13/04/2017 10:53 GMT+7

Vụ United Airlines: Cảnh sát Mỹ không cần thô bạo như thế!

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Các chuyên gia hàng không cho rằng nhóm cảnh sát tham gia kéo ông David Dao khỏi chuyến bay của United Airlines không cần hành động thô lỗ như vừa qua.

Người biểu tình phản đối hành xử của United Airlines ở Chicago ngày 11-4 - Ảnh: Reuters
Người biểu tình phản đối cách hành xử của United Airlines ở Chicago ngày 11-4 - Ảnh: Reuters

Hãng tin AP dẫn lời các chuyên gia hàng không cho rằng trong trường hợp khách hàng không gây rối hoặc không gây nguy hiểm, các cảnh sát hoàn toàn có thể để hãng hàng không tự xử lý rắc rối với khách hàng.

Đoạn băng ghi lại cảnh ông David Dao, 69 tuổi, mặt đầy máu bị cảnh sát lôi dọc lối đi trên máy bay đã trở thành cơn ác mộng của hãng United Airlines.

Một cảnh sát đã bị đình chỉ sau vụ việc này. Sở hàng không Chicago cho biết viên cảnh sát bị đình chỉ do vi phạm quy trình nhưng không nói rõ quy trình gì.

Đoạn băng bạo lực đó cũng phản ảnh một tình trạng phổ biến ở Mỹ là cảnh sát được gọi tới xử lý mọi vấn đề, từ ở sân bay cho đến trường học, vốn có thể được giải quyết đơn giản hơn mà không cần cảnh sát. Kết quả là nhiều vụ việc trở nên đầy bạo lực.

“Cảnh sát có khuynh hướng hành động, nhưng có nhiều lúc đó không phải là điều tốt nhất cho họ và đơn vị của họ. Họ nên đặt câu hỏi liệu họ có nên sử dụng vũ lực khi thực hiện yêu cầu của hãng hàng không” - cựu cảnh sát Jim Bueermann - chủ tịch nhóm nghiên cứu Police Foundation, giải thích.

Trong phỏng vấn với đài ABC phát sóng hôm 12-4, Giám đốc điều hành Oscar Munoz của hãng United Airlines cũng cam kết sẽ không sử dụng thủ tục gọi cảnh sát giải quyết những trường hợp như với ông David Dao. Đây là một trong những động thái "chữa cháy" của hãng hàng không Mỹ, bao gồm cả quyết định bồi thường cho các hành khách trên chuyến bay xảy ra sự cố gây bão tuần qua.

Trên chuyến bay "bão táp" hôm 9-4, ông David Dao không có biểu hiện chống cự các cảnh sát. Theo các chuyên gia, những cảnh sát được gọi đến nên tìm hiểu rõ vấn đề và suy nghĩ cách giải quyết vấn đề.

“Nếu có ai đó khăng khăng ở lại dù chủ nhà có nói gì, người cảnh sát cần phải thắc mắc vì sao người đó cố ở lại” - ông Kevin Murphy, lãnh đạo của Mạng lưới các cơ quan thực thi luật pháp sân bay Mỹ, nêu ý kiến.

Theo cảnh sát sân bay Los Angeles, họ từ lâu đã không tham gia các vấn đề dân sự giữa các hãng hàng không và hành khách và nhiều lần từ chối lên máy bay theo yêu cầu của các hãng.

“Chúng tôi không chỉ cứ hành động mỗi khi được yêu cầu. Các sĩ quan phải tìm hiểu toàn bộ tình hình, vì sao họ được gọi đến và sau đó quyết định hành động trong thẩm quyền. Không thể bắt ai đó xuống máy bay chỉ vì hãng hàng không muốn họ xuống. Chúng tôi chỉ hành động khi có ai phạm luật” - cảnh sát Rob Pedregon nói.

Dù một số ý kiến cho rằng chính hãng hàng không đã đẩy các cảnh sát vào tình huống khó xử, nhưng ông Bueermann khẳng định “ai cũng có giới hạn nhưng cảnh sát là những người được trả tiền để dùng lý trí giải quyết tình huống”.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên