Theo số liệu của Cục Hàng hải quốc tế (IMB), khoảng 30% chuyến tàu đi qua eo biển Malacca và eo biển Singapore mỗi năm. Đây là tuyến đường thương mại quan trọng nhất giữa châu Âu và Trung Quốc. Và gần 1/3 lượng dầu thô từ vịnh Ba Tư tới các nền kinh tế lớn của châu Á đi qua vùng biển này.
Khoảng 130.000 con tàu cập cảng Singapore mỗi năm, đồng nghĩa với việc cứ bốn phút có một chiếc tàu đi vào eo biển Singapore.
Cướp biển từng là nỗi kinh hoàng trên eo biển Malacca nhiều năm về trước. Năm 2004, các nước khu vực bao gồm Indonesia, Malaysia và Singapore đã mở chiến dịch tuần tra chung chống cướp biển. Năm 2006, hải quân Ấn Độ đồng ý tham gia tuần tra ở eo biển Malacca.
Tháng 4-2011, lãnh đạo Lực lượng vũ trang Malaysia Jeneral Tan Sri Dato’ Sri Azizan Ariffin tự tin tuyên bố nạn cướp biển ở eo biển Malacca “đã gần như bị tiêu diệt hoàn toàn”.
Ông đã lạc quan quá sớm. IMB cho biết trong năm 2013 số vụ tấn công cướp biển ở khu vực lên tới 125 vụ, gấp ba lần năm 2009. Từ tháng 4 đến tháng 8-2014, ít nhất chín tàu chở dầu lớn bị đánh cướp trên biển Đông.
IMB và ReCAAP khẳng định số vụ tấn công thực tế lớn hơn nhiều so với thông báo chính thức, bởi các hãng vận tải biển rất lo sợ bị ảnh hưởng uy tín. Tổ chức Hàng hải thương mại Mỹ (USMM) ước tính nạn cướp biển toàn cầu gây thiệt hại 8,3 tỉ USD/năm, và hiện 50% các vụ tấn công xảy ra ngoài khơi Indonesia, Singapore và Malaysia.
Theo các chuyên gia IMB và ReCAAP, cướp biển Đông Nam Á áp dụng chiến thuật rất khác kiểu cướp tàu, bắt giữ thủy thủ, đòi tiền chuộc của hải tặc Somalia.
Bọn tội phạm Nam Á kiếm tiền từ hàng hóa chúng cướp được chứ không phải từ tiền chuộc. Mục tiêu ưa thích của chúng là những chiếc tàu nhỏ chở kim loại hoặc nhiên liệu, và rất khó lần theo dấu vết các loại hàng hóa này trên thị trường chợ đen.
Hãng tin CBC dẫn lời chuyên gia Nicolas Teo, phó giám đốc Trung tâm Chia sẻ thông tin của ReCAAP, đánh giá các vụ tấn công trên biển ở Đông Nam Á đòi hỏi thông tin “nguồn” chính xác cao độ. Con tàu mục tiêu chở hàng gì, thời gian di chuyển, các biện pháp an ninh trên tàu, thông tin về các thủy thủ...
Ông Teo khẳng định bọn cướp biển moi tin từ rất nhiều nguồn, từ các thủy thủ biến chất, người nhà công nhân hải cảng, thậm chí từ các quan chức chính phủ và quan chức quân đội tham nhũng.
Eo biển Malacca và eo biển Singapore là những vùng biển hẹp và đông đúc, nhưng đó lại là điều kiện lý tưởng để cướp biển hoạt động. Chuyên gia IMB Pottengal Mukundan cho biết việc tàu bè di chuyển đông đúc trên biển giúp tàu hải tặc dễ dàng lẩn trong đám đông hoặc cướp hàng giữa ban ngày.
“Các tàu đi qua và thấy hai tàu chuyển hàng hóa. Đó chẳng phải là hiện tượng gì lạ. Trên rađa, đó chỉ là hai chấm nhỏ” - ông Mukundan nhấn mạnh. Từ đầu năm nay đã có bốn vụ tấn công tàu trên eo biển Singapore ngay giữa ban ngày.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận