15/06/2012 07:43 GMT+7

Vinalines nợ hơn 43.000 tỉ đồng

V.V.THÀNH - VIỄN SỰ
V.V.THÀNH - VIỄN SỰ

TT - Chính phủ vừa có báo cáo Quốc hội về Vinalines. Theo đó, hiện nay tình hình tài chính của Vinalines rất khó khăn. Đến cuối năm 2011, vốn chủ sở hữu là 9.411 tỉ đồng, tổng tài sản là 55.853 tỉ đồng, nợ phải trả là 43.135 tỉ đồng (nợ ngắn hạn 9.309 tỉ đồng, nợ dài hạn 33.826 tỉ đồng).

Trong đó, nợ được đầu tư vào tàu biển và các dự án cảng biển (chủ yếu là cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải), kho bãi và sửa chữa tàu là 34.552 tỉ đồng. Nợ quá hạn của Vinalines là 207 tỉ đồng.

Xem toàn bộ hồ sơ về Vinalines

Báo cáo cho hay Vinalines vay khá nhiều vốn để đầu tư nhưng chưa phát huy được hiệu quả, dẫn đến chi phí cao, nợ nhiều... Trong giai đoạn suy thoái, Vinalines vẫn tiếp tục đầu tư đội tàu, mở rộng quy mô, đầu tư mạnh trong lĩnh vực cảng biển, trong khi nguồn lực cần thiết không đáp ứng yêu cầu... Công tác giám sát, hậu kiểm ở cấp bộ và tổng công ty trong thời gian qua chưa được chú trọng, chưa hỗ trợ hoạt động điều hành và quản trị của toàn tổng công ty.

Tổ chức sản xuất chưa hợp lý, một số doanh nghiệp vận tải biển thành lập quá nhiều đầu mối, đầu tư sang lĩnh vực khác (Công ty cổ phần Vận tải dầu khí thành lập nhiều công ty con/cháu, công ty mẹ đầu tư vào bất động sản, chứng khoán không đem lại hiệu quả).

Nội bộ mất đoàn kết kéo dài và sai phạm, tiêu cực trong quản lý, sản xuất kinh doanh. Lãnh đạo Vinalines không thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc đầu tư xây dựng dự án nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam, gây thiệt hại về kinh tế... Về dự án nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam, trên cơ sở ý kiến của các bộ, ngành, lãnh đạo Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc cho phép Vinalines được triển khai lập báo cáo đầu tư xây dựng (bằng nguồn vốn tự huy động) theo đúng các quy định hiện hành... Tổng công ty không thực hiện đúng chỉ đạo này.

Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo Vinalines xây dựng và thực hiện đề án tái cơ cấu toàn diện tổng công ty, tập trung vào ba nhóm kinh doanh chính là vận tải biển, cảng biển và dịch vụ; xác định quy mô hợp lý đối với từng nhóm phù hợp với điều kiện của tổng công ty và thị trường.

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng, phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng báo cáo dù cung cấp nhiều thông tin nhưng thông tin mà đại biểu quan tâm nhất là về những sai phạm trong triển khai các dự án, trách nhiệm của các cá nhân, biện pháp xử lý và khắc phục những sai phạm ở Vinalines đều không có hoặc chưa rõ ràng. “Nhất là việc mua ụ nổi, rõ ràng là có sai phạm từ khâu lọc đến khâu tổ chức thực hiện. Thế nhưng báo cáo lại hầu như không đề cập. Báo cáo như vậy là chưa rõ và chưa thể làm cử tri hài lòng”. Theo ông Hùng. những sai phạm này phải được nói rõ hơn, đồng thời Chính phủ phải đề ra những biện pháp xử lý và khắc phục để nhân dân thấy rõ hơn quyết tâm của Chính phủ trong vụ việc này.

V.V.THÀNH - VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên