20/04/2012 08:24 GMT+7

Vụ bà Hoàng Yến: Xác minh chậm so với yêu cầu

LÊ KIÊN - V.V.THÀNH
LÊ KIÊN - V.V.THÀNH

TT - Dư luận đang đặt ra nhiều câu hỏi đối với việc thẩm tra lý lịch của đại biểu Quốc hội Đặng Thị Hoàng Yến. Dù chưa có ai trả lời thẳng về vấn đề này nhưng đã có ý kiến cho rằng cần làm rõ trách nhiệm.

Đề nghị Quốc hội bãi nhiệm bà Đặng Thị Hoàng YếnXem toàn cảnh thông tin về vụ việc bà Đặng Thị Hoàng Yến

Có nhiều cơ quan có trách nhiệm xem xét, thẩm tra lý lịch bà Đặng Thị Hoàng Yến. Nhưng rốt cuộc là không phát hiện được những điều bà Yến khai không đầy đủ hoặc không rõ ràng.

Quốc hội chỉ thẩm tra đại biểu khi có vấn đề

pbIfMKe4.jpgPhóng to

"Khi tôi khai thời gian làm đảng viên dự bị trong một năm rưỡi (18 tháng), nhiều cử tri đã truy hỏi thông thường đảng viên dự bị chỉ trong một năm, vì sao ông lại đến năm rưỡi, có phải bị kỷ luật nên mới chậm như vậy? Sau đó tổ chức phụ trách bầu cử cũng vào cuộc, tôi phải xuất trình các văn bản liên quan để giải thích rõ về vấn đề này"

Ông Lê Văn Cuông (nguyên đại biểu Quốc hội khóa XI và khóa XII)

Trưởng Ban công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Nương cho biết là sau kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII (tháng 7-2011), một số tờ báo đưa tin về một số chuyện liên quan đến bà Yến. Sau đó có thư kiến nghị của tổng biên tập báo Cựu Chiến Binh VN và tổng biên tập báo Người Cao Tuổi đồng ký gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và một số lãnh đạo Đảng, Nhà nước đề nghị xem xét tư cách của đại biểu Quốc hội Đặng Thị Hoàng Yến.

Thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ cũng như nhận sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban công tác đại biểu đã làm việc với các cơ quan chức năng để xác minh các vấn đề báo chí, dư luận đặt ra. “Cho đến kỳ họp thứ hai của Quốc hội (tháng 11-2011), chúng tôi đã cùng cơ quan chức năng xác minh các vấn đề báo chí và thư kiến nghị nêu để báo cáo các đại biểu Quốc hội, nội dung này cũng đã được chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cung cấp cho báo chí ngay sau kỳ họp. Còn lại một vài nội dung khác thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu các cơ quan thẩm quyền xác minh để báo cáo trước ngày 31-12-2011. Nhưng đây là vụ việc phức tạp nên cơ quan chức năng xác minh có chậm so với yêu cầu” - bà Nương nói.

Theo bà Nương, riêng vấn đề đảng tịch và nội dung khen thưởng trong hồ sơ ứng cử của bà Yến thì gần đây báo chí mới nêu cũng như tổng biên tập các báo Cựu Chiến Binh, Người Cao Tuổi mới tiếp tục có thư kiến nghị thứ hai gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề cập đến nội dung này. Ban công tác đại biểu đã khẩn trương xác minh hai nội dung trên và vừa qua đã báo cáo Đoàn chủ tịch Ủy ban trung ương MTTQ VN. Theo nguyên tắc, Quốc hội chỉ thẩm tra, xem xét tư cách đại biểu khi có vấn đề chứ không lần lại từng hồ sơ đại biểu để xác minh lại từng nội dung trong đó. Việc xác minh, thẩm tra tính chính xác các nội dung trong hồ sơ ứng cử thuộc trách nhiệm của các cơ quan phụ trách công tác bầu cử (hội đồng bầu cử, ủy ban bầu cử, MTTQ VN...). “Như vậy, chúng tôi đã làm đúng với chức năng, trách nhiệm của mình” - bà Nương khẳng định.

Theo quy định của pháp luật, Quốc hội khóa XIII đã thành lập Ủy ban thẩm tra tư cách đại biểu Quốc hội ngay ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất (21-7-2011). Ngay trong ngày, ủy ban này đã xem xét và trình Quốc hội thông qua nghị quyết về việc xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, từ khi thông báo kết quả bầu cử cho đến ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất, không có bất kỳ đơn thư, phản ảnh nào liên quan đến tư cách đại biểu Quốc hội nên nghị quyết đã xác nhận 500 đại biểu Quốc hội khóa XIII có đầy đủ tư cách.

“Ủy ban bầu cử tỉnh Long An có trách nhiệm”

“Trước đây khi tôi nộp hồ sơ ứng cử vào Quốc hội, cử tri và tổ chức phụ trách bầu cử xem xét rất chặt chẽ các nội dung tôi khai”. Đó là ý kiến của ông Lê Văn Cuông (nguyên đại biểu Quốc hội khóa XI và khóa XII). Ông Lê Văn Cuông nói tiếp:

- Theo tôi được biết, vấn đề liên quan đến bà Yến nằm ở chỗ khai lý lịch. Vấn đề đặt ra là vì sao quy định pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội đã có rồi, quá trình tổ chức thực hiện cũng hết sức chặt chẽ, nhưng đến nay mới đặt vấn đề về tư cách đại biểu Quốc hội đối với bà Yến. Phải chăng quy định pháp luật thiếu chặt chẽ hay quá trình thực hiện có vấn đề? Tôi cho rằng cần làm rõ để trả lời cử tri.

* Trách nhiệm xem xét hồ sơ của bà Đặng Thị Hoàng Yến khi còn là ứng cử viên đại biểu Quốc hội thuộc về cơ quan nào, thưa ông?

- Khi đề cập một vấn đề liên quan đến ứng cử viên thì trách nhiệm thuộc về tổ chức phụ trách bầu cử đại biểu Quốc hội. Cụ thể, theo Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, ủy ban bầu cử có trách nhiệm nhận và xem xét hồ sơ của người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, như vậy trách nhiệm “xem xét hồ sơ” thuộc về Ủy ban bầu cử tỉnh Long An. Các tổ chức phụ trách bầu cử có quyền trưng tập cán bộ, công chức của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội giúp việc, nghĩa là có đủ điều kiện để xem xét kỹ lưỡng hồ sơ các ứng cử viên, do vậy nếu có vấn đề xảy ra thì không thể đổ lỗi cho khách quan. Ở đây còn liên quan đến trách nhiệm của tổ chức giới thiệu ứng cử viên, vì sao anh giới thiệu mà không thẩm tra đầy đủ tư cách của người được giới thiệu?

Quá trình bầu cử đại biểu Quốc hội còn có hội nghị hiệp thương giữa MTTQ VN với các tổ chức thành viên để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần và số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị được bầu làm đại biểu Quốc hội, cũng như việc lập danh sách sơ bộ và danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội. Lúc bấy giờ, hội nghị hiệp thương ở Long An do ban thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh triệu tập và chủ trì. Hội nghị hiệp thương được tiến hành ba lần, qua ba lần như vậy mà vẫn không phát hiện vấn đề gì liên quan đến ứng cử viên thì tổ chức chủ trì cũng có trách nhiệm.

“Chúng tôi kiến nghị theo quy trình chặt chẽ”

g9ErVDoE.jpgPhóng to

Ông Lê Bá Trình - Ảnh: V.V.T.

Ông Lê Bá Trình (phó chủ tịch Ủy ban trung ương MTTQ VN) nói như vậy về việc hội nghị Đoàn chủ tịch Ủy ban trung ương MTTQ VN có kiến nghị liên quan đến đại biểu Quốc hội Đặng Thị Hoàng Yến.

* Thưa ông, sau hội nghị nêu trên, Đoàn chủ tịch Ủy ban trung ương MTTQ VN chưa công bố rộng rãi lý do dẫn đến việc kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và trình Quốc hội bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với bà Đặng Thị Hoàng Yến. Xin ông cho biết lý do cụ thể nhất là gì?

- Trong thảo luận tại hội nghị này có nhiều ý kiến, tựu trung lại lý do rõ ràng nhất là đại biểu Quốc hội Đặng Thị Hoàng Yến đã kê khai trong lý lịch không rõ, không trung thực đúng theo yêu cầu của tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội.

* Trả lời báo VietNamNet, bà Đặng Thị Hoàng Yến cho biết: “Đến nay, không một ai đối thoại thẳng thắn với tôi để tìm sự thật. Chưa một ai của Ủy ban trung ương MTTQ gặp gỡ, lắng nghe tôi trình bày... Cũng chưa một ai của Ủy ban trung ương MTTQ yêu cầu giải trình hay cung cấp hồ sơ, chứng cứ”. Ông có thể nói gì về chuyện này?

- Khi xảy ra sự việc liên quan đến đại biểu Quốc hội Đặng Thị Hoàng Yến, Đoàn chủ tịch Ủy ban trung ương MTTQ VN đã phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xử lý. Theo đó đã thống nhất giao một đầu mối làm công việc thẩm tra, làm rõ các vụ việc là Ban công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giao Ban công tác đại biểu làm nhiệm vụ xác minh những vấn đề báo chí đã nêu. Tại hội nghị tiến hành xem xét tư cách đại biểu Quốc hội đối với bà Đặng Thị Hoàng Yến, đã có trình bày văn bản do Ban công tác đại biểu báo cáo và văn bản của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Đoàn chủ tịch Ủy ban trung ương MTTQ VN xem xét. Như vậy là quy trình rất chặt chẽ. Hoàn toàn không có việc chúng tôi chỉ nghe thông tin trên báo chí rồi tự nhiên đưa ra.

* Như vậy, việc hội nghị của Đoàn chủ tịch Ủy ban trung ương MTTQ VN tiến hành xem xét tư cách đại biểu Quốc hội đối với bà Đặng Thị Hoàng Yến mà không mời đại biểu này đến cũng như không thông báo trước là phù hợp với quy định pháp luật?

- Phù hợp và không có vấn đề gì, vì đây không phải là để đối chất giữa người được xem xét tư cách đại biểu Quốc hội với Đoàn chủ tịch.

* Đoàn chủ tịch Ủy ban trung ương MTTQ VN có kiến nghị xem xét trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức phụ trách việc xử lý hồ sơ ứng cử Quốc hội của đại biểu này?

- Việc này phải chờ đến khi có quyết định cuối cùng của Quốc hội. Dựa trên quyết định đó, các cơ quan chức năng phải ngồi lại với nhau để xem xét trách nhiệm của mình nếu có.

LÊ KIÊN - V.V.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên