Cô sinh viên yêu đời ấy là Nguyễn Thị Thanh Loan - sinh viên năm 4 lớp chất lượng cao ngành văn học và ngôn ngữ (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) - cũng là một bệnh nhân ung thư ruột.
Loan cười: “Mấy bé bắt Loan ngày nào cũng kể. Thế là mình nghĩ ra câu chuyện của những động vật trong khu rừng xanh kể cho chúng, vừa kể lại vừa suy nghĩ tình tiết tiếp theo”. Từ những câu chuyện ấy, trên giường bệnh Loan đã viết thành tập sách dài 13 chương với tựa đề Bí mật Yokdon. Cuốn sách sẽ được nhà xuất bản Kim Đồng phát hành trong thời gian tới.
Cô học sinh giỏi văn cấp quốc gia
Sinh ra và lớn lên giữa đại ngàn Tây nguyên, cả nhà Loan sống nhờ ruộng lúa và một rẫy nhỏ cà phê. Là chị cả của ba chị em, Loan luôn gánh vác những công việc nặng nhọc của gia đình. Nhà nghèo, cha lại bị bệnh nặng, ngoài giờ học Loan gặt lúa, làm cỏ thuê, bán từng bó rau... Khó khăn là vậy nhưng Loan vẫn học tốt, đặc biệt cô say mê môn văn ngay từ những năm học cấp II.
Lớp 8, cô học trò nhỏ đã có bài đăng trên báo Thiếu Niên Tiền Phong, báo Đắk Lắk. Trong hai năm học lớp 8 và lớp 11 Loan đã đoạt giải nhì môn văn cấp tỉnh. Năm lớp 11, 12 Loan “rinh” giải nhì và khuyến khích cuộc thi giỏi văn quốc gia, giải thưởng Nữ sinh VN 2006.
Cũng trong năm lớp 11, những truyện ngắn viết về thiếu nhi của Loan đã được Nhà xuất bản Kim Đồng chọn in chung trong bộ sách Bờ rào đá nở hoa. Sau đó, hai tác phẩm Vương miện cho ai, Lửa sáng trong sương tiếp tục đến với công chúng.
Mùa hè năm 2007, Loan được tuyển thẳng vào Trường ĐH Khoa học và xã hội nhân văn TP.HCM, lớp cử nhân tài năng chuyên ngành văn học và ngôn ngữ.
Kiên cường trước bệnh tật
Đầu năm 3 Loan vướng vào căn bệnh quái ác. “Lúc có kết quả kiểm tra sinh thiết, chụp CT ở Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, Loan sững sờ không tin khi mình còn trẻ với biết bao dự định chưa thực hiện. Cả hai mẹ con đã cùng khóc” - Loan nhớ lại về lần duy nhất cô cảm thấy mất hết niềm tin vào cuộc sống.
Khi tôi gặp Loan, ấn tượng nhất vẫn là nụ cười luôn thường trực trên môi. Ở bệnh viện, Loan thường đi trò chuyện với những người đồng cảnh ngộ. Loan cho biết: “Loan thấy mình còn may mắn chứ nhiều người tội lắm anh à”. Rồi Loan kể về những bệnh nhân phải nằm một mình không ai chăm sóc. Thương nhất vẫn là những đứa trẻ bị ung thư máu: “Tội mấy đứa nhóc lắm, chúng bé xíu có biết mình bị bệnh gì đâu. Nhiều đứa lại thấy vui vì nằm viện không phải đi học... Chính sự hồn nhiên của mấy nhóc làm Loan thấy phải lạc quan về căn bệnh của mình” - Loan tâm sự.
Loan kể về hai tấm gương trong bệnh viện ung bướu mà cô rất khâm phục, đã truyền nghị lực sống mãnh liệt cho cô. Là chị Xoan bị ung thư xương phải cưa chân nhưng vẫn đều đặn đi học đi thi, tiếc thay một tuần sau ngày thi thì chị mất... Là nghệ sĩ chèo Vũ Tâm, ngày điều trị ung thư vòm họng nhưng tối vẫn cố gắng đi hát, đi dạy vì lòng yêu nghề, lòng tự trọng, quyết không nhận trợ cấp...
“Em sẽ sống lạc quan...”
Chỉ còn nửa năm nữa cô sinh viên nhỏ nhắn, có nụ cười hiền hậu ấy sẽ ra trường với biết bao ước mơ và hoài bão của tuổi 22.
Dù rất mệt mỏi sau những đợt hóa trị, nhưng mỗi khi được về nhà Loan lại dành thời gian viết truyện. Loan khoe: “Nhà xuất bản Kim Đồng sẽ phát hành bộ truyện thiếu nhi Bí mật Yokdon, kể về những con vật yếu thế với khát khao chiến thắng những con thú ăn thịt nhằm mang lại cuộc sống thanh bình cho khu rừng”.
Mỗi tuần dù phải vào bệnh viện khám và truyền thuốc vài lần, Loan vẫn cố gắng không bỏ buổi thi nào. Mẹ Loan thương con, cứ khuyên con nghỉ học để tập trung trị bệnh, nhưng Loan hiểu nghỉ học có nghĩa là buông xuôi, quay lưng với niềm tin yêu cuộc sống...
“Em ước mơ ra trường sẽ là một biên tập viên hay phóng viên nhưng chẳng biết có đủ sức khỏe đến lúc ấy không...”, Loan nhìn xa xăm và kể về ước mơ của mình. Thời gian qua, ngoài việc đến bệnh viện điều trị và học thi, khi rảnh Loan vẫn cặm cụi viết những chương cuối cùng của tập truyện ngắn Sự trở về của chiếc bát cổ dài 30 chương về thế giới đồng tính.
Giảng viên Lê Na - cô giáo chủ nhiệm của Loan - cho biết: “Lúc nào Loan cũng thật tươi tắn khi đến trường. Nghị lực của Loan đã làm những người bạn trong lớp rơi nước mắt. Một cô gái thật mạnh mẽ”.
Cách đây vài ngày, cơn đau tái phát khiến Loan mệt nhiều và phải nhập viện. Câu lạc bộ Nữ sinh của Trường ĐH Khoa học và xã hội nhân văn TP.HCM cũng vừa tìm đến căn phòng trọ nhỏ Loan đang ở, tặng cô 1.000 con hạc giấy do các bạn gấp. Đó là những lời cầu chúc của mọi người, mong mọi may mắn sẽ đến với Loan - cô nhà văn trẻ giàu nghị lực...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận