13/09/2017 16:03 GMT+7

Sông Hậu đã 'ăn' vào bờ 10m, kéo dài 100m

BỬU ĐẤU
BỬU ĐẤU

TTO - Sáng 13-9, Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh An Giang đã có báo cáo chính thức về vụ sạt lở bờ sông Hậu. Hiện có 23 căn nhà nằm trong vùng nguy hiểm cần di dời.

Sông Hậu đã ăn vào bờ 10m, kéo dài 100m - Ảnh 1.

Một đoạn bờ sông Hậu bị dòng nước tấn công, ăn sâu vào bờ - Ảnh: BỬU ĐẤU

Theo Sở Tài nguyên - môi trường An Giang, ngay sau khi xảy ra vụ sạt lở làm 6 hộ dân phải di dời khẩn cấp ngày 7-9, sở đã tiến hành đo đạc đoạn sông với chiều dài 1.900m từ ngã ba sông Châu Đốc lên thượng nguồn, chiều rộng trung bình 250 - 300m quanh khu vực sạt lở.

Kết quả, đoạn sạt lở có tổng chiều dài khoảng 100m, vết sạt ăn sâu vào bờ 5 - 10m, tạo thành 2 cung lõm, đang có chiều hướng khoét thêm vào bờ.

Toàn tuyến có 23 căn nhà nằm trong vùng nguy hiểm cần di dời. Trong đó có 11 căn nhà cần di dời khẩn cấp.

Hiện địa phương đã di dời được 6 căn nhà, 5 căn còn lại nằm giáp với cung trượt. 12 căn còn lại nằm trong vùng ít ảnh hưởng nhưng cũng cần phải tiếp tục di dời.

Sông Hậu đã ăn vào bờ 10m, kéo dài 100m - Ảnh 2.

“Hà bá” tấn công liên tục, bà con phải tháo nhà bỏ chạy đi nơi khác - Ảnh: BỬU ĐẤU

Quan sát địa hình đáy sông cho thấy lòng sông có dạng chữ U, càng về hạ nguồn đáy càng lệch sang bờ xã Châu Phong, độ sâu lớn nhất được ghi nhận dao động -18m đến -19m khi cách bờ khoảng 100 - 120m.

Nguyên nhân sạt lở có thể do áp lực dòng chảy vào mùa nước đổ mạnh vào bờ phía xã Châu Phong (do bờ đối diện đang bồi lắng và có số lượng bè neo đậu rất nhiều nên dòng nước được đẩy sang phía bờ xã Châu Phong), từ đó khoét vào chân bờ, gây xâm thực liên tục.

Cảnh báo trong giai đoạn tiếp theo, bờ sông có nguy cơ tiếp tục xâm thực vào thêm 5m và phát triển về hạ nguồn với chiều dài thêm 20m, do đó 5 căn nhà giáp cung trượt cũng cần di dời khẩn cấp.

Sông Hậu đã ăn vào bờ 10m, kéo dài 100m - Ảnh 3.

Các ngành chức năng cho rằng việc bố trí làng bè dày đặc trên sông Hậu đã làm áp lực dòng nước chuyển hướng xoáy vào bờ bên đây gây sạt lở - Ảnh: BỬU ĐẤU

Cùng ngày, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Minh Hùng - chủ tịch UBND thị xã Tân Châu - cho biết sẽ tiếp tục vận động các hộ dân còn lại trong vùng ảnh hưởng di dời.

"Tỉnh sẽ hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ để di dời. Trước mắt, địa phương vận động bà con ai có đất thì tự di dời hoặc tìm đất trong khu dân cư còn sót lại để bố trí cho bà con vào. Còn khu vực sạt lở thì không thể khắc phục được nên sạt lở đến đâu di dời đến đó.

Hướng tới sẽ nạo vét đoạn sông sạt lở nằm bên bờ An Phú để chỉnh trị dòng chảy" - ông Hùng nói.

BỬU ĐẤU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên