Thứ nhất, đúng là đang có tình trạng vô cảm như vậy trong một số không ít những công chức (và cán bộ), nhưng chưa hẳn những người ấy đã là “vô cảm” - không có cảm xúc trước một sự việc xảy ra trong cuộc sống, thái độ lạnh ngắt, không vui, cũng không buồn.
Ở họ, cái sự “vô cảm” chỉ là đối với “những khó khăn của người dân và doanh nghiệp...” như bài viết của tác giả V.Q.T. đã nêu ra; còn đối với nhiều sự việc khác xảy ra trong cuộc sống, nhất là những gì có liên hệ trực tiếp đến việc gia tăng lợi ích và củng cố quyền lực của cá nhân họ, đã chắc gì họ vô cảm. Hơn thế, họ còn tỏ ra hết sức nhạy cảm, chả thế mà xuất hiện đủ thứ, đủ kiểu “chạy”, trước hết là chạy bằng cấp, chạy chức, chạy quyền...
Theo tôi, phải gọi sự vật hiện tượng đúng và trúng với cái tên của nó, không chỉ là “vô cảm” mà là “vô trách nhiệm”. Không chỉ là thiếu mà là không làm đúng, làm tròn trách nhiệm của chính họ, mà quyền lực càng cao, trách nhiệm càng lớn thì hậu quả của cái sự vô cảm - vô trách nhiệm đó diễn ra theo tỉ lệ thuận.
Thứ hai, những nguyên nhân và giải pháp khắc phục cái tình trạng vô trách nhiệm (“vô cảm” theo định danh của tác giả) thật ra không có gì mới, thậm chí là “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” vốn đã làm nản lòng, làm suy giảm niềm tin bao người... Vì vấn đề không chỉ là “cần ngăn chặn ngay” và cũng không chỉ là “có thái độ xử lý nghiêm túc”, mà cốt yếu là chỉ ra “ai ngăn chặn”, “ai xử lý”, chắc chắn phải là cấp trên - cá nhân và tổ chức - của những cá nhân và tổ chức cấp dưới đã có sự vô cảm - vô trách nhiệm.
Phải chăng cái tình trạng bùng nhùng, chậm trễ trong ngăn chặn và xử lý ấy cũng là một sự vô cảm - vô trách nhiệm và phía sau đó là một sự thiếu minh bạch trong cơ chế ban hành các quyết định và xử lý theo trách nhiệm khi các quyết định ấy có những sai sót. Và đây là thuộc lĩnh vực của công tác tổ chức, cán bộ, của cải cách hành chính và của đổi mới hệ thống chính trị, đã được đặt ra nhưng chưa thật sự được triển khai một cách mạnh mẽ, vững chắc và khẩn trương.
Cuối cùng, nhân nói về “vô cảm”, thiết nghĩ đã đến lúc cần đưa chỉ số EQ (chỉ số về sự nhạy cảm của con người về cuộc đời và số phận con người, cá nhân, cộng đồng) - đó là một chỉ số nhân văn đậm đà tính người - trong việc xem xét, đánh giá phẩm chất cán bộ công chức và sức sống của một tổ chức, một cơ quan. Nhạy cảm, đó là chia ngọt sẻ bùi, cùng vui, cùng ước mong, hi vọng và chia sẻ cả những bất hạnh. Và đây là bài học về đạo lý, là cái bất biến để ứng vạn biến, là qui luật của muôn đời.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận