Phóng to |
Ông Nguyễn Chiến Thắng - Ảnh: T.B. |
Xây nhà máy xử lý chất thải nixCái giá của xỉ đồngKiến nghị cho nhập xỉ đồng nghe... hơi kỳ lạHyundai Vinashin lại nhập hạt nix
* HVS có văn bản chính thức xin tiếp tục nhập hạt nix không, thưa ông?
- Nix là hàng không cấm nên họ có quyền nhập và tỉnh “bật đèn xanh”. Thật ra, nếu họ muốn nhập thì tỉnh cũng không cản được xét về quy định của pháp luật. Tuy nhiên, HVS có xin tỉnh và tỉnh nói rằng khi nào các anh có phương án xử lý nix thải thì cứ nhập hạt nix. Hiện nay họ đã có phương án rồi, hai bên đã ký hợp đồng và nhà máy xử lý nix thải đã khởi công, đến năm 2011 sẽ hoàn thành.
Theo tôi, việc HVS nhập hạt nix lần này là bình thường. Họ nhập 20.000 tấn là ít đấy, ngày xưa mỗi lần họ nhập cả trăm nghìn tấn.
* Thưa ông, có phương án xử lý nix thải ở đây được hiểu là chỉ cần dự án được phê duyệt, khởi công nhà máy là đủ hay phải đợi đến khi nhà máy xử lý đi vào hoạt động, đồng thời xử lý cơ bản đống nix thải kia thì HVS mới được nhập lượng hạt nix mới?
- Nhà máy xử lý hạt nix đã được cấp giấy phép, được cấp phép xây dựng và đã khởi công. Việc xử lý nix thải đã được phân tích trong dự án rất rõ và đây là phương án hiệu quả có thể xử lý hàng trăm nghìn tấn nix thải mỗi năm.
* Nhưng theo chúng tôi biết, những năm qua việc xử lý nix thải đã có một số dự án khởi động, cũng có nhà máy... nhưng cuối cùng không có kết quả. Còn lần này cũng khởi động nhà máy, theo đánh giá của ông ra sao?
- Nhà đầu tư đã bỏ ra 1.500 tỉ đồng cho dự án là họ đã chuẩn bị các phương án hết rồi. Còn nếu nhà đầu tư không thực hiện đúng hợp đồng thì có nhà máy ximăng mua hết nix thải. Những nhà máy, dự án xử lý nix thải trước đây đúng là chưa hiệu quả, quy mô lại nhỏ, cũng chỉ là làm thử nghiệm thôi và hợp đồng đầu ra không có.
* Theo ông, việc nhập hạt nix của HVS lần này có cần ý kiến của Bộ Tài nguyên - môi trường không?
- Theo tôi, không cần. Hạt nix không độc nên không bị cấm hay hạn chế. Vấn đề là quản lý việc sử dụng như thế nào.
* Nếu Bộ Tài nguyên - môi trường nói rằng HVS chưa được nhập hạt nix mới khi chưa xử lý hàng trăm ngàn tấn nix thải hiện còn y nguyên thì tỉnh sẽ xử lý việc nhập 20.000 tấn hạt nix ra sao?
- Tỉnh sẽ bảo vệ và tỉnh làm thì tỉnh chịu trách nhiệm. Nhưng vấn đề là hiện nay quy định không cấm nhập hạt nix. Tỉnh sẽ quyết liệt bảo vệ, đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng hạt nix. Chúng tôi sẽ yêu cầu cán bộ môi trường xuống nhà máy giám sát.
* Theo lời ông, luật không cấm nhập hạt nix nhưng việc HVS tiếp tục nhập loại nguyên liệu này có gì mâu thuẫn với chủ trương của tỉnh trước đây là yêu cầu HVS chuyển sang đóng mới nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng hạt nix để sửa chữa tàu?
- Không chỉ HVS mà tất cả các nhà máy đóng tàu ở VN ngoài việc đóng mới còn tổ chức sửa chữa tàu biển, nhưng đối với HVS thì lại bị ghè. Thật ra sửa chữa hiệu quả kinh tế cao hơn.
* Cũng theo lời của ông, luật không cấm nhập hạt nix nhưng thực tế HVS sử dụng hạt nix đã phát sinh nhiều vấn đề về môi trường, gây lo lắng cho cộng đồng. Vì sao tỉnh không đứng ở góc độ hạn chế rủi ro cho môi trường để có thể yêu cầu HVS hạn chế sử dụng hạt nix?
- Không thể cấm họ nhập, nhưng HVS đã hợp tác suốt một thời gian dài không nhập hạt nix khi chưa có phương án xử lý hiệu quả nix thải.
* Theo ông, liệu đến cuối năm 2010 HVS có xử lý hết lượng nix thải theo kết luận của Thủ tướng?
- Theo tôi là không làm kịp, phải xin gia hạn tiếp. Việc này cả chục năm nay chưa giải quyết xong, bây giờ làm sao có thể giải quyết trong vòng một vài năm được.
* Hiện nay HVS vẫn chưa được ra khỏi danh sách các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng phải xử lý triệt để theo quyết định 64 của Thủ tướng?
- HVS chưa ra được vì chưa xử lý hết đống nix thải. Do đó, tỉnh luôn đôn đốc họ. Tuy nhiên, trách nhiệm giờ đã bớt vì họ đã ký hợp đồng xử lý rồi.
* Nếu đến năm 2011 lượng nix thải của HVS vẫn chưa thể xử lý được, vẫn còn nguyên như hiện nay, trong khi tỉnh “bật đèn xanh” cho HVS nhập hạt nix thì đến lúc đó ai chịu trách nhiệm?
- Tôi chịu trách nhiệm. Dám làm thì phải dám chịu trách nhiệm. Chúng ta phải có niềm tin vào nhà đầu tư.
* Nhưng xin hỏi thật ông, việc “bật đèn xanh” cho HVS tiếp tục nhập hạt nix có để lại những lo lắng trong ông?
- Lo chứ! Có HVS thật nhức đầu nhưng không có cũng không được.
Phóng to |
Hạt nix từ tàu Atlantic Star được bốc xuống xe tải đưa vào nhà kho (ảnh chụp chiều 30-12) - Ảnh: Quang Phương |
Hạt nix từng bị quản lý chặt ở Khánh Hòa Hạn chế tối đa sử dụng hạt nix. Đó là chủ trương trong nhiều năm qua của tỉnh Khánh Hòa trong việc khắc phục ô nhiễm tại HVS do hạt nix thải gây ra. Cụ thể, đầu tháng 7-2006 Ban cán sự Đảng UBND tỉnh xin ý kiến Ban thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu HVS phải chuyển qua đóng mới tàu biển vào năm 2007 để hạn chế tối đa việc sử dụng hạt nix. Tương tự, UBND tỉnh Khánh Hòa báo cáo Thủ tướng Chính phủ khẳng định đã yêu cầu HVS chuyển từ sửa chữa tàu biển sang thực hiện hoán cải và đóng mới tàu biển để hạn chế tối đa lượng nix thải. Báo cáo việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của HVS vào giữa tháng 12-2008, Bộ Tài nguyên - môi trường kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Khánh Hòa tạm dừng xem xét cho HVS nhập khẩu hạt nix cho tới khi có biện pháp xử lý xong nix thải, đảm bảo xử lý nix thải xong vào cuối năm 2010. |
Phóng to |
(Hà Nội) - Các cơ quan chức năng ở Bộ Tài nguyên - môi trường (TN-MT) đều chỉ biết về chuyện HVS nhập lại hạt nix qua thông tin trên báo chí. Sáng 30-12, Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Xuân Cường khẳng định lãnh đạo bộ vẫn chưa nắm rõ thông tin nên sẽ cho Tổng cục Môi trường kiểm tra lại vụ việc. “Khi báo đăng thông tin tàu chở 20.000 tấn hạt nix cho HVS cập bến, chúng tôi mới biết. Nếu được hỏi ý kiến, không ai đồng ý cho làm thế” - ông Cường nhấn mạnh.
Thứ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định Bộ TN-MT vẫn giữ quan điểm như tại phiên giao ban năm ngoái: thứ nhất đề nghị tỉnh Khánh Hòa và các bên đẩy nhanh việc xây dựng nhà máy xử lý số hạt nix đã qua sử dụng (Nhà máy xử lý chất thải nix Ninh Thủy vừa khởi công xây dựng đầu tháng 12-2009 và dự kiến mất 15 tháng); thứ hai, sau khi có nhà máy xử lý chất thải nix, sẽ có một hội đồng đánh giá việc xử lý hạt nix đạt hiệu quả hay không rồi mới bàn đến các giải pháp kiến nghị tiếp theo. Theo ông Cường, tại thời điểm này số hạt nix đã qua sử dụng vẫn còn đó, vì vậy việc HVS nhập lại hạt nix là không phù hợp theo đúng các quy định trước đây.
Trong khi đó, tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) Bùi Cách Tuyến cho biết trước đây với lý do giải quyết việc làm cho người lao động, tỉnh Khánh Hòa có đề nghị Bộ TN-MT có ý kiến cho HVS nhập lại hạt nix nhưng ý kiến của Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên vẫn là không ủng hộ việc nhập hạt nix, đặc biệt khi số chất thải nix qua sử dụng chưa xử lý xong. Ông Tuyến khẳng định việc cho HVS nhập lại hạt nix bộ cũng không nhận được báo cáo nào của Sở TN-MT tỉnh. Hiện tổng cục vẫn chưa biết cơ quan nào cho phép HVS nhập lại hạt nix.
Quyết định của Chính phủ trong ba năm qua Từ năm 2006 đến nay, lãnh đạo Chính phủ đã nhiều lần trực tiếp yêu cầu xử lý ô nhiễm môi trường do nix thải gây ra tại HVS. * Ngày 18-10-2006, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng thay mặt Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo về việc xử lý ô nhiễm môi trường do nix thải gây ra tại HVS. Phó thủ tướng giao Bộ TN-MT chủ trì, cùng UBND tỉnh Khánh Hòa làm việc với HVS để làm rõ các vấn đề liên quan, trách nhiệm của mỗi chủ thể, thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường theo quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. * Ngày 4-10-2007, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ TN-MT chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa, Bộ Giao thông vận tải, Văn phòng Chính phủ, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam và HVS để xem xét các kiến nghị của UBND tỉnh Khánh Hòa và HVS; thảo luận và thống nhất ý kiến về các giải pháp xử lý nix thải; làm rõ trách nhiệm của Bộ TN-MT và UBND tỉnh Khánh Hòa trong việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án cụ thể triển khai thực hiện các giải pháp xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31-10-2007. * Ngày 26-11-2007, Văn phòng Chính phủ đã phát hành công văn thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu HVS khẩn trương phối hợp với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có liên quan để xây dựng và tổ chức thực hiện các dự án tái chế hoặc xử lý nix thải nhằm bảo đảm đến cuối năm 2010 xử lý hết số lượng nix thải hiện đang tồn đọng tại kho chứa. UBND tỉnh Khánh Hòa phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam và HVS thực hiện dự án di dân, tái định cư theo kế hoạch đã thống nhất với các cơ quan này nhằm giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm bụi tới khu dân cư; các bộ và cơ quan có liên quan phối hợp và hỗ trợ UBND tỉnh Khánh Hòa, HVS giải quyết tốt nhiệm vụ bảo vệ môi trường tại HVS... * Ngày 24-12-2009, Văn phòng Chính phủ có thông báo kết luận của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải tại buổi làm việc với Bộ TN-MT. Theo đó, về vấn đề xử lý nix thải, Bộ TN-MT tiếp tục phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo sát sao việc khắc phục hậu quả, vi phạm, giám sát hoạt động và sản phẩm của nhà máy xử lý phế thải nix tại xã Ninh Thủy, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận