Cảnh màn trời chiếu đất, tài sản, nhà cửa của người dân thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang (Quảng Nam) sau đợt xả lũ chiều 28-10-2020- Ảnh: B.D.
Sau nửa năm, người dân, UBND huyện và phía thủy điện vẫn chưa thể thống nhất phương án đền bù, hỗ trợ thiệt hại khi phía thủy điện giữ quan điểm thiệt hại do thiên tai.
3,3 tỉ đồng cho 900 hộ dân
Theo ông A Viết Sơn, chủ tịch huyện Nam Giang (Quảng Nam), ngày 30-3-2021 Công ty CP Thủy điện Đắk Mi (Đắk Mi JSC) đã gửi văn bản và đưa ra phương án khắc phục các thiệt hại sau vụ xả lũ của thủy điện này vào ngày 28-10-2020. Trong văn bản, Đắk Mi JSC vẫn giữ quan điểm như trước và khẳng định thiệt hại của gần 900 hộ dân 2 xã thuộc huyện Nam Giang chiều 28-10-2020 là do... thiên tai.
Đắk Mi JSC nêu rằng đợt lũ vào cuối tháng 10-2020 lớn chưa từng có, gây ra thiệt hại không chỉ riêng cho huyện Nam Giang. Việc thủy điện xả lũ về hạ du là bất khả kháng. Sau sự việc, theo yêu cầu của UBND tỉnh Quảng Nam, Đắk Mi JSC đã tích cực phối hợp với địa phương để kiểm kê, đánh giá thiệt hại của bà con, đồng thời tìm hướng khắc phục hậu quả. Trong dịp Tết Tân Sửu, Đắk Mi JSC đã hỗ trợ cho các hộ dân tổng số tiền 600 triệu đồng.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam, Đắk Mi JSC phối hợp cùng huyện Nam Giang thống kê, đưa ra hướng hỗ trợ người dân thiệt hại. Phía thủy điện chấp nhận mức hỗ trợ 3,3 tỉ đồng đối với các thiệt hại của người dân. Phần còn lại thì huyện Nam Giang phải cân đối. Ngoài việc hỗ trợ tiền khắc phục hậu quả cho người dân, Đắk Mi JSC cũng hứa sẽ rà soát, sửa chữa lại hệ thống loa cảnh báo dọc sông Đắk Mi và sẽ có giải pháp khác để truyền thông tin cảnh báo hiệu quả hơn.
Quá ít so với những mất mát
Chủ tịch UBND huyện Nam Giang A Viết Sơn cho rằng hơn 3 tỉ đồng để hỗ trợ gần 900 hộ dân bị thiệt hại nặng là quá ít so với mất mát của người dân. Huyện đã thống kê thiệt hại cho dân bao gồm hư hại hoa màu và cây nông nghiệp 2,6 tỉ đồng; 6,7 tỉ còn lại là các thiệt hại tài sản, nhà cửa, đồ đạc của người dân do trận lũ bất ngờ, hư hại công trình dân sinh 6,8 tỉ đồng. Nay thủy điện chỉ hỗ trợ hơn 3,3 tỉ. Người dân bị thiệt hại đã chờ đợi gần nửa năm, số tiền quá ít vậy chẳng bõ bèn gì để giúp bà con có thể mua sắm lại tài sản, vật nuôi" - ông A Viết Sơn nói. "Nhà cửa, làng mạc tiêu điều xơ xác hết. Mấy tháng nay bà con bức xúc cầm đơn lên huyện, chúng tôi trấn an bà con và hứa sẽ làm hết mình. Tuy nhiên tới nay tất cả đều chỉ là nỗi thất vọng" - ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, tổng thiệt hại bà con tự thống kê hơn 40 tỉ đồng, chính quyền đi khảo sát lại và đề xuất 16 tỉ đồng. Nay phía thủy điện chỉ hỗ trợ hơn 3 tỉ đồng là khó có thể chấp nhận khi bà con đã phải thiệt thòi rất nhiều từ khi bắt đầu xây dựng thủy điện này. "Chúng tôi sẽ làm văn bản gửi UBND tỉnh, khi có ý kiến chính thức thì huyện cũng sẽ xem xét tiếp chứ không dừng lại" - ông Sơn nói.
Thiệt hại do thiên tai
Tại cuộc gặp mới nhất giữa hai bên hôm 24-3, ông Vũ Đức Khánh - tân tổng giám đốc của Công ty CP Thủy điện Đắk Mi - cho rằng thiệt hại có nguyên nhân do bão số 9 chứ không chỉ do thủy điện điều tiết lũ. Ông Khánh cho rằng thủy điện Đắk Mi đã có công trong việc cắt lũ, giảm thiệt hại và địa phương phải ghi nhận điều này. "Nếu không có thủy điện Đăk Mi thì đã có gần 14.000m3 nước sẽ chảy tự do về hạ lưu. Tôi thật sự không dám nghĩ đến thiệt hại sẽ như thế nào. Địa phương phải ghi nhận và thông tin dư luận, bà con nhân dân" - ông Khánh nói.
Không đủ đâu vào đâu!
Bà Lê Thị Thủy Tiên, người dân ở thị trấn Thạnh Mỹ (huyện Nam Giang) bị thiệt hại nặng trong vụ thủy điện Đắk Mi xả lũ, bày tỏ: "Nhà tôi ở vùng thấp trũng, khi nước ào ào tràn vào, đồ đạc trong đó có dàn máy may công nghiệp đã hư hỏng. Hơn nửa năm nay, tôi phải xoay xở, vay mượn tiền để gầy dựng lại mọi thứ. Thiệt hại sau vụ xả lũ, chỉ riêng nhà tôi đã hàng chục triệu đồng. Nếu phía thủy điện hỗ trợ hơn 3 tỉ đồng chia cho 900 hộ bị thiệt hại, bình quân mỗi hộ 3-4 triệu đồng, thật không đủ đâu vào đâu".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận