Phóng to |
TS khảo cổ học Nishimura Masanari (thứ tư từ trái qua) tại một bãi khai quật, bên những người dân ở làng gốm cổ Kim Lan (Gia Lâm, Hà Nội) - nơi gia đình ông gắn bó 12 năm nay và đã quyên góp tiền xây dựng cho làng một bảo tàng gốm sứ độc đáo - Ảnh: Noriko |
11g, tiến sĩ Nguyễn Quốc Tuấn - viện trưởng Viện Tôn giáo - đau đớn thông báo: tiến sĩ khảo cổ học Nhật Bản Nishimura, người đã có 23 năm gắn bó với khảo cổ học VN, đã mất trong một tai nạn giao thông trên đường 5 (từ Hà Nội đi Hải Phòng) khi đang đi xe máy xuống khu vực khảo sát chuẩn bị cho một cuộc khai quật mới.
Nishi (theo cách gọi thân mật của bạn bè khảo cổ) sinh năm 1965, mới 48 tuổi, tính tuổi ta là 49 - cái tuổi nhiều tai ương theo quan niệm phương Đông.
Nishimura Masanari có tên Việt là Lý Văn Sỹ, sinh ra và lớn lên tại thành phố Shimonoseki, Nhật Bản. Tốt nghiệp khoa khảo cổ học Trường đại học Tokyo, năm 1990 Nishimura Masanari bắt đầu đến VN trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa các nhà khoa học Nhật Bản và Viện Khảo cổ học VN khai quật một số mộ cổ ở Nghĩa Đàn (Nghệ An).
Tháng 11-1998 Nishimura đã phát hiện một mảnh khuôn đúc trống đồng có niên đại khoảng thế kỷ 1 - 3 sau Công nguyên. Đây là mảnh khuôn đúc trống đồng duy nhất từ trước tới nay phát hiện được ở VN và là một tư liệu quan trọng cho việc nghiên cứu về trống đồng. Năm 2006 Nishimura bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Hiện Nishimura công tác tại Viện Khảo cổ học VN. Ông cũng là người sáng lập Quỹ Bảo vệ di sản văn hóa dưới lòng đất Đông Nam Á.
Nhưng Nishi không đến VN một mình, và cũng không chỉ quan tâm đến trống đồng cùng các di sản vùng Trung và Nam Trung bộ. Nishi đã đến và gặp ở VN người bạn đời Nishino Noriko - một nghiên cứu sinh về ngôn ngữ VN. Tình yêu với khảo cổ và với Nishi đã khiến Noriko bỏ ngôn ngữ sang nghề “đào bới”, họ thành đôi và sau khi trở về Tokyo bảo vệ tiến sĩ, Noriko và Nishi đã mang hai con trở lại VN, tiếp tục những con đường khảo cổ khắp nẻo làng quê Việt.
Vợ chồng nhà khảo cổ học Nhật Bản đã góp phần cùng những nông dân làng gốm cổ Kim Lan ven sông Hồng thành lập bảo tàng gốm Kim Lan - một trong những bảo tàng gốm địa phương phong phú, đa dạng về hiện vật và hình thức hoạt động nhất hiện nay (Duyên nợ làng gốm cổ, Tuổi Trẻ Xuân 2013). Người dân làng Kim Lan đã và sẽ mãi mãi yêu mến Nishi và Noriko khi họ không chỉ làm việc ở đây, mà còn cùng những đứa con gắn bó máu thịt với làng gốm này suốt 12 năm qua.
TS Nishimura đã tham gia hàng chục cuộc khai quật lớn nhỏ, tham dự rất nhiều hội thảo khoa học quốc tế về VN và luôn dành cho mảnh đất chứa nhiều trầm tích văn hóa này những lời lẽ đầy tình cảm trên các chứng cứ khoa học.
Vĩnh biệt Nishimura - nhà khảo cổ tài năng và tận tụy với VN, PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung (ĐH KHXH&NV Hà Nội) nghẹn ngào: “Cầu mong vợ và hai con em vững vàng vượt qua cơn sóng gió này và Noriko tiếp bước con đường mà hai em đã chọn! Cảm ơn em về tất cả!”. TS Nguyễn Quốc Tuấn chia sẻ: “Thương em, một tài năng chói sáng đã mất. Anh kính phục em. Cầu mong em siêu sinh tịnh thổ”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận