AUV Cá voi 2.000 có thể hoạt động trong trạng thái thả trôi để tiết kiệm năng lượng nhờ vào AI - Ảnh: Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc
Trong một thông báo hồi giữa tuần này, Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc khẳng định vụ thử nghiệm đã thành công nhưng không công bố chi tiết lộ trình di chuyển của AUV có tên "Cá voi 2.000".
Với chiều dài khoảng 3m và nặng 200kg, "Cá voi 2.000" có hình dáng như một ngư lôi và được trang bị trí tuệ nhân tạo (AI) cùng nhiều cảm biến tiên tiến khác để quan sát dưới nước, phát hiện hoạt động của các sinh vật bao gồm cả con người.
Theo báo South China Morning Post (SCMP), loại AUV này được cho là có thể hoạt động ổn định ở độ sâu 2.000m với tốc độ di chuyển 1,2m/s và khả năng "ém mình" trong hàng chục ngày trên biển.
"Cá voi 2.000 có thể hoàn thành được nhiều nhiệm vụ khác nhau chỉ trong một lần phóng, đảm bảo được sự ổn định và bền bỉ trong suốt thời gian đó" - tiến sĩ Huang Yan, người đứng đầu nhóm nghiên cứu chế tạo, khẳng định.
Ông Huang nhấn mạnh loại AUV này được thiết kế "cho các nhiệm vụ khảo sát đáy biển trong thời gian dài".
Trung Quốc từ lâu đã nuôi tham vọng thiết lập mạng lưới giám sát đại dương để thu thập thông tin tình báo, môi trường trên Biển Đông và bắt đầu thực hiện nó cách đây 10 năm.
Giới phân tích quân sự nhận định việc triển khai số lượng lớn "Cá voi 2.000" trên Biển Đông có thể chưa diễn ra vào lúc này vì loại AUV này trong giai đoạn đang phát triển và hoàn thiện. Song viễn cảnh này sẽ không xa nếu xét đến tham vọng độc chiếm khu vực của Bắc Kinh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận