Cuộc đời qua ảnh của đại văn hào Garcia MarquezTác giả "Trăm năm cô đơn" qua đời ở tuổi 87Gabriel García Márquez: Còn sống, còn yêu
Nghe sách nói Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôiNghe sách nói Sống để kể lại - Phần 1Sống để kể lại - Phần 2Sống để kể lại - Phần 3Sống để kể lại - Phần 4
Colombia nghèo đói, ma túy trên các bản tin thời sự quốc tế, vụt cái được nhắc nhớ trân trọng bởi tên một nhà văn là Gabriel Garcia Maquez được trao giải Nobel văn chương năm 1982.
Tác phẩm chính tạo nên tên tuổi và đưa lại giải thưởng cho ông - cuốn tiểu thuyết mang tên Trăm năm cô đơn - cũng là tác phẩm tiêu biểu của dòng văn học bùng nổ vào những năm 1960, 1970 có tên gọi "chủ nghĩa hiện thực huyền ảo Mỹ Latin". Nhớ tới ông, như vậy, là nhớ tới một chủ nghĩa hiện thực rất đặc trưng đó, cái đã mang lại cho văn học thế giới một sắc màu, khí vị rất riêng, mà sau ông còn có Mario Vargas Llosa, nhà văn Peru, được trao giải Nobel văn chương năm 2010.
Nhớ tới ông, người đọc Việt Nam còn nhớ tới dịch giả Nguyễn Trung Ðức (1942-2001) - người có thể gọi là nhà "Marquez học" - khi một mình ông đã chuyển ngữ hầu hết tác phẩm chính yếu của Marquez sang tiếng Việt, đã viết nhiều bài nghiên cứu về ông, đã tự nguyện coi việc dịch thuật của mình là làm "con khỉ của nhà văn" như ông đã gọi, để đưa đến cho độc giả và văn giới Việt Nam một G. G. Marquez phong phú đầy đủ.
Còn nhớ khi các tác phẩm của ông sau Trăm năm cô đơn là Tình yêu thời thổ tả, Ngài đại tá chờ thư, Tướng quân giữa mê hồn trận, Giờ xấu, Mùa thu của trưởng lão, Tin tức về một vụ bắt cóc, Ký sự về cái chết được báo trước, Người chết trôi đẹp nhất trần gian... liên tiếp được dịch và in ra cuối thế kỷ 20, cho đến mãi đầu thế kỷ 21, cuốn Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi, cuốn hồi ký Sống để kể lại của ông vẫn được dịch và in kịp thời, đã đem lại những cảm giác ngạc nhiên thích thú cho bạn đọc bạn viết Việt Nam. Thích vì được tiếp xúc một thực tế khác lạ của một xứ sở ngoài mình. Thích vì một lối viết khác lạ đến khó tin, đến như không thực, nhưng lại thuyết phục người đọc tin rất thật vào điều nhà văn mô tả. Thích vì sức lay động, gợi mở của một cách nhìn văn chương đối với cuộc sống và con người.
Có thể nói Marquez đã làm thay đổi cả tư duy văn chương của nhiều nhà văn Việt Nam, ít nhất là ở chỗ giúp họ hiểu ra rằng viết văn không chỉ có một lối, không chỉ là hiện thực đơn thuần. Nhớ tới ông vì vậy còn là ở những phát ngôn đáng nhớ, như cái câu này: "Trong nghề văn khiêm tốn là một đức tính thừa". Bởi vì, cũng lời ông nói, "nếu anh có ý định viết một cách khiêm tốn thì chỉ là nhà văn hạng khiêm tốn mà thôi".
THA LY
Phóng to |
Đại văn hào Garcia Marquez khi còn sống -Ảnh: Reuters |
Garcia Marquez sinh ngày 6-3-1927 tại làng Aracataca ở bờ biển Colombia và được ông bà nội nuôi dưỡng trong nền văn hóa nhiệt đới Latin. Ảnh hưởng của văn hóa và truyền thống quê hương thấm đẫm trong những tác phẩm của ông. Kiệt tác Trăm năm cô đơn được xuất bản năm 1967 và trở thành một hiện tượng văn hóa toàn cầu. Đến nay đã bán được hơn 30 triệu bản và được dịch ra 35 ngôn ngữ. Đó là câu chuyện đậm chất kỳ ảo về một gia đình sống tại ngôi làng tưởng tượng Macondo bên bờ biển Caribbean từ thế kỷ 19 đến thế kỷ 20.
H.TR.
Colombia tổ chức ba ngày quốc tang Ngày 17-4, thế giới có lẽ đã trở nên cô đơn và sầu muộn hơn khi nhà văn đoạt giải Nobel Gabriel Garcia Marquez, người nổi tiếng với dòng tiểu thuyết hiện thực huyền ảo, qua đời ở tuổi 87. Theo Hãng tin AFP, gia đình không công bố nguyên nhân nhà văn gốc Colombia qua đời, nhưng ông nhập viện vì bệnh viêm phổi ngày 31-3 và được đưa về nhà tại Mexico City một tuần sau đó. Gia đình cho biết sẽ hỏa táng ông. Chính quyền Mexico tuyên bố sẽ tổ chức một buổi lễ tưởng niệm ông tại Trung tâm văn hóa Bellas Artes Palace ở Mexico City ngày 21-4. Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos cũng tuyên bố ba ngày quốc tang. “Cái chết của người Colombia vĩ đại nhất trong lịch sử gây ra nỗi cô đơn và sầu muộn suốt 1.000 năm” - Tổng thống Santos khẳng định. Cả thế giới cũng đã bày tỏ sự tiếc thương và lòng ngưỡng mộ đại văn hào xứ Mỹ Latin. Tổng thống Mỹ Barack Obama đánh giá thế giới đã đánh mất một trong những nhà văn vĩ đại nhất. “Những tác phẩm của ông sẽ còn tiếp tục sống mãi với các thế hệ tương lai” - ông Obama nhấn mạnh. Cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton kể lần đầu tiên ông đọc cuốn Trăm năm cô đơn hơn 40 năm trước, ông bàng hoàng kinh ngạc với trí tưởng tượng phi thường của tác giả và những xúc cảm chân thật mà tác phẩm này đem lại. Nhà xuất bản Penguin Random House ở Mexico so sánh ông Marquez là “Nelson Mandela của văn học”. HIẾU TRUNG |
Sự nhàm chán và trần tục chỉ thuộc về con người Đời sống con người luôn bị những biên giới nhiều nghĩa giam cầm. Và thế giới của thế kỷ 20 cũng như hiện tại đang rơi vào vòng giam cầm của những biên giới đó. Nó làm cho con người trở nên mệt mỏi, vô cảm và tuyệt vọng bởi những giới hạn trong đời sống của chính họ. Sự huyền ảo mà G. Garcia Marquez cùng với các nhà văn cùng khuynh hướng đã và đang từng bước phá vỡ những biên giới này. Nó mở ra một không gian mới, một cảnh giới mới và một tinh thần mới. Và chúng ta nhận ra một nguồn sống nóng hổi và rực rỡ ở ngay bên cạnh chúng ta mà chúng ta chỉ cần xoay nhẹ cái nhìn của mình là tức khắc nhận ra và hiện hữu ngay trong đó. Khi đọc những tác phẩm của G. Marquez và đặc biệt là Trăm năm cô đơn, nói một cách đơn giản nhất, tôi đã nhìn thấy sự thay đổi quan trọng trong cái nhìn của mình với chính cái làng của mình. Điều vĩ đại trong sáng tạo của Marquez là vậy. Bạn đọc trên thế giới, đặc biệt là những đồng nghiệp Việt Nam của tôi luôn bị ám ảnh với cái làng Macondo của ông. Không ít người đã từng mơ có một ngôi làng như thế - một hiện thực như thế để từ đó sáng tạo ra một tác phẩm ấn tượng, có ý nghĩa và làm ra một thế giới. Nhưng tôi đã nói với một số đồng nghiệp của mình rằng: Hầu hết những cái làng ở Việt Nam cũng giống làng Macondo. Chỉ có một điều khác là chúng ta chưa có những nhà văn như Marquez sinh ra và lớn lên từ những cái làng của mình. Mọi nơi chốn trên thế gian này đều chứa đựng những vẻ đẹp và những câu chuyện huyền ảo như thế. Không gian không phải là một mặt phẳng, nó là một khối đa phương mà không có bất cứ một bức tường kết thúc nào cả. Nó là một ngôi nhà với vô tận những ô cửa. Vì thế, khi chúng ta thấu hiểu và có ý thức mở những ô cửa đó thì thế giới này hiện ra trùng điệp không bao giờ dứt. Đấy chính là nguồn năng lượng cho sự sáng tạo của nghệ sĩ và quan trọng hơn nó là một bản tuyên ngôn: sự nhàm chán và trần tục chỉ thuộc về con người chứ không thuộc về thế gian. NGUYỄN QUANG THIỀU |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận