
Một góc chung cư Conic Đông Nam Á tại huyện Bình Chánh (TP.HCM) - Ảnh: TỰ TRUNG
Theo một số chuyên gia, nếu bị phạt đến hàng trăm tỉ đồng, ban quản trị chung cư không thể lấy từ quỹ bảo trì vì đây là tiền bảo dưỡng, bảo đảm an toàn trong vận hành tòa nhà. Còn nếu bắt cư dân phải nộp lại càng không hợp lý.
- Luật sư TRƯƠNG THANH ĐỨC (giám đốc Công ty Luật ANVI):
Không thể xuất hóa đơn cho chính mình

Xử phạt ban quản trị chung cư Conic Đông Nam Á vì cho rằng ban quản trị không lập hóa đơn khi cung cấp dịch vụ cho cư dân là không hợp lý.
Các dịch vụ như phí quản lý, tiền trông giữ xe, tiền gas, tiền nước... có tính chất lo an sinh xã hội cho cộng đồng cư dân, chứ không phải hợp đồng kinh doanh. Vì thế, không nên đặt vấn đề phải xuất hóa đơn, phải nộp thuế giá trị gia tăng.
Các khu chung cư lớn thường tách biệt giữa ban quản trị là nhóm đại diện cho người dân, được hội nghị nhà chung cư bầu ra, còn ban quản lý tòa nhà thường do chủ đầu tư đứng ra đảm nhận.
Nếu bị phạt 119,8 tỉ đồng, ban quản trị chung cư này không thể lấy từ quỹ bảo trì vì đây là tiền bảo dưỡng, bảo đảm an toàn trong vận hành tòa nhà. Còn nếu bắt cư dân phải nộp lại càng không hợp lý vì người dân là người bỏ tiền thuê dịch vụ.
Tóm lại, ban quản trị - được người dân bầu ra, đại diện cho quyền lợi người dân - đi thuê dịch vụ bên ngoài chứ không kinh doanh các dịch vụ này nên ban quản trị - đại diện cho người dân - không thể xuất hóa đơn cho chính mình.
- Ông NGUYỄN ĐỨC LẬP (viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo bất động sản):
Còn khoảng trống pháp lý trong quản lý nhà chung cư

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật HTX, tất cả các tổ chức có doanh thu phải nộp thuế, phải chịu sự điều tiết của Luật Thuế. Tuy nhiên, nhiều ban quản trị, ban quản lý chung cư có đặc thù riêng. Trong đó có ban quản trị chỉ đại diện cho cư dân đứng ra thanh toán dịch vụ, không phải xuất hóa đơn vì chỉ thu hộ, không phát sinh doanh thu.
Đang tồn tại lỗ hổng trong quản lý các tòa nhà chung cư mà các văn bản quy phạm pháp luật chưa động tới, chưa điều chỉnh kịp thời nên cơ quan thuế nhiều khi đang vận dụng máy móc, không hợp tình, hợp lý. Bởi không ai gửi xe trong nhà mình lại đi xuất hóa đơn giá trị gia tăng cho chính mình cả, rất vô lý.
Do đó cần bổ sung quy định về các hoạt động quản lý tòa nhà chung cư để làm rõ trường hợp các đơn vị quản lý cung cấp dịch vụ cho cư dân phải xuất hóa đơn hay chỉ là đơn vị thu hộ.
- Ông LÊ HOÀNG CHÂU (chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM):
Ban quản trị lấy đâu ra tiền để nộp phạt?

Việc ban quản trị chung cư Conic Đông Nam Á bị phạt 119,8 tỉ đồng vì không lập hóa đơn khi cung cấp dịch vụ cho cư dân có nhiều vấn đề cần phải làm rõ. Thứ nhất, nếu mức phạt lớn như thế, những người liên quan sẽ lấy tiền đâu để đóng phạt.
Nếu nói rằng ban quản trị thu hộ, chi hộ cho người dân và việc phạt này lấy tiền của cư dân chung cư, rõ ràng cuối cùng người dân sẽ phải lãnh khoản tiền phạt này và như vậy sẽ không khả thi, cư dân sẽ không đồng ý. Nếu phạt những người trong ban quản trị cũng khó để thực thi khoản phạt này.
Do đó, cần làm rõ những cơ sở xử phạt, khả năng thực thi trên thực tế và có quy định rõ ràng của ngành thuế để các chung cư khác áp dụng.
Ngành thuế cần khẩn trương vào cuộc
Thông tin ban quản trị chung cư Conic Đông Nam Á bị phạt 119,8 tỉ đồng vì không lập hóa đơn khi cung cấp dịch vụ cho cư dân mà Tuổi Trẻ đăng tải đã thu hút sự quan tâm lớn của người dân.
Bạn đọc Minh Nguyễn cho rằng ban quản trị thực chất chỉ là tổ chức đại diện cho quyền lợi, nghĩa vụ của các cư dân, không có chức năng kinh doanh, không có quyền tài sản. Việc xem ban quản trị là doanh nghiệp để yêu cầu thực hiện các nghĩa vụ đầy đủ như doanh nghiệp là không thực tế.
Theo bạn đọc Lam Nguyễn, chi phí quản lý chung cư là do dân cư sống trong chung cư đó thỏa thuận góp chung nhau để sử dụng, ban quản trị chỉ là người đại diện do dân bầu ra để thực hiện việc quản lý và chi tiêu số tiền đó, hoàn toàn không có hoạt động kinh doanh, mua bán hàng hóa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận