18/02/2011 04:53 GMT+7

Vơ vét tài sản quốc gia - Kỳ 2: "Tuyên ngôn" về vơ vét

KHỔNG LOAN tổng hợp
KHỔNG LOAN tổng hợp

TT - Tháng 1-2011, các công tố viên của Pháp tuyên bố sẽ mở đợt điều tra ban đầu về các gia sản mà gia tộc tổng thống bị lật đổ của Tunisia Zine al-Abidine Ben Ali có ở nước Pháp.

Cuộc cách mạng hoa lài của những người dân tại đất nước Tunisia chỉ trong vòng một tháng đã khiến vị “vua” 74 tuổi, trị vì trong 23 năm, bất ngờ trở tay không kịp đành tháo chạy.

kXXjb1Sq.jpgPhóng to
Tổng thống Tunisia Ben Ali và vợ Leila trong chiến dịch bầu cử tổng thống - Ảnh: AFP

Kỳ 1: Gia đình Mubarak và bài toán tiền tỉ

“Cơn ác mộng” với dân

“Sự sụp đổ của một chế độ tưởng chừng như vững chắc của Ben Ali là lời cảnh báo về sự thay đổi chính trị bất ngờ có thể diễn ra đối với các chế độ toàn trị, vốn sử dụng vũ lực, đàn áp, tạo nên sự sợ hãi trong dân chúng và những lời lẽ dối trá khẳng định quyền điều hành chính danh của mình. Những chế độ đó có thể ổn định rất lâu, nhưng một khi người dân phá tung sự sợ hãi, một khi quân đội thừa nhận sự đòi hỏi đích đáng của nhân dân và không sử dụng súng ống đàn áp lại họ, thì chế độ đó sẽ nhanh chóng sụp đổ”.

Larry Diamond (giáo sư chính trị tại Đại học Stanford)

Cho tới khi cuộc cách mạng hoa lài nổ ra, hiếm khi Tunisia xuất hiện trên truyền thông quốc tế. Không có mối đe dọa Hồi giáo nào muốn lật đổ chính phủ, không có mạng lưới khủng bố nào đe dọa an ninh trong nước, không có lợi ích chiến lược nào mà Mỹ thèm để mắt. Chế độ Ben Ali cũng thành công trong việc quảng bá nơi đây là thiên đường về du lịch.

Hình ảnh “sạch đến tiệt trùng” mà chính quyền Tunisia tạo ra chính là nhờ đàn áp báo chí, kiểm soát truyền thông, bịt miệng những người chỉ trích và đối lập; Tunisia nằm ở nhóm các nước có mức độ kiểm soát Internet cao nhất thế giới.

Mới chỉ năm trước, không ai dám nghĩ ông Ben Ali và gia tộc đầy quyền lực của ông trở thành mục tiêu truy nã của cộng đồng thế giới. Những hình ảnh, bích chương khổng lồ ca ngợi ông và chế độ vẫn được treo đầy trên đường phố thủ đô Tunis.

Nhưng nay thì dường như ông không còn chốn dung thân khi ngày càng nhiều chính phủ và các tổ chức trên thế giới tuyên bố sẽ phong tỏa tất cả tài sản bị nghi ngờ là của gia tộc Ben Ali, hoặc cấm các giao dịch tài chính liên quan tới họ.

Cuộc điều tra ở Paris bắt đầu xuất phát từ ba tổ chức nhân quyền đâm đơn kiện Ben Ali. Đó là Sherpa, Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) ủy hội ở Pháp và Ủy ban Nhân quyền Ả Rập. Họ đều cáo buộc ông Ben Ali các tội tham nhũng, sử dụng sai nguyên tắc công quỹ - các khoản đóng góp của dân cho hoạt động của chính phủ và tội rửa tiền.

Daniel Lebègue, đứng đầu Ủy hội TI của Pháp, ước tính Ben Ali và gia tộc kiểm soát ít nhất 35% nền kinh tế Tunisia, trong khi tổng sản lượng nội địa (GDP) của Tunisia là 44 tỉ USD năm 2010. TI yêu cầu phong tỏa ngay các tài khoản ngân hàng của Ben Ali và 12 thành viên gia đình, bất động sản ở Paris và French Riviera.

AFP cho biết các tổ chức ước tính số tài sản mà cựu lãnh đạo Tunisia và bầu đoàn thê tử đã thu vén từ túi dân chúng lên tới 5 tỉ USD.

Trong khi đó, các công tố Tunisia cũng tuyên bố sẽ điều tra tài sản ở nước ngoài của gia tộc Ben Ali, bao gồm cả những giao dịch bất hợp pháp và tài khoản ở ngân hàng nước ngoài. Khoảng 33 thành viên trong gia tộc Ben Ali không chạy trốn kịp đã bị bắt giữ trước những cáo buộc tham ô, ăn cướp tài nguyên quốc gia, chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài.

Tunisia đã ra án lệnh quốc tế bắt giữ Ben Ali, người bị cáo buộc cùng với vợ và các thành viên trong gia tộc.

Thụy Sĩ, Áo, Canada cũng ra lệnh phong tỏa bất kỳ khoản tiền nào thuộc sở hữu gia tộc Ben Ali, ngăn chặn tình trạng số tài sản sẽ bị rút về và tuồn sang nơi khác.

Dù lệnh phong tỏa tài sản của Thụy Sĩ không nói rõ tài sản nào, nhưng Valentin Zellweger thuộc Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ cho biết chính quyền đã yêu cầu tất cả ngân hàng, doanh nghiệp, công ty bất động sản khi giao dịch có những tài sản bị nghi ngờ là của Ben Ali thì ngay lập tức phải thông báo tới nhà chức trách và không được động đến.

Một người làm vua...

Báo chí Tunisia cho biết gia tộc của tổng thống Ben Ali kiểm soát cổ phần trong ít nhất ba ngân hàng lớn, hai công ty điện thoại, một hãng hàng không của Tunisia. Đó là chưa kể vị trí đối tác với các công ty nước ngoài hoạt động tại Tunisia, như chi nhánh của các hãng sản xuất xe hơi châu Âu và các tập đoàn bán lẻ, và sở hữu các tập đoàn truyền thông.

Nỗi phẫn nộ của công chúng không chỉ đối với tổng thống Ben Ali, mà còn vào bà vợ, ái nữ Nesrine và con rể Sakker el-Materi. Tài liệu mà WikiLeaks rò rỉ tiết lộ điện tín ngoại giao của Mỹ mô tả một căn nhà của el-Materi có ít nhất hàng tá người hầu, nuôi một con hổ tên Pasha ăn 4 con gà mỗi ngày.

Bức điện tín cũng ghi: “Lối sống giàu có phô trương của el-Materi và Nesrine cho thấy rõ lý do vì sao các thành viên gia tộc Ben Ali không được dân chúng yêu quý. Khối tài sản của gia tộc Ben Ali đang phình ra”. Anh trai của đệ nhất phu nhân Leila Ben Ali, Belhassan Trabelsi, thì ngồi trong ban giám đốc Ngân hàng Tunis, sở hữu Hãng hàng không Carthage Airlines và có vô số cổ phần trong ngành du lịch, khách sạn...

Với số tài sản là những khu biệt thự cực kỳ sang trọng ở bờ biển của gia tộc Ben Ali, những người biểu tình tức giận đã xông vào đập phá, có người viết lên hàng chữ “Giờ tao đã hiểu, 13-1-2011”.

Gia tộc Ben Ali đã vơ vét quá thô thiển đến mức năm 2002 Tổng thống Ben Ali đã phải triệu tập cuộc họp gia đình và nói: “Nếu muốn tiền, ít ra nên vơ vét kin kín một chút”. Nhưng thực tế họ lại chẳng kín được.

Ngay trước khi nhận biết được nguy cơ thất thủ, đệ nhất phu nhân Leila Ben Ali đã phi đến Ngân hàng trung ương Tunis, ào vào văn phòng thống đốc và yêu cầu ngân hàng trích ra 1,5 tấn vàng thuộc sở hữu quốc gia để bà đi. Khi bị từ chối, lập tức bà Leila móc điện thoại ra gọi chồng.

Theo lời kể của Ezzeddine Saidane, người sáng lập một ngân hàng khác chứng kiến vụ việc kể lại, dù ông Ben Ali ngạc nhiên khi nhận được điện thoại của vợ nhưng vẫn ra lệnh ngân hàng cấp vàng cho bà. Giá của số vàng lúc đó là 56 triệu USD. Còn chủ tịch Ủy ban bảo tàng Tunisia Samir Aounallah cho biết bà Leila đã mang các hiện vật quý giá của đất nước tại bảo tàng về trưng ở các khu biệt thự của mình.

Canada thông báo sẽ nhanh chóng dẫn độ họ hàng của vị cựu tổng thống đã trốn tới Montreal về Tunisia và tìm cách phong tỏa tài sản của họ. Ông Belhassen Trabelsi bị cáo buộc sử dụng các mối quan hệ để thu vén tài sản đã đưa gia đình tẩu thoát đến Montreal trên chiếc máy bay riêng hôm 20-1-2011. Ông đã bị thu hồi quyền định cư lâu dài ở Canada có được những năm 1990.

Thủ tướng lâm thời Mohammed Ghannouchi cũng thành lập các ủy ban để điều tra về các cáo buộc tham nhũng và vơ vét trong thời Ben Ali, đặc biệt là những tài sản bao gồm cả tiền mặt được tuồn ra ngoài.

_______________________

Nhắc tới Haiti, người ta nhớ tới vụ động đất kinh hoàng và nạn dịch tả. Nhưng xứ sở bất hạnh này còn có bóng ma khác ám ảnh là hai cha con từng giữ quyền tổng thống trong 29 năm trời và biến Haiti thành nước nghèo nhất tây bán cầu...

Kỳ tới: Haiti - bóng ma trở về

KHỔNG LOAN tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên