19/05/2009 05:07 GMT+7

Viết tiếp hiểm họa tài xế nghiện ma túy - Kỳ 1: "Nửa tỉnh nửa mê" trên đường

HOÀNG KHƯƠNG
HOÀNG KHƯƠNG

TT - Sau loạt bài “Hiểm họa tài xế nghiện ma túy”, nhiều bạn đọc cho biết tình trạng tài xế nghiện ma túy diễn ra rất phổ biến. Đáp ứng yêu cầu của bạn đọc, Tuổi Trẻ trở lại với đề tài này nhằm báo động nạn tài xế nghiện ngập đang lan rộng, nhất là tài xế chạy tuyến đường dài Bắc - Nam.

ygoTzsZx.jpgPhóng to

Các tài xế đang trong giai đoạn cắt cơn nghiện tại Trung tâm tiếp nhận đối tượng xã hội Bình Triệu (TP.HCM) - Ảnh: H.K.

PV Tuổi Trẻ đã tìm hiểu, gặp gỡ một số tài xế vướng vào con đường nghiện ngập. Nhiều tài xế đã bộc bạch những lời “lạnh sống lưng” về “hành trình nghiện” của mình…

Ngày 4-5, chúng tôi có mặt tại bến xe ngã tư Ga (quốc lộ 1A, P.Thạnh Lộc, Q.12, TP.HCM). Theo các trinh sát Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an TP.HCM, đây là một trong những tụ điểm ma túy khá phức tạp. Nhiều tài xế, lơ xe nghiện ma túy chọn nơi đây làm “bãi đáp”.

Tâm sự của các con nghiện

Trắng tay với ma túy

Bi đát hơn là trường hợp của ông S., 50 tuổi, quê Thái Bình, tài xế xe tải đường dài. Ông S. nghiện gần sáu năm, làm bao nhiêu tiền đổ hết vào ma túy, bỏ mặc vợ con. Chịu hết xiết, vợ ông S. đòi ly dị, ôm con đi đâu không rõ mấy tháng nay. Cuộc đời ông S. trượt dài không phanh. Từng có một gia đình hạnh phúc, vợ hiền con ngoan, nhà cửa đủ đầy, có ba xe ben chở đất... nay ông S. chỉ còn hai bàn tay trắng.

Ngồi trong quán nước quan sát, chúng tôi bắt gặp nhiều tài xế vừa vào bến liền giao xe cho lơ xe rồi lập tức đón xe ôm tìm chỗ “cắn” thuốc.

Chiều tối 4-5, chúng tôi thấy một tài xế xe khách chạy tuyến Nam Định - TP.HCM đến to nhỏ gì đó với một thanh niên đứng chờ sẵn trong bến xe. Sau khi trao tờ tiền 100.000 đồng và nhận một vật gì đó từ tay người thanh niên, tài xế tót lên xe đóng kín cửa. 10 phút sau, chúng tôi mở cửa bước lên xe (lúc này khách đã xuống hết). Trước mắt chúng tôi là cảnh tài xế nằm trên ghế, đang “chìm vào cõi tiên”.

Thấy có người lạ, anh ta giấu vội kim tiêm đang vứt lăn lóc bên cạnh, miệng quát: “Ông lên đây làm gì?”. Chúng tôi nói đón xe đi… Nam Định, tay tài xế hạ giọng: “Xe này mới vào bến, sáng mai ra đi”. Chúng tôi xin số điện thoại, anh ta ngần ngừ một lát rồi đọc “097 278…, gọi Bình”.

Thấy chúng tôi ngồi lì, Bình đuổi khéo “mai xe mới chạy”. Chúng tôi nói nhà xa, ngủ lại bến mai đi cho tiện. Bình không nói gì. Chúng tôi đánh bạo bắt chuyện: “Lái xe mà chơi “ken” liều quá vậy bố?”. Bình giật mình: “Ông nói linh tinh gì thế?”. Chúng tôi giở bài ngửa: “Hồi nãy thấy rồi”. Bình im lặng cảnh giác.

20 giờ, chúng tôi trở lại bến xe. Bình vẫn nằm đó. Chúng tôi mua một hộp cơm và chai nước mời Bình. Ban đầu Bình từ chối nhưng sau đó nhận chai nước. Qua câu chuyện chắp vá, Bình cho biết quê ở Nghệ An, có một vợ hai con. Làm phụ xe hai tháng thì “ngã vào vòng tay nàng tiên trắng”. Ba năm sau, khi trở thành tài xế thì cũng là lúc Bình đã nghiện quá nặng. Mỗi ngày Bình “đâm” (chích heroin) ba cữ nên lúc nào cũng phải có ma túy bên mình. Theo Bình, cánh tài xế đường dài có rất nhiều người nghiện.

Một trong những “bạn nghiện” của Bình là Hải, tài xế xe khách chạy tuyến Hà Nội - TP.HCM. Con đường đến với ma túy của Hải đơn giản vì thấy chiến hữu cùng cánh tài xế ai cũng hút chích, “mình không chơi thì lạc lõng lắm”.

Nhiều tài xế lý giải do công việc nặng nhọc, thường xuyên thức đêm lái xe nên phải xài ma túy cho tỉnh táo. Sang (quê Thanh Hóa), tài xế xe đầu kéo mà chúng tôi gặp tại bãi xe ở Q.9, cho biết do phải thức đêm, đi liên tục nhiều ngày, không có tài xế phụ nên hít ma túy cho đỡ buồn ngủ.

Biết nguy hiểm nhưng vẫn... phê

Hầu hết tài xế cho rằng khi lên cơn vã như người ngủ mơ, tay lái loạng choạng, rất dễ xảy ra tai nạn. Bình tâm sự: “Nhiều lúc thiếu thuốc, mắt mờ, chân tay run lẩy bẩy, không cầm nổi vôlăng. Lúc đó chỉ gắng làm sao chạy thật nhanh về bãi đáp để tìm hàng”. Điều đó lý giải tại sao nhiều tài xế tự lao vào nhà dân hoặc đâm xuống ruộng trong khi đường vắng, không bị khuất tầm nhìn.

Nhiều tài xế thừa nhận lúc phê cũng như lúc đói thuốc đều không làm chủ tốc độ, bất chấp biển báo tín hiệu giao thông. Bảo, tài xế xe khách, thú nhận không ít lần đang lái lên “cơn vật”, tụt huyết áp, không tự chủ được. Bất chấp trên xe chở hàng chục mạng người, Bảo chạy bạt mạng từ Vinh (Nghệ An) đến Đà Nẵng với quãng đường gần 500km. Trong cơn đói thuốc, có lúc Bảo để xe chạy tự do và chẳng bận tâm trên đường có gì. “Bây giờ nghĩ lại mới thấy rùng mình vì quá nguy hiểm” - Bảo ân hận.

Tú, tài xế xe khách chạy tuyến Lâm Đồng - Thái Bình, kể nhiều khi phê thuốc trong người hưng phấn cao độ, quên cả biển báo hạn chế tốc độ, phóng 100-120km/giờ. Lúc “đói” thì chạy theo quán tính, “chặt” cua hoặc vượt qua xe khác không cần giảm tốc độ.

Một số tài xế hiện đang trong giai đoạn cắt cơn tại Trung tâm tiếp nhận đối tượng xã hội Bình Triệu (Trung tâm Bình Triệu) cho rằng nếu kéo dài tình trạng “nửa tỉnh nửa mê” lái xe trên đường thì sớm muộn gì cũng gây tai nạn. Khi nhắc lại những chuyện này, chính các tài xế cũng rùng mình bởi hành động liều lĩnh.

Còn cầm lái, còn nghiện

Theo một cán bộ ở Trung tâm Bình Triệu, sau khi cắt cơn các con nghiện được chuyển đi các trường, trại cai nghiện theo quy định. Tuy nhiên, do đặc thù công việc nay đây mai đó, không người quản lý, đối tượng giao du thường xuyên là cánh tài xế “đồng hội đồng thuyền” nên nguy cơ tái nghiện rất cao. Nhiều tài xế vừa ra trại gặp bạn bè rủ rê, lôi kéo đã trở lại con đường nghiện ngập.

T., quê Thái Bình, cầm lái mười năm thì hết chín năm làm nô lệ cho “nàng tiên trắng”. Cách đây ba năm, T. từng bị đưa đi cai nghiện ở Hà Nội. Ra trại, T. ôm chiếc xe 50 chỗ chạy tuyến Hà Nội - TP.HCM. Gặp lại “chiến hữu”, T. cầm lòng không đậu nên tái nghiện. Một lần vã thuốc giữa đường, T. lao xe vào một cặp vợ chồng, phải bán nhà lo thuốc thang cho người bị nạn. Tiếp đó con mất, vợ ly dị. Cuối tháng 1-2009, trong lúc mua heroin tại chân cầu vượt ngã tư An Sương, T. bị bắt và đưa đi cai nghiện.

Trước khi trở thành tài xế xe khách, Tuấn (ngụ ở Nghệ An) là thợ sửa xe giỏi của một công ty cổ phần xe khách ở Nghệ An. Lần nọ Tuấn được anh tài xế mời một “bi” vì đã sửa giùm xe cho anh ta. Tưởng thử cho biết, không ngờ nghiện thật. Đến khi cầm lái, Tuấn đã nghiện nặng. Mới đây, trong lúc đang chích ma túy trước bãi xe Tây Nam thì Tuấn bị công an phát hiện, bắt giữ. Chúng tôi hỏi sau khi cai nghiện còn dám thử cho biết nữa không, Tuấn đáp tỉnh rụi: “Chưa biết, tới đâu hay tới đó”.

Không chỉ trẻ người non dạ, ngay những tài xế thuộc hàng “cha chú” cũng rơi vào trò nghiện ngập. Ông Q., 53 tuổi, quê Thanh Hóa, tài xế container chở hàng đông lạnh từ TP.HCM đi Lạng Sơn. Gần 20 năm cầm lái, ông không biết đến một điếu thuốc. Vậy mà gần đến lúc giải nghệ ông bị cánh tài xế trẻ “dìu dắt” vào con đường nghiện ngập. Tiền lương gần 8 triệu đồng/tháng không đủ cho ông Q. “nuốt” ma túy. Bị vợ phát hiện, dọa ly dị ông Q. mới chịu đi cai nghiện. Được một thời gian ngắn rồi đâu lại vào đấy.

------------------------------------

*Tin bài liên quan:

Hiểm họa tài xế nghiện ma túy - Bài 1:Tranh thủ “phê” rồi mới... ôm lái Hiểm họa tài xế nghiện ma túy - Bài 2:Cần tài xế, tuyển cả người nghiện!

HOÀNG KHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên