25/02/2021 15:25 GMT+7

Vụ vào tận trường ép học sinh ra ngoài đánh: Do mâu thuẫn giữa 2 nhóm học sinh cá biệt

Tin, ảnh: NGỌC TÀI
Tin, ảnh: NGỌC TÀI

TTO - Ngày 25-2, UBND tỉnh Đồng Tháp đã có buổi làm việc trực tiếp với UBND huyện Tháp Mười, công an huyện, trường học và các ngành liên quan đến vụ học sinh bị ép ra ngoài trường rồi hành hung.

Vụ vào tận trường ép học sinh ra ngoài đánh: Do mâu thuẫn giữa 2 nhóm học sinh cá biệt - Ảnh 1.

Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp làm việc với các ngành liên quan vụ học sinh bị hành hung

Sau khi nghe các ngành liên quan báo cáo, ông Đoàn Tấn Bửu, phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, kết luận đây chỉ là mâu thuẫn giữa hai nhóm học sinh cá biệt còn đi học và đã nghỉ học, không phải băng nhóm xã hội đen "thanh toán" có tính chất phức tạp, lộng hành ở địa phương.

"Hai nhóm học sinh cá biệt, thiếu hiểu biết và có tính bộc phát, gây hậu quả không nghiêm trọng, chỉ gây thương tích phần mềm, trầy xước", ông Bửu thông tin.

Theo báo cáo tiến độ điều tra ban đầu của Công an huyện Tháp Mười, chiều 22-2, vừa tan học L.V.K. (học sinh hệ giáo dục thường xuyên Trường THPT Tháp Mười) bị nhóm gồm 5 thanh thiếu niên (đã nghỉ học) khống chế chở đến khu vực khóm 4, thị trấn Mỹ An dùng tay, nón bảo hiểm, vật nhọn gây thương tích. 

Nguyên nhân trước đó nhóm bạn của K. đã đánh Lê Hữu T. - một trong số năm thanh thiếu niên kể trên.

Hay tin K. bị đánh, nhóm bạn K. (đã nghỉ học) tìm đến Trường THPT Đốc Binh Kiều uy hiếp, bắt ép hai học sinh là bạn của Lê Hữu T. lên xe chở đi, mục đích ép T. ra "giải quyết", nhưng T. không ra nên nhóm bạn K. đã đánh hai học sinh trên.

Hiện công an huyện đã mời đến làm việc ba học sinh bị hành hung và tám thanh thiếu niên có liên quan (6 em 14-17 tuổi, 2 người 19 tuổi). Trong đó đã tạm giữ hình sự hai người để điều tra hành vi giữ người trái pháp luật và đang tiếp tục mời các đối tượng còn lại (đã rời khỏi địa phương) để xử lý theo pháp luật.

Theo hồ sơ của công an huyện, trong hai thanh thiếu niên đang bị tạm giữ hình sự có Đ.N.H. (19 tuổi). Vào cuối năm 2020, H. từng chém gây thương tích cho người khác với tỉ lệ thương tật là 16%. Hiện các ngành liên quan đang củng cố hồ sơ vụ việc để khởi tố thì H. tiếp tục có hành vi phạm tội mới.

"Đây cũng là bài học trong việc phối hợp với nhà trường để quản lý những trường hợp học sinh cá biệt, bỏ học, quan hệ các đối tượng xấu bên ngoài. Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm, sau này sẽ tham mưu UBND huyện, cùng ngồi lại với ngành giáo dục, các trường học để tính toán giải pháp", đại tá Nguyễn Văn Thương, trưởng Công an huyện Tháp Mười, báo cáo tại cuộc họp.

Xử lý nhưng cân nhắc 

Vụ vào tận trường ép học sinh ra ngoài đánh: Do mâu thuẫn giữa 2 nhóm học sinh cá biệt - Ảnh 2.

Đại tá Trần Văn Đoàn, phó giám đốc Công an tỉnh Đồng Tháp

Tại cuộc họp, ông Bửu lưu ý các ngành liên quan: "Các em là học sinh cá biệt, độ tuổi vị thành niên, tâm lý dễ xáo trộn, bộc phát, thích chứng tỏ, nghĩ rằng việc này để dằn mặt, hơn thua với nhau".

Do đó ông Bửu yêu cầu phải xử lý theo hướng giáo dục tích cực, tạo điều kiện cho các em hồi phục, hòa nhập. "Không nên răn đe, xử lý nặng nề đến mức các em mất cơ hội hồi phục, hòa nhập", ông Bửu chỉ đạo.

Đại tá Trần Văn Đoàn, phó giám đốc Công an tỉnh Đồng Tháp, cũng đồng tình: "Chúng ta đừng nhìn sự việc đến nỗi thành băng nhóm. Các em kết bạn với nhau, có những hành vi sai lệch. Nói vậy để chúng ta cùng nhìn nhận đúng sự việc, giáo dục các em tốt rồi giáo dục cả những em hư".

Ông Đoàn cũng cho biết riêng việc tạm giữ hình sự hai em để điều tra hành vi giữ người trái pháp luật: "Hành vi của các em đã cấu thành phạm tội. Tuy nhiên nhìn bản chất sự việc, hành vi của các em là bộc phát, thiếu hiểu biết, không phải hành vi nguy hiểm như các băng nhóm bắt cóc, đòi tiền, cưỡng đoạt tài sản. Chúng tôi sẽ làm chặt chẽ, thận trọng, đúng luật".

Xây dựng kênh báo gọi khi học sinh có mâu thuẫn

Sau cuộc họp, UBND tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo cần hoàn thiện các chương trình hỗ trợ can thiệp, tâm lý cho học sinh, phụ huynh để biết cách ứng xử khi có dấu hiệu bất hòa. Ngoài ra, cần xây dựng quy trình, nhất là kênh báo gọi, để khi các em có vấn đề mâu thuẫn thì có nơi chốn để báo gọi.

"Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, phụ huynh, công an để sớm phát hiện những mâu thuẫn để giải quyết có lý, có tình. Tránh trường hợp các em bộc phát, sa ngã thành băng nhóm phức tạp", ông Bửu thông tin.

Nam học sinh THPT dùng dao đâm bạn cùng lớp nguy kịch Nam học sinh THPT dùng dao đâm bạn cùng lớp nguy kịch

TTO - Do mâu thuẫn từ trước, một học sinh Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa dùng dao thủ sẵn đâm vào cổ bạn học cùng lớp.

Tin, ảnh: NGỌC TÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên