"Trong những giấc mơ tăm tối nhất cũng không ngờ được, sẽ có một ngày chúng tôi rơi vào thời kỳ khó khăn đến thế" – Đó là chia sẻ của TGD Nguyễn Cảnh Tĩnh ngay khi được hỏi về thời điểm gian nan nhất trong hành trình 30 năm của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.

VIMC- 30 năm thăng trầm để rồi phát triển - Ảnh 1.
VIMC- 30 năm thăng trầm để rồi phát triển - Ảnh 2.

Ngày 29/4/1995 trên cơ sở sắp xếp lại một số doanh nghiệp vận tải biển, bốc xếp và dịch vụ hàng hải do Cục Hàng hải VN và Bộ GTVT quản lý, Vinalines đã được thành lập với số vốn ban đầu chưa đến 1500 tỷ đồng.

VIMC- 30 năm thăng trầm để rồi phát triển - Ảnh 3.

Còn hôm nay, cái tên Vinalines đã không còn nữa, thay vào đó là VIMC hay VietNam Maritime Corp, một doanh nghiệp đại chúng với giá trị vốn hóa vượt ngưỡng 100.000 tỷ khi cổ phiếu của họ vừa lập đỉnh lịch sử 87.500đ. Nhưng thành tích đó chỉ là một phần trong hành trình 30 năm với những lúc tưởng chừng đã đứng bên bờ vực phá sản.

Khởi đầu với 24 doanh nghiệp thành viên, cơ sở vật chất kỹ thuật thì lạc hậu. Đội tàu ban đầu chỉ có 49 chiếc với phần lớn là tàu cũ, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã có giai đoạn đỉnh cao vào năm 2010 khi số lượng tàu lên tới 150 chiếc với tổng trọng tải đạt gần 3,5 triệu DWT. Nhưng rồi tất cả đã trở thành cơn ác mộng sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 ảnh hưởng nặng nề tới ngành hàng hải.

VIMC- 30 năm thăng trầm để rồi phát triển - Ảnh 4.

"Khi thị trường sụp đổ, cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế năm 2008 đã phá nát tất cả. Cước vận tải biển khi ấy rơi tự do, tất cả đội tàu với tổng tải trọng hơn 3 triệu DWT bỗng trở thành một gánh nặng khổng lồ. Việc phải tiếp nhận thêm các doanh nghiệp thua lỗ từ TCT Công nghiệp tàu thủy Việt Nam càng như một đòn giáng liên hoàn. Thu không đủ bù chi, tất cả những nguồn lực dự trữ khi đó đều đã cạn kiệt." -Tổng Giám đốc Nguyễn Cảnh Tĩnh nhớ lại.

VIMC- 30 năm thăng trầm để rồi phát triển - Ảnh 5.

Khoản lỗ khổng lồ đã khiến Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đứng bên bờ vực phá sản. Suốt những tháng ngày khó khăn đó, Vinalines mà sau này là VIMC đã từng bước vực dậy chính mình.

Ngày 4/2/2013, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt Đề án Tái cơ cấu Tổng công ty Hàng hải Việt Nam giai đoạn 2012-2015.

Doanh nghiệp đổi mới mạnh mẽ trong chiến lược vận hành, cơ cấu lại các khoản nợ vay, xử lý nợ thông qua tham gia đàm phán trên nguyên tắc giá thị trường, tập trung vào quản lý tài chính hiệu quả, loại bỏ các doanh nghiệp thua lỗ, tinh giản bộ máy và liên tục đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhờ vậy, doanh nghiệp dần thoát ra khỏi vũng bùn và vươn lên dù sau thời điểm tái cơ cấu, thị trường vận tải biển vẫn còn rất khó khăn và mới chỉ có vài tín hiệu khởi sắc.

Một trong những dấu ấn lớn nhất chính là chiến lược cổ phần hóa, tái cấu trúc các đơn vị thành viên để đảm bảo tính hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh. VIMC không chỉ cải tổ mô hình kinh doanh mà còn đầu tư mạnh mẽ vào cảng biển, dịch vụ logistics, từng bước tạo nên hệ sinh thái vững chắc cho chuỗi cung ứng hàng hải Việt Nam.

VIMC- 30 năm thăng trầm để rồi phát triển - Ảnh 6.
VIMC- 30 năm thăng trầm để rồi phát triển - Ảnh 7.

Với định hướng phát triển dài hạn, VIMC không chỉ phục hồi mà còn vươn lên mạnh mẽ. Từ thời điểm khó khăn nhất khi vốn chủ sở hữu âm tới hơn 4600 tỷ đồng, tới nay không những đã phục hồi hoàn toàn mà còn dương tới 17000 tỷ đồng. Tất cả thành tựu đó đến từ việc tập trung vào ba trụ cột chính gồm vận tải biển, khai thác cảng và dịch vụ logistics, VIMC đang từng bước khẳng định vị thế dẫn đầu.

Hiện tại, hệ thống cảng của VIMC đang quản lý hơn 16 cảng biển lớn trên cả nước, chiếm gần 30% thị phần hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam. Những trung tâm logistics hiện đại tại Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM không chỉ phục vụ thị trường nội địa mà còn mở ra cánh cửa kết nối Việt Nam với mạng lưới thương mại toàn cầu.

VIMC- 30 năm thăng trầm để rồi phát triển - Ảnh 8.

Một trong những điểm sáng trong chiến lược phát triển của VIMC là việc đầu tư vào các cảng nước sâu, đón đầu xu hướng vận tải biển quốc tế. Những cảng như Cái Mép - Thị Vải, Lạch Huyện đang trở thành cửa ngõ giao thương quan trọng, có thể tiếp nhận những siêu tàu trọng tải lớn nhất thế giới và sắp tới là cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

Đây là một dự án được đánh giá sẽ biến vùng Đông Nam Bộ trở thành cảng trung chuyển quốc tế số 1 Đông Nam Á, thúc đẩy kinh tế toàn vùng Đông Nam Bộ, góp phần thúc đẩy chiến lược biển quốc gia, đồng thời khẳng định vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế.

Bước vào giai đoạn mới, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam không chỉ đặt mục tiêu phát triển ổn định mà còn hướng đến những tham vọng lớn hơn.

VIMC- 30 năm thăng trầm để rồi phát triển - Ảnh 9.

Với sự dẫn dắt của Chủ tịch Lê Anh Sơn và Tổng giám đốc Nguyễn Cảnh Tĩnh, tổng công ty đang dần hiện thực hóa chiến lược mở rộng hoạt động ra khu vực và thế giới. Các kế hoạch đầu tư vào cảng nước sâu, phát triển đội tàu theo hướng xanh hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ logistics đang được triển khai đồng bộ.

Ứng dụng công nghệ vào quản lý cảng biển, tối ưu hóa quy trình logistics bằng AI và phát triển các giải pháp vận tải xanh là những hướng đi chiến lược giúp tổng công ty tiếp tục bứt phá ngay cả khi tình hình kinh tế chính trị trên thế giới có nhiều diễn biến phức tạp khó lường.

Nhiều đối tác quốc tế là những tập đoàn đa quốc gia đã chủ động tìm đến và hợp tác. Hàng loạt cái bắt tay chiến lược với những "ông lớn" như Maersk, MSC hay CMA-CGM… là minh chứng rõ nhất tầm vóc của Tổng công ty trên trường quốc tế.

VIMC- 30 năm thăng trầm để rồi phát triển - Ảnh 10.



HẢI PHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Chủ đề: VIMC
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên