Đừng để du khách quay lưngMánh khóe “chặt chém” du khách ở Vũng TàuVụ” Chặt đẹp du khách”: Nặng tay với khách Tây
Phóng to |
Quán ăn Như Ý (306 Phan Chu Trinh, P.2, TP Vũng Tàu) có hành vi cân gian lận và “chặt chém” khách hàng - Ảnh: Ngọc Khải |
Tiếp xúc với chúng tôi, một lãnh đạo UBND TP Vũng Tàu cho biết: “Tỉnh, thành phố và các phường đã làm hết sức mình, nghĩ ra nhiều biện pháp để xử lý triệt để các quán ăn “chặt chém” nhưng du khách vẫn bị mắc bẫy. Tôi khẩn thiết đề nghị du khách cần tìm hiểu kỹ các quán ăn khi đến Vũng Tàu, khi bị tính giá cao cần gọi điện ngay lập tức cho chúng tôi theo đường dây nóng đã công bố để xử ngay tại chỗ các quán ăn kinh doanh mất đạo đức”.
Vị lãnh đạo này cũng cho hay tình hình “chặt chém” đã giảm so với các năm trước nhờ những biện pháp của các cơ quan chức năng, hành vi vi phạm của các quán ăn mà Tuổi Trẻ đã nêu tên sẽ được củng cố chứng cứ để xử lý nghiêm.
Cùng ngày, ông Lê Thanh Phong, phó chủ tịch UBND P.2, TP Vũng Tàu, cho biết quán Như Ý (306 Phan Chu Trinh, P.2) là một trong những quán ăn “chặt chém” nằm trong danh sách “đen” mà UBND TP Vũng Tàu đã công bố trước đây.
Cuối năm 2011, chủ quán này là bà Trần Thanh Hương đã làm bản cam kết với phường sáu nội dung, trong đó có “không sử dụng cò mồi để chèo kéo khách”. Với thông tin Tuổi Trẻ nêu, quán này đã vi phạm cam kết với chính quyền.
Về những vi phạm khác, ông Phong cho biết sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền để xem xét, xử lý rốt ráo. Còn ông Trần Bá Việt, quyền chủ tịch UBND P.Thắng Tam, cũng khẳng định đã đọc và tiếp nhận các thông tin mà Tuổi Trẻ nêu về quán Hưng Phát 2. UBND phường sẽ làm việc với chủ quán và sẽ có văn bản đề nghị thành phố rút giấy phép quán này.
Ông Nguyễn Thành Huệ, giám đốc điều hành Hãng Petro Taxi, cho biết hãng sẽ rà soát làm rõ, nếu đúng như Tuổi Trẻ thông tin sẽ áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất là sa thải tài xế vi phạm.
Ông Huệ cho biết từ năm 2011, qua thông báo của Sở Giao thông vận tải, hãng đã đưa ra nội quy cấm tài xế đưa khách vào các quán ăn “chặt chém”, cũng như đưa khách vào quán ăn, bãi tắm, khách sạn để nhận hoa hồng. Thời gian qua lãnh đạo công ty chưa nhận được bất kỳ một phản ảnh nào về tình trạng tài xế vi phạm nội quy trên.
“Không chỉ du khách bức xúc trước nạn “chặt chém” mà cả doanh nghiệp như chúng tôi cũng thấy bực mình. Nếu như những quán ăn này cứ tồn tại thì doanh thu của hãng sẽ bị ảnh hưởng vì có một vài tài xế taxi chỉ chăm chăm chở khách đến quán “chặt chém” để nhận hoa hồng mà không chú trọng công việc”, ông Huệ nói.
* Ý kiến bạn đọc
Gần 200 phản hồi của bạn đọc đều bày tỏ sự bức xúc với tình trạng “chặt chém” du khách ở một số điểm du lịch mà Tuổi Trẻ đã đăng liên tục trong thời gian gần đây, nhất là tình trạng ở TP Vũng Tàu. Trong đó, nhiều bạn đọc tuyên bố tẩy chay những điểm du lịch có “chặt chém” này nếu chính quyền địa phương không kiên quyết chấn chỉnh.
Cái lẩu giá 1,3 triệu đồng
Mồng 3 tết vừa rồi, tôi cùng gia đình được một “cò” cơm dẫn vào quán nằm trên đường Hoàng Hoa Thám, TP Vũng Tàu để ăn trưa (quán này vừa bị nêu tên trên báo Tuổi Trẻ). Vào quán, tôi nhìn thực đơn thấy giá cả cũng phải chăng.
Một phụ nữ đi ra ghi lại món ăn, bà còn quảng cáo món lẩu Thái, lẩu thập cẩm ngon lành giá rẻ từ 100.000-250.000 đồng. Khi bưng lên, tôi thấy trong nồi lẩu có bốn con tôm và một đĩa mực tươi đặt cạnh bên. Tôi nghĩ lẩu hơn 100.000 đồng mà có cả hải sản, quán ăn này cũng rẻ.
Tuy nhiên, khi tính tiền cái lẩu lên đến 1,3 triệu đồng. Tổng cộng hôm đó gia đình tôi gồm ba người ăn đến 2,3 triệu đồng. Tôi phản ứng nhưng khi đó chủ quán không có ở đây, mấy người làm nói chỉ là nhân viên nên không biết. Không đủ tiền nên tôi phải gọi người thân gần đó đưa tiền ra trả. Tôi sẽ không trở lại đây du lịch nữa nếu tình trạng “chặt chém” khách như vậy vẫn xảy ra.
Tài xế chở khách đoàn cũng là “cò”
Việc “chặt chém” giá cả ăn uống đối với khách du lịch luôn là đề tài nhức nhối ở Vũng Tàu. Tôi là chủ một quán ăn ở Bà Rịa, vô hình trung bị tiếng xấu khi thực khách e dè ngừng xe trước tiệm, hỏi giá cả đàng hoàng rồi mới bước vào. Cò mồi cho các quán ăn nổi tiếng “chặt chém” ở Vũng Tàu không chỉ có tài xế taxi, “cò” đi xe máy mà còn là tài xế chạy xe chở khách tới quán ăn.
Bản thân tài xế thường chở một đoàn khách vào các quán trên ngoài một phần ăn riêng đặc biệt (miễn phí cho tài xế bằng cách đôn giá vào hóa đơn tính tiền của khách), còn có khoản tiền bồi dưỡng 200.000-500.000 đồng tùy số lượng khách, loại xe bao nhiêu chỗ, mức độ thân quen...
Ngoài ra, tôi muốn cảnh báo thêm cho khách đi du lịch: hãy hiểu trên đời này không có gì miễn phí, ngon và rẻ ở các điểm du lịch nổi tiếng. Khi tài xế bảo quán này dở, quán kia ngon, ăn nhiều càng rẻ...thì du khách nên hiểu ngược lại. Hãy vào ăn các tiệm bên trong thành phố, cách xa các quán ở gần biển, như thế du khách sẽ ít bị “chặt chém”.
Đã bỏ Vũng Tàu
Trước kia, mỗi năm tôi đi Vũng Tàu vài lần để nghỉ mát, thư giãn vì biển đẹp lại gần nơi tôi ở. Nhưng mấy năm nay tôi không còn đi Vũng Tàu nữa vì sợ nạn “chặt chém”. Tôi đã chuyển qua đi Phan Thiết - Mũi Né và những nơi khác. Vũng Tàu với núi Lớn - núi Nhỏ, bãi Trước - bãi Sau giờ chỉ còn là kỷ niệm đối với tôi.
Tôi cũng tiếc lắm nhưng biết làm sao! Các cơ quan chức năng Vũng Tàu nếu không nhanh chóng dẹp tệ nạn “chặt chém” một cách triệt để thì du lịch Vũng Tàu sẽ xuống dốc mà thôi.
Ông bí thư phản ứng nhanh Sáng sớm 9-2, khi nhiều người còn chưa đến công sở, chưa kịp liếc qua tờ báo buổi sáng thì ông Nguyễn Sự - bí thư Thành ủy Hội An - đã gọi điện cho chúng tôi hỏi xin những địa chỉ mà phóng viên Tuổi Trẻ đã chứng kiến chuyện “chặt đẹp” du khách tại Hội An trong bài viết “Nặng tay với khách Tây” (báo Tuổi Trẻ số ra ngày 9-2) mà ông vừa đọc. Sau khi được cung cấp thông tin, chỉ khoảng 30 phút sau ông Sự gọi lại chúng tôi và thông báo đã chỉ đạo các ban, ngành, địa phương kiểm tra và xử lý kiên quyết các chủ cơ sở dịch vụ vi phạm về giá cả, dịch vụ với du khách. Ông nói giọng đầy bức xúc: “Không thể để con sâu làm rầu nồi canh. Hội An đang phấn đấu xây dựng thành một thành phố văn hóa, một điểm đến thân thiện và hiếu khách đối với tất cả du khách khắp năm châu nên không thể dung túng các hiện tượng nâng giá, bắt chẹt du khách. Kiểu làm ăn chụp giật, ăn xổi ở thì như vậy đang làm xấu đi hình ảnh Hội An mà bao nhiêu năm nay chính quyền và cư dân Hội An đã cố sức xây dựng và gìn giữ”. Ông Sự cho hay: TP sẽ tăng cường hơn nữa việc kiểm tra và xử lý kiên quyết, nếu vi phạm sẽ đóng cửa vĩnh viễn các cơ sở dịch vụ, nhà hàng, các phương tiện vận chuyển khách. TP sẽ không để xảy ra việc tự ý nâng giá với khách du lịch, không để cơ chế “hai giá” với du khách nước ngoài nhằm đảm bảo sự công bằng đối với tất cả du khách đến với Hội An. Cách làm và sự nóng lòng của ông bí thư Thành ủy Hội An về những hiện tượng làm xấu đi hình ảnh Hội An đã làm chúng tôi rất cảm kích và tin rằng từ nay du khách đến Hội An sẽ không còn nơm nớp lo lắng vì bị quấy nhiễu. Từ sau Tết Nhâm Thìn đến nay, những thông tin về chuyện chặt đẹp, bắt chẹt, chèo kéo, quấy nhiễu du khách ở nhiều điểm du lịch được phản ánh nhiều trên báo chí đã gây phẫn nộ trong dư luận. Hình ảnh rất nhiều địa danh du lịch của VN như Hạ Long, Huế, Vũng Tàu, TP.HCM... và các địa phương khác đang bị những người làm du lịch tự phát làm xấu đi. Việc các hàng quán, taxi lấy giá “cắt cổ” du khách, tự ý nâng giá, chèo kéo khách ở các điểm dừng chân, các di tích, điểm tham quan... diễn ra hằng ngày nhưng dường như chẳng mấy ai quan tâm, bởi chính quyền nhiều địa phương xem như đó là chuyện của ngành du lịch. Giá mà lãnh đạo các địa phương đều thấy nóng lòng và có phản ứng nhanh, quyết liệt như ông bí thư Thành ủy Hội An thì việc “chặt đẹp” du khách sẽ được giải quyết một cách tích cực và làm môi trường du lịch của VN ngày một trong lành hơn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận