06/02/2013 09:25 GMT+7

Duyên nợ làng gốm cổ

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TTXuân - Noriko ngồi xếp bằng trên chiếu cơm quê, gắp rau muống luộc bằng đũa chấm nước cá kho ăn ngon lành. Chồng cô, anh Nishimura, vừa mới tắm dưới sông Hồng lên, đỡ vội ly rượu gạo chủ nhà mời. “Ngon, ngon quá!” - anh trầm trồ.

Nhìn họ cứ tưởng con cháu chủ nhà, hiếm ai nghĩ đó là hai tiến sĩ khảo cổ đến từ Tokyo, Nhật Bản, đã gắn bó với làng quê Kim Lan bên bờ sông Hồng này hơn 12 năm.

6AiCRt9c.jpgPhóng to
Một góc bảo tàng Kim Lan do vợ chồng Noriko vận động xây dựng - Ảnh: Noriko
qtigHF2C.jpgPhóng to

Nhìn Noriko co ro ngủ ngon lành trên chiếc chiếu tơi, rồi nhìn ba cha con anh Nishimura vùng vẫy đùa giỡn dưới làn nước đỏ đục phù sa, tôi đã nghĩ họ là khách Hà Nội về chơi. Chỉ đến khi nhìn thấy những viên gạch vỡ, chiếc bát cổ mà họ mò mẫm tìm được ở bãi khảo cổ này, tôi mới hiểu được công việc thầm lặng của họ ở Việt Nam.

“Duyên nợ” từ cái bát

Nơi những gì tìm thấy ở ngôi làng Kim Lan, Noriko và Masanari cho biết họ thật sự ngưỡng mộ lịch sử nước Việt. Cũng như Nhật Bản đã phát triển trên rẻo đất khắc nghiệt giữa biển, nước Việt có thể tự hào về dân tộc và lịch sử kiên cường của mình.

Noriko tâm sự: “Một hình ảnh nhỏ bé, bình thường nhất để chứng minh điều này chính là những nông dân. Ở trên bãi cổ vật có nhiều thứ trị giá đến hàng ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn đôla mà người dân vẫn không mảy may động lòng tham bán đi, quyết tâm giúp đỡ không công cho khảo cổ. Họ phải là những người đặc biệt lắm, có tinh thần dân tộc mãnh liệt lắm mới trong sáng như vậy”.

Nở nụ cười hồn nhiên, Nishino Noriko trò chuyện với tôi bằng tiếng Việt với những câu cú, văn phạm rất chuẩn: “Lẽ ra mình là nhà ngôn ngữ Việt đấy, chứ không phải đào bới lung tung như thế này đâu”. Noriko kể cô đến Việt Nam lần đầu vào năm 1999 ở TP.HCM để học ngành ngôn ngữ tại ĐH Khoa học xã hội và nhân văn. Thầy giáo biết cô là người thủ đô Tokyo bèn nói vui: “Vậy thì em nên ra Hà Nội học ngôn ngữ, người hai thủ đô với nhau dễ đồng cảm”. Thế là Noriko nhảy xe lửa ra Hà Nội thật.

Sau những buổi lên giảng đường, cô sinh viên Nhật mải mê dạo phố cổ. Một chiều, cô đã sững sờ đứng lặng nhìn những chiếc bát cổ trong cửa hiệu lưu niệm. Thấy cô gái Nhật nhìn chăm chăm mấy cái bát, chủ cửa hiệu xòe tay ra giá 10.000 đôla. Noriko không có tiền mua, chỉ ngẩn ngơ nhìn. Cô cảm nhận những bát cổ này của nước Việt có gì đó tương đồng với văn hóa, thẩm mỹ quê hương mình. Chúng đẹp tinh tế, sâu lắng trong những đường nét tưởng chừng như thô mộc giản đơn.

Từ sau hôm ấy, Noriko bắt đầu quan tâm tìm hiểu đồ cổ Việt. Nói được tiếng bản địa, cô đi sâu vào lĩnh vực khá nhanh. Từ ngôn ngữ học, cô chuyển sang ngành khảo cổ và đã làm luận án gốm cổ Phù Lãng ở đồng bằng Bắc bộ xưa.

“Đây mới chỉ là bước chân đầu tiên trên con đường văn hóa sâu thẳm. Có thầy giáo đã nói với tôi rằng em mới sờ chạm được bề ngoài của lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc có đất nước hình cánh cung trước biển này thôi. Muốn tìm đến được tận cái hồn của nó, em còn phải dấn bước nhiều nữa” - Noriko tâm sự về quyết tâm làm luận án cao học, rồi tiến sĩ về đề tài gốm sứ thời Lý,

Trần đến nay. Công trình khai quật đầu tiên cô tham dự là ngôi mộ cổ 300 năm của một người Nhật Tani Yarirobei ở Hội An. Lặng lẽ bóc tách từng lớp thời gian dưới đất đá, cô hiểu rằng mình đã chọn đường đi đúng với đời mình. Lịch sử, văn hóa Nhật Bản có nhiều nét tương đồng. Để hiểu thêm quê hương mình, cô có thể tìm hiểu từ chính lịch sử nước Việt.

Đến thăm nhà một giáo sư sử học ở Hà Nội, cô tình cờ gặp Nishimura Masanari, người về sau chính là hôn phu của cô. Những câu chuyện bạc màu cổ xưa với người thầy Việt, với bạn đồng hương đã làm tâm hồn cô xao động. Một duyên nợ mới đến với đời cô. Cùng đam mê thầm lặng, Masanari và Noriko tự nhiên có nhiều đề tài khảo cổ làm cùng với nhau.

Một hôm, bác nông dân Nguyễn Việt Hồng ở xã Kim Lan, huyện Gia Lâm, Hà Nội đến gõ cửa viện khảo cổ, kể đã tình cờ tìm thấy nhiều mảnh vò, lọ, bát, đĩa, tiền cổ trong các lần đào giếng, làm vườn. Thậm chí ngay bờ bãi sông Hồng, họ cũng nhặt nhạnh được nhiều thứ cổ xưa này. Người dân đặt ra nghi vấn cực kỳ thú vị: phải chăng ngoài Bát Tràng, đất Kim Lan cũng từng là trung tâm gốm cổ đang lưu giữ hồn xưa của châu thổ sông Hồng? Thế là viện khảo cổ cử chuyên gia đến. Noriko và Masanari cũng tham gia. Một sự tình cờ như duyên đưa đẩy hai người Nhật gắn bó với ngôi làng nhỏ này suốt hơn 12 năm qua.

Ban đầu dân địa phương cũng hơi ngỡ ngàng. Họ đinh ninh những việc lịch sử, khảo cổ Việt Nam này chỉ có chuyên gia Việt mới làm nổi. Tuy nhiên, chỉ thời gian rất ngắn, họ từ xa cách đã chuyển sang quý mến Noriko và Masanari như người con ruột thịt của làng. Ngoài nói tiếng Việt như người Việt, hai người Nhật còn thật sự thích thú cuộc sống dân dã, đạm bạc ở làng quê Kim Lan. Buổi sáng, họ ăn qua quýt chén cơm nguội để ra bãi khảo cổ. Buổi trưa, ngả lưng nghỉ mệt trên manh chiếu tơi. Chiều về, họ nhảy thẳng xuống tắm nước sông Hồng cùng đám trẻ chăn trâu, câu cá. Đặc biệt, họ cũng rất thích các món ăn quê và rượu gạo nồng cay.

Noriko cười kể: “Làm khảo cổ ở nhờ, ăn nhờ nhà dân. Ban đầu các bà tưởng chúng tôi khó ăn, cứ hỏi han nấu nướng kiểu Nhật này nọ. Về sau thấy chúng tôi cứ thèm món rau luộc chấm cá kho, canh cua, cà pháo, thế là họ vui lắm. Cả nhà cùng nấu ăn chung như gia đình”. Noriko kể nếu không có tình cảm này, cô đã không gắn được với Kim Lan lâu như thế. Thấy đôi người Nhật làm việc say mê, nhiệt tình, bà con trong làng cũng ra đào bới, tìm cổ vật giúp và không chịu nhận một đồng tiền công nào.

lRZCh9U0.jpgPhóng to

Tiền cổ được Noriko và dân làng tìm thấy ở Kim Lan - Ảnh: Quốc Việt

Tình yêu đặc biệt

Tuy nhiên, niềm vui lớn nhất của người dân chính là những gì Noriko và Masanari đã làm được cho ngôi làng này. Từ bờ bãi ven sông Hồng, họ đã tìm thấy cả một trầm tích văn hóa rực rỡ qua hàng ngàn hiện vật cổ xưa, từ những tấm ngói mũi hài, gạch trang trí hình chim phượng, bát đĩa hoa cúc màu nâu sắt, men trắng, tiền đồng. Trong đó có những đồng tiền Khai Nguyên đời Đường, tiền Thái Bình đời Đinh Tiên Hoàng, tiền Thiên Phúc thời Lê Đại Hành… Những hiện vật cái còn, cái vỡ này đã kể lại Kim Lan là một ngôi làng cổ 2.000 năm tuổi.

Từ thời Lý, Trần, làng này đã phát triển rực rỡ và từng là một trong những trung tâm cung cấp vật liệu xây dựng kinh thành Thăng Long cùng sản xuất các vật liệu sinh hoạt bằng gốm sứ cho cả hoàng gia lẫn dân thường. Điều thú vị là Masanari và Noriko phát hiện thêm nhiều cổ vật xuất xứ ở đây cũng từng được tìm thấy dưới các trầm tích văn hóa cổ Nhật Bản ở thế kỷ 14, chứng tỏ sức sống trải dài nhiều thế kỷ của Kim Lan cũng như hàng hóa nước Việt từng vượt biển xa đến tận Nhật.

Năm 2001, Noriko và Masanari đã thành vợ thành chồng ở Việt Nam. Một đám cưới rất bình dị, khách Nhật thì ít, khách Việt lại đông. Nhiều người dân làng Kim Lan và cả từ Vụ Bản (Nam Định), Phù Lãng (Bắc Ninh)… lên tận Hà Nội để chia vui. Đó chính là người dân ở những nơi đôi vợ chồng Nhật đã lặng lẽ tìm lại hình hài, linh hồn xưa của nước Việt.

Hơn 12 năm ở Việt Nam và làm được bao nhiêu thứ sâu sắc cho quê hương mới này, nhưng Noriko và Masanari vẫn sống ở nhà thuê chật hẹp trong ngóc ngách ngoài đê Hà Nội. Đi xuống các bãi khảo cổ, họ thường xuyên đón xe buýt, xe ôm, rồi sau này biết đường thì tự lái xe máy, xe đạp để dành tiền cho công việc. Sống khó khăn như vậy nhưng họ lại quyên góp tiền xây dựng cho Kim Lan một nhà bảo tàng gốm sứ độc đáo giữa làng quê.

Hôm ghé nơi họ thuê trọ trong ngách nhỏ trên đường Âu Cơ ngoài đê sông Hồng, tôi đã lạc lối mấy lần mới tìm được căn nhà nhỏ tít sâu bên trong. Noriko vừa đi chợ về với bó rau muống và mấy con cá nhỏ làm bữa trưa cho chồng con. Không cần nói gì lớn lao, chỉ lặng nhìn họ quây quần bên bữa cơm đạm bạc, tôi đã cảm nhận được tình yêu đặc biệt mà họ đã dành cho quê hương thứ hai của mình.

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên