07/06/2012 14:10 GMT+7

Vinashin, Vinalines, Vina… nào nữa?

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội sáng nay 7-6, nhiều đại biểu Quốc hội đã đặt dấu chấm hỏi với công tác quản lý các tập đoàn kinh tế sau khi xảy ra những thất thoát ở Vinashin, Vinalines.

Xem toàn bộ hồ sơ về Vinalines

“Các công tử được quá nuông chiều”

Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) cho rằng thời gian qua chúng ta đã phải “trả học phí cao, không chỉ bằng hàng ngàn tỉ mà còn là cán bộ” cho “bài học tập đoàn, tổng công ty nhà nước”. Ông Đáng đề nghị phân tích rõ nguyên nhân, mổ xẻ thành bài học kinh nghiệm và quyết tâm sửa chữa thì từ nỗi đau đó sẽ trở thành dấu hiệu tích cực cho tương lai nền kinh tế.

oiRVcsvv.jpgPhóng to
Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị): các tập đoàn như các "công tử đang được quá nuông chiều" - Ảnh: Việt Dũng

Đại biểu Đáng nhận xét các báo cáo của Chính phủ “không thấy đề cập đến vấn đề lợi ích nhóm và các nhóm lợi ích”. Ông cho rằng trong nền kinh tế thị trường, nhóm lợi ích là tồn tại khách quan. Nhưng để nhóm lợi ích xâm phạm đến lợi ích chung, can thiệp vào chính sách thì rất nguy hiểm. “Quốc hội, Chính phủ cần cảnh giác với vấn đề này, đặc biệt là trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế” - ông Đáng đề nghị.

Phát biểu với chất giọng khá gay gắt, phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Lê Như Tiến (Quảng Trị) nhìn nhận tình trạng tham nhũng đang “thách đố kỷ cương, phép nước”. Ông Tiến khẳng định đất đai, tài nguyên khoáng sản, tín dụng, ngân hàng, mua sắm tài sản công, đề bạt cán bộ… đang là những mảnh đất khu trú của tham nhũng.

“Người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp có đặc quyền gần như tuyệt đối với đất đai. Đất đai là hàng hóa đặc biệt nên rất dễ làm họ xúc động” - ông Tiến nói.

Theo ông Tiến, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước được thành lập và được ví như các quả đấm thép của nền kinh tế nhưng “một số quả đấm thép đang tan chảy”. Nguyên nhân, theo ông Tiến, là “các công tử này đang được quá nuông chiều”. Ông nói: “Sau PMU 18 đến Vinashin, rồi Vinalines, cử tri bảo còn chờ xem có những Vina… nào nữa”.

Đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ) cũng đặt câu hỏi: Cái ụ nổi mà Vinalines mua đã được đóng cách đây mấy chục năm, vậy còn bao nhiêu ụ nổi như vậy nữa? Trong khi đó, đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) đề nghị “Chính phủ phải báo cáo Quốc hội tình hình sức khỏe các tập đoàn, tổng công ty nhà nước”.

Khoan sức dân, giảm thuế cho doanh nghiệp

Theo ông Huỳnh Nghĩa, trong tình trạng nền kinh tế có nguy cơ rơi vào trì trệ và chứa nhiều rủi ro, biện pháp “khoan sức dân, khoan sức doanh nghiệp trong thời điểm này là rất quan trọng”.

Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng vấn đề đang nổi lên qua kết quả kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, giảm tổng cầu của nền kinh tế nhưng dường như giảm quá nhanh. Chính vì vậy, khi nền kinh tế tăng trưởng trở lại sẽ gặp nhiều khó khăn. “Tôi không đồng tình với quan điểm khi này thì hi sinh tăng trưởng, khi khác thì hi sinh lạm phát. Mục tiêu phải là tăng trưởng liên tục, giảm lạm phát” - ông Lịch nói.

Ông Lịch cho rằng năm nay cần phải cố gắng đạt mức tăng trưởng 5,5%, giữ lạm phát 8%. Lạm phát 8% tuy vẫn cao nhưng trong tình trạng xấu thì phải chọn phương án đỡ xấu nhất. “Cần giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống 20%, tạo niềm tin cho doanh nghiệp, trước sau cũng phải giảm, đây là thời gian giảm thích hợp và hiệu quả nhất” - ông Lịch đề nghị.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) “đề nghị ngân hàng giảm lãi suất xuống dưới 10% để doanh nghiệp tiếp cận vốn, nâng cao sức cạnh tranh”.

Còn đại biểu Nguyễn Cao Phúc (Quảng Ngãi) thì đề nghị “giảm thuế VAT để khuyến khích doanh nghiệp và người tiêu dùng”.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên