc

T.D.V - LÊ SƠN
T.D.V - LÊ SƠN

Dịch bệnh Covid-19 trong năm 2020 đã tác động đến khắp mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, buộc nhiều doanh nghiệp phải thay đổi, chuyển mình. Masan là một ví dụ điển hình như thế.

Vượt chướng ngại vật, kỳ lân ngành hàng tiêu dùng tăng tốc - Ảnh 1.

Masan tích hợp thành công mảng tiêu dùng - bán lẻ

Nếu ví chặng đường năm 2019 hành trình "khởi động" thì năm 2020 được ví như phần thi "vượt chướng ngại vật", để lấy đà thực hiện "tăng tốc" trong năm 2021 và xa hơn nữa là về đích trong tham vọng trở thành "kỳ lân" của ngành hàng tiêu dùng.

Hoàn tất thương vụ tỉ đô, nỗ lực "vượt chướng ngại vật"

Năm 2020, Masan có đến 5 thương vụ M&A lớn đáng chú ý ở nhiều ngành hàng, nhưng sự kiện được chú ý nhiều nhất có lẽ là việc tích hợp thành công hệ thống bán lẻ VinCommerce, vì quy mô, độ phủ và mức độ ảnh hưởng của nền tảng bán lẻ này đến thị trường.

Trên thực tế, việc tích hợp chính thức được bắt đầu từ cuối năm 2019, nhưng đến giữa năm 2020, Masan mới hoàn tất thương vụ khi định dạng thành công cấu trúc sở hữu phù hợp, thông qua hai pháp nhân mới thành lập là Công ty TNHH The Sherpa và Công ty cổ phần The CrownX.

Thông qua The Sherpa và The CrownX, Masan là cổ đông sở hữu 85,7% cổ phần Công ty TNHH Masan Consumer Holdings (MCH) và 83,7% cổ phần Công ty Cổ phần phát triển và thương mại dịch vụ VCM, đơn vị sở hữu hệ thống bán lẻ VinCommerce. Masan cũng đã hoàn tất mua thêm 12,6% cổ phần tại The CrownX với tổng giá trị tiền mặt là 826 triệu USD, nâng tổng sở hữu của Masan tại The CrownX lên 82,6%.

Xét về quy mô bán lẻ, The CrownX gần như trở thành nền tảng bán lẻ lớn nhất hiện nay khi kết hợp giữa hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi VinMart/VinMart+ chiếm 30% thị phần và độ phủ toàn quốc, cùng hơn 300.000 điểm bán truyền thống theo kênh sẵn có của MCH. Masan đặt kỳ vọng sẽ đẩy doanh số bán lẻ hiện đại chiếm tới 50% trong tổng giá trị ngành bán lẻ trong vòng 5 năm tới, dù hiện mới chỉ ở mức 8%.

Trong lộ trình đó, một "chướng ngại vật" quan trọng mà Masan cần phải vượt qua đó là tái cấu trúc lại VinMart sau khi sáp nhập để sớm tiến đến điểm hòa vốn.

Cho đến nay, kết quả vẫn cho thấy sự khả quan. Doanh số trên mỗi m2 tăng trưởng 11,2%, còn giá trị trung bình mỗi đơn hàng tăng 18,1% trong khi số lượt khách mua hàng giảm do ảnh hưởng bởi Covid-19. Chuỗi cửa hàng VinMart+ ghi nhận doanh thu tăng 56,5% trong 9 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ. VinCommerce đã đóng góp hơn mức 1 tỷ USD doanh thu, chiếm 42,5% tổng doanh thu của toàn hệ thống Masan.

Kết quả này đến từ việc điều chỉnh lại mô hình hoạt động và hình thức bài trí cửa hàng ở nhiều khu vực, đặc biệt là ở khu vực TP.HCM. Trong 9 tháng đầu năm 2020, tập đoàn đã đóng cửa 433 siêu thị và cửa hàng không hiệu quả và mở mới 58 điểm bán.

Tại Hội nghị Đối tác năm 2020 và công bố chiến lược phát triển mới giai đoạn 2021 - 2025, ông Trương Công Thắng, Tổng giám đốc Công ty VinCommerce cho biết việc quy hoạch "top 100" đối tác chiến lược sẽ cùng đồng hành để dẫn dắt thị trường bán lẻ Việt Nam và hàng loạt những đặc quyền giành riêng cho nhóm đối tác chiến lược này.

Vượt chướng ngại vật, kỳ lân ngành hàng tiêu dùng tăng tốc - Ảnh 2.

MEATDeli đã có mặt tại hơn 1.700 điểm bán trên toàn quốc

Sức bật của "kỳ lân": "tăng tốc về đích"

Năm 2020, Masan hoàn thành ấn tượng "phần thi" vượt chướng ngại vật với ước tính doanh thu tăng hơn 100% so với năm 2019, chủ yếu nhờ vào hợp nhất kết quả kinh doanh của mảng bán lẻ và tăng trưởng từ mảng hàng sản xuất hàng tiêu dùng, với ước tính biên EBITDA (lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay) của tập đoàn đạt trên mức 25%. Nhờ đó, kế hoạch đặt ra tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2020 được hoàn thành với con số 75.000-85.000 tỉ đồng doanh thu thuần và 1.000-3.000 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông.

Năm 2021, Masan vẫn tiếp tục thực hiện tham vọng đưa các sản phẩm chất lượng với giá phù hợp nhất cho các gia đình người Việt. Nếu như nhiều năm trước Masan tập trung vào sản xuất thì việc tích hợp hệ thống bán lẻ trong năm 2020 góp phần giải quyết được bài toán phân phối trong tương lai. Tương tự, các thương vụ M&A khác cũng là "bệ phóng" mới của "quán quân" ngành hàng tiêu dùng trong tương lai.

Việc tăng tốc đẩy nhanh dự kiến sẽ được thực hiện trong năm 2021, trong bối cảnh các chỉ tiêu tăng trưởng kinh doanh được dự phóng đạt kết quả khả quan. Cụ thể, theo báo cáo của Công ty chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam), tổng doanh thu năm 2021 của Masan được dự báo vượt 93.200 tỉ đồng, với tốc độ tăng trưởng 18,3%.

Vượt chướng ngại vật, kỳ lân ngành hàng tiêu dùng tăng tốc - Ảnh 3.

Nhóm phân tích này cũng đặt ra kỳ vọng lợi nhuận ròng năm 2021 sẽ đi ngược lại xu hướng của năm 2020, đạt 4.233 tỉ đồng và tăng trưởng 126,3% so với cùng kỳ. Theo đó, động lực tăng trưởng đến từ triển vọng khả quan của tất cả mảng kinh doanh, biên lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của VCM được cải thiện (EBITDA đạt điểm hòa vốn).

Riêng về VCM, trong năm 2021 dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng 19,1% so với cùng kỳ, cao thứ 2 trong Tập đoàn với doanh thu đạt 38.701 tỉ đồng. Các mảng kinh doanh khác cũng dự báo tiếp tục tăng trưởng mạnh, đáng kể trong đó là mảng khoáng sản của Masan High-Tech Materials (tăng 53% doanh thu) nhờ thương vụ mua lại nền tảng kinh doanh vonfram của H.C.Stark sẽ được phản ánh toàn bộ vào kết quả kinh doanh.

Mảng kinh doanh ngành thịt MML với thương hiệu chủ chốt là MEATDeli cũng có những bước tăng tốc nhanh với mức tăng trưởng 15% trong năm sau, nhờ lượng tiêu thụ thịt dự phóng tăng 250% so với cùng kỳ, sau khi nhà máy thịt mát tại Long An đi vào hoạt động từ quý 4 vừa qua, cộng thêm doanh thu tăng thêm khi hợp nhất công ty 3F Việt.

Nhóm hàng tiêu dùng có thế mạnh của Masan từ trước đến nay vẫn tiếp tục duy trì đều đặn tốc độ tăng trưởng, trong đó cũng có điểm nhấn mới khi MCH liên tiếp tung ra những sản phẩm mới và duy trì sự hiện diện tốt hơn trong các bữa ăn của người tiêu dùng, đặc biệt là vai trò của nhóm sản phẩm "bữa ăn toàn diện" như mì Omachi, bộ bữa sáng Chinsu 7 ngày (phở, cháo, miến Chinsu...).

Năm 2020 là năm đầy biến động đối với kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Hàng loạt các tập đoàn lớn trong nước cũng có sự thay đổi chiến lược và định hướng đáng kể. Dù vậy, Masan vẫn là tập đoàn kiên định với hướng đi được thiết lập đặt ra trong nhiều năm trước. Năm 2021 dự kiến là năm "Tăng tốc" để chuẩn bị "về đích" trong lộ trình xây dựng The CrownX trở thành "kỳ lân" ngành hàng tiêu dùng, thuộc Top 50 công ty được ngưỡng mộ trên thế giới trong 5 năm tới.

Tiếp tục tăng tốc trong hoạt động kinh doanh, Masan vẫn không quên trách nhiệm xã hội khi là người dẫn đầu ở ngành hàng tiêu dùng. Năm 2020, Tập đoàn Masan và các công ty thành viên đã đóng góp gần 30 tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội.

T.D.V - LÊ SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên