Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu (giữa) cùng hợp ca Tiếng hát mãi xanh trình diễn ca khúc Cuộc đời vẫn đẹp sao trong đêm nhạc mừng sinh nhật 90 của ông, ngày 8-11-2014 Ảnh: Quang Định |
Cả hai nhạc sĩ cùng được quàn tại Nhà tang lễ TP.HCM (25 Lê Quý Đôn, Q.3).
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu sinh ngày 11-11-1924 tại Đà Nẵng, là một trong những hội viên sáng lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Với những đóng góp to lớn, ông đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng ba, Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương Chống Mỹ hạng nhất, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật.
Âm nhạc của ông có giai điệu đẹp, trau chuốt với khoảng 100 ca khúc ở đủ thể loại: Hành khúc ngày và đêm (thơ Bùi Công Minh), Cuộc đời vẫn đẹp sao, Tình trong lá thiếp, Những ánh sao đêm, Bóng cây kơ-nia (thơ Ngọc Anh), Thuyền và biển (thơ Xuân Quỳnh), Anh ở đầu sông em cuối sông (thơ Hoài Vũ), Sợi nhớ sợi thương (thơ Thúy Bắc), Đội kèn tí hon, Nhớ ơn Bác, Những em bé ngoan...
Ông đã trút hơi thở cuối cùng lúc 10g15 ngày 29-6 tại Bệnh viện Thống Nhất. Lễ viếng nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu sẽ bắt đầu từ trưa 30-6-2015 tại Nhà tang lễ TP. Lễ động quan lúc 5g sáng 3-7, linh cữu được hỏa táng tại nghĩa trang Phú An Viên (Q.9) và sau đó theo di nguyện của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, tro cốt của ông sẽ rải ở sông Hàn (Đà Nẵng) quê ông.
Nhạc sĩ Phan Nhân tên thật là Nguyễn Phan Nhân, sinh ngày 15-5-1930 tại Long Xuyên, An Giang. Nhạc sĩ Phan Nhân từng công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam II tại TP.HCM. Sau khi nghỉ hưu, ông cư trú tại TP.HCM.
Các sáng tác của nhạc sĩ Phan Nhân thắm đượm cảm xúc về tình yêu quê hương đất nước. Trong đó, nổi bật nhất là bài Hà Nội - niềm tin và hi vọng. Bên cạnh đó là các ca khúc như Tình ca đất nước, Cây đàn ghi-ta của Victor Hara, Nhớ về Pắc Bó, Xa Hà Nội... cùng rất nhiều ca khúc cho thiếu nhi: Em là con gái má Út Tịch, Chú ếch con, Chú cừu Mộc Châu, Em là bông lúa Điện Biên...
Nhạc sĩ Phan Nhân được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật, Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương Chiến thắng hạng ba, Huy chương Thành đồng Tổ quốc, Huy chương Vì sự nghiệp văn học - nghệ thuật, Huy chương Vì sự nghiệp âm nhạc...
Nhạc sĩ Phan Nhân qua đời vào 11g45 ngày 29-6 tại nhà riêng số 193/21 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P.7, Q.3, TP.HCM. 21g cùng ngày, linh cữu được chuyển đến Nhà tang lễ TP.HCM. Lễ viếng bắt đầu từ ngày 30-6. Lễ động quan sẽ diễn ra sáng 2-7, sau đó được đưa đi hỏa táng tại Bình Hưng Hòa. Theo di nguyện của nhạc sĩ, tro cốt sẽ được đem về thờ tại chùa Hải Tuệ (Q.3, TP.HCM).
Nhạc sĩ Phan Hồng Sơn - phó chủ tịch Hội Âm nhạc TP.HCM, trưởng ban ca nhạc Đài truyền hình TP.HCM - chia sẻ:
“Trước đại hội của Hội Âm nhạc TP.HCM hôm 4 và 5-6 tôi đã hay tin nhạc sĩ Phan Nhân yếu rồi. Dẫu vậy, ông cùng nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu vẫn đến dự đại hội cùng chúng tôi. Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu còn ngồi cùng tôi ở bàn chủ tọa và đóng góp nhiều ý kiến hữu ích.
Ngày 23-6, tôi cũng hay tin nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu bệnh nên không thể tham gia chấm thi đêm thứ tư của cuộc thi Tiếng hát mãi xanh 2015 do Đài truyền hình TP.HCM tổ chức. Khi đó tôi đã hơi lo bởi dù trước đó nhạc sĩ vẫn khá khỏe và minh mẫn, nhưng ở tuổi 91 rất khó biết trước điều gì sẽ xảy ra.
Dẫu vậy, khi hay tin hai nhạc sĩ lần lượt ra đi vào sáng nay tôi không khỏi hụt hẫng. Cả hai nhạc sĩ không chỉ là những cây cổ thụ của nền âm nhạc Việt Nam mà tác phẩm, những nghiên cứu của cả hai ông còn như những bộ sách giáo khoa cho các thế hệ nhạc sĩ kế tục.
Mỗi nhạc sĩ có một phong cách rất riêng nhưng đều để lại những ấn tượng khó phai nhạt trong lòng bạn yêu nhạc nhiều thế hệ. Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu khẳng định mình với những bài tình ca lãng mạn cách mạng, còn nhạc sĩ Phan Nhân nổi danh với những bài tình ca đất nước. Và cả hai đều có nhiều sáng tác rất hay dành cho thiếu nhi.
Với Hội Âm nhạc TP, các nhạc sĩ là thành viên của hội đã học được rất nhiều từ hai vị nhạc sĩ cũng là những người thầy đáng kính này. Đó là chọn con đường cách mạng, làm cách mạng bằng nghệ thuật và lao động miệt mài, không ngừng nghỉ, gắn trái tim mình với nhịp đập của xã hội”.
Nhạc sĩ Phan Nhân Ảnh: T.T.D. |
Là một trong những ca sĩ thể hiện rất thành công nhiều ca khúc của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và nhạc sĩ Phan Nhân, ca sĩ - NSƯT Quang Lý cho biết ông rất bàng hoàng khi hay tin. Từ năm 18 tuổi, ông đã có cơ hội hát những ca khúc của hai nhạc sĩ này. Ông kể: “Khi đó tôi là thành viên nhỏ tuổi nhất trong đội ca của Đài Tiếng nói Việt Nam và nhạc sĩ Phan Nhân nằm trong ban biên tập âm nhạc của đài. Ấn tượng đầu tiên của tôi về ông là một nghệ sĩ hào hoa phong nhã với phong cách tài tử đúng kiểu miền Nam. Ông đã biên tập khá nhiều bài hát cho tôi và cũng tin tưởng cho tôi thể hiện ca khúc Hà Nội - niềm tin và hi vọng trong một chương trình kỷ niệm trận chiến thắng Điện Biên Phủ trên không. Tiết mục đó của tôi đã được phát thanh cũng như phát sóng rất nhiều lần trên các đài, thật sự là một kỷ niệm đẹp trong tôi. Còn với nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, tôi cũng lần đầu hát tốp ca bài Đoàn giải phóng quân của ông cho Đài Tiếng nói Việt Nam. Khi đó, tôi đã rất ấn tượng với nét nhạc của ông và không ngờ ông cũng để ý đến giọng hát của mình. Những năm 1980, tôi mới có dịp tiếp xúc với ông và bất ngờ khi được ông mang đến gửi hai ca khúc Thơ tình cuối mùa thu và Thuyền và biển. Ông nói hai bài này chắc rất hợp giọng Quang Lý và mong muốn được nghe tôi thể hiện. Trước tình cảm đó, tôi rất xúc động và hạnh phúc vô vàn khi đã không phụ lòng tin của ông, thể hiện thành công hai ca khúc đó, nhận được sự ủng hộ của bạn yêu nhạc khắp cả nước. Sự ra đi cùng lúc của cả hai nhạc sĩ, hai người có rất nhiều ảnh hưởng đến sự nghiệp âm nhạc của tôi, trong cùng một ngày khiến tôi bâng khuâng quá”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận