13/03/2012 07:32 GMT+7

Vụ Bình An: Ưu tiên giải quyết quyền lợi công nhân

HOÀNG TRÍ DŨNG - CHÍ QUỐC thực hiện
HOÀNG TRÍ DŨNG - CHÍ QUỐC thực hiện

TT - Liên quan tình hình nợ nần của Công ty cổ phần thủy sản Bình An, ngày 12-3 ông Nguyễn Thanh Sơn - chủ tịch UBND TP Cần Thơ - đã có cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh giải pháp xử lý về công ty này.

“Đối tác thập thò, ngân hàng đóng cửa”Công ty Bình An bán bất động sản để trả nợCông ty Bình An “cầu cứu” chính quyền

I0T1G1Zj.jpgPhóng to
Trụ sở Công ty Bình An tại Khu công nghiệp Trà Nóc 2 - Ảnh: CHÍ QUỐC

Ông Sơn cho biết:

- Ngay sau khi có dư luận Công ty Bình An nợ nần, UBND TP đã chỉ đạo thành lập đoàn công tác kiểm tra tình hình nợ nần do trưởng Ban quản lý khu chế xuất và công nghiệp TP Cần Thơ (Cepiza) làm trưởng đoàn. Đoàn có nhiệm vụ theo dõi sát sao hoạt động của Công ty Bình An, báo cáo đề xuất thường trực UBND TP hướng giải quyết. Theo báo cáo của Cepiza, hiện Công ty Bình An đã trả lương tháng 2 cho công nhân. Các hộ dân nuôi cá tra là chủ nợ của công ty cũng đã đồng ý không làm căng thẳng trong vòng một tháng nhằm tạo điều kiện cho công ty tìm giải pháp trả nợ.

* Hiện đoàn công tác đã báo cáo lãnh đạo UBND TP ra sao, thưa ông?

- Đoàn công tác mới chỉ báo cáo tình hình công ty nợ các hộ dân bán cá khoảng 264 tỉ đồng, còn các khoản nợ ngân hàng bao nhiêu thì chưa rõ vì công ty hẹn thống kê lại trong vài ngày tới. Đoàn báo cáo công ty còn nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động khoảng 3 tỉ đồng... Tôi cũng yêu cầu trưởng đoàn công tác tiếp tục theo dõi cập nhật thông tin liên quan hằng ngày báo cáo thường trực UBND TP khi có diễn biến mới.

* Tại buổi họp mới nhất với Cepiza, ông Trần Văn Trí - tổng giám đốc Công ty Bình An - đã “cầu cứu” chính quyền đứng ra làm trung gian giải quyết nợ nần giữa công ty này với người nuôi cá và ngân hàng, quan điểm của UBND TP thế nào?

- Chính quyền TP Cần Thơ sẵn sàng làm trung gian hòa giải cho nông dân và Công ty Bình An để thương lượng, giải quyết vụ việc và Cepiza sẽ đảm nhận việc này. Trong trường hợp chính quyền làm trung gian nhưng vẫn không giải quyết được thì hai bên phải ra tòa án giải quyết vì đây là mối quan hệ mua - bán có hợp đồng, khi có tranh chấp thì tòa án giải quyết. Chúng tôi cũng đã họp với tòa án và viện kiểm sát TP, trường hợp nông dân kiện công ty để đòi nợ tiền mua cá, họ sẽ thụ lý. Còn việc nợ nần giữa Ngân hàng ACB với công ty cũng là mối quan hệ hợp đồng tín dụng, chính quyền TP không can thiệp được.

* Trước khi vụ nợ nần trở nên lùm xùm, Công ty Bình An có nhờ UBND TP hỗ trợ gì không, thưa ông?

- Trước Tết Nguyên đán, công ty có văn bản báo cáo tình hình nợ, thiếu vốn gửi nhiều cơ quan chức năng ở trung ương và UBND TP Cần Thơ. Ngay sau đó UBND TP đã tổ chức cuộc họp mời các sở, ngành, Ngân hàng Nhà nước và lãnh đạo công ty đến để nắm rõ tình hình nhằm có hướng tháo gỡ nhưng họ (Công ty Bình An - PV) không tham gia. Mới đây, khi có thông tin bà Phạm Thị Diệu Hiền xuất cảnh ra nước ngoài, UBND TP có thành lập tổ kiểm tra và có mời họ đến nhưng cũng không ai đến.

* Chính quyền có giải pháp “cứu” công ty không?

- Vấn đề “cứu” doanh nghiệp này trong bối cảnh khó khăn hiện tại đã vượt quá thẩm quyền của UBND TP Cần Thơ. Có chăng các ngân hàng sẽ vô xác định lại vốn, tài sản của công ty để quyết định bơm vốn cho công ty khắc phục tình trạng nợ nần hiện tại nhằm có điều kiện trả nợ. Vấn đề này thuộc thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước trong việc chỉ đạo các ngân hàng thương mại, UBND TP không thể làm thay.

* UBND TP có dự liệu tình huống xấu nhất của công ty?

- Trong trường hợp xấu nhất công ty vỡ nợ thì buộc phải tuyên bố phá sản, xử lý tài sản thế nào thì cơ quan pháp luật làm. Tuy nhiên nếu trong tình huống xấu nhất, UBND TP sẽ ưu tiên giải quyết quyền lợi công nhân như: các chế độ về lương, bảo hiểm xã hội... sau mới đến quyền lợi của người nuôi cá bị công ty nợ và tiếp theo là các ngân hàng. UBND TP Cần Thơ đã giao Sở Lao động - thương binh và xã hội, Cepiza và Liên đoàn Lao động TP nắm rõ lực lượng công nhân lao động tại đây, chế độ chính sách doanh nghiệp đã giải quyết ra sao, còn gì phải giải quyết tiếp theo nữa không, lương và bảo hiểm xã hội thế nào...

* Từ vấn đề của Công ty Bình An, TP sẽ có hỗ trợ gì cho các doanh nghiệp trong điều kiện khó khăn chung hiện nay?

- Thời gian qua có tình trạng một số doanh nghiệp ở TP Cần Thơ sử dụng đồng vốn ngân hàng cho vay không hiệu quả, không đúng như khế ước cho vay. Trên quan điểm cá nhân, tôi cũng thấy việc đầu tư của Công ty Bình An thời gian qua có chỗ phô trương không cần thiết như: khu vực xây dựng nhà máy mà lại xây dựng hàng rào, cây xanh rất hoành tráng như nơi ở chứ không phải nơi kinh doanh, trong khi tiền bỏ ra làm các hạng mục này không phải ít, chủ yếu là tiền vay các ngân hàng.

Còn sự hỗ trợ của TP, tôi đã chỉ đạo các sở, ngành phải tạo điều kiện tối đa có thể để hỗ trợ doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn chung của nền kinh tế. Cụ thể về khâu thủ tục hành chính và thuế có cái nào giảm, miễn được cho doanh nghiệp thì sẵn sàng giảm nhưng phải làm theo đúng quy định của Nhà nước.

Bà Diệu Hiền vẫn đại diện công ty theo pháp luật

Theo giấy đăng ký kinh doanh cấp tháng 10-2010, Công ty CP thủy sản Bình An có trụ sở tại lô 2.17, Khu công nghiệp Trà Nóc 2, phường Phước Thới, quận Ô Môn, TP Cần Thơ. Ngành nghề kinh doanh: xuất nhập khẩu thủy hải sản, nuôi trồng, chế biến, bảo quản thủy sản..., vốn điều lệ 500 tỉ đồng. Số vốn này được chia thành 50 triệu CP, mệnh giá mỗi CP là 10.000 đồng. Trong đó bà Diệu Hiền nắm giữ 50% (25 triệu CP, tương đương 250 tỉ đồng) tổng số CP, Trần Văn Chương (con trai bà Hiền) nắm giữ 1 triệu CP, ông Phạm Hữu Thường nắm giữ 1 triệu CP, còn lại 23 triệu CP do các cổ đông khác nắm giữ.

Với số CP chiếm ưu thế, bà Diệu Hiền được bầu làm chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc công ty, đồng thời là người đại diện theo pháp luật của công ty. Theo ông Nguyễn Định Cường - người phát ngôn của Công ty Bình An, trước khi bà Diệu Hiền ủy quyền cho chồng là ông Trần Văn Trí làm tổng giám đốc vào ngày 18-2 thì trước đó một ngày HĐQT có nhóm họp. Đến ngày 23-2 bà Diệu Hiền lên máy bay rời khỏi VN với lý do trị bệnh hiểm nghèo. Ngay sau đó, ông Trần Văn Trí đã ký thư mời họp báo thông tin về tình hình nợ nần của Công ty Bình An với chức danh tổng giám đốc. Tuy nhiên ông Hồ Thanh Long, viện trưởng Viện KSND TP Cần Thơ, cho biết các cơ quan chức năng vẫn chưa có văn bản chính thức công nhận việc ủy quyền trên là đúng theo Luật doanh nghiệp.

Đặc biệt, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của công ty vừa mới đăng ký lại (ngày 27-2) khi bà Diệu Hiền xuất ngoại được bốn ngày thì cổ đông sáng lập Trần Văn Chương rút ra, thay vào là ông Trần Văn Trí (cha của Chương) với 1 triệu CP, tương đương 10 tỉ đồng; còn ông Phạm Hữu Thường rút ra, thay vào là ông Võ Thành Tiên. Người đại diện theo pháp luật của công ty, chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc vẫn là bà Diệu Hiền.

* Sáng 12-3, công nhân Công ty cổ phần thủy sản Bình An đã đến công ty làm việc nhưng phía lãnh đạo công ty thông báo tiếp tục nghỉ việc đến ngày 19-3 để công ty sắp xếp lại các khâu sản xuất. Chiều cùng ngày, công ty trả lương tháng 2 cho tất cả công nhân với tổng số tiền khoảng 3 tỉ đồng và cam kết trả chế độ cho công nhân trong những ngày nghỉ việc. Một số công nhân cho biết trong tháng 2 những người bị giãn ca chỉ được nhận trên 1 triệu đồng, còn những người ít giãn ca nhận trên 2 triệu đồng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một cán bộ có thẩm quyền của BHXH TP Cần Thơ xác nhận đã báo cáo và chuyển danh sách nợ BHXH, BHYT của Công ty Bình An cho Sở LĐ-TB&XH

TP Cần Thơ để sở thanh tra, xử lý, nhưng đến nay chưa thấy sở thông báo việc xử phạt. Hiện BHXH TP Cần Thơ đang làm thủ tục khởi kiện Công ty Bình An nợ gần 3 tỉ đồng BHXH, BHYT từ tháng 9-2011. Cán bộ này cho biết cuối năm 2011, khi các cơ quan chức năng (trong đó Sở LĐ-TB&XH làm trưởng đoàn) đến kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật lao động, Công ty Bình An xác nhận nợ BHXH và hứa khắc phục.

Hiện số liệu lao động có hợp đồng lao động của Công ty Bình An giữa các cơ quan không thống nhất. Theo ông Lê Thanh Long - trưởng phòng quản lý doanh nghiệp - lao động Ban quản lý các KCX & CN TP Cần Thơ, số lao động có hợp đồng do công ty này đăng ký đến tháng 12-2011 là 2.410 công nhân. Từ đó đến nay phía công ty không tiếp tục đăng ký, nhưng đối chiếu trong năm 2011 lượng lao động tăng-giảm khoảng 50 người/tháng. Tuy nhiên, thực tế số liệu đóng BHXH từ năm 2011 đến nay của Công ty Bình An chỉ dao động trên dưới 850 người. Theo Trung tâm Giới thiệu việc làm TP Cần Thơ, từ năm 2011 đến nay chỉ có 74 lao động Công ty Bình An đến làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp.

* Để xây dựng “khu liên hợp” Bình An, công ty này đã có hai hợp đồng thuê lại đất với Công ty Xây dựng hạ tầng khu công nghiệp Cần Thơ. Ông Võ Ngọc Hồ - chủ tịch kiêm giám đốc Công ty Xây dựng hạ tầng khu công nghiệp Cần Thơ, cho biết ở hợp đồng đầu tiên Công ty Bình An thuê 3ha để xây dựng nhà máy, thời hạn 20 năm. Với hợp đồng này, phía công ty đã trả tiền thuê đất trên 400.000 USD, hiện chỉ còn nợ khoảng 7.000 USD.

Với hợp đồng thuê đất thứ hai, Công ty Bình An thuê 5,7ha để xây dựng xưởng phụ phẩm, Viện nghiên cứu thủy sản Bình An, nhà máy collagen... Giá cho thuê được tính 31,67 USD/m2/45 năm. Đến thời điểm này, Công ty Bình An đã trả được 380.000 USD tiền thuê lại đất, phí cơ sở hạ tầng và tiền lãi trả chậm. Theo ông Hồ, số tiền Công ty Bình An còn phải trả tính đến tháng 3-2012 là gần 1,1 triệu USD.

HOÀNG TRÍ DŨNG - CHÍ QUỐC thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên