09/04/2018 17:59 GMT+7

Vụ công chức hải quan nhận hối lộ: Nhiều doanh nghiệp nói bị đe dọa, vòi vĩnh

TUYẾT MAI
TUYẾT MAI

TTO - Nhiều doanh nghiệp khai rằng nếu không đưa tiền thì cán bộ hải quan đe dọa sẽ cho lệnh phối hợp kiểm tra hàng hóa.

Vụ công chức hải quan nhận hối lộ: Nhiều doanh nghiệp nói bị đe dọa, vòi vĩnh - Ảnh 1.

Bị cáo Duy tại tòa - Ảnh: TUYẾT MAI

Chiều 9-4, phiên tòa xét xử nguyên cán bộ hải quan Nguyễn Trường Duy tiếp tục phần xét hỏi về hành vi nhận hối lộ gần 542 triệu đồng. 

Theo đó, từ tháng 1-2015 đến tháng 12-2015, Duy đã liên hệ, đe dọa buộc các chủ doanh nghiệp và người làm dịch vụ hải quan cho doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu hàng hóa tại các cảng ở TP.HCM (chủ yếu là cảng Cát Lái) phải chi tiền để không bị kiểm tra hàng hóa.

Duy đã chủ động gọi điện, nhắn tin để yêu cầu các chủ doanh nghiệp, người làm dịch vụ hải quan cho doanh nghiệp đưa tiền tại nhà mẹ ruột của mình ở phường Tân Định, quận 1 và văn phòng của Duy tại cảng Cát Lái.

Tại tòa, nhiều doanh nghiệp khai khi làm thủ tục hải quan, Duy đã chủ động liên lạc yêu cầu phải chi 1 triệu đồng mỗi container nếu không sẽ cho kiểm tra.

Mặc dù hàng hóa không vi phạm nhưng tránh việc hàng hóa bị kiểm tra, hàng hóa tươi sống bị lưu kho bãi quá lâu dẫn đến hư hỏng... nhiều doanh nghiệp đã chấp nhận yêu cầu.

Thậm chí, một số người làm dịch vụ hải quan cho doanh nghiệp còn khai rằng do sợ bị kiểm tra nên đã bỏ 13 triệu đồng vào phong bì và đưa đến địa chỉ mà Duy yêu cầu rồi thảy tiền vào nhà.

Tại cơ quan điều tra và tại tòa, bị cáo Duy không thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố. 

Tài liệu do tập đoàn Viettel cung cấp, xác định Duy đã dùng SIM rác và một số số điện thoại liên lạc với các chủ doanh nghiệp, người làm dịch vụ hải quan cho doanh nghiệp nhiều lần.

Kết quả điều tra xác định các số điện thoại, nhật ký liên lạc, phong bì và số tiền, nội dung tờ khai và số container phù hợp với lời khai của những người có liên quan.

Tuy nhiên, Duy đã phủ nhận hoàn toàn những điều trên, cho rằng mình từng là trinh sát địa bàn nên việc nghe ngóng, gọi cho người này, người kia là bình thường và nói rằng mình không có quyền quyết định phối hợp kiểm tra, và trong thời gian đó cũng chưa yêu cầu kiểm tra ai. 

Duy khai chỉ nhớ mình dùng 2 số điện thoại chính còn các SIM rác bị cáo không nhớ số và chỉ dùng khi hết tiền trong tài khoản thì vứt đi.

Cáo trạng xác định, khi khám xét nhà mẹ ruột Duy đã thu giữ 64 bì thư và giấy gói tiền, tổng số tiền là 964,5 triệu đồng. 

Tại tòa bị cáo Duy khai từ cuối tháng 12-2015 đến đầu tháng 1-2016 bị cáo đang nghỉ phép, không biết trong nhà mẹ mình có các bì thư đựng tiền. 

"Nếu biết có các bì thư đựng tiền bất chính bị cáo sẽ nộp lại cho công an", bị cáo Duy nói.

Một số công chức thuộc đội kiểm soát Hải quan - Cục Hải quan TP.HCM cũng có mặt ở tòa, khai Duy rất ít khi lên cơ quan, vì thế nếu có người tìm Duy đưa tiền thì không nhận thay được, còn nếu đưa đồ vật thì cứ bỏ vào ngăn kéo bàn làm việc của Duy. 

"Chúng tôi không có trách nhiệm phải báo cáo với cấp trên. Còn nếu bàn làm việc có gì bí mật hoặc tài liệu quan trọng thì người đó phải tự giữ", một công chức hải quan nói.

Phiên tòa sẽ tiếp tục vào ngày mai.

Ngành hải quan vẫn còn một vài "con sâu" Ngành hải quan vẫn còn một vài 'con sâu'

TTO - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường thừa nhận trong ngành hải quan vẫn còn một vài “con sâu”, "một số anh em không chịu tu dưỡng đạo đức".

TUYẾT MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên