27/05/2013 10:23 GMT+7

Vung ngàn tỉ, giờ bỏ không

BẠCH HOÀN - ĐÌNH DÂN
BẠCH HOÀN - ĐÌNH DÂN

TT - Một số cảng được xây mới nhằm di dời cảng biển từ nội ô TP.HCM ra vùng ven. Thế nhưng do hạ tầng không đồng bộ, quy hoạch kém, thiếu vốn nên có cảng xây dở dang, có cảng chỉ khai thác... “cầm hơi”.

N8IYmMRO.jpgPhóng to
Giải ngân hơn 1.000 tỉ đồng, triển khai được 38%, dự án cảng Sài Gòn - Hiệp Phước phải ngừng hơn hai năm nay do thiếu vốn - Ảnh: Đình Dân
REhu7atI.jpgPhóng to
Trong hàng loạt hạng mục đang dở dang của dự án cảng Sài Gòn - Hiệp Phước có cầu tàu 400m đã xây dựng 60% cũng đành bỏ hoang, trở thành nơi câu cá- Ảnh: Đình Dân

Hai trường hợp điển hình là cảng Sài Gòn - Hiệp Phước tại huyện Nhà Bè và cảng quốc tế Phú Hữu tại Q.9, TP.HCM.

Rót hơn 1.000 tỉ đồng

Nguồn nào cũng cạn

Ở dự án cảng Sài Gòn - Hiệp Phước Nhà nước đã tạm ứng ngân sách để thực hiện. Trong năm 2009-2010 số tiền ngân sách ứng ra 449 tỉ đồng, sau đó nguồn này bị ngưng. Trước tình hình khó khăn, các cổ đông của dự án rút vốn góp nên hiện cảng Sài Gòn là cổ đông lớn nhất.

Năm 2011 Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải (Maritime Bank) đã có hợp đồng tài trợ vốn cho dự án này với tổng mức tín dụng lên đến 2.000 tỉ đồng. Nhưng sau đó, do chính sách thắt chặt tín dụng nên ngân hàng này cũng không thể giải ngân cho dự án.

Hơn bốn năm trước, vào ngày 16-5-2009, khi khởi công cảng Sài Gòn - Hiệp Phước, nhiều người kỳ vọng sẽ giúp thực hiện việc di dời cảng Nhà Rồng - Khánh Hội (Q.4, TP.HCM) vào năm 2011. Thế nhưng, mới đây Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước đã chính thức tuyên bố tạm dừng dự án vì hết vốn và không có đường vào cảng.

Sau bốn năm kể từ ngày khởi công, đến nay muốn đi vào cảng Sài Gòn - Hiệp Phước vẫn chưa có đường. Tuyến đường D3 nối từ khu công nghiệp vào cảng vẫn chưa được xây dựng.

Một số nhân viên đến cảng làm việc phải thuê xe ôm băng qua những lối mòn ven sông Soài Rạp để vào cảng. Mặc dù mới tuyên bố tạm dừng dự án nhưng thực tế hoạt động xây dựng đã ngưng từ lâu. Khu lán trại công nhân bỏ hoang phế.

Từng bãi cọc móng làm dở dang giờ đã bị vùi lấp trong cỏ dại. Đi sâu vào khu vực cảng, chỉ lèo tèo vài ba nhân viên bảo vệ đang ngồi câu cá trên những đống sắt thép phủ bạt đã bị hoen gỉ theo thời gian.

Một nhân viên trong cảng dẫn chúng tôi tới hàng loạt công trình xây dựng dở dang trong khu vực cảng, dễ thấy nhất là 400m cầu tàu “hoành tráng” chạy dọc bờ sông Soài Rạp. Hàng trăm tỉ đồng đã được đổ vào đây nhưng nay thợ thi công đã bỏ dở vì không tiếp tục nhận được tiền của chủ đầu tư. Khu hậu cần của cảng nhiều hạng mục xây dựng đang còn dở dang khác như các kho hàng rời, bãi chứa container...

Theo tìm hiểu, cảng Sài Gòn - Hiệp Phước do Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước làm chủ đầu tư (trong đó Công ty TNHH một thành viên Cảng Sài Gòn giữ cổ phần chi phối với 88%). Cảng được xây dựng trên bờ sông Soài Rạp thuộc địa phận xã Phước Hiệp, huyện Nhà Bè, TP.HCM, với tổng diện tích khoảng 100ha.

Mục tiêu khi hoàn thành cảng sẽ trở thành cửa ngõ xuất nhập khẩu của TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đồng thời cảng sẽ góp phần đưa khu Nam TP.HCM thành khu đô thị cảng, tạo tiền đề để TP.HCM phát triển tiến ra hướng biển Đông.

Theo ông Lê Công Minh - chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH một thành viên Cảng Sài Gòn, giai đoạn 1 của dự án được công bố xây dựng trên diện tích 54ha, 800m cầu cảng bao gồm ba bến, có khả năng tiếp nhận tàu tải trọng lên đến 50.000 DWT, công suất hàng hóa thông qua cảng khoảng 8,5 triệu tấn/năm. Tổng vốn đầu tư hơn 3.000 tỉ đồng.

Sau bốn năm ròng rã, đến thời điểm này số tiền đã giải ngân vào dự án là 1.043 tỉ đồng, hoàn thành 38% khối lượng xây dựng, làm được 200m cầu tàu trên tổng số 800m của dự án, hai bến phao, trên cầu tàu đã lắp đặt được ba cần cẩu, sáu cẩu ngoạm... Ông Nguyễn Hoàng Dũng, tổng giám đốc Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước, than thở: “Khó khăn lớn nhất của dự án hiện nay là không thu xếp được vốn đầu tư nên dự án đã phải tạm dừng thi công từ cuối năm 2011 đến nay. Hiện có hàng loạt hạng mục đang dở dang bị xuống cấp nghiêm trọng”.

Cảng làm xong rồi... để đó!

Không bị dừng dang dở như cảng Sài Gòn - Hiệp Phước, cảng quốc tế Phú Hữu (tại phường Phú Hữu, Q.9, TP.HCM, do Công ty TNHH một thành viên Cảng Bến Nghé giữ hơn 85% cổ phần), đưa vào khai thác năm 2009. Nhưng bất hợp lý là suốt từ đó đến nay, cảng này vẫn không được khai thác một cách bình thường vì không có đường vào cảng.

Ngày 24-5, chúng tôi có mặt tại cảng Phú Hữu, đường vào cảng vẫn còn gập ghềnh. Hiện con đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào cảng đang trong quá trình xây dựng. Con đường này do Công ty cổ phần ximăng Hà Tiên 1 xây dựng để vào trạm nghiền Phú Hữu của Hà Tiên 1.

Ông Nguyễn Xuân Hoàng, giám đốc Công ty cổ phần Cảng Phú Hữu, cho biết sẽ đi nhờ con đường này vào cảng, dự kiến xong trong tháng 6-2013. Tuy nhiên, cái khó là con đường này quá nhỏ nên dù hoàn thành vẫn bị giới hạn tải trọng khiến xe container không thể đi được. Vì thế đường vào cảng giờ vẫn bế tắc.

Không có đường vào, cảng Phú Hữu rơi vào tình trạng khó khăn nghiêm trọng. Theo một nhân viên tại cảng, thi thoảng một tuần có một chuyến tàu vào làm hàng trung chuyển, có khi phải hai tuần mới có một chuyến. Những ngày cuối tháng 5-2013, toàn bộ khu cảng rộng 24ha vắng lặng như tờ. Giai đoạn 1 trong dự án xây dựng cảng container quốc tế Phú Hữu hiện đã hoàn thành với một cầu cảng dài 320m, tiếp nhận tàu 36.000 DWT. Cảng có 120.000m2 bãi container, 2.592m2 kho hàng...

Tuy nhiên, cả bãi container rộng mênh mông lại trống trơn, hoàn toàn không có hoạt động xếp dỡ, làm hàng... Ba trụ cẩu nâng với sức nâng 40 tấn nằm sừng sững, bất động. Khu nhà văn phòng điều hành cảng mở cửa toang hoang, bụi bám đầy, không có bóng người. Hơn hai giờ tại cảng, chúng tôi chỉ ghi nhận được ba chiếc xe máy đi vào cảng, không có thêm hoạt động ra vào nào khác.

Ông Nguyễn Xuân Hoàng lo lắng: “Phải nói là tình hình đang hết sức khó khăn. Trong điều kiện hiện nay, chúng tôi chỉ có thể làm được như vậy thôi”. Tại đại hội cổ đông Công ty cổ phần Cảng Phú Hữu tổ chức mới đây, lãnh đạo công ty thừa nhận phần lớn khách hàng vẫn chưa quan tâm đến dịch vụ của cảng Phú Hữu - nơi chưa hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối với các trục giao thông chính. Đây là nguyên nhân khiến cảng được đầu tư tới gần 370 tỉ đồng nhưng doanh thu gộp trong năm 2012 chỉ đạt hơn 2,9 tỉ đồng, lỗ hơn 2,1 tỉ đồng.

4e3gaR1s.jpgPhóng to

Cảng Phú Hữu hoạt động gần bốn năm nay nhưng hiện mỗi tuần chỉ có một chuyến tàu - Ảnh: B.H.

Hàng chục cảng biển hoạt động èo uột

Theo quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Đông Nam bộ (nhóm cảng biển số 5), chỉ riêng Bà Rịa - Vũng Tàu có 52 bến cảng, trong đó 26 bến cảng đã đưa vào khai thác. Tại khu Cái Mép - Thị Vải, hiện có hàng loạt cảng container quốc tế đã đưa vào khai thác như: Tân Cảng Cái Mép, SP-PSA, CMIT, SITV, SSIT... Công suất khai thác khoảng 10 triệu TEU/năm nhưng lượng hàng hóa thực tế chỉ khoảng 2 triệu TEU. Đa số cảng tại đây đều hoạt động èo uột. Nhiều cảng khai thác chỉ đạt 50% công suất thiết kế, có cảng chỉ đạt 12-15%.

Các chuyên gia trong lĩnh vực cảng cho rằng hiện đang có sự cạnh tranh giữa các cảng khu vực TP.HCM và cảng Cái Mép - Thị Vải. Là cảng quốc tế nhưng các cảng khu vực này phải làm cả hàng nội địa, cảng container làm hàng rời. Vì thế có sự giẫm chân lên nhau về công năng của các cảng. Việc di dời cảng ở TP.HCM chậm trễ càng đẩy cảng khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu vào tình thế khó khăn hơn.

Sự bất cập trong quá trình triển khai và khai thác các cảng thuộc nhóm cảng biển số 5 còn do tư duy của nhà khai thác cảng. Theo tìm hiểu, ban đầu cảng container quốc tế Phú Hữu không có trong quy hoạch nhóm cảng biển số 5 nhưng doanh nghiệp lại xin TP.HCM, Bộ Giao thông vận tải cho làm cảng container tại vị trí đó khi thấy cảng Tân Cảng - Cát Lái khai thác tốt. Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải buộc phải đưa thêm cảng Phú Hữu vào quy hoạch.

Theo lãnh đạo Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển (Portcoast), về mặt thiết kế, cảng khu Hiệp Phước phục vụ di dời cảng Nhà Rồng - Khánh Hội, công năng là làm hàng rời, nên không chồng chéo với các cảng container khu vực Cái Mép - Thị Vải. Vấn đề chính ở cảng Sài Gòn - Hiệp Phước chính là quá trình triển khai dự án. Theo kế hoạch, nguồn vốn để làm cảng này sẽ từ nguồn chuyển đổi công năng cảng Nhà Rồng - Khánh Hội.

Thế nhưng, tính từ khi cảng Sài Gòn - Hiệp Phước khởi công, đến gần bốn năm sau thành phố mới phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2.000 nên không có cơ sở để mời gọi nhà đầu tư vào khu Nhà Rồng - Khánh Hội. Đáng ra, nếu thành phố làm nhanh phê duyệt quy hoạch 1/2.000 thì vẫn có thể dễ dàng kêu gọi nhà đầu tư tham gia. Nhưng vì quá chậm, rơi vào thời điểm kinh tế khó khăn, thu xếp vốn từ nguồn này là việc không đơn giản.

B.H.

BẠCH HOÀN - ĐÌNH DÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên