03/11/2011 08:16 GMT+7

Vỡ nợ "tín dụng đen": Thiếu nhiều quy định xử lý

TRƯỜNG THIÊN (thạc sĩ luật)
TRƯỜNG THIÊN (thạc sĩ luật)

TT - Tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm cho rằng bản thân những người bị thiệt hại khi cho vay lãi suất cao là do tâm lý hám lợi. Lòng tham về lãi suất đã khiến không ít người trút toàn bộ vốn liếng, tài sản cho vay, không những thế còn đi huy động của người khác để cho vay lại nhằm kiếm lời chênh lệch.

fo3M3jCW.jpgPhóng to
Với giấy nhận nợ đơn sơ này, nhiều người vẫn giao tiền cho đối tượng huy động vốn do lãi suất quá hấp dẫn - Ảnh: T.Thắng

“Chết” vì ham lãi caoThêm một vụ vỡ nợ hàng trăm tỉ đồng tại Hà NộiLại vỡ nợ hàng chục tỉ đồng

Tuy nhiên, ở góc độ pháp luật, qua rà soát các văn bản xử lý, cả về hình sự và xử phạt hành chính, một điều bất ngờ là còn thiếu quá nhiều quy định để răn đe tình trạng tín dụng đen.

Về xử lý hình sự, đến nay chỉ có duy nhất một điều trong Bộ luật hình sự là điều 163 quy định tội cho vay lãi nặng. Tuy nhiên, xét ở góc độ phân loại tội phạm, tất cả hành vi cho vay lãi nặng dù lớn hay nhỏ cũng chỉ bị phạt đến 3 năm tù giam, như vậy chỉ thuộc nhóm tội ít nghiêm trọng (vi phạm ở khoản 1 chỉ bị phạt đến 1 năm cải tạo không giam giữ). Cũng chỉ bị coi là cho vay lãi nặng khi thỏa mãn hai yếu tố: cho vay với mức lớn hơn từ 10 lần trở lên mức lãi suất cao nhất mà Ngân hàng Nhà nước quy định và phải có tính chất chuyên bóc lột. Mức lãi suất 140%/năm hiện nay trong hệ thống tín dụng đen cũng ít tồn tại, lại càng khó chứng minh yếu tố “chuyên bóc lột”!

Hậu quả của cho vay lãi nặng gây ra đối với xã hội rất lớn, làm rối loạn trật tự quản lý tiền tệ, kinh tế của Nhà nước, gián tiếp ảnh hưởng rất lớn đến đời sống nhân dân (nhất là các trường hợp nạn nhân bị xù nợ dây chuyền, có nhiều người phải tự tử vì mất hết tài sản...). Vậy mà tội này chỉ bị xử lý hình sự mức hình phạt thuộc loại nhẹ nhất trong số các tội phạm của Bộ luật hình sự. Đó là điều không tương ứng giữa tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi với hình phạt.

Ngoài ra, hoàn toàn không hề có quy định xử lý hành chính, trong đó có các biện pháp xử phạt hành chính bằng tiền đối với các hành vi cho vay lãi nặng!? Đây là một điều rất khó hiểu. Tất cả các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, đều có các nghị định xử phạt hành chính hỗ trợ. Đến nay, chỉ có duy nhất nghị định 202/2004/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng thì lại không áp dụng cho các cá nhân cho vay lãi hoặc huy động vốn lãi suất cao, nghị định này chỉ áp dụng cho các tổ chức tín dụng hợp pháp. Nghị định 73/2010/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về an ninh và trật tự, an toàn xã hội cũng không có nhóm hành vi vi phạm về cho vay lãi nặng.

Bên cạnh đó, hành vi huy động vốn lãi suất cao cũng cần phải có quy định xử lý về hình sự và hành chính, chứ không chỉ dừng lại ở việc chỉ xử lý hình sự về hành vi cho vay lãi nặng. Thực tế những hành vi huy động vốn lãi suất cao trong nhân dân cũng gây ra hậu quả khôn lường nếu xảy ra vỡ nợ, thậm chí có nhiều yếu tố lừa đảo trong đó. Hành vi trái quy định chung về tiền tệ này cũng phải bị coi là vi phạm pháp luật và phải bị xử lý nghiêm khắc.

TRƯỜNG THIÊN (thạc sĩ luật)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên