Phóng to |
Cống xả nước thải của Vedan ra sông Thị Vải |
Chuyên viên kinh tế Nguyễn Văn Sơn cho biết: “Tôi rất ngạc nhiên với cách giới hữu quan xử lý vấn đề của Công ty Vedan. Khi đã “bắt quả tang” công ty này đổ nước thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải như báo chí đã nêu thì đã có thể xử lý ngay, chứ còn “xem xét” gì nữa.
Cách đây 40 năm, tôi từng quản lý một nhà máy sản xuất bột ngọt (1968-1975), vấn đề này đã rất minh bạch. Ngay từ khi lập dự án đã phải có quy trình và danh sách các trang thiết bị xử lý chất thải chống ô nhiễm môi trường rồi. Xây nhà máy xong, phải mời cơ quan quản lý xuống thẩm tra, nếu họ thấy hệ thống xử lý chất thải chưa đạt yêu cầu thì dĩ nhiên nhà máy không được cấp giấy phép hoạt động. Vedan là một công ty lớn, chắc chắn họ đã đầu tư hệ thống này.
Cần biết rằng việc trang bị hệ thống xử lý chất thải rất tốn kém, thường chiếm đến 20% trị giá toàn bộ máy móc. Và việc trang bị đến hai hệ thống ống như của Vedan (khi có kiểm tra thì chuyển qua hệ thống xử lý, khi không ai kiểm tra thì chuyển sang đường ống đổ thẳng ra sông) tiền đầu tư rất lớn. Nhưng họ làm như vậy vì thực tế tiền đầu tư thêm này chẳng thấm vào đâu so với chi phí xử lý chất thải. Bởi với một quy trình xử lý chất thải có nhiều BOD và tính axít của ngành bột ngọt, chi phí này làm đội giá thành lên trung bình khoảng 15%. Việc gì phải đặt vấn đề “có đóng cửa Vedan hay không” mà “phải ngưng hoạt động và bồi thường thiệt hại môi trường ngay theo đúng luật pháp hiện hành”, chứ không cần “cân nhắc” gì cả. Đến khi Vedan hoàn thiện hệ thống đạt yêu cầu (trong trường hợp này là xóa bỏ hệ thống xả trực tiếp ra sông) thì sẽ được cấp giấy phép hoạt động trở lại”.
Ông Phan Chánh Dưỡng thì liên hệ với mô hình Khu chế xuất Tân Thuận thời ông làm quản lý: “Khi mới hình thành, rất may những nhà đầu tư cho rằng đây là vấn đề quan trọng nên họ mời một nhóm quan chức quản lý Khu chế xuất Cao Hùng (Đài Loan) qua tư vấn cho chúng tôi. Đó là những nhà kỷ trị và lại không bị lệ thuộc vào nhà đầu tư, nên những điều họ tư vấn là thuần túy chuyên môn, kỹ thuật, theo quy chế thì cái này phải làm gì, xử lý ra sao...
Điều đặc biệt là họ nhìn nhận vấn đề dưới góc độ những người quản lý nhà nước, nên tôi đã học được rất nhiều. Một trong những điều kiện tiên quyết họ đưa ra là phải thu phí để làm nhiệm vụ mà nay ta gọi là bảo vệ môi trường. Nên mới có chuyện tách riêng chi phí thuê đất và chi phí bảo vệ khu chế xuất. Phần thuê đất là của nhà đầu tư, còn phần thu dưới danh nghĩa chi phí duy tu bảo dưỡng, quản lý khu chế xuất dùng để sửa điện, đường, bảo vệ, y tế, phòng cháy chữa cháy… và đặc biệt dùng để bảo vệ môi trường, trong đó có xử lý chất thải.
Chi phí nộp được tính theo một tỷ lệ trên doanh số, doanh số càng tăng thì tỷ lệ nộp càng giảm dù giá trị tuyệt đối sẽ tăng, nhưng cũng không vượt quá một mức trần quy định. Khi ấy, tất cả chất thải của doanh nghiệp đều phải được xử lý bước đầu, sau đó cho chảy vào đường ống chung của khu chế xuất; tại đây sẽ có bộ phận lo việc xử lý cuối cùng và thoát ra ngoài. Chẳng doanh nghiệp nào tính đến chuyện đổ nước thải ra ngoài, vì họ đã đóng tiền để xử lý rồi. Dù phải chịu áp lực từ nhiều phía, đặc biệt là các doanh nghiệp “khiếu nại” khi thấy tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất khác không hề thu phí này, nhưng chúng tôi vẫn cương quyết áp dụng. Thực tế đã chứng tỏ những nơi không thu phí ấy đều có thể xảy ra nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, vì họ không có kinh phí để làm chuyện đó”.
Chuyên viên kinh tế Trần Sĩ Chương phân tích căn cơ: “Bảo vệ môi trường là một vấn đề nan giải với những nước đang phát triển. Nhiều cái khó đang bó cái khôn, bởi đang nghèo nên phải lo miếng ăn trước khi lo chuyện giữ sạch, làm sạch. Vả lại doanh nghiệp đầu tư vào các phương tiện bảo vệ môi trường không sinh lời trước mắt, chỉ thấy có chi phí, mà họ phải tính lời hàng ngày, nhất là các doanh nghiệp ở các nước đang phát triển vốn phải đối phó với quá nhiều những rủi ro kinh doanh khác. Chưa kể thói quen cứ để “ông trời” xử lý, chưa có một căn bản giáo dục tôn trọng thiên nhiên và đặc biệt là thói quen đùn đẩy trách nhiệm cá nhân cho tập thể xã hội.
Trước chúng ta, Thái Lan, Indonesia và nay sát ngay chúng ta là Trung Quốc, đang gánh nặng thảm họa môi trường từ hậu quả của cái gọi là “hiện đại hóa, công nghiệp hóa” trong ba thập niên qua. Con số tăng trưởng GDP thì rất hạn hẹp, nhưng nếu phải tính luôn cái giá phải trả để xử lý những hệ quả môi trường thì con số có khi âm. Từ những năm 1980, Giáo sư Charlie Pearson của Đại học Johns Hopkins (Mỹ) đã cảnh báo lãnh đạo Thái Lan là tăng trưởng thật của Thái Lan có thể là 0 nếu không kịp thời xử lý các vấn đề môi trường của họ. Càng để lâu càng tốn kém. Mới đây một số báo cáo ước tính là Trung Quốc phải chi cả 10% GDP mỗi năm để làm sạch, hồi phục lại môi trường và để chi trả các dịch vụ y tế cho các nạn nhân của ô nhiễm môi trường.
Vấn đề môi trường sẽ không được giải quyết nghiêm túc nếu chỉ kêu gọi tinh thần trách nhiệm của doanh nghiệp và các hình thức xử phạt (dĩ nhiên là phải có, và phải rất nghiêm ngặt). Doanh nghiệp phải tự họ tìm ra cách bảo vệ môi trường mà vẫn có lợi; hoặc xã hội phải tạo điều kiện cho họ có lợi trong việc bảo vệ môi trường. Xã hội thường khắt khe với doanh nghiệp khi có sự cố, nhưng lại quên rằng doanh nghiệp cũng là một bộ phận của ta; họ là thành phần tạo công ăn việc làm cho ta, cho con em ta; họ là chúng ta. Vậy thì xã hội chúng ta phải có trách nhiệm tạo mọi điều kiện cho họ làm đúng, để chúng ta không phải trả cái giá quá lớn khi họ quá “năng nổ” trong kinh doanh mà quên trách nhiệm xã hội. Con số các doanh nghiệp cố ý lách luật ở nước nào, thời nào, ngày nào, ngay cả ở Mỹ, cũng không phải là ít.
Môi trường có được bảo vệ cho sự nghiệp phát triển bền vững hay không tùy thuộc vào: (1) Giáo dục, từ “thuở lên ba”, để con người xã hội từ trong xương tủy đã có khái niệm biết quý và tôn trọng môi trường; (2) Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư bảo vệ môi trường qua những chính sách thuế, tín dụng ưu đãi…, để doanh nghiệp có thể sống “đàng hoàng” với xã hội mà không phải quá so đo về mặt lợi nhuận; (3) Tích cực hỗ trợ, quảng bá những kỹ thuật, công nghệ có thể giúp doanh nghiệp sinh lời trong đầu tư bảo vệ môi trường.
Thí dụ, một công ty thuộc da của Đức đang đầu tư vào một nhà máy ở Bình Dương. Họ đã thiết kế nhà máy này để đạt được tiêu chuẩn xanh nhất, sạch nhất, và sẽ giúp họ “giảm” chi phí hoạt động hàng năm lên đến 20-30%, hòa vốn đầu tư cho hệ thống tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường chỉ trong vòng 2-3 tháng sau khi đi vào hoạt động! Nhà tư vấn thiết kế và quản lý của dự án này, ABBO Engineering, cho biết thiết kế nhà máy sử dụng rất nhiều công nghệ thông minh thiên nhiên (như rễ cây tre, cây sậy…) kèm theo công nghệ hiện đại để xử lý nước thải”.
Phóng to |
Hệ thống xử lý nước thải tại khu chế xuất Tân Thuận (TP.HCM) |
Từ Đức, chuyên gia về chính sách công Nguyễn Chính Tâm, người từng có nhiều bài phân tích sâu về các nhóm lợi ích trên chuyên trang Vấn đề của báo DNSGCT - bày tỏ quan điểm: “Vụ Vedan đặt ra cho chúng ta nhiều câu hỏi mở, từ góc nhìn những nhóm lợi ích. Một mặt, việc làm của Vedan được lý giải là một cá thể lấy mục đích tăng lợi nhuận làm tối thượng. Rằng nhà kinh doanh nào cũng muốn chi tối thiểu và thu tối đa, nên ít ai muốn phát sinh thêm phí tổn làm ảnh hưởng đến lợi nhuận. Mặt khác, hành động này gây ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích của một nhóm xã hội khác - người dân hai bên bờ và những người sinh sống dựa vào khai thác lợi tức của dòng sông.
Vấn đề ở đây là trong khi nhóm hưởng lợi ích từ chính sách “che mắt” của Vedan nhỏ hơn rất nhiều so với những nhóm người dân bị ảnh hưởng xấu từ hành động đó (chưa kể đến tác động xấu về sức khỏe, môi trường sống, mà khó kết toán kinh tế nào làm rõ được), thì tiềm lực theo đuổi lợi ích của Vedan lại vượt trội hoàn toàn. Những người dân bên bờ Thị Vải là những cá nhân, hộ gia đình đơn lẻ, xét về mọi phương diện tài chính, tiếng nói, khả năng tổ chức đều không thể so sánh với Vedan.
Trong trường hợp này, chúng ta đứng trước một bài toán đang còn thiếu hai ẩn số. Đầu tiên là khả năng quản lý vĩ mô của Nhà nước trong lĩnh vực môi trường. Rõ ràng với những gì báo chí đưa tin, Vedan có thể “che mắt” được gần 14 năm, thậm chí còn được nhận bằng khen về bảo vệ môi trường, đã cho thấy còn nhiều bất cập trong công tác kiểm tra và phát hiện kịp thời những sai phạm. Ẩn số còn lại thể hiện qua sự thiếu vắng những nhóm lợi ích công mà tôn chỉ tập trung bảo vệ những lợi ích cộng đồng (như hội bảo vệ môi trường, nguồn nước, rừng, người tiêu dùng,…).
Ở các nước phát triển, những nhóm này tạo thành một kênh phát ngôn quan trọng có ảnh hưởng lớn trong quá trình hoạch định chính sách. Như vậy, chuyện Vedan không chỉ là bài toán về môi trường, mà còn là câu hỏi về mô thức quản trị xã hội, nhìn từ khía cạnh chính sách vĩ mô đối với những nhóm lợi ích”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận