29/11/2022 08:16 GMT+7

Vun đắp giá trị văn hóa của người Việt

THIÊN ĐIỂU - HÀ THANH ghi
THIÊN ĐIỂU - HÀ THANH ghi

TTO - Hôm nay 29-11, Hội thảo quốc gia "Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới" diễn ra tại Hà Nội và kết nối trực tuyến tới Huế, TP.HCM.

Vun đắp giá trị văn hóa của người Việt - Ảnh 1.

Một gia đình ba thế hệ (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cùng nhau dạo chơi công viên dịp cuối tuần - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trước thềm hội thảo, một số chuyên gia, trí thức, văn nghệ sĩ... đã chia sẻ với Tuổi Trẻ những góc nhìn về việc xây dựng và phát huy các hệ giá trị này.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn (ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội):

Cần cụ thể hóa

Bui Hoai Son

Để xây dựng thành công hệ giá trị văn hóa Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong giai đoạn mới đòi hỏi phải xác định được đúng đắn, xác đáng hệ giá trị mới, trên cơ sở khoa học và thực tiễn khách quan, tránh chủ quan, duy ý chí, hô hào suông.

Điều đó đòi hỏi một cách tiếp cận hệ thống, tổng thể, đa chiều, vừa có được sự đồng thuận cao trong giới nghiên cứu khoa học và các nhà lãnh đạo, vừa được đông đảo các tầng lớp nhân dân ủng hộ và thực hiện.

Chính vì vậy, cần phải tổng kết, đúc rút kết quả nghiên cứu của nhiều thế hệ các nhà khoa học đi trước, đồng thời tham khảo học hỏi kinh nghiệm quốc tế, vừa kế thừa có chọn lọc các giá trị truyền thống của dân tộc, đồng thời tiếp thu các giá trị tiến bộ, phổ quát của nhân loại. Ngoài ra cần bám sát quan điểm, đường lối của Đảng, vừa tiếp thu ý kiến của giới trí thức tinh hoa, lắng nghe ý kiến nhân dân và đảm bảo tính khả thi trong triển khai thực hiện.

Việc triển khai hệ giá trị dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học rất cần cụ thể hóa bằng cách bổ sung các nội hàm mới của thời đại như: coi trọng tài năng cá nhân, đề cao học thức, chuyên môn, khoa học và công nghệ, đề cao sự sáng tạo và nhân văn, hướng tới tự do, dân chủ và hạnh phúc của con người.

GS.TSKH Lương Đình Hải (Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam):

Càng khai thác, càng trở nên giàu có

Luong Dinh Hai

Khác với các nguồn lực tự nhiên, nguồn lực các hệ giá trị là nội sinh, nếu không dùng sẽ bị lu mờ, bị hao mòn và mất đi sức mạnh, cạn kiệt dần. Nếu càng dùng càng được bổ sung, phát triển, càng thêm mạnh mẽ càng có tác động sâu rộng, càng được khơi dậy, càng bùng lên mãnh liệt.

Càng nhiều người khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên đó càng trở nên giàu có hơn, các thế hệ dùng không cạn, khai thác không thể hết, càng khai thác càng trở nên nảy nở, phồn thịnh, phát triển.

Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị đạo đức, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị của các cộng đồng đều có những đặc trưng chung như vậy. Khía cạnh này của hệ giá trị Việt Nam hiện chưa được chúng ta chủ động, tích cực sử dụng, khai thác, phát huy và phát triển trong giai đoạn vừa qua.

Trong giai đoạn hiện nay, yêu cầu, mục tiêu, bối cảnh, điều kiện và các phương tiện, tiền đề cho việc khai thác, sử dụng, phát huy và phát triển các hệ giá trị Việt Nam đã rõ ràng. Hơn lúc nào hết trong lịch sử, lúc này là lúc có thể khai thác tốt nhất nguồn lực nội sinh đặc biệt của quốc gia, của mỗi gia đình, cộng đồng và mỗi cá nhân.

Vun đắp giá trị văn hóa của người Việt - Ảnh 6.

Gia đình anh Phạm Văn Minh, chị Tường Vi và bé Bảo Ngân dạo chơi Tết Nhâm Dần 2022 tại Nhà văn hóa Thanh niên, quận 1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ (chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, đơn vị phối hợp tổ chức hội thảo):

Văn hóa góp phần giữ ổn định xã hội

Nguyen The Ky

Với hệ giá trị tốt đẹp chân, thiện, mỹ, văn hóa luôn làm tròn chức năng của mình đối với việc điều tiết sự vận hành của xã hội. Ứng với nó là văn hóa chính trị, văn hóa pháp quyền, văn hóa quản lý xã hội, văn hóa dòng họ, văn hóa gia đình, văn hóa dân chủ, văn hóa công dân...

Văn hóa góp phần giữ ổn định xã hội trong giai đoạn phát triển bền vững hiện nay. Điều quan trọng nhất khi nói văn hóa là nền tảng tinh thần bởi văn hóa có chức năng định hình các giá trị, chuẩn mực trong đời sống xã hội, chi phối các hành vi của mỗi người và toàn xã hội.

Với tính lịch sử, sự giao lưu, tiếp biến với bên ngoài... các giá trị, chuẩn mực đó được truyền bá, lưu giữ, chắt lọc, tiếp nhận và phát triển trong tiến trình lịch sử của dân tộc. Từ đó trở thành hệ thống các giá trị đặc trưng cho một dân tộc, bao gồm chính trị, văn hóa, đạo đức, luật pháp, khoa học, văn học, nghệ thuật, các thể chế, thiết chế văn hóa, tập quán, lối sống, tạo nên hồn cốt, bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc.

Anh Lê Anh Tiến (CEO Công ty cổ phần công nghệ Chatbot Việt Nam, gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2019):

Không thể rón rén để tồn tại

le anh tien

Thường xuyên đi công tác, làm việc ở nước ngoài, tôi nhận thấy văn hóa phát biểu ý kiến của người Việt Nam còn thụ động. Thường người Việt chỉ ngồi nghe giảng và gật gù, chẳng dám phát biểu ở nơi công sở cũng như các tổ chức nước ngoài, họ sợ sai, sợ bị nhận trách nhiệm.

Khi còn làm việc ở nước ngoài tiếp xúc với các bạn Việt Nam, tôi thấy các bạn e dè, rụt rè, mặt mày tái xanh khi gọi đến tên, như vậy thì sẽ rất khó phát triển được trong tương lai.

Để hội nhập thế giới và bước ra "biển lớn", những tiêu chí chung cho những người Việt Nam là phải tự tin, có khả năng làm việc nhóm, suy nghĩ độc lập - sáng tạo, biết bảo vệ chính kiến của mình đồng thời tôn trọng quan điểm của người khác. Nhiều bạn trẻ Việt Nam đang rất thiếu các kỹ năng này.

Việc chuẩn bị ngoại ngữ tốt cũng sẽ giúp ích cho người Việt rất nhiều. Hãy dành một chút năng lượng mỗi ngày cho việc học các ngoại ngữ thông dụng như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức... Giao tiếp tốt còn phụ thuộc vào sự tinh tế, khéo léo trong cách ứng xử với mọi người.

Am hiểu các nền văn hóa lại là công cụ tiếp theo giúp người Việt có được sự tinh tế trong giao tiếp. Và là người Việt, chúng ta hãy tự tin vào các giá trị văn hóa tốt đẹp của người Việt và quảng bá nó với bạn bè quốc tế.

Vun đắp giá trị văn hóa của người Việt - Ảnh 11.

Ngày cuối tuần nhiều gia đình cùng con tham quan Đường sách TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Anh Hoàng Minh Thông (thạc sĩ giáo dục, Trường phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia TP.HCM):

La bàn cho mỗi người

Hoàng Minh Thông

Người Việt Nam trước khi ra nước ngoài cần lưu ý đầu tiên là tôn trọng văn hóa bản địa của nước mà mình đến. Tuy nhiên, chúng ta nên có sự tự hào về nguồn gốc Việt Nam, về văn hóa Việt Nam bao gồm việc lựa chọn đâu là những giá trị tiến bộ để có thể áp dụng.

Có những giá trị mà ở quốc gia nào cũng được tôn trọng, đó là tôn trọng sự khác biệt và đa dạng văn hóa cùng tinh thần cầu thị vì sự tiến bộ chung của tập thể. Đó còn là sự tự hào về văn hóa và nguồn gốc của mình một cách phù hợp, biết lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong văn hóa gốc của mình.

Sẽ có những lúc chúng ta bị khủng hoảng danh tính hoặc khủng hoảng giá trị khi chúng đối ngược nhau, khi ấy chúng ta cần có một la bàn cho chính bản thân mình về những giá trị văn hóa, đạo đức và những thứ đã tạo nên con người mình. Chiếc la bàn ấy cùng tư duy mở khi kết hợp sẽ giúp chúng ta giảm thiểu được sự xung đột văn hóa hay đánh mất bản thân mình khi rơi vào môi trường đa văn hóa.

DUY LINH ghi

Hệ giá trị gia đình là tấm "căn cước" của mỗi người

Gia đình luôn là một tấm "căn cước" quan trọng cho sự trưởng thành của mỗi cá nhân. Làm sao để hệ giá trị gia đình góp thêm sức mạnh cho mỗi cá nhân làm nên những bản thể độc đáo, cũng như duy trì được bản sắc của cả quốc gia?

Đạo diễn Ron Toronto (chồng diễn viên Nhã Uyên, phim Đêm tối rực rỡ):

Gia đình đa văn hóa giúp người ta thông cảm

aaron

Văn hóa Việt và Mỹ là hai thái cực. Trong giao tiếp tiếng Việt, một câu có thể có rất nhiều nghĩa, mình cần cố gắng để hiểu được những lớp nghĩa đó. Còn với người Mỹ, mình muốn gì cần gì thì nói ra rất rõ ràng. \

Đó là ví dụ có thật về những vấn đề tôi gặp phải. Do đó, người không hiểu được các lớp nghĩa thì phải cố mà hiểu. Còn người không có thói quen nói ra ý muốn của mình thì phải học cách mà nói.

Với con cái, việc lớn lên trong một gia đình đa văn hóa Việt - Mỹ có nhiều tác động tích cực. Chúng có thể rành hai ngôn ngữ, rành hai nền văn hóa. Một đứa con trong gia đình như vậy không hoàn toàn thuộc về một nền văn hóa nào hoặc đồng thời thuộc về cả hai nền văn hóa.

Điều đó tốt vì đứa trẻ sẽ biết cách thông cảm với những người không giống mình, vì nó hiểu rằng cả thế giới này là đa văn hóa. Nó sẽ giỏi hơn trong cách giải quyết vấn đề.

Bà Nguyễn Thị Mai Lan (phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM):

Tứ đại đồng đường thuận hòa, yêu thương

co nguyen thi mai lan

Gia đình tôi tứ đại đồng đường cùng chung sống nên điều quan trọng nhất phải gìn giữ là sự kính trên nhường dưới, mọi thành viên phải thuận hòa, yêu thương, chia sẻ, động viên lẫn nhau.

Từ gia đình có sáu người đến nay đại gia đình tôi có 24 thành viên cả dâu, rể, cháu, chắt. Tôi thường xuyên tổ chức bữa cơm đại gia đình họp mặt con, cháu ăn cùng nhau để chia sẻ, khuyên bảo lẫn nhau.

Tôi dạy các con, cháu phấn đấu học tập, rèn đạo đức, giữ nề nếp gia đình. Đại gia đình nhà tôi lập "nhóm gia đình" trên mạng xã hội để trao đổi với nhau. Ai gặp khó khăn gì thì lên tiếng để mọi thành viên cùng giúp đỡ. Tôi là người cầm trịch, "điều phối" con, cháu, hình thành nếp sống yêu thương, chan hòa.

Để khuyến khích các cháu học, tôi treo thưởng đứa nào học giỏi được tặng quà, xe đạp hoặc tốt nghiệp đại học được tặng xe máy, không phân biệt cháu nội hay ngoại. Tôi thấy các con, cháu tôi gắn kết, yêu thương đùm bọc, động viên nhau, đứa nào cũng chịu học, có cháu du học đã trở về phục vụ trong nước...

Bài học đạo đức, sự hiếu thảo, hòa thuận trong gia đình phải xuất phát tự nhiên, bằng hành động chứ không chỉ là lời nói suông. Ông bà, cha mẹ sống mẫu mực, làm gương sáng, ắt các cháu, chắt có môi trường noi theo. Con cháu nhà tôi rất hiếu thảo, ông bà đau ốm, chúng thường xuyên thăm hỏi, chăm sóc.

Mình có thể tự mua sữa uống chứ, thế nhưng hộp sữa do cháu biếu làm ông bà vui, ấm áp hơn. Bao nhiêu năm qua, tôi luôn vui vẻ với hạnh phúc của đại gia đình và không phải suy nghĩ phiền lòng vì bất cứ điều gì.

Thạc sĩ xã hội học Trần Nam (Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TP.HCM):

Gia đình truyền thống đang bị tác động

Tran Nam

Những năm gần đây, các đặc điểm văn hóa mới và đặc điểm của thế hệ trẻ, nhất là thế hệ Z đang khiến gia đình truyền thống Việt Nam có nhiều thay đổi. Công nghệ, truyền thông và toàn cầu hóa khiến cho các làn sóng văn hóa nhanh chóng tác động vào Việt Nam, nhất là đối với thế hệ trẻ nên nhiều tư tưởng, quan điểm về gia đình đã có nhiều sự thay đổi.

Có vẻ như người Việt đã thoáng hơn trong việc lựa chọn bạn đời, quyết định có hay không lập gia đình, kết hôn đồng giới, lựa chọn ly hôn khi không hạnh phúc...

Nhiều bạn trẻ không muốn ràng buộc về nghĩa vụ, tình cảm, tài chính và họ quyết định không lập gia đình. Họ đã hướng về bản thân nhiều hơn so với trước đây, kết hôn có khi chỉ để vừa lòng cha mẹ, họ hàng.

Thế hệ Z và những thế hệ tiếp theo sẽ khiến quan điểm truyền thống về gia đình thay đổi nhiều hơn nữa. Các thế hệ này sẽ tập trung nhiều hơn "cái tôi tự do", nuông chiều trải nghiệm bản thân, ưa chuộng sự xê dịch, không chấp nhận sự ràng buộc của truyền thống và những quan điểm áp đặt. Họ sẽ kết hôn muộn hơn và việc kết hôn đồng giới sẽ trở nên phổ biến.

Xu hướng là tất yếu và không thể chối bỏ nên chúng ta cần tính đến sự thích nghi, tái định hướng và có giải pháp mang tính hệ thống. Để làm điều này cần một chiến lược quốc gia với sự tham gia của nhiều bên.

Hội thảo quốc gia "Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới" diễn ra tại Hà Nội ngày 29-11 và kết nối trực tuyến tới Huế, TP.HCM. Hội thảo do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Hội đồng Lý luận trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tổ chức.

Cùng với Hội thảo văn hóa 2022 (diễn ra đầu tháng 12 do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và tỉnh Bắc Ninh tổ chức), Hội thảo quốc gia "Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới" là sự kiện quan trọng nhằm triển khai, cụ thể hóa nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhất là kết luận của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021.

TTXVN

MI LY - KIM ANH - C.NHẬT ghi

Hộ chiếu văn hóa Việt Nam: Hộ chiếu văn hóa Việt Nam: 'Gìn vàng giữ ngọc' văn hóa gia đình Việt

TTO - Bàn về các hệ giá trị văn hóa, bên cạnh hệ giá trị Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ đổi mới thì hệ giá trị gia đình là một dấu son.

THIÊN ĐIỂU - HÀ THANH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên