06/10/2018 17:35 GMT+7

Vươn lên, đừng sống lệ thuộc

LAN ANH - DIỆU NGUYỄN
LAN ANH - DIỆU NGUYỄN

TTO - Còn dựa dẫm là còn bất bình đẳng, phụ nữ ngày nay tiến tới tự chủ kinh tế, khắc phục mọi khó khăn trong cuộc sống, phấn đấu vươn lên để khẳng định mình. Họ đồng hành với nam giới trong việc xây dựng cuộc sống ổn định, hạnh phúc.

Vươn lên, đừng sống lệ thuộc - Ảnh 1.

Phụ naữ ngày nay luôn vươn lên, tự chủ, tự tin và độc lập trong công việc - Ảnh: Q.ĐỊNH

Phụ nữ ngày nay có tự chủ trong vấn đề kinh tế, độc lập trong suy nghĩ và hành động thì nam giới mới nể phục, tôn trọng. Nếu cứ dựa dẫm vào chồng, làm gánh nặng cho chồng thì sẽ rất khó có được sự bình đẳng

Một nữ giảng viên đại học

Một số phụ nữ chia sẻ sự thay đổi về quan điểm và thái độ sống...

Làm chủ chính mình

Giữa năm 2018 này, Nguyễn Thị Vân, nhà đồng sáng lập Công ty Imagtor và lãnh đạo của Trung tâm Nghị lực sống chuyên dạy nghề cho người khuyết tật, đã lập gia đình.

Một cô gái 31 tuổi đi lấy chồng thì có gì là lạ, nhưng với Vân là rất lạ, bởi Vân nặng chỉ 21kg, mắc căn bệnh về cơ suốt đời gắn bó với xe lăn. Những người mắc bệnh như Vân cũng ít người sống quá tuổi 30, như Vân 31 tuổi đã là một ngoại lệ!

Ấy thế mà Vân lấy chồng.

Chồng Vân là một người đàn ông quốc tịch Úc, đã xin thôi việc sau 3 tuần sang VN thăm Vân và sống trong nhà "liên hiệp quốc" mà Vân thuê để sống cùng với những người bạn, trong đó có cả những người khuyết tật.

Khoảng tháng 5-2018 anh ấy quay lại VN để ở hẳn cùng Vân, và hiện giờ họ đã đăng ký kết hôn.

Một cô gái chỉ nặng 21kg và mọi sinh hoạt, kể cả vệ sinh cá nhân đều cần người hỗ trợ nhưng đã có một người đàn ông yêu thương, sẵn sàng chia sẻ, chăm sóc. Cuộc sống của họ từ những ngày gặp nhau đến giờ toàn nụ cười, kể cả có lúc thiên hạ cứ "bà tám" cả về chuyện họ ngủ với nhau ra sao.

Nhưng so với các cô gái bình thường khác, Vân là một cô gái thông minh, dù không tự đi lại được nhưng cô đã "dám" thuê nhà, mở cửa hàng Internet từ khi học lớp 10. Rồi đi cả Sài Gòn, miền Tây, ra Hà Nội tìm việc, mở công ty, dạy nghề cho nhiều người khuyết tật.

Trung tâm Nghị lực sống cũng là một điển hình về tỉ lệ học viên có việc làm sau khi tốt nghiệp. Vân cũng tự học tiếng Anh và cuối năm nay, cô sẽ đi Mỹ học 5 tuần. "Anh ấy" của Vân yêu cô vì sự tự tin, thông minh, vì những gì cô đã làm được cho cuộc sống.

Vân có phải là một "ca đặc biệt" trong số chị em phụ nữ ngày nay? Có, Vân đặc biệt, đặc biệt vì sự vươn lên, vì những nỗ lực cho cá nhân và cho những người khuyết tật khác. Hiện đang có rất nhiều phụ nữ đặc biệt như vậy.

Tháng 9 vừa qua, tôi gặp giám đốc truyền thông một tập đoàn lớn của VN. Cô ấy mập mạp, nếu xét theo tiêu chuẩn đẹp truyền thống thì cô ấy khá bình thường.

Sau 6 năm làm việc ở vị trí mới, cô ấy tăng 12kg, có những người thoạt nhìn ngoại hình cô ấy cứ nghĩ chắc cô khó có chồng. Tuy nhiên, cô chia sẻ: "Tôi có gia đình hạnh phúc và hai con trai ngoan".

Hỏi bí quyết hạnh phúc, cô ấy nói một phần do cách ứng xử của mình. Từ một cô gái nghèo từ quê Thái Bình lên Hà Nội học và lập nghiệp, cô ấy đã rất nỗ lực rất nhiều để có sự nghiệp, có cuộc sống riêng ấm áp cùng gia đình.

Không ít phụ nữ Việt ngày nay giữ các vị trí như giám đốc, chủ tịch tập đoàn hay có học hàm học vị giáo sư, tiến sĩ, tạo việc làm cho hàng ngàn người, có người đã là tỉ phú đôla và có gia đình hạnh phúc.

Họ tỏa sáng và hấp dẫn bằng tri thức và nỗ lực cá nhân. Đó chính là “đẳng cấp” của phụ nữ ngày nay.

Đừng quá lệ thuộc

Các bà các mẹ đang truyền tai nhau rằng phụ nữ nên có tiền riêng để không phải rơi vào cảnh khép nép chờ tiền chồng mang về, muốn mua cái gì cũng phải "xin" chồng.

Lý giải về điều này, chị Ngọc Hạnh (Bình Dương) chia sẻ lần sinh đứa con đầu tiên rất khó khăn, bao nhiêu tiền kiếm được chỉ đủ để trang trải chi phí sinh hoạt trong nhà. Tiền hồi môn lúc cưới chị cũng đem ra tiêu dùng mua sắm trong nhà mà không cho chồng biết.

"Đến cận ngày sinh chồng vẫn rất ung dung bảo đừng lo, để đó anh tính, em chỉ việc sinh con khỏe mạnh thôi. Lúc ra viện, chồng lúng túng không có đồng nào, phải mượn mẹ chồng và mẹ vợ mỗi người một ít để thanh toán viện phí.

Về nhà chồng còn trách sao không lấy tiền cưới ra mà dùng..." - thì ra anh ỷ lại có số tiền đó rồi mà không hề tính chuyện lâu dài, sinh con, nuôi con, con đi học đều phải cần đến tiền.

Rút kinh nghiệm, sau khi đi làm chị dành hẳn cho mình một ngân quỹ phòng thân.

"Nhờ có số tiền đó, mình thấy tự tin hơn nhiều, ốm đau hay gia đình có việc gì gấp mình cũng có thể xoay xở kịp, không phải nơm nớp lo sợ.

Hồi trước có bao nhiêu tiền cũng mang dùng hết, dù là cho gia đình nhưng nhìn lại bản thân mình thua kém chị em cũng không kém chạnh lòng, có thể tự mua cho mình đôi giày yêu thích, cái váy xinh xinh mà không phải thấy áy náy với gia đình" - chị Hạnh chia sẻ thêm.

Rồi đến khi có đứa con thứ hai, chị cũng đỡ vất vả hơn trong các khoản chi tiêu, chồng chị cũng đỡ áp lực hơn. Nhưng hai con nhỏ khiến chị đứng trước quyết định có nên nghỉ làm hay không để ở nhà chăm con?

"Một mình chồng chắc chắn không cáng đáng nổi cả gia đình, con cái càng lớn càng nhiều chi phí càng tăng. Hơn nữa, sau nhiều biến cố mình càng nhận ra phụ nữ cần độc lập tài chính, không chỉ giúp mình tự tin ngoài xã hội mà còn cân bằng được cuộc sống gia đình.

Nên nhờ bà ngoại trông cháu, thay vì cho đi học 5 triệu đồng/tháng thì gửi bà ngoại 3 triệu mỗi tháng, bà vừa có tiền tiêu vặt con lại yên tâm có bà yêu thương không phải đi nhà trẻ sớm" - chị Hạnh kể giải pháp tiện cả đôi bề.

Cũng giống chị Hạnh, một số chị em khác hiện nay cũng dần ý thức để giữ hạnh phúc gia đình không nhất thiết phải cun cút tận tụy, rút ruột rút gan. Vẫn yêu thương, vẫn chăm lo cho gia đình nhưng độc lập tài chính mới quyết định hạnh phúc gia đình lâu dài.

Không chỉ các chị em mà các đấng mày râu cũng rất đồng tình với quan điểm này, "mình rất sợ mẫu phụ nữ lục lọi bóp, túi để xem chồng có giấu tiền riêng hay không. Mỗi người dù nam hay nữ cũng cần có một khoản "dằn túi" phòng hờ trong những việc cần kíp" - anh Bá Vương nói.

dsc_6228 4(read-only)

Phụ nữ hiện đại tham gia nhiều hoạt động xã hội - Ảnh: Q.ĐỊNH

Nên tự chủ kinh tế

Trong khi những người phụ nữ truyền thống an phận cuộc sống "nâng khăn sửa túi cho chống", gắn mình với bếp núc, nữ công gia chánh, nhiều người phụ nữ hiện đại đã luôn phấn đấu vươn lên, tự chủ trong công việc, độc lập trong kinh tế. Có nhiều người như thế.

N. là cô bạn hoc của tôi. Thỉnh thoảng về quê, cô bạn thời sinh viên vẫn xung phong ra sân bay đón tôi, gặp gỡ hàn huyên và nếu rảnh, cô ấy tự lái xe đưa tôi về nhà. N. bây giờ đã là một nhà khoa học, đang giảng dạy tại một trường đại học lớn ở miền Trung.

Nếu như thời sinh viên, N. chỉ là một cô gái nhút nhát từ miền Trung vào TP.HCM học đại học thì nay "con mọt sách" (một từ mà chúng tôi gán cho N.) lại sôi nổi, chững chạc bấy nhiêu.

Ra trường, N. xin về công tác tại một trường đại học trong tỉnh để được gần với gia đình và khi công việc đã ổn định, cô ấy lại tiếp tục con đường học tập của mình.

Nếu như thời sinh viên N. mang đậm dáng dấp của một thiếu nữ thôn quê thì nay cô ấy hiện đại bấy nhiêu, tự mình cầm vôlăng lái xe mà không sợ đông người, không sợ qua đường như thời sinh viên nữa.

Nhiều phụ nữ đã khắc phục mọi khó khăn trong cuộc sống, phấn đấu vươn lên để khẳng định mình như trường hợp kể trên trong xã hội hiện nay ngày càng nhiều.

Phụ nữ hiện đại quan tâm đến những người xung quanh và luôn làm tươi mới cuộc sống, hoặc luôn làm cho bản thân mình ngày càng trẻ trung, xinh đẹp cùng với tinh thần tự chủ, luôn thể hiện bản lĩnh của mình trong mọi lĩnh vực của đời sống đã góp phần khẳng định "đẳng cấp" của người phụ nữ hiện đại.

N.Q.DIỆU

LAN ANH - DIỆU NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên