13/12/2024 09:38 GMT+7

VNeID và sứ mệnh trở thành siêu ứng dụng chuyển đổi số quốc gia

Đến nay VNeID đã tích hợp nhiều tiện ích trên các lĩnh vực và được kỳ vọng sẽ trở thành siêu ứng dụng chuyển đổi số quốc gia.

VNeID và sứ mệnh trở thành siêu ứng dụng chuyển đổi số quốc gia - Ảnh 1.

Người dân sử dụng VNeID - Ảnh: Quang Định

Tháng 9-2021, giữa bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát diễn biến phức tạp, Bộ Công an đã ra mắt ứng dụng định danh điện tử VNeID với hai tính năng chính là khai báo y tế và di chuyển nội địa. Đến nay VNeID đã tích hợp nhiều tiện ích trên các lĩnh vực và được kỳ vọng sẽ trở thành siêu ứng dụng chuyển đổi số quốc gia.

VNeID (viết tắt của từ Vietnam Electronic Identification) do Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư (Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - C06, Bộ Công an) phát triển.

Đây là một ứng dụng trên thiết bị di động. VNeID được xây dựng trên nền tảng cơ sở dữ liệu về định danh, dân cư và xác thực điện tử, kết nối với các cơ quan hành chính nhà nước và các tổ chức xã hội.

Đến nay, Bộ Công an đã cấp hơn 87,9 triệu căn cước công dân (nay là căn cước) gắn chip. Thu nhận hơn 79,8 triệu hồ sơ định danh điện tử và đã kích hoạt hơn 58,3 triệu tài khoản. Theo ước tính trung bình mỗi ngày có khoảng 1,5 triệu lượt sử dụng tài khoản định danh điện tử VNeID.

Người dân dễ dàng thực hiện nhiều dịch vụ công trực tuyến

Đáng chú ý, các tiện ích của VNeID đang ngày càng được hoàn thiện và tích hợp giúp người dân không cần phải đi lại nhiều để hoàn tất các thủ tục hành chính mà chỉ cần thao tác ngay trên chiếc điện thoại của mình.

Cùng với đó, người dân không còn phải trải qua nhiều bước xác minh hoặc gặp gỡ trực tiếp với cán bộ, tránh hoàn toàn những hiểu lầm hoặc yêu cầu không cần thiết.

Cụ thể, trên VNeID hiện nay đã cung cấp nhiều tiện ích về giấy tờ, thủ tục hành chính, an sinh xã hội, hồ sơ sức khỏe về các dịch vụ khác.

Với VNeID, người dân có thể sử dụng các giấy tờ cá nhân dạng điện tử thay cho bản giấy, như căn cước công dân gắn chip (nay là căn cước), giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, giấy khai sinh, hộ chiếu và thông tin cá nhân khác.

Trong đó, từ 1-7 vừa qua, khi cảnh sát giao thông kiểm tra trên đường, người dân có thể xuất trình giấy phép lái xe, đăng ký xe... qua ứng dụng VNeID.

Cụ thể, với giấy phép lái xe trên VNeID đã được phê duyệt (xác thực) sẽ được xem là hợp lệ. Để xuất trình giấy phép trên VNeID khi được cảnh sát giao thông yêu cầu, người dân chọn xuất trình giấy tờ, đánh dấu vào hai ô giấy phép lái xe và đăng ký xe, sau đó bấm xác nhận.

Lúc này, màn hình điện thoại sẽ hiển thị thông tin giấy phép lái xe bao gồm số giấy phép, ngày cấp, giá trị sử dụng, nơi cấp... và các thông tin liên quan.

Còn từ 1-8, người dân có thể đăng nhập VNeID thực hiện đăng ký với xe sản xuất, lắp ráp trong nước. Dự kiến từ 1-1-2025 chủ xe là công dân Việt Nam có tài khoản VNeID mức 2 sẽ thực hiện đăng ký xe toàn trình với xe nhập khẩu.

Cùng với các tiện ích trên, người dân có thể khai báo y tế toàn dân, khai báo di chuyển nội địa, tích hợp thông tin cá nhân; sử dụng các dịch vụ công trực tuyến; lưu trú; tố giác tội phạm; nhận thông báo liên quan khai sinh, thường trú, xóa đăng ký thường trú; khai báo thông tin cư trú, người phụ thuộc nộp thuế... thông qua ứng dụng VNeID một cách nhanh chóng và tiện lợi.

Với đăng ký thường trú, tạm trú và tạm vắng, người dân hoàn toàn có thể thực hiện thủ tục này ngay tại nhà trên VNeID. Hay với chức năng tố giác tội phạm trên VNeID có hướng dẫn chi tiết cho người mới và giữ bí mật danh tính cho người tố giác.

Bên cạnh đó, các tiện ích sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID đã được triển khai trên toàn quốc từ tháng 10-2024. Đến tháng 12-2024, toàn quốc đã tích hợp trên 15 triệu thông tin công dân vào sổ sức khỏe điện tử trên VNeID.

Sổ sức khỏe điện tử VNeID có giá trị tương đương với sổ giấy và có thể được dùng thay thế sổ giấy khi người dân đi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế, cơ sở khám chữa bệnh công lập và tư nhân. Bao gồm cả hình thức khám chữa bệnh ngoại trú, nội trú và khám từ xa.

Với phiếu lý lịch tư pháp, đến ngày 20-11-2024 đã có 58/63 địa phương chính thức triển khai cấp phiếu này trên VNeID. Từ sau Hội nghị bấm nút triển khai chính thức cấp phiếu trên toàn quốc ngày 2-10 đến cuối tháng 11-2024, đã phát sinh 32.935 hồ sơ trên ứng dụng VNeID.

Trong lĩnh vực ngân hàng, đã có 56,8 triệu hồ sơ khách hàng cá nhân được đối chiếu thông tin sinh trắc học với căn cước công dân gắn chip và qua ứng dụng VNeID.

Hiện có khoảng 30 tổ chức tín dụng và 13 đơn vị trung gian thanh toán đang triển khai mở tài khoản thanh toán; xác thực giao dịch thanh toán; đối chiếu, xác thực thông tin khách hàng bằng ứng dụng VNeID.

Góp phần quan trọng quản lý nhà nước

Theo đề án 06, VNeID sẽ tiếp tục được mở rộng thêm các tiện ích khác như thanh toán không dùng tiền mặt, ví điện tử, điện, nước, chứng khoán, chi trả lương hưu, thất nghiệp, thiên tai, bệnh dịch...

VNeID không chỉ mang lại lợi ích cho người dân mà còn góp phần vào công tác quản lý nhà nước. Với VNeID, các cơ quan chức năng có thể truy xuất thông tin của công dân một cách chính xác và kịp thời, hỗ trợ việc thực hiện các thủ tục hành chính nhà nước.

VNeID cũng giúp giảm thiểu sự lãng phí và sai sót trong việc sử dụng giấy tờ truyền thống, tiết kiệm chi phí và thời gian cho người dân và Nhà nước.

Tại kết luận Hội nghị thường trực Chính phủ về chuyển đổi số với bộ trưởng, trưởng ngành, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ Công an khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xác định lộ trình để đưa các tiện ích thiết yếu lên ứng dụng VNeID.

Nhất là hoàn thành lý lịch tư pháp, sổ sức khỏe điện tử, giấy khai sinh, kết hôn... để người dân trên cả nước được sử dụng, hoàn thành trước ngày 31-12-2024.

Với tinh thần đó, VNeID được kỳ vọng là một siêu ứng dụng chuyển đổi số quốc gia mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.

Các nước mạnh dạn số hóa danh tính công dân

Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của thời đại, trong đó công cuộc chuyển đổi hệ thống định danh sang công nghệ số được xem là bước tiến giúp đơn giản hóa thủ tục định danh công dân, cũng như các dịch vụ hành chính và tiện ích đời sống cần định danh người dùng.

Cụ thể tại Ấn Độ, khoảng 95% của 1,4 tỉ dân đất nước này đã sử dụng hệ thống định danh số Aadhaar, theo Andrew Sever. Aadhaar là mã định danh cá nhân gồm 12 chữ số do Cơ quan cấp số định danh duy nhất của Ấn Độ (UIDAI) cấp, dùng để chứng minh danh tính và địa chỉ của công dân Ấn Độ, bao gồm cả trẻ em và trẻ sơ sinh.

Trong khi đó, tại Đan Mạch, hơn 90% dân số sử dụng MitID (danh tính điện tử quốc gia Đan Mạch) trong các tình huống cần xác nhận danh tính điện tử.

MitID liên kết với số đăng ký hộ tịch cá nhân của mỗi người, cho phép người dân thực hiện các dịch vụ như ngân hàng trực tuyến, hệ thống thuế điện tử, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, hệ thống thư điện tử quốc gia… một cách dễ dàng bằng Internet mà không cần phải xếp hàng đợi chờ hồ sơ của mình được giải quyết tại các cơ quan.

Một nước Bắc Âu khác cũng tiên phong trong việc chuyển đổi danh tính số cho công dân là Estonia với hệ thống danh tính điện tử, gọi là e-ID. e-ID cùng hệ sinh thái xung quanh nó trở thành một phần không thể thiếu trong các giao dịch hằng ngày của mọi công dân, từ khu vực công đến khu vực tư.

Tương tự ở khu vực châu Á, một trong những nước nổi tiếng với hệ thống định danh số phải kể đến là Singapore với hệ thống định danh kỹ thuật số quốc gia Singpass.

Singpass là dự án chiến lược cấp quốc gia do Cơ quan Công nghệ chính phủ (GovTech) triển khai và quản lý, thuộc Cơ quan Quốc gia thông minh và Chính phủ số (SNDGG) trực thuộc Văn phòng thủ tướng.

Theo GovTech, đến nay hệ thống này đã có khoảng 800 tổ chức cung cấp hơn 2.700 dịch vụ. Hiện tại, Singapore có hơn 5 triệu người dùng, chiếm 97% dân số công dân Singapore, với hơn 500 triệu giao dịch cá nhân và doanh nghiệp được thực hiện qua Singpass mỗi năm.

Hiện nay, ứng dụng Singpass trong điện thoại giúp mọi việc trở nên thuận tiện hơn nữa khi tích hợp thông tin tùy thân như giấy phép lái xe, căn cước…, cho phép người dân truy cập các dịch vụ từ hơn 700 cơ quan chính phủ và tổ chức tư nhân.

Người dùng chỉ cần trưng căn cước số được tích hợp trong app là có thể sử dụng nhiều dịch vụ, trong đó có khám bệnh, kiểm tra số dư lương hưu CPF, đăng ký mua căn hộ HDB, thực hiện giao dịch ngân hàng trực tuyến hoặc quản lý các chính sách bảo hiểm của mình…

VNeID và sứ mệnh trở thành siêu ứng dụng chuyển đổi số quốc gia - Ảnh 2.TP.HCM đề xuất cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân qua VNeID

UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Bộ Tư pháp về việc kết nối, chia sẻ, khai thác và sử dụng dữ liệu hộ tịch điện tử của Bộ Tư pháp tại TP.HCM.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên