06/01/2019 15:09 GMT+7

Vĩnh biệt nhà văn Trần Kim Trắc: Nhớ một ông già Nam Bộ viết văn

NGUYỄN ĐÔNG THỨC
NGUYỄN ĐÔNG THỨC

TTO - Viết nhiều truyện ngắn gây tiếng vang nhưng sống một đời lặng lẽ và ra đi cũng lặng lẽ, nhà văn Trần Kim Trắc để lại nhiều tình cảm trong lòng độc giả yêu văn chương.

Vĩnh biệt nhà văn Trần Kim Trắc: Nhớ một ông già Nam Bộ viết văn - Ảnh 1.

Nhà văn Trần Kim Trắc (giữa) và vợ (bìa phải) trong buổi ký kết tác quyền trọn đời với NXB Trẻ, tháng 11-2015 -Ảnh: LAM ĐIỀN

Tiễn biệt một cây bút của Nam Bộ, Tuổi Trẻ giới thiệu bài viết của nhà văn - nhà báo Nguyễn Đông Thức.

Năm 1994, lúc đang làm ban văn hóa - nghệ thuật và là người chọn truyện ngắn cho báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật (nay là Tuổi Trẻ Cuối Tuần), tôi đã chọn đăng ngay truyện Ông Thiềm Thừ của tác giả Trần Kim Trắc, khi vừa đọc xong bản thảo.

Truyện viết về cuộc sống của người thợ rừng, nhưng nhân vật chính lại là một con cóc cụ chuyên rình ăn ong, mà là loại ong rất hung dữ.

Mỗi lần ăn nó lại bị chích mê man một lúc lâu, tỉnh lại là... đi ăn tiếp! Sau đó nó bị một người thợ rừng bắn chết, rồi người này đã bị quả báo... (Ông Thiềm Thừ sau đó nằm trong tập truyện ngắn cùng tên của Trần Kim Trắc và được tặng thưởng của hội đồng văn xuôi tại giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1995).

Lúc đó thật tình tôi không hề biết Trần Kim Trắc là ai. Bản thảo của ông được bỏ trong bao thư gửi đến báo Tuổi Trẻ, bình thường như bao bài khác. Và đọc xong là tôi mê liền.

Sau đó, khi đến nhận nhuận bút, ông gọi lên tòa soạn gặp tôi để nói lời cảm ơn. Tôi lập tức xuống văn phòng tìm ông, vì nói thật, không gì sướng cho người biên tập bằng việc được đọc một bản thảo hay - ngay từ dòng đầu tiên, sau đó lại được quen tác giả.

Ông cao lớn, da trắng, đầu đinh tóc bạc, người miền Nam rặt, từ văn viết cho đến cách ăn nói, sinh năm 1929, cỡ cha chú tôi. Tôi ngạc nhiên tự dưng sao ở đâu lại có ông già mới viết mà viết hay thế này! Ông và tôi mến nhau từ buổi đầu gặp gỡ ấy.

Ông mời tôi tới nhà chơi để đàm đạo chuyện văn chương, tặng tôi ít sản phẩm chế biến từ ong. Ông học được nghề nuôi ong từ những năm lao động vất vả ở miền Bắc, sau khi công tác tại Phòng văn nghệ quân đội thuộc Tổng cục Chính trị.

Ông phải làm đủ nghề để kiếm sống, từ thợ rừng, phu bốc vác cho đến làm ruộng, chế biến thực phẩm và cuối cùng là nuôi ong lấy mật.

Dĩ nhiên ông không nói gì với tôi về chuyện này. Tôi chỉ biết ông người Mỹ Tho, đi theo kháng chiến chống Pháp từ lúc còn rất trẻ, 17 tuổi... Ông viết truyện về miền Nam rất hay và có duyên.

Lần hồi, Tuổi Trẻ còn đăng thêm của ông vài truyện nữa, nhớ trong đó có truyện Học trò già (1997) cực hay, kể lại câu chuyện một người đàn ông 65 tuổi đi kháng chiến về, tìm thăm người thầy thời tiểu học của mình...

Bao nhiêu là nhân tình thế thái, bài học cuộc đời hiện ra trong câu chuyện của hai thầy trò nay đã cùng già.

Năm 2005, khi chuyển sang phụ trách Tủ sách Tuổi Trẻ (báo Tuổi Trẻ), chúng tôi còn phối hợp với Nhà xuất bản Trẻ in tập truyện ngắn Nụ Cười 307, viết về những chuyện vui có thật ở cái tiểu đoàn lừng danh này, nơi ông từng tham gia suốt từ ngày mới thành lập (5-7-1948) cho đến khi tập kết ra Bắc.

Bắt đầu quen thân và tìm hiểu thêm về ông, tôi mới biết ông từng đoạt giải văn chương rất cao lúc vừa ra miền Bắc: giải ba Văn học 1945-1954 (truyện ngắn Cái lu). Thế mạnh của ông chính là truyện ngắn, bút pháp của cây bút miền Nam, mộc mạc mà sâu sắc, lại rất duyên.

Những câu chuyện với vài đàn anh khác đã trả lời cho tôi một thắc mắc lớn: Tại sao ông đột ngột ngưng viết suốt... 35 năm? (từ sau truyện ngắn Cái lu, 1954 cho đến truyện Cái bót, in chung nhiều tác giả, 1989).

Tôi không bao giờ hỏi và ông cũng không bao giờ nói, nhưng dần dà qua câu chuyện với các "đại ca" như Nguyễn Quang Sáng, tôi đã biết ông bị một lỗi trong sinh hoạt, liên quan đến đạo đức tác phong quân đội. Và thế là bị kỷ luật, ra dân, buông bút...

Cái thời đạo đức còn là chuyện vô cùng quan trọng ấy, ai vi phạm tí thôi, so với bây giờ chẳng là "cái đinh" gì, là đã bị xử rất nặng. Tôi nhớ "đại ca" Sáng kể xong còn lè lưỡi: "Tao nghĩ là ổng xui thôi...". Tôi cũng... lè lưỡi luôn, khi nghĩ nếu ở thời ông chắc mình đã tiêu từ lâu!

Tôi nghĩ ông đã đau khổ biết bao ngày, bao đêm trong mấy chục năm. Trong hơn 30 năm ấy, ai đã mê cầm bút chắc cũng hiểu sẽ khó ai có thể bỏ được cây bút. Chắc ông cũng vẫn viết và để đó. Có thể không dám gửi đi, cũng có thể gửi đi nhưng không được đăng...

Hơn 30 năm! Thật kinh khủng! Và đáng nể cho một đam mê không tắt. Nó như một cái lò xo bị nén lâu ngày, để rồi khi bắt đầu được xuất hiện lại là bung ra rất mạnh.

Nhờ những năm lao động cực nhọc, ông đã có thêm nhiều vốn sống và trải nghiệm sâu sắc, nâng nội lực viết của ông lên hàng cao thủ. Hàng loạt tập truyện ngắn Trần Kim Trắc ra đời, khẳng định luôn một cái tên lớn. Và cũng nói lên một nỗi niềm khát viết.

Sau khi tập Nụ Cười 307 xuất bản không lâu, bỗng dưng ông bưng lên cho tôi một chồng bản thảo. Ông nói ông muốn giao tất cả tác phẩm một đời của ông cho tôi giữ và trọn quyền sử dụng. Tôi hết hồn, chỉ ông ra Nhà xuất bản Trẻ...

Tiếc lắm khi ở cùng một thành phố, mà khi ông mất tôi không hề biết. Cũng một phần do tính ông, sống rất kín đáo. Nhớ ông, một ông già Nam Bộ viết văn, có cái nhìn và nụ cười thấu đời của một người đã trải qua một nỗi buồn khôn xiết...

Nhà văn Trần Kim Trắc mất 49 ngày công chúng mới biết... Nhà văn Trần Kim Trắc mất 49 ngày công chúng mới biết...

TTO - Đêm 3-1, hay tin nhà văn Trần Kim Trắc mất, cánh phóng viên bàn nhau nên làm tin giờ cuối, nhưng khi gọi điện trực tiếp cho bà Hoàng Minh Nguyệt - vợ của nhà văn, bà Nguyệt nói ngay: Ông mất từ ngày 17-11 rồi kia.

NGUYỄN ĐÔNG THỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên