Khuôn viên của ĐH Thanh Hoa, Trung Quốc - Ảnh: NIKKEI
Tuần san Times Higher Education, Anh công bố bảng xếp hạng đại học (ĐH) tốt nhất toàn cầu (World University Rankings 2019) ngày 26-9, theo đó ĐH Oxford (Anh) vẫn giữ ngôi quán quân và ĐH Cambridge là á quân năm thứ 2 liên tiếp.
Chiếm đa số trong nhóm dẫn đầu là các ĐH của Anh, Mỹ. Tuy nhiên đây là lần đầu tiên kể từ năm 2011 - năm bắt đầu công bố bảng xếp hạng ĐH toàn cầu của tạp chí giáo dục Times Higher Education, một trường ĐH Trung Quốc giành vị thế đứng đầu châu lục.
Tăng cạnh tranh chất lượng giáo dục
Như vậy là ĐH Quốc gia Singapore (NUS) sau 3 năm liên tục là đại học tốt nhất châu Á (2015-2018), đã phải nhường "ngôi vị" đó cho ĐH Thanh Hoa. Ngôi vị này suốt 4 năm, từ 2011-2015, từng thuộc về ĐH Tokyo của Nhật.
ĐH Thanh Hoa ra đời năm 1911, có trụ sở tại thủ đô Bắc Kinh với nhiều khoa đào tạo khác nhau, từ báo chí, nghệ thuật tới thiết kế, hàng không. Sự "lên ngôi" của ĐH Thanh Hoa có nguyên nhân phần lớn là những tiến bộ đáng kể trong môi trường giảng dạy.
Trang web của tạp chí Times Higher Education dẫn quan điểm của ông Simon Marginson, giáo sư về giáo dục ĐH tại ĐH Oxford kiêm giám đốc Trung tâm giáo dục ĐH, cho biết ông "không ngạc nhiên" trước sự tiến bộ của ĐH Thanh Hoa.
"Họ dễ dàng trở thành ĐH số 1 thế giới về mức độ được trích dẫn nhiều các nghiên cứu về toán học và điện toán, một lĩnh vực kết hợp mà Trung Quốc hiện đã vượt trước Mỹ và châu Âu. Họ đang ở gần đỉnh cao nhất của thế giới và phát triển rất nhanh trong khoa học vật lý và kỹ thuật" - ông nói.
Bà Ellie Bothwell, biên tập viên tham gia thực hiện bảng xếp hạng ĐH, cho rằng việc tụt hạng của NUS là vì "mức sụt giảm nhẹ trong mức độ trích dẫn (các công trình nghiên cứu), sự chia sẻ số sinh viên quốc tế và việc gia tăng cạnh tranh toàn cầu".
Thu hút tài năng
Ngôi thứ của ĐH Thanh Hoa năm nay ghi nhận một bước tiến đáng kể của họ khi vượt thẳng 8 bậc để lên tới vị trí thứ 22 trong số các trường tốt nhất thế giới, vượt qua NUS một bậc.
Điều này cũng có nghĩa ngay tại Trung Quốc, Thanh Hoa đã trở thành quán quân mới, vượt qua ĐH Bắc Kinh khi trường này lần đầu tiên tụt 4 bậc, xuống thứ 31 trong bảng xếp hạng.
ĐH Thanh Hoa cũng đã vượt một số ĐH hàng đầu của một số nước phương Tây như Trường Kinh tế và khoa học chính trị London, ĐH New York.
Riêng trong lĩnh vực nghiên cứu, ĐH Thanh Hoa cũng giành vị trí thứ 6, cao hơn các trường danh tiếng của Mỹ như Princeton, Yale và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT).
Có một thực tế, ngoài sự vươn lên đáng chú ý của ĐH Thanh Hoa, năm nay Trung Quốc có 72 trường ĐH lọt vào bảng xếp hạng, năm ngoái là 63. Họ cũng là nước có số trường nhiều thứ 4 trong danh sách.
Ngoài Thanh Hoa, ĐH Chiết Giang cũng thăng hạng ấn tượng, vượt 76 bậc lên vị trí 101 nhờ thay đổi tích cực đáng kể trong các chỉ số quan trọng như thu nhập nghiên cứu, khối lượng công trình nghiên cứu, tỉ lệ sinh viên quốc tế theo học.
Ông Phil Baty, giám đốc phụ trách xếp hạng toàn cầu của tuần san Times Higher Education, cho rằng thực tế mới chứng tỏ Trung Quốc "đã đặt các trường ĐH vào trung tâm chiến lược phát triển kinh tế quốc gia của họ".
Cũng theo ông Baty, "công thức thành công" của Trung Quốc có nhiều yếu tố, song đáng kể nhất là "sự tập trung cao độ" trong việc thu hút và giữ chân những tài năng xuất sắc nhất thế giới".
Giáo sư Simon Marginson cũng có quan điểm tương đồng về vấn đề này khi nhận định: "Lúc này rất nhiều người trong số các nhà khoa học vật lý xuất sắc nhất thế giới muốn đến làm việc tại ĐH Thanh Hoa, giống như họ từng muốn tới những nơi như MIT, ĐH Berkeley hay Cambridge".
Việt Nam vắng bóng
Năm nay Nhật Bản vượt Anh trở thành nước có số trường ĐH nhiều thứ 2 trong bảng xếp hạng với 103 trường, Anh có 98 trường.
Pháp lần đầu tiên, kể từ năm 2011, có 50 trường. 86 nước có trường ĐH có tên trong bảng xếp hạng, trong đó những nước lần đầu góp mặt là Iraq, Jamaica, Nepal, Tanzania và Kazakhstan. Việt Nam không có ĐH nào trong danh sách này.
10 trường dẫn đầu bảng xếp hạng ĐH tốt nhất thế giới năm 2019 của tạp chí Times Higher Education theo thứ tự là: Oxford (Anh), Cambridge (Anh), Stanford (Mỹ), Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), Viện Công nghệ California (Mỹ), Harvard (Mỹ), Princeton (Mỹ), Yale (Mỹ), Imperial College London hay còn gọi là ĐH Hoàng gia (Anh) và Chicago (Mỹ).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận