Phóng to |
Dù đã chậm đến 27 tháng nhưng tàu dầu Dung Quất 01 (trọng tải 104.000 tấn) do Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (thuộc Vinashin) đóng vẫn chưa thể hạ thủy - Ảnh: Đức Tâm |
Chiều 2-7, tại cuộc họp báo của Văn phòng Chính phủ, ông Phạm Viết Muôn - phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - đã trả lời nhiều câu hỏi của báo giới liên quan đến việc tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy VN (Vinashin).
Hiệu quả 750 triệu USD trái phiếu? Trả lời câu hỏi về hiệu quả sử dụng 750 triệu USD tiền Chính phủ phát hành trái phiếu quốc tế năm 2005 cho Vinashin vay lại, ông Nguyễn Công Nghiệp - thứ trưởng Bộ Tài chính - cho biết số tiền này Vinashin dùng để đóng tàu, bây giờ chưa đến hạn trả nợ, năm 2012 mới bắt đầu trả nợ. Ông Nghiệp nói hiện Vinashin vẫn trả lãi bình thường. |
* Tuổi Trẻ: Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định về việc tái cơ cấu Vinashin. Việc tái cơ cấu này có phải để giảm nợ cho Vinashin?
- Mục tiêu không phải giảm nợ mà thứ nhất là duy trì và phát triển ngành công nghiệp đóng tàu và sửa chữa tàu biển; thứ hai là sử dụng có hiệu quả năng lực, cơ sở vật chất đã và đang đầu tư; thứ ba là không làm ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của các tổ chức tín dụng; thứ tư là đảm bảo đời sống, việc làm cho người lao động.
* Tiền Phong: Để xảy ra những vấn đề ở Vinashin như thời gian qua, liệu Chính phủ có sự ưu ái với tập đoàn này?
- Phát triển ngành cơ khí chế tạo, trong đó cơ khí đóng tàu là một trọng điểm và định hướng chiến lược của nước ta. Đã là trọng điểm thì có hỗ trợ, chứ không có ưu ái. Vinashin cũng như bất kỳ doanh nghiệp nào khác hoạt động theo luật pháp, tiền vay ngân hàng phải thực hiện cho tốt... Để xảy ra tình trạng hiện nay của Vinashin có nguyên nhân bên ngoài và nguyên nhân bên trong, mà nguyên nhân bên trong là quyết định. Như chúng ta đã nói, mấy năm nay là đầu tư dàn trải, quản lý tài chính, công nợ, dòng tiền... còn hạn chế, yếu kém. Việc này Thủ tướng đã yêu cầu hội đồng quản trị, ban tổng giám đốc Vinashin phải kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, của cá nhân, của hội đồng quản trị, của ban tổng giám đốc và các thủ trưởng đơn vị thành viên, nếu sai phạm thì xử lý và báo cáo Thủ tướng.
* Sài Gòn Tiếp Thị: Thưa ông, tính đến thời điểm hiện nay, nợ của Vinashin là bao nhiêu, sau khi tái cơ cấu thì số nợ, nhất là nợ quá hạn của Vinashin là bao nhiêu, hướng xử lý thế nào?
- Nợ chung của Vinashin khoảng hơn 80.000 tỉ đồng. Lần này tái cơ cấu thì chuyển nợ. Tổng tài sản Vinashin chuyển qua PVN và Vinalines khoảng trên 20.000 tỉ đồng.
* Thời Báo Kinh Tế VN: Có đánh giá rằng một số dự án được chuyển giao là thuộc lĩnh vực chính của Vinashin và đây là các dự án triển vọng, liệu có mâu thuẫn gì ở đây?
- Đúng là trong các dự án chuyển giao có một số dự án thuộc lĩnh vực chính của Vinashin, nhưng những dự án đó nếu để ở Vinashin thì không có tiền tiếp tục đầu tư nên chuyển sang nơi khác, không có mâu thuẫn.
Bộ trưởng không biết Vinashin mua tàu
* Thời Báo Kinh Tế VN: Vừa qua đã có kế hoạch thanh tra Vinashin, vậy quyết định tái cơ cấu có làm ảnh hưởng kế hoạch này?
- Thanh tra là theo kế hoạch, việc tái cơ cấu không ảnh hưởng gì đến kế hoạch thanh tra. Sai phạm ở đâu thì xử lý ở đó.
* Tuổi Trẻ: Thưa ông, năm 2005 khi Chính phủ phát hành trái phiếu quốc tế về cho Vinashin vay lại thì có tham khảo ý kiến của các chuyên gia về tương lai của ngành công nghiệp đóng tàu ở VN không?
- Tham khảo ý kiến chuyên gia thì nhiều lắm. Vào năm 2006, 2007 Vinashin hoạt động tốt, phát triển tốt, qua năm 2008 mới suy thoái. Người ta đặt đóng tàu với mình 166 hợp đồng, giá trị 5-6 tỉ USD, nhưng có suy thoái lại thôi... Các cơ quan làm chiến lược, làm chính sách không phải chỉ tham khảo ý kiến chuyên gia trong nước mà cả nước ngoài để đánh giá.
* Pháp Luật TP.HCM: Theo ông, bài học qua vấn đề xảy ra ở Vinashin là gì?
- Các cụ ngày trước đã dạy tin thì tin nhưng phải kiểm tra. Luật của chúng ta quy định thẩm quyền của hội đồng quản trị quyết định những việc này việc kia, nhưng các bộ, các ngành không kiểm tra, không giám sát. Có những việc các đồng chí đầu tư rồi, mua tàu rồi, về đến đây các cơ quan nhà nước mới biết, Bộ Giao thông vận tải không biết, Thủ tướng không biết. Tới đây, trao thẩm quyền, phân cấp phải đi liền với kiểm tra, giám sát.
* Sài Gòn Tiếp Thị: Thưa ông, sau Vinashin thì tập đoàn nào sẽ được tái cơ cấu? Có phải là Tập đoàn Điện lực VN (EVN)?
- Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng thị trường điện cạnh tranh, trong đó có nội dung tổ chức lại EVN. Việc tổ chức lại EVN không phải như tái cơ cấu Vinashin.
GS.TS Trần Ngọc Hiên (phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn kinh tế của Ủy ban Trung ương MTTQ VN): Phải xem xét lại mô hình tập đoàn “Tái cấu trúc cả nền kinh tế nói chung và ở từng tập đoàn kinh tế nói riêng không phải là chuyện rách đâu vá đấy. Việc thí điểm hình thành Tập đoàn Vinashin và một số tập đoàn kinh tế khác có những điểm không tuân thủ đúng quy luật của kinh tế thị trường, sự hoành tráng về quy mô dựa trên những phép cộng đơn thuần không nói lên sự phát triển vượt bậc của một đơn vị kinh tế, nhất là trong tình trạng trình độ quản trị chưa đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy, việc Vinashin không tự lớn lên được và phải tái cơ cấu theo kiểu san sẻ hơn 10 trong số 40 đơn vị kinh tế của mình cho các tập đoàn, tổng công ty khác cũng là điều dễ hiểu. Chúng ta nói thí điểm mô hình kinh tế nhưng khái niệm tập đoàn lại không được làm rõ. Tập đoàn kinh tế lẽ ra phải được hình thành cùng với sự hoàn thiện của nền kinh tế thị trường chứ không phải bắt nguồn từ ý chí chủ quan, bao cấp, che đỡ và chỉ huy bởi mệnh lệnh hành chính. Tập đoàn đâu phải là thứ muốn to thì to, muốn nhỏ thì nhỏ mà phải tuân theo quy luật về chuỗi giá trị, về cơ cấu sở hữu trong nền kinh tế thị trường. Bài học từ “sự cố” Vinashin đòi hỏi các nhà quản trị kinh tế quốc gia phải xem xét lại mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước cùng với tính hiệu quả của nó”. LÊ KIÊN ghi Vinashin không tiếp tục góp vốn vào BEDC Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có ý kiến chỉ đạo về việc cơ cấu lại cổ đông của Công ty cổ phần phát triển đường cao tốc BIDV (BEDC). Cụ thể, bên cạnh việc Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy VN (Vinashin) không tiếp tục góp vốn vào BEDC, Phó thủ tướng cho phép hội đồng quản trị BEDC tự quyết định việc cơ cấu lại thành phần cổ đông và tỉ lệ góp vốn trên cơ sở tuân thủ đúng các quy định hiện hành. |
Tin bài liên quan:
Vinashin vẫn phải trả khoản nợ nước ngoài Vụ HVS lại thải hạt nix ra môi trường: Sở Tài nguyên - môi trường Khánh Hòa cho phépXây nhà máy xử lý chất thải nixCái giá của xỉ đồngKiến nghị cho nhập xỉ đồng nghe... hơi kỳ lạHyundai Vinashin lại nhập hạt nix"Nhập 20.000 tấn hạt nix là ít đấy!"Khởi công dự án xử lý Nix thải ở Khánh Hòa rồi... để đóĐổi đơn vị thi công nhà máy xử lý hạt nixHVS tiếp tục thải nix ra môi trườngUBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo kiểm tra, xử lý
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận