04/04/2013 05:56 GMT+7

Vô cảm với phụ nữ bị bạo hành

PGS.TS HOÀNG BÁ THỊNH
PGS.TS HOÀNG BÁ THỊNH

TT - Hơn 130 ý kiến phản hồi bài “Lẽ nào tôi chỉ còn đường chết?” (Tuổi Trẻ 2-4) đã chia sẻ với nỗi đau của chị Sơn, đồng thời bày tỏ sự bất bình với cách hành xử của chính quyền nơi chị ở. Chúng tôi xin giới thiệu hai ý kiến của chuyên gia.

1wiBB0n9.jpgPhóng to

Công dân hạng hai

Nghiên cứu của tôi và một số đồng nghiệp về tình hình di cư trong nước đều đi đến kết luận giống nhau: người di cư, đặc biệt là phụ nữ, những người chưa có hộ khẩu thường trú, được xem là công dân hạng hai. Những người di cư với diện hộ khẩu KT3, KT4 rất khó tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản ở nơi họ đang sinh sống, quyền công dân của họ không được đảm bảo đầy đủ như người có hộ khẩu. Như trường hợp chị Sơn, sau nhiều lần bị chồng bạo hành, nghe bà con lối xóm khuyên nên đã cầu cứu cảnh sát khu vực. Chị đã gọi nhiều lần nhưng “cảnh sát khu vực nói tôi chỉ là người tạm trú thì không thể giải quyết được” (?!). Nếu cảnh sát khu vực có quan niệm và hành xử như vậy, chẳng những không làm tròn trách nhiệm với người dân mà điều đó còn đồng nghĩa với việc làm ngơ để cái ác lộng hành.

Còn câu nói của bà chủ tịch hội phụ nữ phường “chúng tôi cũng không thể canh ở nhà chị này mỗi ngày. Nếu chị cứ ở lại, một hôm nào đó vợ chồng đánh nhau ổng đập chị chết cũng không ai tới cứu kịp” có thể bình chọn là “câu nói hay” của năm 2013! Điều này không chỉ thể hiện sự bất lực trước hiện tượng bạo hành gia đình, mà còn cho thấy sự thờ ơ trước tình cảnh một phụ nữ là nạn nhân có thâm niên của bạo lực gia đình.

“Tại sao tôi cũng là công dân, là một con người mà không được chính quyền đoái hoài tới?”, câu hỏi của chị Sơn cứ ám ảnh tôi. Và tôi lo rằng nếu tình trạng gia đình chị Sơn còn tiếp diễn và chính quyền địa phương không có giải pháp ngăn chặn kiên quyết và có hiệu quả, e rằng ý nghĩ của chị Sơn “tôi nghĩ đến khi không chịu nổi nữa tôi sẽ hành động tiêu cực” một ngày nào đó rất có thể trở thành hiện thực đau lòng: vợ giết chồng rồi vào tù, khi đó ai nuôi hai đứa con bé bỏng của chị?

Đọc bài viết này tôi thật sự bất bình. Một tội ác đơn lẻ hiển nhiên tồn tại mà chúng ta không làm gì được, cứ để cho tội ác đó lặp đi lặp lại nhiều lần. Càng bất bình hơn khi những người đại diện hệ thống chính trị ở địa phương lại động viên chị Sơn bỏ đi nơi khác sinh sống để lẩn trốn người chồng. Thử hỏi chị Sơn sẽ đi đâu và liệu chị sẽ phải chuyển chỗ ở bao nhiêu lần nữa nếu người mà chị gọi là chồng tiếp tục truy tìm ra chỗ ở mới của chị? Đơn độc, cùng quẫn đã làm chị Sơn buông xuôi, muốn tìm đến cái chết.

Không lẽ người thiện cứ mãi lẩn trốn cái ác, cái ác hiển nhiên tồn tại, thách thức xã hội? Sự bất lực đó có phải xuất phát từ nhận thức pháp luật hay xuất phát từ sự thiếu trách nhiệm, sự vô cảm?

Nếu nhìn trên phương diện pháp luật, hành vi của người mà chị Sơn gọi là chồng không cấu thành tội ngược đãi hoặc hành hạ vợ chồng theo điều 151 Bộ luật hình sự (BLHS), vì giữa chị Sơn và người này không đăng ký kết hôn.

Tuy nhiên, hành vi trên không phải là không thể xử lý về hình sự. Theo điều 110 BLHS, tội hành hạ người khác được hiểu là người phạm tội có những hành vi đối xử tàn ác đối với người lệ thuộc mình như đánh đập hoặc có những hành động bạo lực khác, được lặp đi lặp lại nhiều lần mang tính có hệ thống. Hậu quả của hành vi ngược đãi không những gây đau đớn về thể xác mà còn gây đau khổ về tinh thần của nạn nhân nhưng chưa đến mức gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người bị hành hạ theo quy định của điều 104 BLHS, do đó không cần phải trưng cầu giám định về thương tật. Mối quan hệ lệ thuộc giữa người phạm tội với người bị hành hạ là sự lệ thuộc về vật chất hoặc tinh thần. Trong trường hợp này, sự lệ thuộc của chị Sơn với người đàn ông hành hạ chị xuất phát từ việc trước đây chị đã sống với người đàn ông đó như vợ chồng và hiện nay vẫn là cha ruột của hai đứa con chị nên vẫn còn bị ràng buộc về tình cảm.

Trong trường hợp sự lệ thuộc giữa người phạm tội và người bị hành hạ không còn hoặc không chứng minh được thì cơ quan tiến hành tố tụng có thể khởi tố người đàn ông đã nhiều lần đánh chị Sơn theo điểm c, khoản 2 điều 104 BLHS (gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe nhiều lần đối với cùng một người). Trường hợp này cơ quan tiến hành tố tụng phải đưa chị Sơn giám định tỉ lệ thương tật.

Và một lần nữa, cũng xin nhắc lại: theo điều 101 BLTTHS, cơ quan, tổ chức khi phát hiện hoặc nhận được tố giác của công dân phải có trách nhiệm báo tin ngay về tội phạm cho cơ quan điều tra bằng văn bản chứ không phải vận động người bị hại lẩn trốn.

Chị Nguyễn Thị Sơn đang đi khám bệnh

Sáng 3-4, chị Nguyễn Thị Sơn đã được bà con trong xóm góp mỗi người mấy chục ngàn đồng cho chị đi khám bệnh. Chị Sơn cho biết cuộc sống thường xuyên bị bạo hành khiến chị bị rong huyết từ lâu nhưng vì không có tiền để khám nên đành chịu đựng.

Chị Sơn cũng cho biết ngày 2-4, công an khu vực đã mời chị lên văn phòng đại diện khu phố 6 để trao đổi và hứa rằng nếu chồng chị còn quay lại quấy rối thì chị báo với công an khu vực để xử lý.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Hà (tổ 98), hàng xóm của chị Sơn, nói sáng 2-4 chồng chị Sơn vẫn về khu nhà trọ của chị Sơn chửi bới nhưng khi biết có bài báo đăng ở Tuổi Trẻ thì anh ta không dám về nữa.

* Quá thờ ơ

Một phụ nữ bị chồng hành hạ đến mức như thế, hàng xóm của chị Sơn đều biết và ra tay cưu mang giúp đỡ tận tình, thế mà chi hội phụ nữ, chính quyền, đặc biệt là công an khu vực, lại biết quá ít thì thật vô lý. Ở đây chỉ có thể là sự vô cảm. Nếu những người có trách nhiệm với dân vẫn tiếp tục thờ ơ như thế, có ngày chị Sơn sẽ chết oan uổng, hai đứa con của chị bơ vơ, có phải thêm gánh nặng cho xã hội?

* Chưa tròn trách nhiệm

Vợ chồng tôi ở Úc, một lần vì cô ấy ghen tuông mà to tiếng nên hàng xóm nghe thấy có tiếng la và có tiếng vợ tôi khóc. 10 phút sau ba cảnh sát ập tới nhà tôi với đầy đủ sắc phục, vũ khí, đến lấy lời khai từng người. Họ còn tách riêng tôi và cô ấy ra hỏi riêng vì sợ cô ấy bị uy hiếp tinh thần không dám khai. Lúc ấy chỉ cần lỡ tay đánh vợ một cái có thể tôi đã bị bắt giam. Dù chuyện chẳng có gì, nhưng cũng khiến tôi một phen toát mồ hôi hột vì bị cảnh sát tra hỏi. Tôi nghĩ công an ở Việt Nam không can thiệp chuyện của chị Sơn là đã không làm tròn trách nhiệm.

PGS.TS HOÀNG BÁ THỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    L\u1ebd n\u00e0o t\u00f4i ch\u1ec9 c\u00f2n \u0111\u01b0\u1eddng ch\u1ebft?\u201d (Tu\u1ed5i Tr\u1ebb 2-4) \u0111\u00e3 chia s\u1ebb v\u1edbi n\u1ed7i \u0111au c\u1ee7a ch\u1ecb S\u01a1n, \u0111\u1ed3ng th\u1eddi b\u00e0y t\u1ecf s\u1ef1 b\u1ea5t b\u00ecnh v\u1edbi c\u00e1ch h\u00e0nh x\u1eed c\u1ee7a ch\u00ednh quy\u1ec1n n\u01a1i ch\u1ecb \u1edf. Ch\u00fang t\u00f4i xin gi\u1edbi thi\u1ec7u hai \u00fd ki\u1ebfn c\u1ee7a chuy\u00ean gia." />