31/01/2022 11:12 GMT+7

Vươn lên từ điêu tàn

TÔN THẤT THÔNG (Đức)
TÔN THẤT THÔNG (Đức)

TTO - Đại dịch COVID-19 để lại những hệ lụy vô cùng lớn. Khảo sát cách giải quyết của các nước khác về việc giải quyết khủng hoảng cũng giúp chúng ta phần nào trong việc tìm đường vượt khó.

Vươn lên từ điêu tàn - Ảnh 1.

Và đây là vài nét về trường hợp Tây Đức thời hậu chiến.

Tôi không đi sâu vào chính sách kinh tế và xã hội vốn dĩ là những nhân tố rất quan trọng trong thời hậu chiến Tây Đức, mà chỉ đề cập đến cách sử dụng yếu tố con người trong công cuộc phục hưng đất nước.

1. Quyết tâm vươn lên nhằm đạt đến vị trí cao trên thế giới mà họ đã đánh mất vì tham vọng điên rồ của Quốc xã Hitler.

Đây cũng là biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc vốn dĩ có lúc đúng lúc sai, nhưng khi được đặt đúng chỗ đúng lúc như trong thời kỳ hậu chiến thì nó có đủ sức mạnh gắn kết các thành viên trong cộng đồng với nhau để khắc phục khó khăn.

Chúng ta hãy nhìn sang Nhật Bản, cũng chính quyết tâm cao độ của toàn dân sau chiến tranh đã dẫn dắt họ, cũng như Đức, từ nước thua trận đã vươn lên trở thành đối tác bình đẳng với phe thắng trận chỉ sau một thời gian rất ngắn. Ở đây, tầng lớp trẻ đóng vai trò rất quan trọng.

2. Tinh thần yêu nước và ý thức trách nhiệm của lớp trí thức trẻ đã góp phần vào việc hoàn thành tốt đẹp công cuộc xây dựng thời hậu chiến.

Sử sách sau này đều thừa nhận rằng chính nhờ lòng yêu nước âm thầm của tập thể trí thức trẻ mà công cuộc phục hưng đã nhanh chóng thành công. Sau năm 1945, người trí thức Đức không khó khăn lắm để kiếm một giấy phép nhập cư sang Bắc Mỹ hoặc Úc nhưng nhiều người đã chọn con đường ở lại xây dựng trên đống tro tàn.

Thêm vào đó, có nhiều người trước đây trốn chạy Quốc xã ra ngoại quốc nay trở lại quê nhà, dù họ biết rằng điều kiện vật chất sẽ vô cùng khó khăn. Nhờ lực lượng lao động trí óc đó làm động lực mà công cuộc phát triển kinh tế được tiến hành tốt đẹp.

3. Nhờ ý thức phục vụ cộng đồng và trách nhiệm xã hội mà người dân Đức đã đồng lòng tương trợ lẫn nhau để ổn định cuộc sống.

Hoạt động tương trợ láng giềng (Nachbarschaftshilfe) trở thành một thói quen trong thời hậu chiến và tiếp tục được bồi dưỡng cho đến ngày nay để trở thành một giá trị phổ quát, không riêng cho láng giềng gần gũi mà cả cho cộng đồng rộng lớn trong xã hội.

Nhờ tinh thần tương trợ đó mà những người thua thiệt nhất trong xã hội cuối cùng cũng được ổn định cuộc sống. Tinh thần tương trợ đó đã góp phần tích cực vào sự xoa dịu các vấn nạn xã hội thời hậu chiến.

4. Ý thức cao độ về sự công bằng xã hội cần thiết trong thời kỳ hậu chiến nhiễu nhương. Về phía người dân, ai cũng chờ đợi được chia đều các thành quả có thể gặt hái được.

Nhờ ý thức về công bằng mà các nhà hoạch định chính sách mới có thể phác họa được một mô hình kinh tế vừa có giá trị cao về mặt lý thuyết vừa mang tính chất thực tiễn phù hợp với hoàn cảnh hậu chiến, cũng như đáp ứng nhu cầu bức xúc về xã hội của tuyệt đại đa số người dân.

Các nhà xã hội học hàng đầu của Đức đã sát cánh cùng các kinh tế gia trong việc nhận thức đúng đắn yêu cầu to lớn về công bằng và an toàn xã hội, nhờ đó họ mới thiết kế được một mô hình chưa từng có tiền lệ trên thế giới.

Trong mô hình đó, thành quả đạt được từ các hoạt động kinh tế được tái phân phối đến các thành phần khác trong xã hội với mục tiêu đạt đến công bằng và an toàn xã hội.

5. Những yếu tố kể trên cũng sẽ không phát huy hết tác dụng nếu dân tộc Đức không sở hữu một trí tuệ tập thể phong phú.

Đấy là trí tuệ từ cấp lãnh đạo cho đến chuyên viên và người cộng sự bên dưới, nhờ thế mà khi đất nước đã điêu tàn tuyệt vọng thì họ vẫn kiếm được lối ra. Trí tuệ tập thể đã giúp Tây Đức đi từ tình trạng một nước thua trận và mất chủ quyền để trở thành vị trí đối tác chiến lược sau một thời gian ngắn.

Để đưa ra chính sách phát triển đúng đắn, nước Đức cần trí tuệ tổng hợp của hàng ngàn chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Họ cần nhiều nhà xã hội học để phân tích các diễn biến trong cuộc sống hằng ngày và tìm được mối liên hệ giữa các sự kiện để đưa ra phán quyết sau cùng.

Họ cần nhiều nhà tư tưởng có hoạt động tự do, có tư duy độc lập, có khả năng xem xét đánh giá luồng tư tưởng nào trong quá khứ của lịch sử có thể tạo nên tác động tích cực lên xã hội hiện tại và tương lai.

Họ cần nhiều kinh tế gia có tư duy khách quan, không khép kín trong một ý thức hệ nào khi đưa ra phán quyết và chọn lựa một hệ thống kinh tế phù hợp với nhu cầu xã hội hậu chiến.

Đó là chưa kể họ cần hàng ngàn chính trị gia lãnh đạo có trình độ hiểu biết cao, từ liên bang đến địa phương. Các chính sách liên quan đến khoa học đều dựa trên tri thức của chuyên gia. Trong thời hậu chiến, họ dựa vào kinh tế gia và xã hội học.

Trong đại dịch, họ dựa vào các nhà y học, dịch tễ học, vi trùng học, xã hội học, tâm lý học; nhờ thế, dù đại dịch còn hoành hành nhưng xã hội vẫn tương đối yên bình.

Từ bài học lịch sử của Tây Đức, chúng ta có thể làm gì để vượt khó khăn sau đại dịch?

Người Việt Nam vốn cần cù, bươn chải làm ăn, kiên nhẫn vượt khó, bao dung, đùm bọc lẫn nhau. Đó là những đức tính cần thiết để vượt qua mọi cuộc khủng hoảng. Những bài học lịch sử nói trên của Tây Đức cho phép chúng ta đi đến những kết luận vững chắc rằng Việt Nam cũng làm được như thế.

Trước hết, trí tuệ tập thể và đa dạng đa ngành là sức mạnh của quốc gia, Nhà nước chỉ cần sử dụng đúng người đúng chỗ; kế tiếp, lòng yêu nước, ý thức tự trọng và ý chí vươn lên là động lực thúc đẩy mọi tiến bộ để vượt qua khó khăn; sau nữa, đạo đức luân lý và ý thức về bình đẳng xã hội là chất keo gắn kết mọi thành viên trong xã hội trên bước đường phục hưng đất nước.

Nếu người dân biết vun bồi những đức tính ấy và Nhà nước huy động được trí tuệ tập thể, biết sử dụng chuyên gia trong quá trình xây dựng chính sách thì lo gì chúng ta không vượt qua khó khăn.

Kinh nghiệm đã được chứng thực thành công ở Đức chắc hẳn cũng là bài học chung cho mọi quốc gia có thể dùng để vượt qua các cuộc khủng hoảng trong mọi thời kỳ, trong đó có cả Việt Nam sau "bạo bệnh" COVID-19 trong năm vừa qua.

Khủng hoảng nào rồi cũng sẽ qua

Tất nhiên có những yếu tố bên ngoài tác động như kế hoạch Marshall, cuộc cải cách tiền tệ theo kế hoạch của đồng minh, hoặc chiến tranh Triều Tiên làm nhu cầu thế giới tăng vọt. Nhưng đó chỉ là những yếu tố hỗ trợ. Tác động ấy không thay thế được những nỗ lực của chính bản thân dân tộc Đức.

Dù được ca tụng là thần kỳ nhưng vị bộ trưởng kinh tế lại phản bác sự ca tụng đó, không xem đó là một sự thần kỳ mà cho rằng mọi thành công đều "xuất phát từ lao động và quyết tâm của mọi người.

Đó là kết quả của những nỗ lực nghiêm túc của cả một dân tộc, khi dân tộc ấy được quyền sử dụng sáng kiến và năng lực dựa trên nền tảng tự do cá nhân".

Nói cách khác, con người là nhân tố quyết định giúp họ vượt qua đại khủng hoảng hậu chiến.

Đó chính là cốt lõi của thành công Tây Đức mà chúng ta có thể tham khảo để đối phó với các cuộc khủng hoảng lớn. Nhà nước chỉ cần huy động được trí thức và nhiệt tình của nhân dân thì khủng hoảng nào cũng được giải quyết ổn thỏa.

Vượt khó, đóng góp trách nhiệm với cộng đồng Vượt khó, đóng góp trách nhiệm với cộng đồng

Trải qua một năm gian khó bởi hệ lụy của dịch bệnh, Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) vẫn gặt hái những kết quả ấn tượng khi các chỉ số doanh thu, lợi nhuận, số lượng cửa hàng mở mới... đều ấn tượng.

TÔN THẤT THÔNG (Đức)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên