Bảng thông tin tổng hợp chỉ số chứng khoán tại sàn giao dịch chứng khoán Bảo Việt sáng 9-7 - Ảnh: Thanh Tùng |
Ngoài lý do quy mô thị trường chứng khoán VN quá nhỏ, các chính sách tăng tỉ lệ sở hữu (nới room) cho nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài, cho phép giao dịch trong ngày (thay vì ba ngày như trước) và bán trước mua sau... vẫn chưa đi vào cuộc sống cũng khiến chứng khoán VN chưa thật sự hấp dẫn, cơ hội thu hút vốn ngoại chưa trở thành hiện thực.
Khó kỳ vọng vốn ngoại chảy vào VN
Không như thường lệ, số lượng NĐT đến ngồi tại các sàn chứng khoán những ngày gần đây dường như đông đúc hơn. Sáng 9-7, sàn chứng khoán SSI trên đường Nguyễn Công Trứ (quận 1, TP.HCM) có khá đông NĐT. Tranh thủ trước giờ giao dịch, các NĐT quây lại thành vài nhóm và bàn luận sôi nổi về đề tài mà giới đầu tư chứng khoán đang rất quan tâm, đó là chứng khoán Trung Quốc suy thoái và ảnh hưởng tới chứng khoán VN.
Ông Ngô Đức Tùng, NĐT lâu năm đang ngồi tại sàn này, cho hay ai cũng tìm xem chuyên gia đánh giá tác động của chứng khoán Trung Quốc tới VN thế nào, bản thân họ cũng tự đánh giá để tránh những rủi ro lớn với những biến động mà cả thế giới đều quan tâm.
“Tôi nghĩ tác động trước mắt tới chứng khoán VN chưa nhiều nhưng về lâu dài có thể sẽ rõ nét hơn. Bởi lẽ Trung Quốc là thị trường lớn và có quan hệ đầu tư, thương mại với VN lâu nay nên biến động kinh tế của họ chắc chắn sớm muộn có tác động tới VN” - ông Tùng nói.
Theo ông Lê Quang Trí - giám đốc khối kinh doanh của Công ty CP chứng khoán Trí Việt, giới đầu tư VN không kỳ vọng dòng vốn ngoại rút khỏi chứng khoán Trung Quốc sẽ chảy vào VN vì quy mô chứng khoán VN còn quá nhỏ. “Quy mô nền kinh tế VN còn nhỏ, quy mô thị trường chứng khoán lại càng nhỏ hơn nên khả năng thu hút được dòng vốn ngoại từ Trung Quốc đổ sang trong giai đoạn này là rất thấp” - ông Trí nói.
Chờ vốn ngoại từ việc nới room
Dù không kỳ vọng dòng vốn ngoại từ Trung Quốc chảy sang, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng việc nới room cho NĐT nước ngoài (nghị định 60/2015/NĐ-CP) chắc chắn sẽ tác động tích cực không chỉ đối với chứng khoán VN mà cả nền kinh tế, một khi chính sách này đi vào cuộc sống.
Giám đốc khối phân tích tại một công ty chứng khoán cho biết theo thống kê, hiện trên sàn chứng khoán TP.HCM (HoSE) và Hà Nội có khoảng 40 mã đã kín room (khối ngoại chiếm 49%) hoặc gần kín (trên 43%).
“Nếu những mã chứng khoán này được NĐT nước ngoài mua hết tỉ lệ còn lại, chứng khoán VN có thể thu hút thêm khoảng 113.000 tỉ đồng, tương đương hơn 5 tỉ USD. Tuy nhiên, đây chỉ là giả định vì rất nhiều mã chứng khoán trong danh sách này chắc chắn sẽ không được nới room hoặc nếu có cũng chỉ thêm một tỉ lệ rất thấp” - vị này nói.
Theo ông Andy Ho - giám đốc điều hành VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF) thuộc Tập đoàn VinaCapital, dù vẫn cần thông tư hướng dẫn cụ thể để những quy định mới đi vào thực tiễn, nhưng việc cho phép NĐT nước ngoài sở hữu tối đa 100% các doanh nghiệp niêm yết (trừ một vài ngành kinh doanh có điều kiện) là một thông tin rất tích cực đối với thị trường.
“Việc nới room đã được NĐT nước ngoài, trong đó có VinaCapital, kỳ vọng từ rất lâu. Khi hạn chế về room được tháo gỡ, NĐT trong và ngoài nước chắc chắn sẽ tham gia tích cực hơn trước, cải thiện tính thanh khoản cho thị trường” - ông Andy Ho nhận định.
Ngoài chuyện nới room, theo ông Lê Hải Trà - phó tổng giám đốc thường trực HoSE, việc cho phép giao dịch trong ngày (dự thảo thông tư 74 về việc cho phép giao dịch trong ngày và bán trước mua bù sau) cũng sẽ tác động tích cực đến chứng khoán VN trong thời gian tới.
“Việc cho phép giao dịch trong ngày thay vì phải chờ ba ngày như hiện nay sẽ giúp vòng quay dòng tiền nội bộ ở sàn chứng khoán nhanh hơn, lượng tiền được nhân lên, giúp tăng thanh khoản và thị trường sôi động hơn” - ông Trà nhận định.
* PGS.TS TRẦN HOÀNG NGÂN (hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - marketing): Ba lợi và một lo khi nới room Việc nới room cho NĐT ngoại sẽ xuất hiện ba điểm lợi và một điểm lo. Điểm lợi thứ nhất là thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII) vào thị trường tài chính VN, qua đó thúc đẩy quá trình cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Việc nới room cho NĐT nước ngoài, thu hút dòng vốn FII sẽ làm tăng nguồn cung ngoại tệ, giúp ổn định tỉ giá. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mang lại, việc nới room cũng xuất hiện nỗi lo. Đó là nghị định 60 quy định trường hợp doanh nghiệp không thuộc đối tượng bị giới hạn về tỉ lệ sở hữu, sẽ không hạn chế tỉ lệ sở hữu cho NĐT nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp tốt, kinh doanh hiệu quả có khả năng sẽ bị NĐT nước ngoài thâu tóm, nền kinh tế sẽ bị phụ thuộc NĐT nước ngoài. Do đó, theo tôi, nên giữ lại tỉ lệ nhất định ở những doanh nghiệp nào đóng vai trò chủ lực, giải quyết những vấn đề mang tính an sinh xã hội, có tính lan tỏa, có vị trí và vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Trong giai đoạn hiện nay, những lĩnh vực liên quan đến đời sống của người dân như điện, nước, xăng dầu, kênh phân phối trên thị trường, nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc trừ sâu... cần phải giữ tỉ lệ phần trăm nhất định để giữ an sinh xã hội. Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý có danh mục rõ ràng những doanh nghiệp nào cần giữ tỉ lệ sở hữu nhất định, doanh nghiệp nào không cần phải giữ. Có những danh mục mở 100% nhưng cũng có những danh mục không mở room hoặc mở có giới hạn... |
Chứng khoán Trung Quốc tăng trở lại Kết thúc phiên giao dịch chiều 9-7, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã khởi sắc trở lại. Trước đó, vào sáng cùng ngày, Ngân hàng Nhà nước Trung Quốc (PBOC) tuyên bố đã bơm 35 tỉ nhân dân tệ (5,7 tỉ USD) vào thị trường tiền tệ nước này thông qua nghiệp vụ thị trường mở. Tân Hoa xã cho biết đây là lần thứ năm liên tiếp PBOC bơm tiền mặt thông qua các giao dịch mua hoặc bán lại chứng khoán có kỳ hạn được sử dụng trên thị trường tài chính (repo chứng khoán) kể từ ngày 25-6. Cuối phiên giao dịch ngày 9-7, chỉ số chứng khoán Thượng Hải tăng 5,76% (lên 3.709,33 điểm), sau khi mất đến 8,2% trong phiên trước đó. Sự đảo chiều tại thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng ảnh hưởng đến Hong Kong và các nước trong khu vực. Theo South China Morning Post, chỉ số Hang Seng (Hong Kong) cũng tăng 3,73% (876,23 điểm) vào cuối phiên giao dịch và đạt 24.392,79 điểm. Chỉ số Nikkei 225 (Nhật) tăng 0,6%, đạt 19.855,50 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 0,6%, đạt 2.027,81 điểm. Trong động thái mới nhất nhằm ngăn chặn sự lao dốc của thị trường chứng khoán trong nước, Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) ngày 9-7 tuyên bố cấm các cổ đông lớn và các nhà điều hành của các công ty niêm yết bán cổ phiếu của họ trong vòng sáu tháng tới. Việc các công ty niêm yết ngừng giao dịch cổ phiếu cũng khiến thị trường chứng khoán dần ổn định. CSRC cho biết động thái này nhằm duy trì sự ổn định của thị trường vốn và để bảo vệ “quyền lợi hợp pháp” của các nhà đầu tư. AFP cho biết lệnh cấm nhắm đến các cổ đông lớn có cổ phần hơn 5%, giám đốc, giám sát viên hội đồng quản trị và giám đốc điều hành của các công ty niêm yết. CSRC cho biết sẽ trừng phạt nặng đối với bất kỳ hành vi vi phạm nào. Một nỗ lực khác nhằm ngăn chặn sự tụt dốc của thị trường chứng khoán Trung Quốc là việc chính quyền Bắc Kinh đã nới lỏng các quy định cho vay nhằm tạo điều kiện cho mọi người vay tiền đầu tư với hi vọng họ sẽ mua thêm cổ phiếu. Trong một diễn biến khác, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe ngày 9-7 cho biết ông sẽ làm việc với nhóm G-7 và các quốc gia châu Á khác để đảm bảo sự ổn định thị trường tài chính và kinh tế trong khu vực, trong khi châu Âu vật lộn với cuộc khủng hoảng Hi Lạp và Trung Quốc đối mặt với sự tụt dốc của thị trường chứng khoán. Sàn giao dịch chứng khoán tại New York trưa 8-7 (giờ Mỹ) cũng đã nối lại giao dịch sau hơn 3,5 giờ trục trặc kỹ thuật. Nguyên nhân của việc sập sàn chứng khoán New York (Mỹ) vẫn đang được điều tra. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận