20/07/2022 09:30 GMT+7

Vốn vào bất động sản: Ai siết hay thị trường tự siết?

NGỌC HIỂN - BÔNG MAI
NGỌC HIỂN - BÔNG MAI

TTO - Sau khi Chính phủ tổ chức Hội nghị phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững vào ngày 14-7, rất nhiều kỳ vọng thị trường bất động sản sẽ phát triển đúng các tiêu chí trên khi giải quyết được những tồn tại.

Vốn vào bất động sản: Ai siết hay thị trường tự siết? - Ảnh 1.

Vốn tín dụng và trái phiếu đã được phân hóa, theo hướng chỉ rót vào các dự án hoàn chỉnh pháp lý, chủ đầu tư có uy tín và năng lực. Trong ảnh: một dự án tại TP.HCM - Ảnh: Q.ĐỊNH

Cũng đã có tiếng kêu thị trường bất động sản (BĐS) đang gặp khó, đặc biệt là về nguồn vốn. Thế nhưng, cũng có nhiều thông tin khác cho thấy không hẳn "cả nhà" cùng khó...

Căn hộ tiêu thụ tốt

Mặc dù các doanh nghiệp cho biết tín dụng BĐS đang bị siết dẫn đến khó khăn cả cho bên phát triển nhà ở lẫn bên mua nhà. Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy tỉ lệ hấp thụ, lượng tiêu thụ các căn hộ vẫn cao, tương đương mức hấp thụ của các năm trước.

Cụ thể, bà Dương Thùy Dung, giám đốc điều hành CBRE Việt Nam, cho biết sau một quý đầu năm trầm lắng với dưới 900 căn chào bán mới, thị trường TP.HCM chứng kiến nguồn cung mới tăng vọt trong quý 2 với 15.528 căn hộ từ 12 đợt mở bán mới, vượt qua tổng nguồn cung mới của cả năm 2021. 

Trong đó khu Đông, đặc biệt là TP Thủ Đức, đóng góp đến 88% nguồn cung mới nhờ các giai đoạn tiếp theo của một dự án lớn. Do nguồn cung mới tăng vọt khiến số căn hộ bán được trong thời gian qua cũng tăng tương ứng. 

"Thị trường ghi nhận tổng cộng 11.259 căn hộ chào bán thành công, tăng gần 1,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái và tỉ lệ hấp thụ của các dự án mới gần như không thay đổi theo năm, trung bình ở mức 72%", bà Dung thông tin.

Trong khi đó, đại diện của DKRA Việt Nam cũng cho biết trong nửa đầu năm nay, thị trường TP.HCM và các tỉnh lân cận ghi nhận có 38 dự án mở bán, trong đó có 9 dự án mở bán mới, mang lại cho người mua nhà nguồn cung 16.803 căn hộ, tăng đến 96% so với 6 tháng đầu năm ngoái. 

Theo vị này, tỉ lệ tiêu thụ đối với các căn hộ đạt xấp xỉ 84%, tăng đến 77% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng thị trường TP.HCM, tỉ lệ tiêu thụ căn hộ 6 tháng đầu năm đạt mức 88% trên nguồn cung mở bán mới, gấp đến 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Riêng với phân khúc nhà phố, biệt thự, DKRA Việt Nam đánh giá tại TP.HCM và các tỉnh lân cận trong nửa đầu năm nay có 3.142 dự án mở bán, chỉ bằng 55% so với 6 tháng đầu năm ngoái và tỉ lệ hấp thụ cũng giảm nhẹ khi bằng 88% năm ngoái.

Đâu phải ai cũng đói vốn

Mua đất phát triển dự án chung cư vào giữa năm ngoái, cách đây vài ngày, Phú Đông Group đã được chấp thuận quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500, chuẩn bị xây dựng hơn 600 căn hộ trên diện tích 6.000m² tại TP Dĩ An (Bình Dương). 

Ông Ngô Quang Phúc, tổng giám đốc Phú Đông Group, cho hay đây là đất doanh nghiệp bỏ tiền ra mua, phát triển dự án nhà hợp túi tiền của đại đa số người lao động nên mọi thủ tục khá thuận lợi.

Cũng theo ông Phúc, do đây là dự án làm nhà ở đúng vào phân khúc mà đại đa số người dân đang cần nên phía doanh nghiệp không lo về tài chính phát triển dự án. "Dự án này hợp lý nên chúng tôi hoàn toàn có thể huy động vốn để phát triển nhà, các cổ đông sẵn sàng góp vốn vì làm có lời. 

Còn các ngân hàng cũng sẵn sàng cho chúng tôi vay bởi thực tế họ vẫn còn hạn mức tín dụng để cho vay đối với những dự án khả thi, nhắm vào thị trường người mua bình dân đang được Nhà nước khuyến khích", ông Phúc chia sẻ. 

Cũng theo ông Phúc: "Nếu doanh nghiệp chứng minh được năng lực thì sẽ huy động vốn tốt từ các ngân hàng, các nhà đầu tư, khách hàng, từ thị trường hoặc từ nhà đầu tư nước ngoài... Nếu không có năng lực thì sẽ luôn đói vốn".

Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, cho rằng thời điểm này cần phải xây dựng cơ chế để tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn tín dụng và các nguồn vốn trên thị trường vốn, trong đó có hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp. 

"Nếu siết cả tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp thì sẽ đứt gãy dòng vốn đầu tư, nhiều doanh nghiệp có nguy cơ ngộp thở, nhất là trong lúc thanh khoản bị sụt giảm", ông Châu cảnh báo.

Đối với tín dụng cho nhà ở xã hội, ông Châu cho rằng Bộ Xây dựng và Chính phủ cần xem xét bổ sung 2 nhóm đối tượng được áp dụng gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội 15.000 tỉ đồng. 

Cụ thể, hiện đang thiếu hụt nguồn cung nhà ở xã hội, trong lúc gói tín dụng ưu đãi 15.000 tỉ đồng chỉ được phép giải ngân đến hết ngày 31-12-2023, do đó cần cho phép người mua - thuê mua nhà ở xã hội theo phương thức vay thương mại (với lãi suất khoảng 9 - 10%/năm) được thanh lý hợp đồng vay thương mại và phần vốn mua nhà ở xã hội còn lại được chuyển sang vay vốn ưu đãi (lãi suất 4,8%/năm) tại Ngân hàng Chính sách xã hội.

Đồng thời, ông Châu cũng kiến nghị cần bổ sung thành phần cho các chủ nhà trọ, phòng trọ cho công nhân lao động thuê ở được xem xét cho vay với lãi suất ưu đãi 4,8%/năm để cải tạo, nâng cấp nhà trọ, phòng trọ hiện hữu.

Vốn vào bất động sản: Ai siết hay thị trường tự siết? - Ảnh 2.

Diễn biến năm 2022 không còn thuận lợi cho doanh nghiệp BĐS phát hành trái phiếu - Ảnh: Q.ĐỊNH

Vốn rời dần trái phiếu BĐS

Nếu như giai đoạn 2021 từ "tăng nóng", "sôi động" thường được sử dụng khi miêu tả thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thì sang năm 2022 tình hình có phần ảm đạm. Theo ông Đinh Minh Trí - chuyên gia của Công ty chứng khoán Mirae Asset, tình trạng này có nhiều nguyên nhân:

- Đầu tiên, 2022 là một năm ghi nhận nhiều bất ổn khi suy thoái toàn cầu lan tỏa nhiều nước, dẫn đến chính sách thắt chặt tiền tệ đang diễn ra tại hầu hết các nước trên thế giới. Chính điều này đã tác động một phần khiến các doanh nghiệp BĐS gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn vốn qua kênh ngân hàng cũng như phát hành trái phiếu.

- Ngân hàng Nhà nước cho biết tăng trưởng tín dụng trong nửa đầu năm 2022 đã đạt 9,35%, rất sát mục tiêu cả năm 14%. Vì thế, có thể Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung ưu tiên đưa dòng tiền tín dụng chính vào phục vụ hoạt động sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội, thay vì đổ vào kênh trái phiếu doanh nghiệp.

- Trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát mạnh, nhiều chủ doanh nghiệp đã chuyển một phần lớn tiền để mua trái phiếu doanh nghiệp BĐS, nay kinh tế hồi phục, doanh nghiệp chuyển về lại mảng sản xuất kinh doanh chính của mình, mang đến lợi nhuận tốt hơn.

- Cuối cùng, nhà đầu tư có xu hướng tìm về các tài sản an toàn như đồng USD, vàng..., thay vì kênh chứng khoán như cổ phiếu hay trái phiếu. 

"Nhiều doanh nghiệp BĐS phát hành trái phiếu thận trọng hơn sau sự việc của Tân Hoàng Minh. Cả cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp phát hành cũng rà soát kỹ càng hơn vì vấn đề trách nhiệm, còn người mua thì sợ không an toàn, rủi ro như vụ Tân Hoàng Minh, nên chọn cách rút tiền về - đáo hạn sớm", ông Trí bổ sung.

Tìm vốn từ các quỹ đầu tư

Giám đốc một doanh nghiệp BĐS tại TP.HCM cho biết bên cạnh nguồn tín dụng chủ lực từ các ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp hiện bị kiểm soát chặt, về lâu về dài các doanh nghiệp BĐS cũng có thể hướng đến các nguồn vốn từ quỹ đầu tư, quỹ tín thác BĐS (REIT)...

Ngoài ra, doanh nghiệp cần xem xét hướng đến mở rộng phát hành ra thị trường quốc tế khi từ giai đoạn 2019 - 2021 đã có hơn 1,3 tỉ USD vốn cho BĐS huy động được từ thị trường quốc tế.

Ông Nguyễn Hữu Quang, phó tổng giám đốc Tập đoàn Danh Khôi, cho hay thực tế doanh nghiệp này cũng tìm kiếm hợp tác với các đối tác quốc tế, trong đó có hợp tác với doanh nghiệp Nhật Bản là Tập đoàn Tokyu để có thêm nguồn lực tài chính bền vững phát triển dự án BĐS.

Trái phiếu BĐS chịu ảnh hưởng chung

Cũng chỉ ra các nguyên nhân như trên song GS.TS Võ Xuân Vinh, viện trưởng Viện nghiên cứu kinh doanh, Trường đại học Kinh tế TP.HCM, bổ sung trong lúc tin tức không mấy tươi sáng về thị trường trái phiếu liên tục xuất hiện, nhà đầu tư cũng tìm cách đáo hạn, rút tiền ra trước, điều này khiến những doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhưng làm ăn chân chính bị liên lụy.

Ngoài ra, với việc thị trường đang bị "soi", nhiều doanh nghiệp BĐS rơi vào thế đói vốn. Chưa kể, đến thời gian đáo hạn trái phiếu, doanh nghiệp BĐS còn phải có nghĩa vụ trả tiền gốc và lãi cho khách hàng theo hợp đồng, nếu không sẽ vi phạm pháp luật.

Cần thêm vốn cho nhà ở xã hội và người mua nhà

DU AN THU DUC 3 1(Read-Only)

Dự án căn hộ được xây dựng tại TP Thủ Đức - Ảnh: N.HIỂN

Là doanh nghiệp đã và đang phát triển các dự án nhà ở xã hội, ông Trần Nhật Quang, giám đốc đầu tư Kim Oanh Group, chia sẻ với Tuổi Trẻ việc Thủ tướng chỉ đạo ưu tiên cho vay đối với các dự án nhà ở xã hội là tín hiệu tích cực và thực tế việc cho vay đối với các dự án nhà ở xã hội đang còn những tồn tại cần cải thiện.

Hiện tại gói 30.000 tỉ đồng năm 2015 mà nhiều chủ đầu tư và khách hàng mua nhà ở xã hội được vay với lãi suất chỉ bằng 1/2 lãi suất cho vay thương mại đã giải ngân xong, nguồn vốn ưu đãi dành cho nhà ở xã hội gần như không còn nữa. "Chúng tôi phải đi tìm những khoản vay với lãi suất thông thường làm mức đầu tư của dự án tăng lên, tạo thành gánh nặng chi phí cho người mua nhà", ông Quang chia sẻ.

Theo ông Quang, điều bất cập hiện nay là doanh nghiệp đang tính toán lãi suất vay vượt 10%, tuy nhiên khi nộp hồ sơ giải trình chi phí lên cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở một địa phương thì chỉ được chấp thuận lãi suất dưới 4%. Lãi suất thấp như thế này chỉ có thể được cung cấp bởi Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc quỹ phát triển nhà ở.

Tuy vậy, khi doanh nghiệp tiếp xúc Ngân hàng Chính sách thì được trả lời là chưa thấy có chủ trương. "Vì vậy, mặc dù chúng tôi đang điều chỉnh lãi vay theo mức hướng dẫn của cơ quan nhà nước để được duyệt hồ sơ, nhưng sẽ rất gay go nếu không được tiếp cận nguồn vốn rẻ", ông Quang nói.

Điều khó khăn tiếp theo là nếu khách hàng đủ điều kiện về thu nhập để mua nhà ở xã hội thì không đủ điều kiện để vay thương mại dù có tài sản đảm bảo chính là căn nhà đang mua.

Bên cạnh đó, nếu vay theo chính sách thì tỉ lệ được duyệt rất thấp, đơn cử như theo số liệu từ Quỹ phát triển nhà ở TP.HCM, trong 20 năm chỉ giải ngân trên 5.000 hồ sơ. "Doanh nghiệp hoàn thiện dự án nhà ở xã hội mà không đủ khách hàng được duyệt mua thì sinh ra cảnh oái oăm nhà thừa khách thiếu", ông Quang bình luận.

Chính vì vậy, trong các gói hỗ trợ tài chính sắp tới, các ngân hàng được lựa chọn cần nới lỏng các tiêu chí xét duyệt, linh hoạt trong khuôn khổ Ngân hàng Nhà nước cho phép, giảm bớt thủ tục khi xét duyệt cho vay...

Với nhà ở xã hội, phía ngân hàng cũng nên có tư duy phục vụ cộng đồng một phần nào đó. Với người mua nhà, ngân hàng có thể làm việc với công đoàn hay bộ phận nhân sự một công ty thay vì xét duyệt riêng lẻ từng cá nhân. Giải được bài toán này, nguồn cung sẽ được giải quyết và nhiều người thu nhập thấp sẽ hiện thực hóa giấc mơ nhà ở của mình.

Ông TRẦN NHẬT QUANG

Nhu cầu vốn ngân hàng: 3 năm dồn lại một

GiaodichBank 1(Read-Only)

Khách hàng giao dịch tại một ngân hàng ở TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Mới 6 tháng đầu năm nhưng tín dụng ngân hàng (NH) đã tăng 9,35% so với cuối năm 2021, trong khi hạn mức mà NH Nhà nước cấp cho năm nay dự kiến là 14%.

Trên thực tế nhiều NH đã dùng hết hạn mức tín dụng, kể cả những NH lớn. Có NH đã hết hạn mức từ tháng 4, từ đó đến nay chỉ cho vay mới trên cơ sở thu nợ cũ.

Tổng giám đốc một NH cổ phần cho hay NH cạn room tín dụng là do nhu cầu vốn sau dịch COVID-19 tăng cao. "Có thể nói nhu cầu vốn năm 2022 là "ba năm dồn làm một", chưa kể giá nguyên vật liệu tăng cao kéo theo nhu cầu vốn nhiều hơn", vị này nói.

Trong khi đó, phó tổng giám đốc một NH cổ phần khác thừa nhận năm 2021 và những tháng đầu năm, nhiều NH mua trái phiếu của doanh nghiệp sau đó phân phối lại cho người mua. Tuy nhiên sau sự cố Tân Hoàng Minh, nhiều NH phải mua lại trái phiếu trước hạn khiến tín dụng những tháng đầu năm tăng nhanh.

Chưa kể những năm gần đây hạn mức tín dụng của NH luôn cạn từ cuối năm. NH xử lý bằng cách hẹn khách hàng chuyển sang tháng 1 năm sau mới giải ngân. Như vậy nhu cầu vốn tăng cao cũng một phần từ các năm trước chuyển qua năm nay.

Trao đổi với báo chí gần đây, Phó thống đốc NH Nhà nước Đào Minh Tú thừa nhận nếu không có hậu quả dịch COVID-19 để lại, mức tăng trưởng tín dụng 14% là phù hợp. Nhưng sau dịch, cơ hội mở ra, nhu cầu vốn của nền kinh tế cao. Nhu cầu vốn đó bao gồm cả phần vốn đang được cơ cấu lại cho doanh nghiệp thông qua chính sách giãn, hoãn nợ lên đến mấy trăm ngàn tỉ đồng.

"Nếu không có dịch, số vốn đó đang được quay vòng, trả nợ cho NH và đã được tái tạo trong một vòng quay tín dụng mới. Do đó, nhu cầu vay vốn mới bổ sung tạo áp lực cho tăng trưởng tín dụng, dẫn đến một số NH phản ánh gần hết hạn mức tăng tín dụng", ông Tú nói.

Một lãnh đạo NH khác nói những năm gần đây NH Nhà nước thường cấp một hạn mức tín dụng vừa phải vào đầu năm sau đó nới thêm. Ngay từ đầu năm nay NH Nhà nước đã cấp hạn mức chung 14%, các NH cũng kỳ vọng rằng sau đó NH Nhà nước sẽ nới room, do vậy đã sử dụng hết hạn mức năm nay. Do hàng loạt yếu tố nên mấy tháng qua dù các NH thương mại cạn room nhưng NH Nhà nước vẫn chưa cấp thêm. Lý do mà NH Nhà nước nêu ra là nếu để các NH thương mại tăng trưởng tín dụng theo nhu cầu, áp lực với lạm phát là rất lớn.

Chỉ còn 500.000 tỉ đồng có thể giải ngân

Hiện dư nợ toàn nền kinh tế đạt khoảng 11,4 triệu tỉ đồng. Theo bộ phận phân tích Công ty chứng khoán SSI (SSI Research), với việc giữ nguyên hạn mức tín dụng đồng nghĩa với việc chỉ có gần 500.000 tỉ đồng sẽ được giải ngân trong nửa cuối năm.

ÁNH HỒNG

Trung Quốc ưu tiên cho vay để "xây cho xong"

2c45062a532d9173c83c 1(Read-Only)

Một dự án đang được xây dựng tại thành phố Hải Yến (tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc) vào tháng 2-2022 - Ảnh: Bloomberg

Ngày 18-7, Cơ quan Quản lý hoạt động ngân hàng của Trung Quốc hướng dẫn các bên cho vay cung cấp tín dụng cho các nhà phát triển bất động sản (BĐS) đủ điều kiện, giúp những công ty này hoàn thành dự án chưa xây xong. Đây là lần đầu tiên chính quyền Trung Quốc "mở van" thanh khoản kể từ khi siết các khoản vay dành cho ngành này từ tháng 8-2021.

Những căn hộ, biệt thự và nhà ở chưa hoàn thiện đang nằm rải rác trên 218 dự án nhà ở trên khắp Trung Quốc. Theo dữ liệu do báo South China Morning Post thu thập, 3/4 các chủ đầu tư mắc nợ nhiều nhất Trung Quốc đã bỏ lỡ thời hạn hoàn thành và bàn giao BĐS nhà ở của họ, khiến hàng nghìn người mua rơi vào tình cảnh khốn đốn. Nhà kinh tế hàng đầu Tommy Wu của Oxford Economics nói các nhà phát triển BĐS hiện "không có đủ tiền, và tác động lan tỏa đến cuộc sống của người dân bình thường và các ngân hàng có thể đang tăng lên".

Tháng 12 năm ngoái, ông Vương Mông Huy, người đứng đầu Bộ Nhà ở và phát triển đô thị - nông thôn khi đó, nói với Tân Hoa xã rằng nhiệm vụ chính của thị trường BĐS trong năm 2022 là "đảm bảo giao nhà, đảm bảo sinh kế của người dân và đảm bảo ổn định". Đây là lần đầu tiên mục tiêu "giao nhà" được một quan chức hàng đầu của Trung Quốc nhấn mạnh.

NGUYÊN HẠNH

Tháo điểm nghẽn để tăng cung nhà ở, giảm nhiệt giá bất động sản Tháo điểm nghẽn để tăng cung nhà ở, giảm nhiệt giá bất động sản

TTO - Cần giải quyết 3 điểm nghẽn để tăng cung, góp phần giảm nhiệt giá bất động sản (BĐS). Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra những thông điệp, cam kết mạnh mẽ trong hội nghị "Phát triển thị trường BĐS an toàn, lành mạnh và bền vững" vừa qua.

NGỌC HIỂN - BÔNG MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên