04/05/2014 07:31 GMT+7

Võ sư của "người yếu thế"

ÁI ĐIỆP
ÁI ĐIỆP

TT - Mấy năm trở lại đây, cái tên Lê Hoàng Mai khá nổi tiếng cả trong lẫn ngoài giới võ đạo.

Nhiều người biết tới anh không phải vì anh đoạt được nhiều cúp hay huy chương mà là thông qua một loạt hoạt động dạy võ thiện nguyện và nhân văn của anh.

2bsQdgJ6.jpgPhóng to
Võ sư Lê Hoàng Mai trong buổi tập võ cho người khuyết tật - Ảnh: Thế Kiệt

Là một đứa trẻ thông minh, sáng dạ, từ nhỏ Lê Hoàng Mai học rất giỏi.

Tuổi thơ khờ dại

"Bao nhiêu khó khăn, cực khổ cũng đã trải qua, giờ tôi chỉ mang một niềm tin và hi vọng là được sống mãi với nghề để có thể giúp thêm được nhiều người bất hạnh mà mình tình cờ bắt gặp giữa đường đời"

Võ sư LÊ HOÀNG MAI

Đến năm học lớp 9, thời điểm đó các tụ điểm chơi điện tử bắt đầu nở rộ, như những trẻ con ham vui khác, Hoàng Mai mê mẩn rồi sa đà vào các trò chơi điện tử đến nỗi bỏ bê luôn chuyện học hành.

Bị bạn bè xấu rủ rê, Hoàng Mai bỏ nhà đi bụi đời suốt một năm trời. Cái ngày mẹ anh tìm thấy anh, lúc đó anh tiều tụy, gầy trơ vì chứng bệnh lao. Thương con, nhà lại nghèo, người mẹ đã vay mượn khắp nơi mới có tiền chạy chữa thuốc thang cho anh. Xót cho sự lao tâm, khổ cực của mẹ, ngày đêm chầu chực bên giường bệnh chăm sóc mình, ngày khỏi hẳn bệnh, anh quyết tâm làm lại cuộc đời bằng cách vừa đi học nghề cơ khí vừa đăng ký học lớp bổ túc văn hóa ban đêm.

Tốt nghiệp trường nghề, anh được nhận vào làm ở Công ty CP Sách và thiết bị trường học. Tuổi trẻ nhiều nông nổi, sau một lần đánh nhau với người ta không lại, anh giấu gia đình lén đi học môn võ aikido. Nhưng vì cuộc sống khó khăn, thiếu thốn, tiền học võ lại khá cao nên anh học được vài tháng thì xin nghỉ. Thầy giáo dạy anh khi đó biết được hoàn cảnh gia đình, lại thấy anh siêng năng và chăm chỉ tập luyện nên khuyên anh đi học lại và miễn học phí. Lê Hoàng Mai chia sẻ: “Nhờ học võ aikido mà mình bớt được cái tính nóng nảy, giúp mình bỏ luôn suy nghĩ lúc đầu là học võ để đánh nhau”.

Một võ sư nhân ái

Lê Hoàng Mai có một em trai bị khuyết tật nên anh thấu hiểu những khó khăn, hạn chế mà người khuyết tật phải đối mặt, từ sức khỏe yếu dễ bệnh tật đến việc bị bạo hành. Ý tưởng muốn trở thành võ sư của Lê Hoàng Mai xuất hiện từ lần gặp gỡ với Kiều Minh Trung - một người bán vé số bị khuyết tật chân. “Lúc đó mình gặp thầy Mai ở một tiệm cơm trưa, mình đến mời thì thầy mua vé số của mình, mời mình ăn cơm rồi thầy hỏi có muốn học võ không? Mình nói chân em bị vậy sao mà tập được? Anh cứ giỡn hoài! Thầy Mai trả lời rồi cho mình số điện thoại, nói là cứ đến gặp thầy rồi sẽ biết. Trước giờ mình không bao giờ nghĩ là có thể học võ chung với người bình thường. Lúc đầu mình e dè không dám tập, nhưng được vài lần thì mạnh dạn hơn rồi theo thầy Mai tập tới bây giờ luôn!” - Trung xúc động nhớ lại.

Nhận thấy bản thân tập võ giúp sức khỏe tốt hơn lại biết thêm mấy chiêu tự vệ, Trung giới thiệu, dẫn bạn bè khuyết tật đến sân tập chung. Nhưng lúc đó Lê Hoàng Mai chưa phải là võ sư lại chưa có phòng tập riêng nên gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. Anh thuê sân ở Trung tâm Văn hóa thể thao quận Tân Bình để dạy võ miễn phí cho người khuyết tật. Thời gian đó là năm 1995, anh vẫn còn đang công tác ở Công ty CP Sách và thiết bị trường học.

Thấy các học trò yêu thích và học võ hăng say quá, thế là Mai có ý định xin nghỉ việc để có thể toàn tâm toàn ý nghiên cứu, tập trung dạy võ cho người khuyết tật. Khi biết anh muốn làm vậy, gia đình anh ai cũng quyết liệt phản đối nhưng vì tình yêu thương đối với những học trò “đặc biệt”, cộng thêm đam mê với nghiệp võ, anh quyết định từ bỏ công việc hiện tại với lương tháng hơn ba triệu đồng để sống một cuộc sống tằn tiện với số tiền chỉ có 200.000 đồng/tháng. Vậy nên năm đầu tiên sau khi nghỉ việc anh chỉ ăn toàn là xôi với xôi.

“Đối với các bạn bị khuyết tật, ngoài việc giúp các bạn rèn luyện sức khỏe mình còn muốn các bạn trau dồi sự tự tin để không bị bắt nạt. Với người cụt tay, khi dạy họ mình chỉ sử dụng một tay, còn người khiếm thị thì mình phải bịt mắt để tập với họ. Với người cụt chân thì mình sẽ hướng dẫn họ cách sử dụng cặp nạng để tự vệ” - võ sư Lê Hoàng Mai chia sẻ về cách dạy đối với mỗi đối tượng học viên.

Dựa trên kinh nghiệm và những va chạm thực tế của cá nhân và đối tượng giảng dạy, võ sư Lê Hoàng Mai đã tự mày mò, nghiên cứu rồi soạn ra những giáo án dạy võ riêng biệt, thiết thực, phù hợp từng đối tượng có khiếm khuyết cơ thể. Đến nay, anh đã dạy võ cho rất nhiều đối tượng bất hạnh từ người khiếm thị đến các trường hợp bị cụt tay, chân, người bị hội chứng Down... Đối với các học viên ở lớp võ này, anh không chỉ là một người thầy tận tâm mà còn là một người anh trai yêu thương gần gũi. Võ sinh Kiều Minh Trung nhớ lại: “Nhiều khi xe mình bị hư, thầy tới tận nhà chở mình lên lớp học. Nếu thấy dép của mình bị rách là thầy chở ra chợ mua cho mình đôi mới. Thầy trò vậy chứ xem như anh em trong gia đình vậy”.

Nhận ân nghĩa... đáp trả ân nghĩa

Không chỉ dang đôi tay đỡ lấy những phận đời bất hạnh, anh còn mở rộng lòng mình tìm hiểu, chia sẻ với mỗi một hoàn cảnh của võ sinh, giúp những võ sinh có hoàn cảnh khó khăn bằng cách không nhận học phí. Anh dẫn dắt, giúp các học viên không sa ngã vào thú vui, giải trí có hại, ảnh hưởng tới việc học và chất lượng sống của các em. Học viên Võ Thùy Khanh kể: “Lúc đầu em rất bất ngờ, ngạc nhiên vì sự giúp đỡ của thầy. Về sau em mới biết rằng không chỉ mình em mà thầy còn dạy miễn phí cho nhiều bạn khác có hoàn cảnh khó khăn nữa. Em nghĩ sẽ ráng theo học để sau này có thể phụ thầy giúp đỡ lại các bạn có hoàn cảnh giống em”.

Tại phòng dạy võ của Lê Hoàng Mai có treo hai câu thư pháp “Học võ để yêu thương” và “Tự vệ tránh xung đột”. Đó chính là lời răn mà võ sư dùng để dạy các võ sinh của mình. Anh dạy võ, rèn luôn cả nhân cách con người. Vì thế, anh đã tạo lập thêm CLB từ thiện với tên gọi Aikido Meidokan nhằm giúp đỡ, tặng quà và học bổng cho học sinh ở các vùng quê nghèo. Như một sân chơi ý nghĩa để các võ sinh biết trao tặng yêu thương và san sẻ nhiều hơn tấm lòng mình đến cộng đồng, xã hội.

Nhờ võ sư Mai mà những người bị khuyết tật, khiếm thị thoát được mặc cảm khiếm khuyết. Họ có được cuộc sống khỏe mạnh, lạc quan hơn để tự tin hòa nhập với cuộc sống cộng đồng.

Hiện võ sư Lê Hoàng Mai đang dạy kỹ năng tự vệ cho chị em ở Cung văn hóa Lao động TP.HCM và lớp aikido ở Nhà Thiếu nhi quận Phú Nhuận. Ngoài ra, trước vấn nạn bạo lực học đường ngày càng nhiều, võ sư Lê Hoàng Mai đã nghiên cứu thông qua các video clip đánh nhau trên mạng và kinh nghiệm va chạm thực tế để soạn giáo án dạy võ tự vệ cho học sinh. Anh có một năm dạy thử nghiệm khá thành công ở Trường THCS Hoàng Hoa Thám, Q.Tân Bình. Năm nay nhà trường đã đồng ý cho đưa hẳn giáo án dạy võ tự vệ, tránh nạn bạo lực học đường của võ sư Lê Hoàng Mai vào bộ môn thể dục tự chọn cho học sinh.

ÁI ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên