Thật sự là suốt một buổi sáng, tôi bị cuốn vào vòng mê hoặc của tiểu thuyết Đức Phật, Nữ chúa và điệp viên (NXB Trẻ). Tôi bị thôi miên, mê mị đi trong vòng vây của một không gian lịch sử, văn hóa của cái xứ Ấn Độ huyền bí xa xôi mà nhờ Hồ Anh Thái đã trở nên không còn cách trở.
Được như thế là nhờ cái khối hiểu biết quảng bác được vận dụng một cách minh triết nhuần nhuyễn hài hòa, trong đó phải kể đến những yếu tố cơ bản trong nghệ thuật kể chuyện của tác giả.
Đầu tiên rất đáng kể là hệ thống ngôn ngữ tương thích vừa giàu có vừa chuẩn mực với mỗi khung cảnh, tình huống, hoàn cảnh. Thứ nữa là cái giọng kể tự nhiên nhi nhiên hóm hỉnh và tài hoa.
Người cất tiếng kể mà như câu chuyện tự nó kể ra cho người nghe. Câu chuyện từng khúc đoạn một lần lượt được kéo căng ra, được nâng cấp với bao nhiêu là tình tiết đặc sắc dồn dập mà lại được kể một cách nhẩn nha đủng đỉnh nên luôn giữ được sức hấp dẫn với người đọc.
Đơn cử là câu chuyện về Nữ chúa Manju và cuộc đời ba chìm bảy nổi chín lênh đênh, đầy sức cuốn hút và giàu tính nhân văn của nàng. Viết văn, đọc văn đến trình độ nào thì cảm nhận được sức nặng của cái tình cái lý ẩn chứa trong mỗi câu văn.
Chữ của Hồ Anh Thái thật hay. "Tên cảnh vệ ôm chặt chỗ hiểm nhảy lên như choi choi. Nó không còn tạo nghiệp được nữa" (trang 52). Chữ tạo nghiệp ngộ ghê!
Có cả trăm ví dụ như thế, khi đọc đến tôi đã dừng lại tủm tỉm cười một mình. Hóm hỉnh, dí dỏm là phẩm chất đặc sắc hiếm hoi mà Hồ Anh Thái rất dồi dào. Viết cái gì cũng thế. Cái duyên văn tự ở Thái đã tiềm tàng từ bao năm nay rồi. Không còn nghi ngờ gì, một lần nữa, Hồ Anh Thái là một trong những nhà văn đáng nể về tầm vóc văn hóa của nước ta.
Phải là một bản lĩnh lớn, tác giả mới xử lý thành công một chủ đề mang tính thẩm mỹ cao như thế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận