22/03/2018 17:16 GMT+7

VN-Index chốt phiên ở đỉnh lịch sử

PHƯỚC TRÍ
PHƯỚC TRÍ

TTO - Kết thúc phiên giao dịch ngày 22-3, chỉ số VN-Index đã đạt 1.172,36 điểm. Đây là điểm đóng cửa cao nhất trong lịch sử.

VN-Index chốt phiên ở đỉnh lịch sử - Ảnh 1.

Thanh khoản không cao, diễn biến thị trường khó chịu đối với nhà đầu tư - Ảnh: Duyên Phan

Trước đó, trong phiên giao dịch hôm qua, thị trường đã nhiều lúc vượt đỉnh 1.171,86 điểm của năm 2007, tuy nhiên vào cuối phiên, với áp lực chốt lời cao, thị trường đã không thể duy trì để rồi kết phiên với 1.169,36 điểm.

Trong phiên giao dịch sáng nay, thị trường đã có nhiều diễn biến sôi nổi, các chỉ số được đưa lên những đỉnh cao mới. Chỉ số VN-Index thậm chí đã có lúc cán mốc 1.180 điểm.

Tuy nhiên, một lần nữa, thị trường đã không thể giữ vững đà tăng và quay đầu trong phiên chiều để rồi chỉ số VN-Index chỉ có thể tăng được 3 điểm so với hôm qua.

Dòng tiền yếu một lần nữa là nguyên nhân được chỉ ra để giải thích cho việc lên xuống liên tục của thị trường. Thanh khoản thị trường yếu khi khối lượng giao dịch chỉ đạt khoảng 3 tỉ cổ phiếu và giá trị giao dịch đạt 7.900 tỉ đồng.

Dòng tiền yếu khiến cho tuy chỉ số VN-Index tuy tăng nhưng các mã cổ phiếu có sự phân hóa mạnh. Tính trên ba sàn chỉ có 317 mã tăng điểm, trong khi đó mã giảm điểm là 319 mã. Tính riêng HoSE thì số mã giảm điểm hoàn toàn vượt trội so với số mã tăng điểm, 172 so với 116.

Từ đây, dòng tiền không có sự lan tỏa tốt ở các nhóm mã cổ phiếu. Nhóm ngân hàng và bất động sản trong thời gian dài tăng giá liên tục, giá tăng nóng liền gặp áp lực chốt lời và bán ra. Trong khi đó ở những nhóm khác lại không có được sự tiếp ứng đầy đủ, không thể tạo được trụ đỡ cho thị trường.

Đối với nhóm ngân hàng, mã MBB của ngân hàng Quân đội giảm 800 đồng xuống còn 36.000 đồng một cổ phiếu. Mã VCB của ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam giảm 1.500 đồng xuống 72.000 đồng một cổ phiếu.

Mã STB của ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín giảm 250 đồng xuống còn 16.000 đồng một cổ phiếu. Mã CTG của ngân hàng Công Thương giảm 400 đồng xuống còn 35.800 đồng một cổ phiếu.

Đối với nhóm bất động sản, mã CTD của CTCP Xây dựng Coteccons giảm 2.300 đồng một cổ phiếu. Mã ROS của CTCP Xây dựng FLC FAROS giảm mạnh đến 10.600 đồng một cổ phiếu.

Các chuyên gia cho rằng, thị trường đã tăng điểm liên tục trong một thời gian dài mà không thực sự có một phiên tích lũy nào đáng kể, sẽ khó có dòng tiền mạnh nào vào thị trường trong tương lai gần.

Theo ý kiến trong giới đầu tư, thị trường Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi ảnh hưởng của thị trường Mỹ, nếu thị trường Mỹ diễn biến tiêu cực trong phiên hôm nay sau khi FED tăng lãi suất, rất có thể thị trường Việt Nam sẽ diễn ra những phiên điều chỉnh trong thời gian tới. Nhà đầu tư vì thế cũng thận trọng trong việc xuống tiền để "đu đỉnh" trong thời gian này.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 22-3, chỉ số VN-Index tăng 3 điểm (0,26%) lên 1.172,36 điểm.

Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index giảm 0,92 điểm (0,68%) xuống còn 134,04 điểm. Chỉ số Upcom-Index giảm 0,25 điểm (0,41%) xuống còn 60,39 điểm.

Trên ba sàn, tổng cộng có 317 mã tăng điểm và 319 mã giảm điểm. Giá trị giao dịch đạt khoảng 7.900 tỉ đồng.

PHƯỚC TRÍ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên