21/02/2011 07:27 GMT+7

Vơ vét tài sản quốc gia - Kỳ 5:Hai "đại sư phụ" tham nhũng châu Á

HIẾU TRUNG tổng hợp
HIẾU TRUNG tổng hợp

TT - Năm 2004, Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) công bố danh sách 10 nhà lãnh đạo chính trị tham nhũng nhất thế giới trong 20 năm qua. Châu Á “vinh dự” có hai đại diện đứng thứ nhất và thứ hai. Đó là cựu tổng thống Indonesia Mohamed Suharto và cựu tổng thống Philippines Ferdinand Marcos.

BwgGcGyz.jpgPhóng to

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos ở Manila hồi năm 1986, đằng sau là bà vợ ham mua sắm Imelda - Ảnh: Getty Images

TI ước tính ông Suharto đã cướp đi của đất nước Indonesia 15-35 tỉ USD, còn ông Marcos đã bòn rút từ ngân sách nhà nước Philippines 5-10 tỉ USD. So với những lãnh đạo khét tiếng tham nhũng khác như tổng thống Zaire Mobutu Sese Seko, tổng thống Nigeria Sani Abacha hay nhà lãnh đạo Tunisia Ben Ali thì ông Suharto và ông Marcos xứng đáng là bậc “đại sư phụ”. Cả hai có không ít điểm tương đồng, nhất là các thủ đoạn ăn cắp tiền bạc của nhân dân.

Nhiều chiêu vơ vét

Làm thế nào mà ông Suharto vơ vét được một số tiền khổng lồ đến vậy? Câu trả lời là hệ thống chính trị mà người dân Indonesia gọi là “tham nhũng, cấu kết, con ông cháu cha” (KKN). Ông Suharto trao quyền kiểm soát các công ty độc quyền nhà nước cho các thành viên gia đình và bạn bè thân cận. Đổi lại, những người này phải chung chi cho tổng thống hàng triệu USD “ơn nghĩa”. Các khoản tiền này được gửi đi với danh nghĩa “tiền quyên góp từ thiện” tới hàng loạt quỹ từ thiện, tên Indonesia là yayasan, do ông Suharto kiểm soát.

Trên danh nghĩa, các tổ chức này có nhiệm vụ hỗ trợ xây dựng trường học và bệnh viện ở nông thôn, nhưng trên thực tế chúng là “heo đất” của ông Suharto. Đổ vài triệu USD vào các quỹ từ thiện này là chi phí làm ăn bình thường tại Indonesia. Ông Suharto cũng buộc các công ty tài chính trích một phần lợi nhuận hằng năm vào các yayasan. Ngay cả những người giàu có, lương cao ở Indonesia cũng phải bỏ một phần lương hằng năm vào yayasan. Các quỹ từ thiện chỉ là phần nổi của tảng băng chìm KKN.

Để khai thác tài nguyên thiên nhiên ở Indonesia, các công ty phải cầu viện sự giúp đỡ của một thành viên trong gia đình Suharto để hoàn thành các thủ tục hành chính lằng nhằng, rắc rối. Đổi lại, các thành viên gia đình Suharto sẽ được sở hữu cổ phần trong công ty mà không cần phải bỏ tiền mua cổ phiếu. Ví dụ, khi chính quyền Indonesia cổ phần hóa hệ thống cung cấp nước sạch ở thủ đô Jakarta giữa thập niên 1990, một trong những đơn vị trúng thầu đã hối lộ cho con trai của ông Suharto là Sigit tới 20% cổ phần công ty liên doanh. Ba người con của ông Suharto nắm giữ những công ty lớn nhất đất nước. Ông Suharto và đám con cháu còn sử dụng các công ty dịch vụ để bòn rút tiền mặt từ các công ty lớn.

Ví dụ, Công ty dầu khí nhà nước Pertamia buộc phải nhập và xuất khẩu dầu thông qua hai công ty giao dịch của gia đình Suharto. Cứ mỗi thùng dầu, hai công ty này thu phí 35 cent. Các công ty khác có liên quan đến gia đình Suharto được hưởng những hợp đồng cung cấp cho ngành dầu khí nước này mọi loại dịch vụ, từ phục vụ đồ ăn đến bảo hiểm. Khi Pertamia được kiểm toán hồi tháng 7-1999, các thanh tra mới phát hiện ông Suharto và đồng bọn đã bòn rút tới 6,1 tỉ USD từ tập đoàn này theo những thủ đoạn trên. Các công ty của ông Suharto còn dễ dàng vay tiền từ Ngân hàng Nhà nước Indonesia mà chẳng bao giờ trả lại một xu nào.

So với ông Suharto, ông Marcos cũng thực hiện nhiều thủ đoạn tương tự nhưng có phần trắng trợn hơn. Ông Marcos cũng đòi tiền hoa hồng từ các công ty làm ăn ở Philippines và trao các hợp đồng làm ăn béo bở của nhà nước cho các thành viên gia đình mình và những đồng minh thân cận, chiếm đoạt các công ty tư nhân, tạo ra những tập đoàn nhà nước độc quyền kinh doanh các sản phẩm quan trọng như đường, dừa, vận tải biển, xây dựng, truyền thông... Như trong thập niên 1980, ông Marcos đã quyết định tịch thu tất cả khu mỏ trong nước với lý do “vì lợi ích của người dân”. Ngoài ra, ông Marcos còn ăn cắp tiền từ nguồn viện trợ quốc tế và thậm chí còn tổ chức các cuộc “cướp phá” ngân khố và các cơ quan nhà nước. Ví dụ, hồi năm 1983, ông Marcos đã yêu cầu lãnh đạo Cơ quan Lương thực quốc gia chuyển hàng trăm nghìn USD vào tài khoản ngân hàng của ông ta. Gia đình Marcos đã chuyển toàn bộ số tiền ăn cắp được ra các tài khoản ở nước ngoài.

Tiền biến đi đâu?

Trong giai đoạn cầm quyền cho đến khi bị lật đổ vào năm 1986, ông Marcos và vợ Imelda đã chuyển hàng tỉ USD ăn cắp được sang các tài khoản ngân hàng ở Mỹ, Thụy Sĩ và nhiều quốc gia khác. Ngoài ra, gia đình Marcos cũng đổ nhiều tỉ USD vào các tập đoàn trong nước để rửa tiền. Ngồi trên một mỏ vàng vô tận, trong thập niên 1980 ông Marcos đã cử bà Imelda đến New York mua nhà đất. Bà Imelda đã mua tòa nhà Crown Building với giá 51 triệu USD, Herald Center giá 60 triệu USD và một số khu nhà đất khác ở Manhattan. Gia đình Marcos cũng mua tới 171 tác phẩm nghệ thuật vô giá của những họa sĩ nổi tiếng như Michelangelo, Botticelli hay Canaletto. Bà Imelda còn tiêu trung bình 5 triệu USD cho mỗi chuyến mua sắm đồ cao cấp ở New York, Rome hay Copenhagen.

Thời điểm thập niên 1980, bà Imelda đã nổi danh là nhà sưu tập đá quý số một thế giới. Sau khi bà cùng chồng trốn ra nước ngoài vào năm 1986, nhà chức trách Philippines phát hiện trong phòng bà ở dinh tổng thống có tới hơn 2.700 đôi giày cao cấp và hàng trăm lọ nước hoa lớn nhỏ. Lúc chạy trốn, vợ chồng Marcos vẫn kịp mang theo gần 10 triệu USD tiền mặt, đồ trang sức và trái phiếu. Hồi năm 2003, chính quyền Philippines đã thu hồi khoảng 684 triệu USD của gia đình Marcos trong các tài khoản nước ngoài cũng như tiền bán các đồ trang sức quý giá, bán địa ốc từng thuộc về nhà Marcos. Chính quyền cũng thu hồi thêm 1,8 tỉ USD từ các tài sản trong nước sau khi kiểm tra 260 công ty có liên quan đến gia đình Marcos cũng như từ các tài sản khác.

Trong khi đó, theo nhiều nguồn tin, chỉ vài ngày sau khi từ chức hồi tháng 5-1998, ông Suharto đã chuyển tới 9 tỉ USD từ Thụy Sĩ đến một tài khoản ngân hàng ở Áo. Sau đó, dù chịu sức ép từ chính quyền Indonesia, gia đình ông luôn bác bỏ mọi cáo buộc tham nhũng. Năm 1999, gia đình Suharto thậm chí còn kiện tạp chí Mỹ Time tội phỉ báng vì đăng bài khẳng định gia đình này ăn cắp tới 73 tỉ USD trong 32 năm ông Suharto nắm quyền. Năm 2007, Tòa án tối cao Indonesia buộc tạp chí Time phải bồi thường 128 triệu USD cho gia đình Suharto. Trước đó, hồi tháng 7-2007, các công tố viên Indonesia đã kiện ông Suharto với mục tiêu thu hồi tiền bị đánh cắp. Tuy nhiên, mãi đến năm 2008 khi ông Suharto qua đời, chính quyền Indonesia vẫn không đạt được những bước tiến trong việc lấy lại số tài sản khổng lồ mà gia đình Suharto đã chiếm đoạt của người dân Indonesia.

------------------------------------

Theo Trung tâm quốc tế về lấy lại tài sản bị đánh cắp đặt tại Basel (Thụy Sĩ), mỗi năm các quốc gia đang phát triển mất 20-40 tỉ USD vì hối lộ, biển thủ và các hành vi tham nhũng khác của các nhà lãnh đạo, tương đương 20-40% lượng tiền hỗ trợ phát triển chính thức tới họ.

Kỳ cuối: Sáng kiến “Hồi trả tài sản”

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1:Gia đình Mubarak và bài toán tiền tỉKỳ 2:“Tuyên ngôn” về vơ vétKỳ 3:Haiti - bóng ma trở vềKỳ 4:Năm năm quyền lực và 3 tỉ đôla

HIẾU TRUNG tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên