20/02/2011 04:12 GMT+7

Vơ vét tài sản quốc gia - Kỳ 4: Năm năm quyền lực và 3 tỉ đôla

KHỔNG LOAN tổng hợp
KHỔNG LOAN tổng hợp

TT - Tướng quân đội Sani Abacha là nhà độc tài quân sự của Nigeria, nắm quyền điều hành đất nước từ tháng 11-1993 đến tháng 6-1998 thì bất ngờ qua đời sau một cơn đau tim tại cung điện tổng thống ở Abuja, hưởng dương 54 tuổi.

JKrrRSXi.jpgPhóng to

Tướng Sani Abacha năm 1998, trước khi qua đời đột ngột - Ảnh: Reuters

“Dân chủ hứa lèo”

Sani Abacha sinh năm 1943 ở tỉnh Kano trong một gia đình thương gia. Được đào tạo ở Nigeria, Anh và Mỹ, Abacha bắt đầu sự nghiệp của mình với cấp bậc trung úy trong quân đội Nigeria năm 1963, leo lên đến vị trí Hội đồng Kiểm soát các lực lượng quân sự (AFRC) và cuối cùng trở thành người đứng đầu nhà nước.

Nổi lên sau một cuộc đảo chính, Sani Abacha một mặt luôn nói về mong muốn mang nền dân chủ dân sự cho Nigeria, nhưng mặt khác nhân vật này lại là nguồn cơn chỉ trích của các nhà hoạt động dân chủ của Nigeria. Họ cho rằng cũng như tất cả các thể chế độc tài khác, lời hứa sẽ đưa đất nước đi lên dân chủ của tướng Abacha “chỉ là hứa lèo”.

Năm 2002, tức bốn năm sau khi tướng Abacha chết, Chính phủ Nigeria đã đạt được thỏa thuận với gia đình ông về việc gia đình đồng ý trả lại 1 tỉ USD trong số 1,1 tỉ USD đã bị xác nhận là tiền bất hợp pháp và đã bị phong tỏa, gia đình sẽ nhận được số tiền còn lại nếu chứng minh số tiền đó không có nguồn gốc bất minh.

Tuy nhiên, thỏa thuận này khiến dư luận Nigeria và thế giới phản đối, vì làm như vậy có khác gì “tặng thưởng cho thằng ăn trộm công quỹ”.

Chỉ cầm quyền có năm năm nhưng chính phủ Abacha bị cáo buộc lạm dụng nhân quyền, đàn áp các lực lượng đối lập một cách tàn nhẫn. Tướng Abacha cấm các hoạt động chính trị trong xã hội, kiểm soát chặt chẽ báo chí.

Với quyền lực trong tay, tướng Abacha đã làm mọi điều để in vào đầu dân chúng rằng ông là người duy nhất có thể nắm giữ sứ mệnh hàn gắn dân tộc. Năm 1995, Sani Abacha đã ra lệnh xử tử chín nhà hoạt động đối lập. Nigeria bị khai trừ khỏi Khối thịnh vượng chung và bị cô lập về chính trị.

Cùng lúc đó, Sani Abacha luôn có xung quanh khoảng 3.000 tay súng trung thành tuyệt đối, sẵn sàng hi sinh để bảo vệ mình.

Chính phủ Abacha được so sánh với các chính phủ Nigeria khác ở một điểm chung, đó là quan hệ đối ngoại mang tính nhất quán: ủng hộ cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi, gửi lính Nigeria tới phục hồi dân chủ ở Liberia và Sierra Leone, trong khi coi “dân chủ” là “món lạ” với chính những người dân Nigeria. Sani Abacha phớt lờ các đe dọa trừng phạt kinh tế vì thế giới cần dầu mỏ của Nigeria.

Các nhà nghiên cứu từ lâu đã khẳng định mối quan hệ giữa xã hội dân chủ và giá dầu, theo kiểu “giá dầu đi lên thì sẽ kéo tụt dân chủ xuống”. Một khi dầu có giá, các chính thể độc tài không cần phải nới lỏng bàn tay sắt của mình.

Kể từ cơn sốc giá dầu năm 1974, mỗi năm dầu khí đóng góp hơn 90% thu nhập từ xuất khẩu của Nigeria. Năm 2000, Nigeria nhận hơn 99,6% thu nhập từ xuất khẩu dầu mỏ và trở thành nước phụ thuộc vào dầu mỏ nhất thế giới thời điểm đó.

Theo các nguồn tin của chính phủ hậu Abacha, các cơ quan điều tra trên thế giới đã lần ra dấu vết các tài sản khắp nơi, trị giá khoảng 3 tỉ USD có gốc gác thuộc tướng Abacha, gia tộc ông và các tay chân.

Theo bảng xếp hạng của Tổ chức Minh bạch quốc tế năm 2004, tướng Sani Abacha đã nằm thứ tư trong danh sách các nhà lãnh đạo tham nhũng nhất trong lịch sử thế giới hiện đại. Tổ chức này ước tính số tiền vơ vét trong năm năm tại vị của ông là từ 2 - 5 tỉ USD. 5 tỉ USD là con số tương đương với 10% thu nhập hằng năm từ dầu mỏ của Nigeria trong năm năm đó.

Số tiền này bao gồm cả các khoản biển thủ từ Ngân hàng Trung ương Nigeria, và các khoản hối lộ nhận từ các công ty nước ngoài.

Tháng 2-2005, Tòa án liên bang Thụy Sĩ đã bác bỏ kháng cáo về quyết định phong tỏa số tiền 468 triệu USD của gia tộc Abacha. Tại Luxembourg và Liechtenstein, số tiền của gia tộc Abacha vẫn đang bị phong tỏa có khoảng 500 triệu USD.

Chính quyền Thụy Sĩ đã tuyên bố coi gia đình Abacha là một tổ chức tội phạm. Năm 2009, nhà chức trách Thụy Sĩ đã ra lệnh tịch thu khoảng 350 triệu USD từ Abba Abacha, một trong những con trai của Sani Abacha, với cáo buộc biển thủ.

Cuộc điều tra bắt đầu từ năm 1999 theo yêu cầu từ Chính phủ Nigeria đối với nhà chức trách Thụy Sĩ. Nigeria muốn lấy lại số tiền mà Sani Abacha đã tuồn ra ngoài, tới nay, nước này đã lấy về được ít nhất 700 triệu USD từ Thụy Sĩ.

“Cướp ngày” từ cha đến con...

Lúc còn sống rất ít khi đi lại ở Nigeria hay ra khỏi biên giới, Sani Abacha được xem là lãnh đạo đất nước ít được biết đến nhất ở Nigeria về mặt cá nhân. Điều này ngược hẳn với bà vợ, đệ nhất phu nhân Maryam Jiddah, người đã kết hôn với ông năm 1965. Bà đã xuất hiện liên tục trong các cuộc hội thảo quốc tế, trở nên nổi tiếng và là chủ tịch Hội nghị đệ nhất phu nhân châu Phi lần đầu tiên năm 1997.

Cho đến nay, cái tên Sani Abacha, bà vợ Maryam và con trai Mohammed thường được dùng trong những email rác lừa tiền, với nội dung đại loại như người gửi thư nhờ người nhận giúp đỡ để có được một khoản tiền lớn. Những cú lừa đánh vào lòng tham của người nhận nên họ sẵn sàng gửi các thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng.

Quá khứ của Abacha vẫn còn tiếp tục hiện hữu ở Nigeria hiện nay thông qua các nhân vật trong gia tộc Abacha có mặt trên chính trường hay các vụ xử liên quan tới gia sản nhà Abacha. Sani Abacha có 10 người con, 7 trai và 3 gái.

Đầu tháng 2-2011, con trai của Sani Abacha là Mohammed Abacha, 44 tuổi, đã chính thức ra tranh cử chức thống đốc của bang Bắc Kano vào tháng 4 tới. Mohammed Abacha từng ngồi tù vài năm, trong đó có cả tội liên quan tới các vụ giết người chính trị.

Junaidu Mohammed, nhà phân tích chính trị tại Kano, cho rằng sự xuất hiện của Mohammed Abacha không có nghĩa là suy nghĩ của công chúng về sự cướp bóc của gia tộc Abacha với Nigeria đã thay đổi.

Cũng vào đầu tháng 2-2011, phiên điều trần của người con trai khác của Sani Abacha là Abba Abacha đã mở tại Geneva (Thụy Sĩ). Abba chống lại cáo trạng buộc ông có tội là thành viên của một tổ chức tội phạm năm 2009, và tòa án Thụy Sĩ đã giữ lại 350 triệu USD liên quan tới cha ông.

Các biện pháp ăn cướp tiền của đất nước mà gia tộc Abacha bị cáo buộc là lấy thẳng tiền từ Ngân hàng Trung ương Nigeria bằng cách chở các thùng tiền thẳng về dinh thự, hoặc cả cách tinh vi hơn như biển thủ công quỹ, các chương trình tiêm văcxin lừa đảo, hay bỏ túi tiền hối lộ của các công ty nước ngoài làm việc ở Nigeria.

Theo các nhà điều tra, sau cái chết của anh trai Ibrahim năm 1996, Abba Abacha và Mohammed có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát các tài sản ăn cắp được. Học địa lý ở Nigeria, Abba đã làm việc ở Đức cho Tập đoàn Ferrostall từ 1994-1997 trước khi về lại quê hương.

Ông bị cáo buộc sử dụng căn cước giả để mở hơn 30 tài khoản ngân hàng từ năm 1996 trở đi ở Thụy Sỹ, Luxembourg, Liechtenstein và Bahamas để giấu tiền của cha và họ hàng. Khi bị sờ gáy, Abba giải thích làm là vì anh trai nhờ, chứ không biết có gì sai trái với số tiền đó.

Tin bài liên quan:

Kỳ 1:Gia đình Mubarak và bài toán tiền tỉKỳ 2:“Tuyên ngôn” về vơ vétKỳ 3:Haiti - bóng ma trở về

__________

Không kém cạnh các nhà lãnh đạo châu Phi, tại châu Á, tổng thống Indonesia Mohamed Suharto và tổng thống Philippines Ferdinand Marcos cũng nhanh chóng được bình chọn là hai trong 10 nhà lãnh đạo chính trị tham nhũng nhất thế giới trong 20 năm qua.

Kỳ tới: Hai “đại sư” châu Á

KHỔNG LOAN tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên