17/02/2012 07:35 GMT+7

VPF không chịu thua

KHƯƠNG XUÂN
KHƯƠNG XUÂN

TT - Đó là khẳng định của các đại diện VPF sau khi Bộ VH-TT&DL công bố kết quả thanh tra hợp đồng giữa Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) và AVG về bản quyền truyền hình các giải bóng đá trong nước chiều 16-2.

“VPF có quyền khiếu nại”VFF và AVG đồng ý với dự thảo kết luận thanh traVPF tiếp tục khiếu nại

5myh5BMZ.jpgPhóng to
Bầu Kiên (trái) và bầu Thắng trong buổi trao đổi với báo giới tại khách sạn Hilton - Ảnh: Nguyễn Khánh

Đại diện của VPF, trong đó có các ông Võ Quốc Thắng - chủ tịch HĐQT, Nguyễn Đức Kiên - phó chủ tịch HĐQT, Phạm Ngọc Viễn - tổng giám đốc - được mời đến dự buổi công bố.

Ông Kiên không được phát biểu tại họp báo

Chỉ cho báo chí vào ghi hình 5 phút, sau đó đoàn thanh tra mời báo chí ra ngoài để làm việc. Buổi công bố kết luận thanh tra tại trụ sở VFF kéo dài khoảng 30 phút. Kết thúc làm việc, ông Nguyễn Trọng Hỷ từ chối đưa ra bất cứ bình luận gì về kết luận thanh tra.

Kết luận của thanh tra Bộ VH-TT&DL

1. VFF là chủ sở hữu đối với các giải bóng đá do VFF tổ chức và có đủ thẩm quyền ký hợp đồng. VFF đã tiến hành các thủ tục theo đúng quy định của pháp luật và điều lệ VFF.

2. Việc chuyển nhượng thương quyền các giải bóng đá do VFF tổ chức không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật đấu thầu nên không phải đấu thầu.

3. AVG là đối tác đại diện có đủ các điều kiện pháp lý để tham gia ký hợp đồng. Quy định pháp luật báo chí không giới hạn chỉ có các cơ quan có giấy phép hoạt động báo chí mới được phép mua bán bản quyền truyền hình.

4. Về cơ bản nội dung của hợp đồng là phù hợp với các quy định của pháp luật.

5.Tại thời điểm thanh tra, VFF chưa ký hợp đồng chuyển giao quyền khai thác thương quyền các giải bóng đá chuyên nghiệp VN cho VPF nên VPF chưa được pháp luật công nhận là đơn vị khai thác thương quyền các giải bóng đá chuyên nghiệp VN.

Trong khi đó, mặc dù chánh thanh tra Bộ VH-TT&DL Vũ Xuân Thành cho biết ông Nguyễn Đức Kiên sẽ là đại diện VPF có mặt tại cuộc họp báo vào lúc 15g30 nhưng sau khi công bố kết luận thanh tra tại VFF, đại diện của VPF cho biết ông Kiên sẽ không có mặt tại cuộc họp báo của Bộ VH-TT&DL. Trả lời Tuổi Trẻ về việc này, ông Tô Văn Động, chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ VH-TT&DL chủ trì cuộc họp báo, cho biết: “Ai mời anh Kiên đến họp báo tôi không biết, nhưng tôi không mời. Đây là cuộc họp báo của bộ chứ không phải diễn đàn đến để tranh luận đúng sai. Nếu anh Kiên đến dự chúng tôi sẽ mời anh Kiên vào nhưng anh Kiên không được phép phát biểu”.

Ngay sau cuộc họp báo tại Bộ VH-TT&DL, vào lúc 16g30 tại khách sạn Hilton (Hà Nội), hội đồng quản trị Công ty VPF đã có buổi trao đổi thông tin với báo chí liên quan đến kết luận của đoàn thanh tra. Tối cùng ngày, VPF có đơn khiếu nại gửi Bộ VH-TT&DL cùng Thanh tra Chính phủ.

Mở đầu cuộc gặp, ông Nguyễn Đức Kiên nói: Kết luận của thanh tra Bộ VH-TT&DL có những điểm phải xem xét lại. Chẳng hạn thanh tra bộ đã bỏ qua khoản 1 điều 74 điều lệ VFF quy định: “VFF và các thành viên là những chủ sở hữu đầu tiên của tất cả các quyền lợi xuất phát từ các giải đấu và các sự kiện khác diễn ra trong phạm vi quyền hạn của các tổ chức này mà không có sự giới hạn nào về nội dung, thời gian, địa điểm và luật lệ. Những quyền lợi này bao gồm tất cả các quyền lợi về tài chính, ghi hình và ghi âm, bản quyền truyền hình và tường thuật, bản quyền truyền thông đa phương tiện, quyền tiếp thị và quảng cáo, các quyền phát sinh trong khuôn khổ Luật bản quyền và các quyền không cụ thể liên quan đến các biểu trưng”. Và rất nhiều các quy định khác thừa nhận các CLB là đồng sở hữu với VFF về các giải bóng đá chuyên nghiệp VN chứ không phải VFF là chủ sở hữu duy nhất như kết luận của đoàn thanh tra.

VPF cho rằng các CLB tham gia việc tạo ra sản phẩm là giải bóng đá chuyên nghiệp nên theo khoản 1 điều 170 Bộ luật dân sự, các CLB có quyền sở hữu hợp pháp các giải đấu này. Do vậy khi VFF ký hợp đồng với AVG căn cứ trên điều lệ VFF và các văn bản pháp luật hiện nay, VFF không xin ý kiến các CLB là trái luật.

Thương quyền được quy định trong hợp đồng của VFF với AVG là toàn bộ bản quyền truyền hình, quyền viết bài trên báo, tạp chí, Internet... đều đã được VFF bán cho AVG. Trong cuộc làm việc với chánh thanh tra bộ ngày 15-2 có một số vấn đề tôi đặt ra:

1. VFF đã bán toàn bộ thương quyền của các giải bóng đá, trận bóng đá của đội tuyển quốc gia cho AVG. Theo Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước đã được Quốc hội thông qua, trong đó quy định rõ tổ chức xã hội nghề nghiệp (VFF) cũng bị điều chỉnh của bộ luật này. VFF chỉ được Nhà nước giao quản lý các đội tuyển quốc gia chứ nếu bán thương quyền của đội tuyển thì không có căn cứ...

2. Khi VFF bán bản quyền truyền hình cho AVG, VFF không thông báo với VTV, VTC, như vậy là thiếu công khai, minh bạch, giảm sự cạnh tranh và không xác định được giá trị của hợp đồng.

Do kết luận của đoàn thanh tra không đảm bảo tính khách quan, không làm rõ được những thắc mắc của VPF nên hôm nay 17-2, hội đồng quản trị VPF sẽ họp và có văn bản báo cáo Thủ tướng để xin ý kiến Thủ tướng về việc này. Đồng thời VPF sẽ gửi công văn khiếu nại kết luận thanh tra của Bộ VH-TT&DL lên bộ trưởng Bộ VH-TT&DL và Thanh tra Chính phủ.

Lấy bóng đá nuôi bóng đá

- Ông Võ Quốc Thắng: Khi tiếp nhận tổ chức, quản lý, điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp VN do VFF bàn giao thì VPF rất hoan nghênh. Tuy nhiên khi nghe đến hợp đồng thương quyền 20 năm chúng tôi mới giật mình. Tìm hiểu sâu ra, VPF thấy rằng thương quyền VFF bán cho AVG quá lớn. Nếu hợp đồng ba năm thì hội đồng quản trị VPF nghĩ cho qua cũng được, nhưng giờ còn đến 19 năm nữa. Mỗi năm giá trị hợp đồng tăng 10% thì chi phí của mỗi đội bóng rất cao, với giá trị hợp đồng bản quyền truyền hình mà VFF bán cho AVG, mỗi năm mỗi CLB được nhận vài trăm triệu đồng thì chẳng đáng gì đối với các CLB.

Với số tiền bỏ ra đầu tư quá lớn mà thu về thế này thì liệu có là động lực giúp các doanh nghiệp còn muốn đầu tư cho bóng đá? Nếu hợp đồng thương quyền này không được xem xét sẽ kìm hãm sự phát triển của bóng đá VN. Thương quyền VFF bán cho AVG quá rộng, ảnh hưởng rất lớn đến sự tác nghiệp của báo chí trong 20 năm. Do vậy trách nhiệm của VPF là phải làm sao tạo được nguồn thu cho các CLB, hỗ trợ các đội tuyển quốc gia. Làm sao bóng đá được báo chí, truyền hình càng nhiều, viết nhiều thì càng giúp bóng đá VN phát triển. Việc tạo nguồn thu hỗ trợ công tác đội tuyển hiện tại thì đều lấy từ tiền thuế của dân. Mục tiêu của VPF là lấy bóng đá nuôi bóng đá. Do đó, nếu hợp đồng này không được làm rõ thì không thể có nguồn thu để thực hiện mục đích này. VPF sẽ làm hết sức mình để thay đổi hợp đồng này và VPF hi vọng cơ quan quản lý nhà nước hiểu được mục đích của VPF.

- Ông Nguyễn Đức Kiên: Cho đến ngày 16-2, thanh tra Bộ VH-TT&DL thông báo chỉ có 1/28 CLB là Navibank Sài Gòn nhận được tiền bản quyền truyền hình mùa giải 2011, 27 CLB khác chưa nhận được. CLB của tôi sẽ không nhận tiền bản quyền truyền hình nếu VFF gửi đến. VPF tìm hiểu rất kỹ các quy định của FIFA, tôi mong vụ việc này không phải gửi đến Tòa án trọng tài thể thao quốc tế (CAS). VPF tin rằng VPF có những giải pháp để làm việc này. VPF sẽ tiếp tục theo đuổi vụ việc bản quyền truyền hình cho đến khi bóng đá VN được hưởng quyền lợi tốt nhất.

* Nếu đi đến CAS (Tòa án thể thao quốc tế) mà hợp đồng này vẫn không thay đổi, các ông có còn tiếp tục làm bóng đá?

- Ông Nguyễn Đức Kiên: Nếu có thua tôi cũng không từ bỏ bóng đá. Tôi có niềm tin các cấp có thẩm quyền sẽ đưa ra kết luận đúng đắn. Hôm nay 16-2, AVG có gửi giấy mời đến VPF mời chúng tôi đến làm việc với AVG để giải quyết vấn đề vào ngày 20-2 và chắc chắn chúng tôi sẽ đến gặp. VPF bảo lưu các ý kiến của VPF để đưa lên các cơ quan có thẩm quyền cao hơn đoàn thanh tra để làm rõ. Khi chúng tôi được trả lời thỏa đáng thì đúng hay sai chúng tôi cũng tuân thủ. Ngày 17-2, VPF có văn bản gửi các cơ quan có thẩm quyền hỏi xem VPF có được quyền tiếp tục thực hiện cho các đài vào sân ghi hình như từ vòng 2 đến vòng 5 vừa qua không chứ VPF không tự ý thực hiện.

Diễn biến cuộc chiến bản quyền truyền hình

* Ngày 8-6-2010, Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) có công văn gửi Bộ VH-TT&DL báo cáo về việc hợp tác khai thác bản quyền truyền hình bóng đá với Công ty cổ phần viễn thông và truyền thông An Viên (AVG) và được Bộ VH-TT&DL chấp thuận theo công văn ngày 15-6-2010.

* Ngày 30-11-2010, thường trực ban chấp hành VFF ra nghị quyết thống nhất chủ trương hợp tác với AVG trong thời hạn 20 năm (2011 - 2030).

* Ngày 7-12-2010, đại hội thường niên VFF năm 2010 khóa VI nhiệm kỳ (2009-20l3) thông qua việc cho phép VFF ký kết hợp đồng chuyển nhượng bản quyền truyền hình cho AVG trong 20 năm.

* Ngày 8-12-2010, ông Nguyễn Trọng Hỷ - chủ tịch VFF - có văn bản ủy quyền cho tổng thư ký VFF Trần Quốc Tuấn đại diện VFF ký kết hợp đồng chuyển nhượng thương quyền bóng đá với AVG.

* Ngày 28-9-2011, lần đầu tiên VPF thành hình thông qua buổi họp của nhóm các ông bầu mà bầu Kiên là người khởi xướng.

* Ngày 29-9-2011, tại hội nghị chủ tịch các CLB bóng đá VN, bản dự thảo thành lập VPF đã được mang ra bàn luận và đạt được sự nhất trí vào chiều cùng ngày.

* Ngày 14-12-2011, đại hội cổ đông lần thứ nhất của VPF diễn ra. Trong buổi họp báo sau đó, bầu Kiên - phó chủ tịch HĐQT VPF - nói: “Công việc đầu tiên VPF sẽ làm là đàm phán hợp đồng với nhà tài trợ Eximbank và hợp đồng bản quyền truyền hình với AVG...”.

* Ngày 23-12-2011, VPF gửi công văn đề nghị ban lãnh đạo AVG làm việc cùng VPF để giải quyết vấn đề bản quyền truyền hình vào ngày 27-12-2011 nhưng AVG từ chối.

* Ngày 29-12-2011, VPF có công văn do phó chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Kiên ký cho phép VTV và các đơn vị trực thuộc VTV được tuyên truyền, truyền hình trực tiếp... Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ tuyên bố đây là sự vi phạm nghiêm trọng pháp luật và cuộc chiến bản quyền truyền hình bùng nổ.

* Ngày 12-1-2012, VPF có công văn kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo ba bộ Tư pháp, Văn hóa - thể thao & du lịch, Thông tin và truyền thông xác minh tính pháp lý hợp đồng bản quyền truyền hình VFF ký với AVG.

Chiều cùng ngày, Văn phòng Chính phủ có công văn gửi Bộ VH-TT&DL, đề nghị bộ trưởng Bộ VH-TT&DL chỉ đạo việc thanh tra hợp đồng bản quyền truyền hình, sớm báo cáo kết quả với Thủ tướng.

* Ngày 10-2-2012, vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự- kinh tế Bộ Tư pháp Dương Đăng Huệ đã ký văn bản gửi Bộ VH-TT&DL khẳng định hợp đồng giữa VFF và AVG không trái luật.

Phải phân biệt bản quyền truyền hình của FIFA, AFC khác bản quyền truyền hình của một LĐBĐ quốc gia. Bản quyền truyền hình của các tổ chức bóng đá quốc tế là do họ tổ chức các giải đấu, tập trung tại một địa điểm, lo chi phí tổ chức, chi phí cho các đội tuyển tham dự giải... và bản quyền truyền hình và quyền thương mại thuộc về FIFA, AFC.

Việc VFF tổ chức giải bóng đá chuyên nghiệp VN do các đội bóng của VN, diễn ra ở toàn bộ các sân đấu trong một năm. Do vậy quyền thương mại của các giải đấu này thuộc quyền của tất cả các thành phần tham dự giải. Điều này được quy định trong điều lệ mẫu của FIFA cũng như quy định rõ trong điều 74.1 của điều lệ VFF.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM:

Thẩm quyền xem xét hợp đồng thuộc về cơ quan tài phán

Tôi cho rằng thẩm quyền xem xét hợp đồng chuyển nhượng thương quyền giữa VFF và AVG có phù hợp các văn bản pháp luật như Luật thể dục, thể thao 2006; các nghị định hướng dẫn luật này... hay không thuộc về cơ quan tài phán chứ không phải là cơ quan quản lý hành chính nhà nước. Bởi việc chuyển nhượng bản quyền là một bản hợp đồng ký kết giữa hai bên nên vấn đề xem xét hiệu lực của hợp đồng phải do tòa án (hoặc trọng tài) quyết định. Cho nên nếu các bên liên quan có tranh chấp thì vẫn có thể nhờ cơ quan tài phán giải quyết.

Có thể nói về thẩm quyền ký kết hợp đồng, thủ tục ký kết hợp đồng của VFF là không trái luật nhưng về nội dung thỏa thuận, việc chuyển nhượng toàn bộ thương quyền các giải bóng đá do LĐBĐVN tổ chức với phí cố định chỉ 6 tỉ đồng/năm và tăng 10% sau mỗi năm là mức giá quá rẻ, không đúng với giá trị của thương quyền. VFF cần thương thảo lại với AVG về vấn đề tăng giá trị thương quyền trong hợp đồng để thương quyền đúng với giá trị thật của nó trên thực tế và đảm bảo quyền lợi của các CLB bóng đá.

Chiều 16-2, Bộ VH-TT&DL đã tổ chức họp báo về kết quả thanh tra bản quyền truyền hình. Báo giới đã làm nóng buổi họp với hàng loạt câu hỏi nhưng hầu hết không hài lòng với câu trả lời từ những người có trách nhiệm.

EGpu5Ubk.jpgPhóng to
Ông Vũ Xuân Thành trả lời tại buổi họp báo - Ảnh: Nguyễn Khánh

* Sài Gòn Times: Ông Kiên cho rằng hợp đồng giữa VFF và AVG chưa được cơ quan cấp trên phê duyệt nên hợp đồng đó vô hiệu. Như vậy là đúng hay sai và dựa trên luật nào?

- Ông Vũ Xuân Thành (chánh thanh tra Bộ VH-TT&DL): Qua kiểm tra và thanh tra điều 6.17 và 7.10 trong hợp đồng có ghi thỏa thuận của hai bên phải được cơ quan quản lý của hai bên chấp thuận cấp phép và đăng ký phê duyệt. Qua kiểm tra chúng tôi có ý kiến: đây là thỏa thuận của các bên tham gia ký hợp đồng, pháp luật không bắt buộc phải thực hiện, không làm ảnh hưởng tới giá trị hợp đồng. Bộ luật dân sự và Luật thể thao không quy định hợp đồng này phải được cấp phép, phê chuẩn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

* Thanh Niên: Các đội tuyển bóng đá quốc gia hoạt động phụ thuộc vào ngân sách nhà nước. Việc thương quyền truyền hình các trận đấu của đội tuyển quốc gia mà VFF bán cho AVG có vi phạm pháp luật?

- Các đội tuyển hiện nay có sử dụng ngân sách nhà nước. Nhưng tiền ngân sách hoàn toàn tài trợ cho việc ăn ở đi lại và được Bộ Tài chính cho phép theo quy định. Đây không phải tiền đầu tư nên chúng tôi thấy không cần thiết phải đấu thầu.

* Tuổi Trẻ: Ông chánh thanh tra bộ có nói hợp đồng VFF với AVG đang được thực hiện rất tốt. Nhưng hợp đồng kéo dài đến 20 năm, trong 20 năm đó không biết bóng đá VN sẽ có những thay đổi như thế nào?

- Hợp đồng 20 năm căn cứ theo pháp luật hiện hành là không sai luật. Còn thỏa mãn hay không có lẽ thẩm quyền đó do VFF, AVG, các CLB tự thỏa thuận. Nếu quyền lợi bị xâm hại thì có thể kiến nghị. Còn chuyện bán với giá cả bao nhiêu kệ người ta, chúng tôi không quản lý chuyện đó.

* Lao Động: Bộ VH-TT&DL là đơn vị đồng ý về chủ trương việc VFF ký hợp đồng với AVG. Vậy trong quá trình thanh tra có bị ảnh hưởng vì hợp đồng sai thì bộ cũng có trách nhiệm?

- Một bản công bố với số lượng nhà báo có mặt đông như hôm nay và sự quan tâm của công chúng thời gian vừa qua thì không có chuyện chúng tôi bảo vệ ai cả. Điều nào đúng với pháp luật thì chúng tôi nói đúng pháp luật, đây là nguyên tắc hoạt động của thanh tra Bộ VH-TT&DL.

* Tuổi Trẻ: Là người phát ngôn Bộ VH-TT&DL, ông Tô Văn Động có thể bày tỏ quan điểm của bộ về bản hợp đồng 20 năm giữa VFF và AVG. VPF cho biết họ có thể ký hợp đồng thời hạn ba năm và giá trị cao hơn gấp nhiều lần mà VFF bán cho AVG. Bộ có ủng hộ việc ký hợp đồng không và khuyến cáo VFF nên ngồi lại với AVG để bàn bạc rút ngắn thời gian, nâng mức giá trị hợp đồng?

- Ông Phạm Văn Tuấn (phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, trả lời thay ông Tô Văn Động): Năm 2010 chúng ta chưa dự báo được năm 2011 thay đổi thế nào. Tôi cũng hiểu bức xúc của các phóng viên hay bức xúc của các thành viên VPF. Mỗi năm VFF có đại hội thường niên, là một tổ chức thành viên của VFF, VPF có thể nêu những ý kiến này và tôi thống nhất với ý kiến anh Thành đây là việc nội bộ của VFF.

* Tuổi Trẻ: Trong trường hợp VPF chưa được ký hợp đồng chuyển giao thương quyền với VFF thì khi VPF đang tổ chức các giải bóng đá như hiện nay liệu có sai luật?

- Ông Vũ Xuân Thành: Nghị quyết đã có, nhưng chưa giao thì chưa được làm. Chỉ đơn giản vậy thôi.

* Tuổi Trẻ: Nhưng thực tế đang diễn ra như vậy?

- Ông Vũ Xuân Thành: Thực tế diễn ra như vậy mới tranh cãi, mới phải thanh tra.

* Tuổi Trẻ: Trong hợp đồng với AVG, VFF không chỉ bán bản quyền truyền hình mà toàn bộ thương quyền bao gồm quyền ghi âm, viết bài, chụp ảnh trên báo in, phát thanh, Internet... như thế có đúng luật không?

- Ông Vũ Xuân Thành: Tinh thần là như thế.

* Tuổi Trẻ: Tức là VFF có quyền bán tất cả những quyền đó?

- Ông Vũ Xuân Thành: Đương nhiên...

* Thể Thao 24h: Như thế có vi phạm hoạt động báo chí?

- Ông Vũ Xuân Thành: Nếu chiếu theo hợp đồng này thì không vi phạm Luật báo chí.

KHƯƠNG XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên