22/04/2017 10:35 GMT+7

Vĩnh biệt Thanh Sang - 'anh kép mang đôi hia bảy dặm'

Đạo diễn THANH HIỆP
Đạo diễn THANH HIỆP

TTO - Dù không tin thì sự thật ông vẫn ra đi, giới nghệ sĩ sân khấu biết rằng đó không phải là một lời đồn.Bởi đã có rất nhiều lo ngại, thậm chí đồn đoán sau lần ông mổ tim, gắn vào đó bốn con chip để ông vẫn lên sàn diễn...

Nghệ sĩ Thanh Sang và nghệ sĩ Linh Huyền biểu diễn trích đoạn Bên cầu dệt lụa tại buổi giao lưu chủ đề “Đờn ca tài tử - Cải lương, sự tương đồng và khác biệt” do báo Tuổi Trẻ tổ chức sáng 18-3-2014 nhân sự kiện đờn ca tài tử chính thức được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể thế giới - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nghệ sĩ Thanh Sang và nghệ sĩ Linh Huyền biểu diễn trích đoạn Bên cầu dệt lụa - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ông vẫn hóa thân vào Trần Minh (Bên cầu dệt lụa), Lê Hoàn (Thái hậu Dương Vân Nga), Lục Vân Tiên (Kiều Nguyệt Nga), anh Đảnh (Tần Nương Thất)... và để mỗi khi gặp ông lại cười: “Tôi chưa chết được, nợ trần gian còn lấm gót hài”.

Nhưng lần này thì ông đi thật...

Trái tim yêu mãnh liệt

Tôi được ông xem như một người em cũng chỉ bởi như ông nói: “Mày lót chữ Thanh thì coi như mày em tao!”. Vậy đó, và y như rằng cứ đêm giao thừa năm nào chưa kịp gọi thì ông đã alô chúc tết, rồi dặn dò rất kỹ những điều nên tránh dựa theo số tuổi của tôi.

Sau này gặp gỡ các nghệ sĩ cải lương, những ai ông quý mến cũng đều được ông “xem tuổi” căn dặn cẩn trọng hơn trong mọi việc. Đi nhiều, ông luôn ghi chép trong bộ nhớ để đến khi có ai đó chạm vào thì ông như quyển tự điển sống, lần giở đầy những yêu thương.

Tôi vẫn luôn hỏi cắc cớ: “Anh Năm yêu nhiều, có khi nào lộn tên cô này với cô kia?”. Ông cười giòn: “Mày nghĩ coi, trí nhớ như anh mày làm sao mà lộn”. Tôi lại cắc cớ hỏi: cuộc tình nào khiến ông trăn trở nhất, hối tiếc nhất?

Ông chỉ tôi xem tấm ảnh đen trắng của một nữ nghệ sĩ rồi nói: “Cái thời trẻ trâu, mới lớn nhưng yêu nồng nàn lắm. Hồi đó nếu không có gì trở ngại, anh đã là anh rể của Thành Lộc”. Tôi trố mắt bất ngờ, còn ông thì cười mỉm.

“Bé Thành Tâm (tên ngày nhỏ của NSƯT Thành Lộc - người viết) hồi đó là người đưa thư qua lại cho anh và Bạch Lê. Cái thời trẻ đó mà. Cho nên bây giờ mỗi khi gặp, Lộc đều khoanh tay thưa anh Năm. Thời Lê còn trẻ, dễ thương lắm.

Anh ngoài yêu cái tài, còn yêu nhân cách của chú bảy Thành Tôn, cứ mơ được làm rể của chú để được học nghề. Nhưng rồi ông tơ bà nguyệt không se thắm cuộc tình đó”.

Trong số những nghệ sĩ cải lương có lẽ ông là người chịu công khai đời tư với năm đời vợ. Ông nói đời mình chỉ có một lần, phải chịu trách nhiệm với trái tim, đừng huyền thoại quá khứ dù cái tên Thanh Sang có sáng như ngôi sao Bắc Đẩu thì vẫn là một con người.

Và đời đã cho ông sự rung động chân thật để đưa vào làn hơi mùi mẫn những cung bậc tình cảm khiến người nghe say đắm và yêu thích. Ông yêu mãnh liệt nên vai diễn của ông càng ngang trái thì giọng ca càng mùi mẫn. “

Nghĩ cũng lạ, anh khi trẻ đóng vai lão, khi về chiều lại đóng vai trẻ. “Năm tập” hôn nhân bà nào cũng đều thổ lộ yêu vì mê nghe anh ca vọng cổ. Mà anh không có chen ngang tập, dứt tập mới gầy phim khác.

Cho nên với các bà, anh không mang tiếng lăng nhăng. Chỉ mỗi cái tội quá nóng nảy, dẫn đến cãi vã” - ông tâm sự. Xấp bản thảo hồi ký dang dở, ông cũng ghi rất rõ: Chương 1: Hãy tha thứ cho anh.

Nghệ sĩ Thanh Sang - Ảnh: Quang Định


Nỗi đau hơn vết mổ

Ông bệnh nặng nhiều năm, từ thận sang tim mạch, phổi, gan và đoạn cuối là xuất huyết não. Thế nhưng theo lời bà Liễu (Ngọc Mỹ) - người vợ ông chung sống hạnh phúc hơn 30 năm qua, rằng ông bị khó thở, đưa đi cấp cứu vẫn còn tỉnh táo nói chuyện với bác sĩ.

Ông biết được sự ra đi của mình nên những lần gặp vẫn thường căn dặn tôi: “Khi anh qua đời, hãy nói về nỗi đau của anh. Đó là sự nóng nảy không giữ được cho mái ấm hạnh phúc lâu bền”.

Khi cháu Khôi, con trai của ông, qua đời vì bạo bệnh. Tôi nhìn thấy ông khóc. Đôi mắt linh hoạt ngày nào của Tạ Tốn (nhân vật trong vở Cô gái Đồ Long mang lại cho ông HCV giải Thanh Tâm năm 1964), mờ đi vì nước mắt.

Ông đau đớn vì mất mát, đau vì cả những lo lắng cho sự cô độc của người nghệ sĩ ở tuổi về chiều bất giác ập đến khiến ông trở tay không kịp. Tài sản cũng đội nón ra đi khi ông bị bệnh nặng.

Tôi thích xem ông diễn, hàng trăm nhân vật ông hóa thân, có đủ tính cách nhưng tôi lại mê ông ca trong vai Lê Long Hồ (vở Tuyệt tình ca).

Cứ mỗi lần nghe ông ca tôi đều khóc. “Hổng riêng gì chú em mày, anh có hàng triệu khán thính giả thương nhờ vai này. Trước hết là văn phong của Hà Triều - Hoa Phượng, sau là chữ hiếu mà nhân vật khắc họa giống như của chính anh ở đời thường”.

Rồi ông kể tôi nghe cái thời nghèo đói ở làng quê Phước Hải. Nhà quá nghèo chỉ ăn cơm với muối ớt. Mẹ ông nhặt được một con bê chết trôi trên biển, thẻo thịt những chỗ còn tươi kho cho ông ăn, “đó là bữa ăn thịnh soạn nhất tuổi thơ mà anh có được”, ông kể trong nước mắt.

Để rồi khi thành danh, muốn báo hiếu mẹ thì bà đã qua đời. Những nỗi đau đó từ thân phận con người nghệ sĩ khiến ông rút hết tâm can, thổi hồn vào nhân vật, truyền đến người nghe những cung bậc yêu thương.

Vết mổ trên thân thể ông sau những lần phẫu thuật có lẽ không đau bằng những bầm dập cuộc đời ông từng trải.

Để từ một chàng trai miền biển hiền lành, cần cù, ông bước chân vào thế giới màn nhung mang “đôi hia bảy dặm”(*) đặt tên Thanh Sang trong ký ức hàng triệu khán giả mộ điệu nghệ thuật cải lương. Và cải lương nhờ có ông, có thế hệ vàng rực rỡ mà trở nên sang trọng, quý phái.

Vĩnh biệt anh Năm Thanh Sang. Tôi vẫn thèm được nghe tiếng ông cười bên máy trong đêm giao thừa. Nụ cười của người nghệ sĩ 74 tuổi vẫn còn mê đóng kép.

Nghệ sĩ Thanh Sang trong trích đoạn Tiếng trống Mê Linh (tháng 3-2014) tại Nhà hát Bến Thành - Ảnh: T.T.D.
Nghệ sĩ Thanh Sang trong trích đoạn Tiếng trống Mê Linh (tháng 3-2014) tại Nhà hát Bến Thành - Ảnh: T.T.D.

NSƯT Vũ Linh:

Anh dạy tôi nhân nghĩa trong nghề

Tôi xót xa quá, anh là người dạy tôi nhân nghĩa trong nghề hát. Là người anh đáng kính. Thời tôi còn trẻ anh chỉ dạy những điều hay, bài học nào cũng quý. Theo anh học nghề, anh nghiêm khắc, không cho phí sức.

Buổi trưa đều bắt buộc phải nghỉ ngơi, vì tối ca vọng cổ mà mệt mỏi thì phụ lòng khán giả. Tôi và anh có quá nhiều kỷ niệm.

Thương nhất là lúc anh bệnh nặng vẫn tham gia hát từ thiện để cứu giúp người hoạn nạn. Ai trong giới sân khấu gặp khó khăn anh cũng âm thầm giúp đỡ.

NSND Lệ Thủy:

Người anh kỹ tính nhưng niềm nở

Trong số những nam nghệ sĩ, Thanh Sang là người kỹ tính nhất. Luôn nghiêm khắc trong tập dượt, ca diễn. Tính tình anh hoạt bát, niềm nở với bạn diễn nên luôn tạo sự thoải mái trong sáng tạo.

Khi tôi và anh Minh Vương thực hiện chương trình Sân khấu vàng trao nhà tình thương cho đồng bào nghèo, anh xung phong ủng hộ. Lúc đó anh bệnh nặng nhưng vẫn đến dù chỉ để ca một bài vọng cổ. Nhớ mãi những lúc song hành cùng anh.

* NSƯT Hữu Châu:

Lời dặn giữ nghề cho tử tế

Khi đoàn Thanh Nga ngưng hoạt động, những thành viên cứ dần rơi rụng. Chú Sang gần như là người hằng năm nhắc nhở chúng tôi phải làm điều gì đó để ghi nhớ tình cảm mà công chúng dành cho thương hiệu Thanh Minh - Thanh Nga.

Và kỷ niệm 64 năm ngày thành lập đoàn hát mà bà nội tôi - bà bầu Thơ đã dày công vun đắp, chú Sang là người vui nhất. Vì chú được sống lại cái thời của nghề hát được làm bằng cái tâm và sự chuẩn mực.

Ba vở: Bên cầu dệt lụa, Tiếng trống Mê Linh, Nửa đời hương phấn tái diễn, được khán giả đón nhận, chú cầm tay tôi và nói: hãy ráng giữ nghề cho tử tế vì bà nội tôi và má ba Thanh Nga của tôi là điển hình của sự chuẩn mực.

Nhưng với tôi chú Sang chính là sự chuẩn mực đó, vì dù có suất chú bệnh đi không nổi nhưng vẫn diễn hết sức bản lĩnh. Chú là người thầy lớn đối với thế hệ trẻ làm sân khấu.

Vĩnh biệt nghệ sĩ Thanh Sang

NSƯT Thanh Sang tên thật là Nguyễn Văn Thu, sinh năm 1943 tại Phước Hải, Bà Rịa - Vũng Tàu. Nhà gần rạp hát nên cậu bé Thu nghe riết rồi ghiền ca diễn cải lương lúc nào không hay...

Những năm 1960 khi đoàn Ngọc Kiều về Phước Hải hát, thỉnh thoảng ông được nhờ thế vai các anh kép bị bệnh. Thời điểm quan trọng là khoảng năm 1962, khi ông bầu đoàn Ngọc Kiều kêu ông thế vai của một nghệ sĩ trong vở Tuyết phủ chiều đông.

Lần “mạo hiểm” đó giúp ông chứng tỏ khả năng và trở thành kép chính, chính thức bước vào nghiệp hát với nghệ danh Thanh Sang.

Những năm gần đây ông đau bệnh liên miên. Ngày 4-4, gia đình đưa ông vào cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM), sau đó ông rơi vào hôn mê sâu. Ngày 20-4, gia đình đưa ông về nhà riêng và ông trút hơi thở cuối cùng lúc 0h25 ngày 21-4, hưởng thọ 74 tuổi.

Linh cữu NSƯT Thanh Sang được quàn tại nhà riêng ở P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức (TP.HCM). Lễ tẩn liệm diễn ra lúc 7h30 sáng 21-4. Lễ viếng từ 10h sáng 21-4. Lễ truy điệu lúc 7h15 ngày 25-4. Sau đó đưa đi an táng tại Nghĩa trang Bình Dương.

LINH ĐOAN

_________________

(*) Năm 1964 NSƯT Thanh Sang đoạt HCV triển vọng Thanh Tâm lúc mới 22 tuổi. Báo giới Sài Gòn đặt nghệ danh cho ông là anh kép mang đôi hia bảy dặm.

Đạo diễn THANH HIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên