31/12/2011 08:01 GMT+7

VPF không thừa nhận quyền của AVG

K.XUÂN
K.XUÂN

TT - Ngày 30-12, cuộc đấu bản quyền truyền hình bóng đá giữa VPF và AVG tiếp tục nóng với những văn bản, thông báo đấu nhau giữa VPF, VFF và AVG.

Read this on Tuoitrenews.vn

E90iHBGB.jpgPhóng to
Hai văn bản đối chọi nhau của VPF và VFF -Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Ngay sau khi Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) có văn bản gửi Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF) vào buổi sáng, chiều 30-12 ông Nguyễn Đức Kiên - phó chủ tịch HĐQT của VPF - đã ký văn bản phản hồi công văn của VFF gửi Bộ VH-TT&DL, VFF, hai đài truyền hình VTV, VTC và ban tổ chức giải của các địa phương.

Công văn ghi: “VPF khẳng định luôn tuân thủ và chấp hành nghiêm túc các quyền và nghĩa vụ của VFF, cũng như các quy định khác của Luật thể dục thể thao và các văn bản pháp luật của Nhà nước. Việc VFF khẳng định là đơn vị duy nhất sở hữu các quyền liên quan đến các giải bóng đá chuyên nghiệp VN và ký kết hợp đồng độc quyền khai thác bản quyền truyền hình các giải bóng đá chuyên nghiệp với AVG từ năm 2011-2030 là không phù hợp với các quy định tại điều 53 Luật thể dục thể thao và điều 12 nghị định 112/2007/NĐ-CP ngày 26-6-2007 của Chính phủ.

VPF cho rằng việc VFF ký hợp đồng bản quyền với AVG khi không được các CLB bóng đá chuyên nghiệp ủy quyền là trái với các quy định của pháp luật VN. Vì vậy, khi VPF thực hiện quyết nghị 426/QN- LĐBĐVN về việc chịu trách nhiệm tiếp nhận, quản lý tổ chức điều hành và khai thác thương quyền các giải bóng đá chuyên nghiệp tổ chức tại VN, VPF có trách nhiệm tiếp tục kế thừa và thực hiện những hợp đồng mà VFF đã ký kết với điều kiện các hợp đồng đó phải đảm bảo có hiệu lực và đúng pháp luật.

Vì quyền lợi của người hâm mộ cả nước, vì sự phát triển của bóng đá VN, VPF đề nghị VFF căn cứ các quy định của pháp luật VN để có các quyết định phù hợp. VPF khẳng định chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc không thừa nhận quyền khai thác bản quyền truyền hình của Công ty AVG và việc VPF cho phép VTV được truyền hình các trận đấu của các giải do VPF tổ chức là phù hợp với các quy định của pháp luật VN và đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người hâm mộ nước nhà”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 30-12, ông Nguyễn Đức Kiên cho biết công văn đã thể hiện quan điểm và phát ngôn chính thức của VPF. Ông Kiên khẳng định VPF và cá nhân ông sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm về những việc đang làm.

Ngày 30-12, sau khi VPF có công văn gửi VTV cho phép đài này được phép truyền hình các trận đấu của Super League kể từ vòng đấu thứ nhất diễn ra chiều nay 31-12, Tổng cục TDTT, VFF đều khẳng định bản quyền truyền hình lúc này vẫn thuộc về AVG.

Sáng cùng ngày, ông Nguyễn Trọng Hỷ - chủ tịch VFF - đã ký văn bản gửi VPF, AVG, Bộ VH-TT&DL, ban tổ chức các sân... khẳng định VFF là tổ chức duy nhất sở hữu các quyền liên quan đến các giải bóng đá chuyên nghiệp VN và đã ký hợp đồng bán độc quyền 20 năm cho AVG từ 2011-2030. VFF cũng yêu cầu VPF và ban tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp tiếp tục thực hiện bản quyền truyền hình VFF đã ký với AVG trong quá trình tổ chức các giải năm 2012 và những năm tiếp theo. Tất cả các đài truyền hình chỉ được phép truyền hình trực tiếp các trận đấu khi có xác nhận cho phép của AVG như mùa giải 2011.

Trên trang web của VFF chiều 30-12 cũng đăng tải giấy chứng nhận sở hữu thương quyền truyền hình bóng đá năm 2012 được ông Nguyễn Trọng Hỷ ký ngày 9-12-2011 với nội dung: VFF xác nhận AVG là đơn vị sở hữu thương quyền và khai thác bản quyền truyền hình các giải bóng đá chuyên nghiệp, các giải bóng đá quốc gia khác, các giải bóng đá quốc tế và trận đấu riêng lẻ được tổ chức tại VN cùng các sự kiện thông tin bên lề liên quan đến các giải bóng đá và trận bóng đá năm 2012. Như vậy, không chỉ bán hợp đồng bản quyền truyền hình các giải đấu trong nước, VFF còn bán tất cả các giải bóng đá quốc tế của VFF, các trận thi đấu quốc tế trong năm của đội tuyển VN tại VN cho AVG.

Về vấn đề bản quyền truyền hình hiện nay giữa VFF, VPF và AVG, ông Vương Bích Thắng, tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, cho biết: “VPF phải tôn trọng hợp đồng trước đây VFF đã ký, nếu có gì cần thay đổi VPF có thể đàm phán thêm với AVG. Hành động gửi công văn của VPF cho VTV được phép đến sân truyền hình trực tiếp, tôi nghĩ VPF hơi vội vàng”.

Ông Thắng nói thêm: “Ở hai trận đấu đầu tiên của Super League diễn ra chiều nay 31-12, việc cho đài nào vào sân để truyền hình thuộc thẩm quyền của VFF. VFF giao quyền cho VPF tổ chức giải theo quy định chứ không phải VPF muốn làm gì thì làm. Đến thời điểm này mọi việc phải căn cứ vào pháp luật để giải quyết”.

Sau khi VPF tuyên bố mời VTV và các đài vào truyền hình các trận đấu của Super League 2012 kể từ vòng 1 diễn ra hôm nay 31-12, chiều qua 30-12 AVG đã có văn bản gửi ban tổ chức Super League thông báo về việc sẽ có 6/7 trận đấu tại vòng 1 được truyền hình trực tiếp thông qua AVG và các đài đạt được thỏa thuận với AVG.

Trong sáu trận đấu này có một trận diễn ra chiều 31-12 là Hoàng Anh Gia Lai - Vicem Hải Phòng (sân Pleiku, VTV truyền hình trực tiếp lúc 16g10) và năm trận diễn ra ngày 1-1-2012 gồm CLB bóng đá Hà Nội - Hà Nội T&T (sân Hàng Đẫy, VTV truyền hình trực tiếp lúc 16g10), Navibank Sài Gòn - Sài Gòn FC (sân Thống Nhất, Đài truyền hình TP.HCM trực tiếp lúc 16g10), Ximăng The Vissai Ninh Bình - Tập Đoàn Cao Su Đồng Tháp (sân Ninh Bình, Đài phát thanh - truyền hình Ninh Bình trực tiếp lúc 16g10), SHB Đà Nẵng - Khatoco Khánh Hòa (sân Chi Lăng, Đài phát thanh - truyền hình Đà Nẵng trực tiếp lúc 18g30), SLNA - Thanh Hóa (sân Vinh, AVG trực tiếp lúc 16g10).

Đêm 30-12, AVG có thông cáo báo chí gửi các cơ quan truyền thông. AVG cho biết họ hoan nghênh động thái VFF gửi công văn cho VPF khẳng định AVG là đơn vị nắm bản quyền truyền hình các giải đấu hiện nay. Ông Nguyễn Thanh Lâm - phó tổng giám đốc AVG - nói: “Việc VFF sớm ra công văn khẳng định bản quyền truyền hình thuộc về AVG là đúng đắn, kịp thời, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho AVG - đơn vị nắm giữ hợp đồng bản quyền truyền hình có giá trị pháp lý với VFF; giữ gìn được uy tín và vị thế của đơn vị đang sở hữu bản quyền các giải đấu”.

AVG một lần nữa khẳng định có đầy đủ bằng chứng chứng minh tính hợp pháp trong việc sở hữu bản quyền truyền hình của VFF. AVG đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, chứng lý gửi tới các cơ quan chức năng và các cơ quan hữu quan để bảo vệ quyền lợi hợp pháp ghi nhận trong hợp đồng bản quyền giữa AVG và VFF. Đồng thời tránh tái diễn những vụ việc tương tự, gây bất lợi cho bóng đá Việt Nam nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung.

AVG cho biết đến chiều 30-12, AVG đã hoàn thành việc thỏa thuận với VTV về việc truyền hình các trận đấu tại vòng 1 Super League. AVG và VTV còn thống nhất tạo điều kiện thuận lợi để VTV chọn số trận nhiều hơn, VTV cam kết sẵn sàng chia sẻ sóng sạch cho các đài có nhu cầu phát sóng.

* Là người thực hiện hợp đồng bản quyền truyền hình giữa AVG và VFF, theo ông, văn bản của VPF cho phép các đài khai thác các trận đấu có vi phạm hợp đồng đã ký giữa VFF với AVG?

- Tôi nghĩ vi phạm. Thứ nhất phải khẳng định VFF là đơn vị sở hữu bản quyền truyền hình. Khi VPF ra đời, VFF đồng ý chuyển giao quyền tổ chức thực hiện bản quyền truyền hình được ký giữa VFF với AVG cho VPF. Nói một cách khác, VFF giao cho VPF làm chứ không chuyển giao quyền sở hữu. Và hiện cũng chưa có biên bản bàn giao quyền khai thác cho VPF. Vì thế, một vài anh ở VPF vội vã chào hàng với VTV là chưa đúng.

* Là phó chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) của VPF, ông không có sự can thiệp nào vào văn bản của VPF vào ngày 29-12?

- Tôi không được tham khảo sự việc này. Tôi nghĩ HĐQT của VPF sẽ họp để trao đổi vấn đề này.

Theo tôi, các thành viên trong HĐQT của VPF cần giải quyết vấn đề này theo phương pháp: cái gì đạt được sự đồng thuận thì làm trước, cái gì chưa đồng thuận và khó thì làm từ từ trên tinh thần tôn trọng tính nguyên tắc pháp lý. Những gì xảy ra vừa rồi tôi thấy anh Kiên (phó chủ tịch HĐQT VPF Nguyễn Đức Kiên) hơi nôn nóng. Ý định của anh Kiên tốt nhưng anh ấy làm không đúng quy trình. Có phải chỉ vì thêm vài tỉ đồng mà chúng ta làm các vấn đề thêm rắc rối, phức tạp và có cần thiết phải làm như vậy không.

* Nhưng có vẻ ông Kiên đang tỏ ra quyết tâm đeo đuổi đến cùng mục tiêu đề ra là ký hợp đồng bản quyền với VTV?

- Mọi chuyện sẽ không làm được sau khi có hợp đồng chuyển giao giữa VFF cho VPF. Sau đó dựa vào nội dung chuyển giao, VPF mới có quyền đàm phán lại với AVG. Nếu không, tất cả các cuộc thương lượng đều vô hiệu.

* Liệu sự kiên quyết theo đuổi đến cùng của ông Kiên có thể làm cho mối quan hệ giữa VFF và VPF thêm rạn nứt?

- Tôi nghĩ rằng nếu cứ khăng khăng như thế, nguy cơ này có khả năng xảy ra.

* Theo ông, câu chuyện này sẽ đi đến hồi kết thế nào?

- Theo tôi, các bên cần ngồi lại với nhau và đi đến một thỏa hiệp mà các bên chấp nhận được trên cơ sở tôn trọng tính kế thừa và tính pháp lý của hợp đồng giữa VFF và AVG. Thật lòng tôi bị sốc khi đọc tuyên bố của anh Kiên với báo chí khi anh nói anh không cần biết về hợp đồng giữa VFF và AVG.

* Ông có nghĩ câu chuyện này sẽ kết thúc ở tòa án?

- Tôi không muốn nhưng nếu cần thiết thì cũng phải làm vì ai cũng nói mình đúng cả. Trong tình huống này, cơ quan tư pháp sẽ đưa ra phán quyết đúng hay sai. Nhưng thật dở nếu để điều này xảy ra.

6J63URzq.jpgPhóng to
Ông Lê Hùng Dũng - Ảnh: Sĩ Huyên
K.XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên