25/12/2015 08:19 GMT+7

Vụ lở đất tại Thâm Quyến: Phát triển bừa bãi sẽ phải trả giá

MINH TRUNG - TÚ ANH
MINH TRUNG - TÚ ANH

TT - Vụ lở đất ở Thâm Quyến, Trung Quốc là bài học cho tất cả các nước đang phát triển muốn nhanh chóng “công nghiệp hóa” bất chấp các tiêu chuẩn an toàn và môi trường.

Ảnh chụp từ trên không cho thấy cảnh tượng còn lắm ngổn ngang ở nơi đất vùi tại Thâm Quyến - Ảnh: Reuters
Ảnh chụp từ trên không cho thấy cảnh tượng còn lắm ngổn ngang ở nơi đất vùi tại Thâm Quyến - Ảnh: Reuters

Tôi không ngạc nhiên khi chuyện lở đất xảy ra ở Thâm Quyến, nhà cửa ở thành phố này mọc lên với tốc độ như bay

CHRISTOPHER BALDING  (giáo sư Trường kinh doanh HSBC thuộc ĐH Bắc Kinh)

Mỗi giờ trôi qua kể từ trưa chủ nhật thảm họa ở Thâm Quyến, người dân Trung Quốc và truyền thông chỉ biết đếm từng thi thể được đào lên từ núi bùn đất phủ chụp lên các tòa nhà có người ở.

Theo cách mô tả của tờ New York Times, sự kiện Thâm Quyến phủ bóng lên một trong những biểu tượng của “phép mầu” kinh tế Trung Quốc.

Cách đây vài thập kỷ, thành phố với 11 triệu dân thuộc tỉnh Quảng Đông này còn chưa tồn tại, còn ngày nay nó là biểu tượng của sự phát triển thậm chí giữa bối cảnh nền kinh tế chung Trung Quốc đang đi xuống.

Phát triển vượt tầm kiểm soát

Thâm Quyến bắt đầu mở cửa ra với thế giới vào cuối thập niên 1970. Nhờ vào vị thế khu kinh tế đặc biệt với những ưu đãi như miễn thuế, giá đất đai rẻ, gần Hong Kong..., thành phố này nhanh chóng vượt xa các siêu đô thị khác ở Trung Quốc.

Hàng triệu dân nhập cư từ các nơi khác đổ về đây lập nghiệp tạo nên một lực lượng lao động hùng hậu giá rẻ.

Sau một thời gian dài phát triển dựa trên ngành công nghiệp gia công rẻ mạt, Thâm Quyến bắt đầu chuyển sang mô hình kinh tế tập trung vào dịch vụ những năm gần đây.

Các nhà máy sản xuất quần áo, giày dép... mang lại giá trị thấp bị đóng cửa, dời sang các khu vực khác của Trung Quốc hoặc Đông Nam Á, Bangladesh. Thay cho các nhà máy lỗi thời, các tập đoàn công nghệ, tiêu dùng hiện đại mọc lên.

Hiện tượng phát triển độc đáo này dẫn đến bùng nổ thị trường xây dựng và bất động sản. Ở đây có một sự tương phản: trong khi hầu hết những nơi khác ở Trung Quốc bị tình trạng dư thừa sản lượng công nghiệp và nợ tăng do ngành bất động sản, xây dựng tàn lụi, thì ở Thâm Quyến cơ quan quản lý không biết làm sao với hàng núi đất và chất thải xây dựng nguy hiểm mọc ra mỗi ngày.

Năm 2013, thành phố chật vật với tình trạng các công ty xây dựng đổ bỏ đất đá, phế liệu bừa bãi tại nhiều công viên, kênh rạch và đường sá trong thành phố, đến mức cảnh sát phải tuần tra ngăn chặn.

Phát triển nóng nên Thâm Quyến cũng gặp phải những vấn đề của nó. Các tập đoàn lớn đổ về đây để hưởng các chính sách ưu đãi của chính quyền. Tuy nhiên đời sống công nhân vẫn bị bỏ mặc. Tiêu biểu là những vụ tự tử hàng loạt của công nhân nhà máy thuộc tập đoàn điện tử Đài Loan Foxconn mở tại Thâm Quyến.

Mặt tối của phát triển

Hồi năm 1980, lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã chỉ định biến Thâm Quyến - lúc đó còn là một làng chài sống nhờ vào nghề cá và nghề nông - thành “đặc khu kinh tế” đầu tiên của Trung Quốc nhằm thu hút đầu tư nước ngoài. Đến năm 1992, ông Đặng cũng đã dùng địa phương này làm nơi khởi phát làn sóng cải cách thứ hai để đưa đất nước lên tầm toàn cầu.

Năm 2010, nhân kỷ niệm 30 năm cải cách kinh tế tại Thâm Quyến, lãnh đạo Hồ Cẩm Đào từng tuyên bố mạnh mẽ: “Đặc khu kinh tế Thâm Quyến là một kỳ tích trong lịch sử công nghiệp hóa, đô thị hóa và hiện đại hóa của thế giới và Thâm Quyến đã góp phần đáng kể vào công cuộc mở cửa và cải cách của Trung Quốc”.

Thực tế là nhờ các chính sách đặc biệt của chính quyền trung ương, Thâm Quyến đã có 30 năm phát triển tột bậc với những chỉ số tăng trưởng ở mức hai con số.

Tỉ phú Lý Gia Thành của Hong Kong khi có mặt tại buổi lễ năm 2010 cũng tuyên bố hào hứng: “Thâm Quyến là đầu tàu cải cách và mở cửa của Trung Quốc, thành công của thành phố này đã thuyết phục và tạo cảm hứng cho người Hoa hải ngoại”.

Đó là bởi người ta chỉ nhìn thấy những số liệu báo cáo đẹp đẽ mà không nhìn kỹ vào những vấn đề của quản trị đô thị.

Thâm Quyến cũng từng hứng chịu những chỉ trích của giới truyền thông vì bên cạnh kỳ tích kinh tế là những điểm nóng về tệ nạn mại dâm (với thành phố Đông Quản nổi tiếng là “thủ đô tình dục” của Trung Quốc), nạn cờ bạc bất hợp pháp và nạn tham nhũng.

Thị trưởng Thâm Quyến, ông Hứa Tông Hoành, 55 tuổi, từng bị cách chức năm 2010 vì lợi dụng chức vụ và quyền hạn để nhận hối lộ với số tiền lớn.

Câu chuyện lở đất của ngày hôm nay cũng là hệ quả của việc các quan chức quản lý địa phương làm ngơ trước những sai phạm.

Hôm qua, Reuters thông tin điều tra sơ bộ cho thấy điểm chứa bùn đất thải gây thảm họa ở Thâm Quyến đã bị “buộc ngừng tiếp nhận” chỉ bốn ngày trước khi tai họa xảy ra.

Ông Tập Cận Bình chọn thăm Thâm Quyến khi nhậm chức

Tháng 12-2012, chỉ ba tuần sau khi nhậm chức tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã chọn đặc khu Thâm Quyến làm điểm thăm đầu tiên trong nước.

Giới truyền thông lúc đó cho rằng ông Tập chọn Thâm Quyến không chỉ vì cha ông, ông Tập Trọng Huân, từng là bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông mà chính là vì ông muốn khơi gợi tinh thần cải cách theo bước chân của Đặng Tiểu Bình.

MINH TRUNG - TÚ ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên