17/06/2019 09:19 GMT+7

Vùng Vịnh ngày càng ngột ngạt

HỒNG VÂN - NGUYÊN HẠNH
HỒNG VÂN - NGUYÊN HẠNH

TTO - Một số nước đang tìm cách giảm bớt căng thẳng giữa Mỹ và Iran nhưng lại có những 'nỗ lực' khác đẩy căng thẳng lên mức cao hơn, nhất là sau vụ tấn công 2 tàu chở dầu trên vịnh Oman ngày 13-6.

Vùng Vịnh ngày càng ngột ngạt - Ảnh 1.

Thuyền hải quân Iran chữa cháy cho 1 trong 2 tàu chở dầu sau vụ tấn công tại vịnh Oman - Ảnh: Reuters

Đến nay vẫn chưa thấy lối ra cho căng thẳng này.

Bên ủng hộ hòa giải

Thứ trưởng ngoại giao Iran Seyyed Abbas Araghchi ngày 15-6 đã có cuộc gặp với quan chức ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) Helga Schmid để thảo luận về tương lai của thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Iran và nhóm các nước P5+1.

Theo Hãng thông tấn IRNA của Iran, tại cuộc gặp ở Tehran nêu trên, hai bên trao đổi quan điểm về thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015, các vấn đề khu vực và quốc tế. Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và Iran đang diễn biến rất căng thẳng. 

Mới đây nhất, Mỹ cáo buộc Tehran đứng sau các vụ tấn công hai tàu chở dầu trên vịnh Oman ngày 13-6 và tấn công 4 tàu thương mại ở vùng biển bên ngoài eo biển Hormuz vào tháng trước.

Phía Tehran cũng phản ứng rất cứng rắn và bác bỏ cáo buộc của Mỹ. Iran đã cho các bên thời hạn đến tháng 7 để đưa ra giải pháp cứu vãn thỏa thuận hạt nhân. Sau thời điểm này, nếu không đạt được thỏa thuận, Tehran sẽ khôi phục các hoạt động hạt nhân của mình.

Là một bên ủng hộ mạnh mẽ thỏa thuận hạt nhân Iran, EU đã cam kết hỗ trợ Iran đối phó với các lệnh trừng phạt của Mỹ, đồng thời kêu gọi Mỹ kiềm chế trong vấn đề căng thẳng ở vùng Vịnh. 

Bà Federica Mogherini, đại diện cấp cao của EU phụ trách về chính sách an ninh và đối ngoại, nhấn mạnh sự cần thiết phải tiến hành đối thoại sau phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại Brussels về đe dọa leo thang từ phía Iran.

Những căng thẳng giữa Mỹ và Iran cũng là nguyên nhân khiến Ngoại trưởng Đức Heiko Maas và Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo tới Tehran trong tuần qua. 

Theo Hãng thông tấn Kyodo, Chính phủ Nhật Bản đã đề nghị Mỹ đưa ra bằng chứng cụ thể để chứng minh nhận định của Washington cho rằng Iran đứng sau vụ tấn công hai tàu chở dầu gần eo biển Hormuz ngày 13-6.

Bên ủng hộ mạnh tay

Trong khi EU nỗ lực hòa giải căng thẳng giữa Mỹ và Iran, Anh lại tuyên bố ủng hộ lập trường của Mỹ.

Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt ngày 16-6 tái khẳng định London "gần như chắc chắn" Iran đứng đằng sau vụ tấn công hai tàu chở dầu tại vịnh Oman, cũng như không tin bất kỳ ai khác có thể là thủ phạm. 

"Chúng tôi đã thực hiện những đánh giá tình báo riêng, và gần như chắc chắn với lời lẽ của mình... Chúng tôi không tin bất kỳ ai khác có thể làm chuyện này" - ông Hunt trả lời phỏng vấn của Đài BBC.

Trước đó, chính quyền Iran đã yêu cầu đại sứ Anh tại Tehran phải giải thích và đính chính thông tin, sau khi London quy kết Iran tấn công tàu chở dầu trên vịnh Oman vừa qua.

Không chỉ có Anh, phía Saudi Arabia cũng tuyên bố không ngại "đối phó với bất cứ đe dọa nào" từ Tehran. Theo AFP, thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman ngày 15-6 lên tiếng ủng hộ Mỹ. Saudi Arabia từ lâu đã đối đầu với Iran tại khu vực. 

"Chính quyền Iran không tôn trọng sự hiện diện của thủ tướng Nhật dưới tư cách là một vị khách ở Tehran. Họ đáp lại các nỗ lực ngoại giao bằng cách tấn công hai tàu chở dầu, mà một trong số đó thuộc về Nhật Bản" - thái tử Mohammed khẳng định.

Vị thái tử này cũng cho biết không muốn xảy ra chiến tranh trong khu vực, nhưng cũng không ngại đương đầu với bất cứ đe dọa nào đến từ Tehran. Ngoài ra, Saudi Arabia kêu gọi hành động nhanh nhằm bảo vệ nguồn cung năng lượng tại vùng vịnh Ba Tư trước các mối đe dọa đến từ Iran.

Phản ứng của Iran

Trong lúc căng thẳng đang leo thang, Hãng tin Tasnim của Iran ngày 16-6 đưa tin Tehran sẽ công bố các biện pháp bổ sung để giảm dần cam kết đối với thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

"Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran ngày 17-6 công bố các bước chuẩn bị để giảm cam kết của Tehran đối với thỏa thuận này" - Tasnim viết.

Cũng theo nguồn tin của Tasnim, các biện pháp sắp được công bố bao gồm tăng lượng dự trữ uranium, cũng như sản xuất chất làm mát nước nặng tại thành phố Arak (Iran).

Những câu hỏi xung quanh vụ tấn công tàu dầu bí ẩn ở vùng Vịnh Những câu hỏi xung quanh vụ tấn công tàu dầu bí ẩn ở vùng Vịnh

TTO - Trong khi Mỹ và Iran đổ lỗi cho nhau quanh vụ tấn công hai tàu chở dầu tại vùng Vịnh, vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được giải đáp.

HỒNG VÂN - NGUYÊN HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: vùng Vịnh Iran Oman