15/11/2005 07:01 GMT+7

Võ sĩ Huỳnh Văn Có và cú siết cổ kinh hoàng

NGUYÊN KHÔI
NGUYÊN KHÔI

TT - Sau SEAP Games lần 3-1965 tại Malaysia, bất cứ một giải judo nào trong khu vực, các võ sĩ hạng cân 70kg cũng đều lảng vảng đến đoàn VN (miền Nam) chỉ để hỏi một câu: “Có ông Có tham dự không?”! Khi nhận được cái lắc đầu, anh nào cũng thở phào nhẹ nhõm...

wrsV1elY.jpgPhóng to
Võ sĩ Huỳnh Văn Có (hàng đứng, thứ hai từ trái sang) chụp ảnh chung với đàn em Nguyễn Hữu Huy (hàng ngồi, bìa trái) - Ảnh tư liệu
TT - Sau SEAP Games lần 3-1965 tại Malaysia, bất cứ một giải judo nào trong khu vực, các võ sĩ hạng cân 70kg cũng đều lảng vảng đến đoàn VN (miền Nam) chỉ để hỏi một câu: “Có ông Có tham dự không?”! Khi nhận được cái lắc đầu, anh nào cũng thở phào nhẹ nhõm...

Mở cửa... có vàng!

Judo là một trong những môn có mặt tại đại hội thể thao Đông Nam Á (SEAP Games) lần đầu tiên. Nhưng ở VN lúc ấy môn này lại chưa mạnh nên phải đến năm 1965 tại SEAP Games 3 - Kuala Lumpur, VN mới có mặt với hai võ sĩ Huỳnh Văn Có (hạng 70kg) và Trương Văn Xuân (hạng cân bán trung).

Trên thảm đấu, dù võ sĩ Có không có đối thủ trong nước ở hạng cân của mình, nhưng cho đến ngày lên đường vẫn không ai tin judo VN kiếm được huy chương. Đơn giản vì ông Có lúc ấy đã là một người đàn ông trung niên, gánh nặng một gia đình với vợ và ba con trên vai! Ông nhớ lại: “Ai cũng cười khi biết tụi tôi tham dự và nói vui rằng mấy ông qua đó mà đấu gì, có nước lột áo về sớm. Nghe cũng ngán!”. Mà ông Có ngán là đúng bởi vì đây là chuyến xuất ngoại đầu tiên, không hề được đi tập huấn các nước như bây giờ và cũng chưa hề được tham gia một giải đấu quốc tế nào.

Ông Có sinh ngày 8-1-1935 tại Phú Xuân Hội, Gia Định, là con thứ tư trong một gia đình có bảy anh em trai. Ông đến với judo khá trễ khi năm 19 tuổi mới bắt đầu theo học dưới dự hướng dẫn của ông thầy Yvert (Pháp), trước khi học thêm ở các HLV VN khác như Phan Đăng Cao, Dương Quang Ba. Bắt đầu thi đấu chính thức vào năm 1956, ông Có thường xuyên giành chiến thắng, nhất là trong đợt thi tuyển giành quyền tham dự SEAP Games lần 3-1965.

Ông cũng là một trong hai võ sĩ VN đầu tiên đạt chuẩn đai đen quốc tế (do thi đấu chung với các võ sĩ nước ngoài đang tập tại VN) hồi năm 1961 cùng với võ sĩ Hoàng Xuân Dần, do Nhật Bản tổ chức. Đây là kỳ thi rất khó khi có đông người thi và lẽ ra ông đã không đạt yêu cầu khi chỉ thắng liên tục bốn trận (tiêu chuẩn là sáu); nhưng do thể hiện phong độ quá xuất sắc nên ông đã được các ông thầy người Nhật chấm đậu.

Sau khi trở về từ Malaysia với tấm HCV cùng tuyệt chiêu siết cổ “vang danh thiên hạ” và hoàn thành lớp HLV, ông Có nhận được lời mời đi dạy nhiều nơi như CLB Nguyễn Du (Q.1), CLB võ thuật Trường trung học Sư phạm trước khi giã từ thảm đấu vào năm 1984. Đây cũng là thời gian ông và vợ bắt đầu mở quán bán thức ăn chay trên đường Lý Thái Tổ trước khi dời về bán ngay tại nhà trên đường Trương Quyền cho đến nay.

Do chỉ có năm võ sĩ tham dự ở hạng cân 70kg nên các võ sĩ thi đấu vòng tròn tính điểm; mỗi trận thi đấu năm phút, nếu hòa sẽ đấu tiếp hai phút để xác định người vô địch. Ở trận đầu tiên gặp đối thủ người Singapore - Hoong, cả hai đã giằng co đến tận phút thứ tư rồi mà vẫn không ghi được điểm.

Đến lúc này, mặc cảm tự ti dường như đã biến mất khi ông Có tung đòn vật ngã Hoong, nhưng không may lại bị phản đòn phải nằm dưới và bị đối phương thực hiện đòn đè. Nhưng đó cũng là lúc tuyệt chiêu của ông Có xuất hiện khi đòn siết cổ (dùng chân kẹp chặt cổ, hai bàn tay vặn cổ áo và siết mạnh) đã khiến đối phương bất tỉnh mà chưa kịp đập tay xuống thảm xin thua.

Phấn khởi trước chiến thắng, ông Có thêm phần tự tin và tự nhủ: “Được rồi, không sao đâu” khi vào đối đầu với võ sĩ rất mạnh của Thái Lan lúc bấy giờ là Bulloh; song do đã mất nhiều sức ở trận đầu trong khi đối thủ lại được miễn nên ông đành chịu thua sít sao.

Khó khăn như thế càng khiến tuyệt chiêu của ông được phát huy cao nhất, khi một lần nữa cáng thương lại phải được đưa vào sân trong trận thứ ba đấu với võ sĩ người Malaysia - Harry Law, bởi cú siết cổ quá hiểm của ông lại khiến đối thủ bất tỉnh. Hai lần chứng kiến cú ra đòn thần sầu đó và cảnh cáng thương phải vào sân đã khiến võ sĩ Latt Mint (Myanmar) không còn tâm trí nào khi đối đầu cùng ông trong trận cuối và chịu thất bại.

Chiến thắng thứ ba này đã giúp ông Có vượt qua Bulloh để đăng quang ngôi vô địch. Thành công của ông Có và judo VN trong lần đầu tiên tham dự SEAP Games càng tuyệt vời hơn khi Trương Văn Xuân cũng xuất sắc đoạt HCB ở hạng bán trung sau đó.

Tuy nhiên, ông Có đã không có dịp tiếp tục làm cho các đối thủ trong khu vực thêm lần nữa khiếp vía bởi ngay sau đó ông đã được cử theo học lớp HLV. Đây quả là điều đáng tiếc cho judo VN bởi phải chờ đến năm 1969 chúng ta mới có HCV trở lại do công của võ sĩ Nguyễn Xuân Kháng (60kg) và 22 năm sau, năm 1991, mới có HCV tiếp theo tại SEA Games 16. Còn chiếc HCV đầu tiên đã được ông Có tặng Bảo tàng TP.HCM khi nơi này tổ chức triển lãm chuyên đề “VN qua các kỳ SEA Games” nhân dịp SEA Games 22 - 2003 trên sân nhà.

Tuyệt chiêu từ khổ luyện

Tìm đến một nhân vật rất nổi tiếng và hiện tại là phó chủ tịch Liên đoàn Judo VN - ông Nguyễn Hữu Huy - để hỏi về ông Có lẫn tuyệt chiêu thần sầu này, chúng tôi đã không khỏi “rùng mình” với những gì nghe được. Ông Huy, về vai vế là đàn em do tập sau ông Có năm năm, kể: “Có thể nói anh Có là võ sĩ đầu tiên của VN cũng như khu vực sử dụng đòn siết cổ và phát triển nó lên thành tuyệt chiêu lợi hại cho riêng mình. Đòn siết cổ này có hai cách: một là siết ở bên hông cổ khiến máu không thể lên não được, làm đối thủ lâng lâng và không làm chủ được mình để đập tay xin thua, dẫn đến bất tỉnh; còn kiểu siết thứ hai là ngay yết hầu khiến không thở được và phải xin hàng.

RhXw3sLv.jpgPhóng to
Võ sĩ Huỳnh Văn Có (phải) trên bục nhận HCV
Chính vì vậy mà ở các giải đấu trong nước, hay như đợt thi tuyển chọn đi SEAP Games lần 3-1965, bằng đòn sở trường này anh Có đã khiến một loạt đối thủ bất tỉnh. Không chỉ các võ sĩ trong nước phải thúc thủ vì tuyệt chiêu độc đáo này, anh Có còn khiến các đối thủ trong khu vực phải bất ngờ qua kỳ tranh tài tại Malaysia khi đó. Nói đâu xa, tôi vốn mạnh về đòn dưới đất (đè, bẻ tay và siết cổ) nhưng có lần cũng bị anh Có hạ bởi chiêu này trong một trận giao hữu. Có điều là không đến nỗi bất tỉnh mà thôi”.

Vậy đâu là lý do để ông Có có được một tuyệt chiêu khiến nhiều người phải e dè đến thế? Ông Huy cho biết: “Lợi thế đầu tiên là anh Có có được đôi bàn tay và cánh tay rất to khỏe. Chưa kể anh còn tập luyện rất nhiều để biến nó thành một cặp sắt nguội; đối thủ cho dù có vùng vẫy cỡ nào, đôi bàn tay anh vẫn như gọng kềm giữ chặt không cho thoát”.

Sự khổ luyện của ông Có được khá đông người trong giới kể rằng ông thường xuyên cầm nguyên bó đũa để vặn mỗi khi rảnh rỗi cho chắc cổ tay, thậm chí khi lên máy bay đi Malaysia, trong khi mọi người tranh thủ chợp mắt, ông cũng tranh thủ ngồi vặn bó vải thô dày.

Còn ông chỉ cười cười khi nghe chúng tôi kể lại những gì người ta nói, rồi bảo: “Sự thật thì cũng đúng như vậy, nhưng đó chỉ là những gì họ thấy được. Chứ tối nào trước khi đi ngủ tôi cũng nằm co chân, choàng áo võ vào đầu gối để tập siết cổ. Lúc siết rồi ngả người ra sau tôi phải nín thở để dồn tất cả khí lực vào đòn. Lúc đầu, tôi nín thở khoảng 20 giây, về sau lâu dần đến 1 phút. Còn trước khi dự SEAP Games lần 3-1965, có đêm tôi luyện đến 1-2 giờ khuya”.

Sự khổ luyện đáng kinh ngạc đó đã giúp ông nổi danh với tuyệt chiêu siết cổ không thể ấn tượng hơn. Ấn tượng với chính đối thủ của mình, với những đàn em đi sau và cả những người hâm mộ.

Tin, bài liên quan

Kỳ 1: Ngày rúng động thể thao thế giớiKỳ 2: Mai Văn Hòa và chữ ký giải nợ Chà vàKỳ 3: Gặp lại “kỳ quan bóng bàn thế giới”Kỳ 4: Gặp lại “kỳ quan bóng bàn thế giới”Kỳ 5: “Lưỡng thủ vạn năng” Phạm Văn RạngKỳ 6: Danh thủ Trương Tấn Nghĩa: tài năng và đào hoa!Kỳ 7: Danh thủ Thể Công làm HLV trên đất ĐứcKỳ 8: Ngã rẽ của ông Weigang và số phận chiếc cúp vô địchKỳ 9: Phạm Huỳnh Tam Lang - ký ức một thời vang bóngKỳ 10: “Nữ hoàng” không ngai môn bóng nhựaKỳ11: Một cô gái vô tiền khoáng hậu...

NGUYÊN KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên