16/08/2015 13:25 GMT+7

Vững chãi trong cuộc đời buồn

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TT - Với nhiều học trò khác, sau khi thi xong sẽ nghỉ ngơi, đi chơi cùng bạn bè, chờ kết quả xét tuyển... Riêng với Lê Thanh Truyền, ngày nào cũng như ngày nấy, đó là mang những gánh nặng lo toan.

Sáng sớm, Truyền bắt đầu ra đồng gặt lúa thuê và nhận thù lao 50.000 đồng một buổi

Nghe câu chuyện đời Truyền (thôn An Trường, xã Phổ Ninh, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) khó mà cầm được nước mắt: Mới hơn 1 tuổi đã vắng thiếu tình thương của mẹ. Lên 10 tuổi, cha phát bệnh phong, và cậu bé tuổi khăn quàng đỏ trở thành lao động chính, vừa lo cho cha vừa lo cho cậu em Lê Phù Sa suýt soát tuổi mình. Chưa hết, Sa cũng không bình thường khi mắc bệnh trầm cảm. Đến 17 tuổi thì Truyền mồ côi cha.

Một ngày của Truyền bắt đầu từ 5g sáng, quét dọn nhà cửa; cho gà, heo, bò ăn; nấu cơm cho hai anh em. Tiếp đến là Truyền ra ruộng chăm 1,5 sào lúa. Những khi không phải chăm ruộng lúa thì Truyền đích thị là một “thợ đụng”, ai kêu gì cũng làm. Nhưng cũng có lúc không ai kêu, thế là Truyền đạp xe đi mua bán ve chai.

Khổ như thế nhưng đừng mong nghe chàng trai này than vãn. Trong đợt thi vừa rồi, Truyền được 24,25 điểm và em thổ lộ giấc mơ cháy bỏng của mình: trở thành một bác sĩ đông y. Để đạt ước mơ đó, Truyền sẵn sàng đương đầu với mọi gian khó. Chỉ duy nhất một điều khiến bạn lo lắng, đó là chuyện cậu em.

Truyền tâm sự: “Có chuyện gì Sa cũng gọi em. Giờ nếu em đi học xa nhà chẳng biết nó có tự lo cho mình được không. Em sợ nhất là không có em bên cạnh, chứng trầm cảm của Sa sẽ nặng hơn”. Lo thế thôi chứ Truyền cũng đã có phương án. “Em dự tính vào TP.HCM sẽ xin vào chùa ở để giảm chi phí sinh hoạt cá nhân và làm thêm để kiếm tiền lo học phí và chăm cho Sa” - Truyền trải lòng.

Trong những ngày bám theo Truyền, chỉ một lần tôi thấy Truyền rơi nước mắt, đó là khi nhắc đến mẹ. “Em sẽ đi tìm mẹ sau khi học xong đại học. Dù mẹ không nuôi em ngày nào nhưng có ơn sinh thành. Em rất nhớ mẹ. Và muốn biết tại sao mẹ lại bỏ ba cha con đi khi em chỉ mới 1 tuổi và Sa chỉ lọt lòng 2 tháng” - Truyền rơm rớm nước mắt.

Truyền (phải) đi làm thuê được chủ nhà cho thức ăn mang về cho em. Hai anh em có được một bữa no...
7g sáng, Truyền bắt đầu ra đồng gặt lúa thuê
Hai con bò được chăm bẵm trong thời gian qua là tài sản lớn nhất mà Truyền có được
Thầy Oánh (Trường THPT Đức Phổ 1) thấy cậu học trò của mình đạp xe mua ve chai đã gọi lại hỏi thăm điểm thi và chuyện thời gian tới thu xếp thế nào để đi học xa nhà
Truyền (trái) đang trên đường đi chợ và bàn về  tình hình nộp đơn xét tuyển vào đại học với một người bạn
1g chiều Truyền mới kịp nấu bữa trưa cho hai anh em. Nhưng chẳng sao, nụ cười vẫn nở trên môi của chàng trai lạc quan này
Trên bàn học của Truyền là tấm hình với dòng chữ “Tôi sẽ là bác sĩ”

 

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên